Vì sao Em chết đau đớn?

Lò Văn Củi

15-7-2018

Do có công việc, tôi thức dậy khá sớm. Chưa mấy người thức dậy lúc này, đó đây vài người tập thể dục, vài người đi lại chuẩn bị cho buổi buôn bán ban mai… Bầu trời rất bình yên, không khí trong lành, mát dịu. Một buổi sáng thiệt đẹp!

Nhưng chưa kịp hít thở, tận hưởng một ngày đẹp thì nó bị tiêu tan mất. Cô Tư Bún Bò đi chợ sớm về ngang, dừng lại hỏi:

“Anh hay gì chưa?”

“Chưa cô à, có chuyện gì hả?” Tôi hỏi lại.

Cô Tư đáp:

“Dạ, Em nó đi rồi! Tư dậy đi chợ thì hay tin. Em đi lúc 2 giờ khuya”.

Cô nói nho nhỏ và dẫu biết rằng rồi Em sẽ mất, Em đang nằm chờ thần chết đến đưa đi mà, nhưng nghe tin vẫn bị điếng hồn, đau đớn tâm can. Ruột gan rối bời, tôi và cô Tư đứng lặng yên, chẳng nói được câu nào. Chập sau tôi mới lên tiếng được, rằng sẽ qua coi chuẩn bị hậu sự ra sao. Tôi cũng nói nho nhỏ nhưng coi bộ sự thanh bình của bầu trời đã bị xé tan. Sự yên ả vẫn còn đó, nhưng nthanh bình thì không. Những câu chuyện đau thương như thế này xảy ra thường xuyên đã cướp mất sự thanh bình rồi chăng? Có lẽ là vậy.

***

Em đẹp người đẹp nết, nhất là tấm lòng bao dung, hay giúp đỡ người khác. Bà con trong cái xóm nhỏ nghèo này, những ai trên cái tuổi đôi mươi của Em đều nói như vậy. Em, bà con xóm giềng kêu nghe thân thương, trìu mến lắm, đủ biết em dễ thương chừng nào. Tôi xin phép viết hoa, coi như là tên riêng và tri ân Em luôn vậy.

Mười mấy tuổi đầu Em đã tự động xin tới quán cà phê trong xóm phụ việc nhằm đỡ đần phần nào cho cha mẹ nghèo. Ngộ lắm, vẫn ly cà phê đó nhưng Em bưng ra mọi người uống lại cảm thấy ngon hơn, ấm áp tình người hơn. Và rảnh rỗi giờ nào, Em lại tranh thủ sang nhà cô Sáu Thợ May học may vá, thêu thùa.

Một câu chuyện in sâu vô tâm trí tôi: Tôi gặp và khen hai cha con chú Tám Xích Lô bảnh tỏn trong ngày tựu trường, thằng bé sáng mắt lên khoe bộ đồ tươm tất, đẹp đẽ được Em may cho. Còn chú Tám thì không giấu đôi mắt rưng rưng: “Hôm bữa tui qua xin gởi tiền vải trước, Em nó lắc đầu, nói vải dư vải thừa, chắc mót chú ơi, thằng nhỏ có tốn bao nhiêu vải đâu, rồi tới bữa hỏi tiền công thì nó lần lữa, giả bộ quên, giả bộ quên hoài đó anh”. Hôm đó tôi vui lắm, cũng khó mà không rơm rớm như chú Tám.

Rồi Em tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Chắc chắn đó là thực lực của Em, bởi Em thân cô thế cô, có phải con ông cháu cha đâu, và Em làm gì có tiền để mua tước mua danh trong cái xã hội kim tiền, quyền thế đứng đầu hiện nay.

Tôi xin viết ra vài điều nhỏ nhoi về Em như thế, không cần mỹ từ đề cao tự hào như cách giáo dục ngày nay và không cần dông dài, hẳn quý vị cũng đã mường tượng được tấm lòng Em rồi. Tấm lòng bình dị mà cao thượng.

Ấy vậy mà, cuộc đời thật trớ trêu. Hớn hở cầm tấm bằng chưa được bao lâu, chưa kịp làm hồ sơ xin việc, thì tin sét đánh giáng xuống cả xóm chứ không chỉ riêng mình Em. Em bị ung thư ở giai đoạn cuối, trước giờ không phát hiện. Ung thư, căn bịnh quái ác ngày càng nhiều, ngày càng hoành hành con người ở cái xứ sở này.

Tôi viết những dòng kế tiếp đây là một thực tế, tôi không có khả năng viết những câu chuyện như phim Hàn Quốc, và thiệt tình, câu chuyện không hề có tình tiết éo le, gay cấn rồi kết thúc có hậu.

Mang căn bịnh ung thư, dù cho ở tuổi thanh xuân phơi phới, tràn đầy sức lực, đề kháng mạnh mẽ, cũng không thể chống chọi, coi như đã mang bản án tử dù không tội tình gì. Chưa đầy 6 tháng sau, bịnh viện hết phương cách cứu chữa, Em phải về nhà chờ ngày ra đi như tục lệ của Ông Bà ta.

Những tưởng Em sẽ ra đi thanh thản như cả xóm cầu nguyện, nhưng một lần nữa lại phải mang đau đớn tận cùng cho tới lúc trút hơi thở cuối cùng, bởi không thể mua được thuốc đặc trị, thuốc có morphine giảm đau. Mọi người tới thăm, Em cố kìm nén cơn đau, cắn răng chịu đựng để yên lòng mọi người, nhưng rồi không thể, phải hét lên, quằn quại trong chút sức lực yếu ớt còn lại. Ai cũng hiểu, cũng thấu cảm, khối u ác tính nó di căn tới tận xương tủy, chúng như những đám dòi bọ lúc nhúc rỉa rói, thì làm sao chịu nổi!

