Giáo dục không chính trị

Nguyễn Nam Dương

7-7-2018

Tôi hỏi thầy mình tại sao ngành báo chí chỉ nói về Vũ Trọng Phụng, Tam Lang trong khi báo chí là trong Nam ra nhưng hầu như sinh viên báo chí không hề được học hoặc nghe nhắc đến những cây bút, sản phẩm báo chí trước 1975 ở miền Nam.

Thầy cười và viết lên bảng lô lốc những quyển sách mà tôi có thể biết được góc khuất mà câu hỏi tôi vừa nêu. “Nội dung anh hỏi không nói ở đây”, thầy nói.

Cũng như nhiều học sinh trên đất nước Việt Nam, tôi không hề biết đến một trời thương nhớ văn học miền Nam trước 1975 không tồn tại trong sách giáo khoa. Những cái tên làm nên nền văn học miền Nam và văn học Việt Nam thời Việt Nam Cộng hoà như: Thanh Tâm Tuyền, Trần Dạ Từ, Du Tử Lê, Bùi Giáng, Nhã Ca, Mai Thảo, Duyên Anh… chưa bao giờ là một giá trị trong thời phổ thông.

Lứa học sinh chúng tôi, dẫu có ghét con mụ Đào đến thế nào thì cũng ráng đọc cho xong Mùa Lạc của Nguyễn Khải. Chúng tôi hận con sông Đà tận xương tủy nhưng vẫn thả những tình cảm giả dối trong những bài bình giảng, phân tích, chứng minh nó như cái cảm xúc ôn vật mà ông cố nội Nguyễn Tuân viết dở tệ trong tuỳ bút Người lái đò sông Đà.

Bởi đó đều là chính trị trong giáo dục.

Ở Việt Nam, ai cũng bảo không quan tâm chính trị nhưng nơi sinh hoạt chính trị sớm nhất chính là học sinh tiểu học.

Đó là khi bạn vui sướng choàng lên vai chiếc khăn quàng đỏ thắm. Để quàng nó, bạn phải là đội viên gương mẫu, học sinh khá, hạnh kiểm tốt, nghe lời thầy cô. Bạn sẽ vô cùng tự hào khi nói về ý nghĩa chiếc khăn quàng và bạn sẽ là đội viên. Nhưng bạn đã không nghĩ đó là hình thái đầu tiên của cấu trúc chính trị mà bạn đã bước vào.

Tôi đã từng vui như thế khi là đoàn viên thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh. Tôi đã cố học thuộc bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng của Phong Nhã. Tôi đã không nghĩ đó là chính trị nhưng sự thật, thầy cô giáo và thể chế đã nhồi nhét chúng quá sức tưởng tượng của tôi ngày ấy.

Đó cũng là cách vận hành khi tôi là đoàn viên Thanh niên. Và chính trị vẫn theo tôi, thế hệ tôi suốt thời hoa niên thơ mộng đầy ngây ngô.

Công việc những tháng ngày còn là học sinh của tôi là vô rừng kiếm củi và mót mì (sắn). Những hôm về trễ và đến lớp muộn sau 12h45’ chiều sẽ bị cờ đỏ điểm danh và sẽ bị thầy chủ nhiệm phạt cuối tuần. Nhiều lần tôi thuộc trường hợp đó vì sự trễ trong công việc nhà và học hành.

Tuy nhiên, ở nơi mà bạn của bạn có thể giám sát bạn thì đó là một cơ chế chính trị đấy. Đó là một hệ thống chính trị man rợ chỉ mang đến những đòn tra tấn trên lớp học mỗi chiều thứ Bảy hàng tuần.

Chính trị trong giáo dục thời xã hội chủ nghĩa khắc nghiệt và đầy bất công. Nơi đó, bạn sẽ phải sợ đội cờ đỏ của lớp khác. Nơi đó, bạn không được trái với những gì mà cái hệ thống chính trị chết tiệt đó đặt ra.

Để tránh nó, rất dễ, bạn hãy dối trá. Hãy hối lộ thằng cờ đỏ, hoặc chơi thân với nó hoặc năn nỉ nó. Bất cứ thứ giả dối nào, bạn vẫn có thể làm. Nhưng cuối cùng, bạn không bao giờ nghĩ sẽ thay đổi cái hệ thống chính trị khốn kiếp đó trong trường học.

Tôi đã từng như thế, tôi biết.

Hàng thế hệ lớn lên mà không hề biết, thật ra, chính trị trong giáo dục đã ghê tởm như thế nào. Nơi đó chất chứa đầy lòng thù hận và dối trá. Nơi đó, học sinh đã phân cấp, phân quyền rất rõ ràng như một mô hình xã hội chủ nghĩa mà theo cách gọi tuyên truyền là những con người mới xã hội chủ nghĩa.

Điều 10, Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà 1965 nêu, giáo dục được tự trị. Nơi đó, học sinh được tôn trọng và chính trị phải được cách ly. Thế cho nên, đến giờ này, những người mà tôi gọi là cô, chú nếu học ở Văn Khoa, Vạn Hạnh thì họ luôn tự hào. Tôi cũng ngưỡng mộ họ mặc dù tôi cũng ngồi đúng cái vị trí mà họ đã từng ngồi trước đó.

Điều làm nên khác biệt chính là, giáo dục thời trước đã đặt ra giới hạn chính trị can thiệp vào giáo dục. Mọi định hướng chính trị không bao giờ là tốt trong