***

Khốn nạn thay! Tôi tìm hiểu thì biết được bị thiếu thuốc là do vướng nghị định của nhà nước. Nghị định số 54/2017/NĐ-CP, ký ngày 08/05/2017, ban hành chung chung về quy định: Chứng chỉ hành nghề dược; kinh doanh dược; xuất khẩu, nhập khẩu thuốc; đăng ký lưu hành dược liệu, tá dược, vỏ nang;… có hiệu lực từ tháng 1/2018. Do chung chung, khi có nghị định thì lại phải có các thông tư hướng dẫn, nhưng với kiểu cách quan liêu, nên các thông tư chẳng dễ thấy xuất hiện. Chẳng hạn như quy định về GSP (Thực hành tốt bảo quản thuốc) sửa đổi thì… đang dự thảo, mà chiếu theo nghị định 54, hiện tại nhà thuốc bịnh viện khó lòng bán morphine, bởi cần kho riêng đạt tiêu chuẩn GSP.

Trung tuần tháng 7 này, thuốc vẫn khan hiếm. Nói khan hiếm bởi vẫn có các loại thuốc tương ứng, nhưng giá gấp chục lần trở lên. Một gánh nặng lại đè lên gia đình bịnh nhân vốn đã nghèo vì căn bịnh quái ác này.

Tôi đem chuyện hỏi anh Hai Sài Gòn, một người thông tuệ ẩn danh, chẳng cần học hàm học vị giáo sư, tiến sĩ như hàng vạn các vị đương thời nhưng rất nhiều kẻ dốt đặc cán mai. Anh hỏi lại:

“Chú có tin số phận?”

Có, tôi có tin. Anh nói tiếp:

“Có số phận và có cải số. Cho nên người ta mới cải tà quy chánh, người ta mới tìm đến điều thiện, làm việc tốt… Nhưng hiện tại, có một lũ quan khốn kiếp, chúng luôn luôn nhân danh nhân dân, chẳng hạn như nhân danh sức khỏe của nhân dân để ban hành nghị định này nọ, thực chất chúng chỉ vụ lợi riêng, vì lòng tham chúng bất chấp tất cả, chúng chỉ chăm bẵm làm sao để giàu sang, như vụ khan hiếm thuốc ngoài sự quan liêu, vô cảm chẳng đoái hoài tới nỗi khổ của dân, còn có thể chúng tạo ra như vậy để nâng giá, để buôn lậu…”

Tôi đã có câu trả lời. Có thể Em chết trẻ vì số phận, nhưng Em phải gánh sự đau đớn và chưa cải được số mình là từ những bọn quan lại khốn nạn, khốn kiếp. Chúng muốn cải số của dân. Tôi cũng tin, rồi đây dân chúng sẽ nhìn thấy rõ bộ mặt bẩn thỉu của chúng, chúng sẽ bị cải số. Nhưng tất cả là để có một xã hội tốt đẹp hơn, chứ không phải để trả thù!

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Ở Đức tôi biết 1 câu chuyện 1 người Việt Nam sống ở Séc nhưng khi lâm bệnh nặng chạy sang Đức lý do chắc là tin ở đây họ nhân đạo chữa chạy và cuối cùng được họ chữa chạy thật. Bệnh tình ung thư hủy hoại các cơ quan nội tạng và đâu đớn thì chắc không thể chịu được nếu không có thuốc giảm đau (phần lớn thuốc dán tẩm Cocain) để dán vào vai. Chưa kể 1 ngày chữa đã tốn bao nhiêu tiền nhưng như đã thấy thực tế 1 bệnh viện chữ thập đỏ kinh tế cơ bản độc lập nhưng đã đảm nhận bệnh nhân không có danh hiệu lưu trú và là … „người nước ngoài“ vì đơn giản đó là 1 con người! Chừng nào ở VN lý thuyết không quá xa hay không đúng với thực tế – vì Hiến pháp 2013 cũng xác định khá rõ: thì lúc đó mới không còn tình trạng Hiến pháp nói 1 đằng mà luật rồi văn bản dưới luật làm trái hết cả với Hiến pháp mà chả có quan quan nào quan tâm điều này!

  2. Ở Đức tôi biết 1 câu chuyện 1 người Việt Nam sống ở Tiệp nhưng khi lâm bệnh nặng chạy sang Đức lý do chắc là tin ở đây họ nhân đạo chữa chạy và cuối cùng được họ chữa chạy thật. Bệnh tình ung thư hủy hoại các cơ quan nội tạng và đâu đớn thì chắc không thể chịu được nếu không có thuốc giảm đau (phần lớn thuốc dán tẩm Cocain) để dán vào vai. Chưa kể 1 ngày chữa đã tốn bao nhiêu tiền nhưng như đã thấy thực tế 1 bệnh viện chữ thập đỏ kinh tế cơ bản độc lập nhưng đã đảm nhận bệnh nhân không có danh hiệu lưu trú và là … „người nước ngoài“ vì đơn giản đó là 1 con người! Chừng nào ở VN lý thuyết không quá xa hay không đúng với thực tế – vì Hiến pháp 2013 cũng xác định khá rõ: thì lúc đó mới không còn tình trạng Hiến pháp nói 1 đằng mà luật rồi văn bản dưới luật làm trái hết cả với Hiến pháp mà chả có quan quan nào quan tâm điều này!

Leave a Reply to Bệnh nhân VN đến từ Séc Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây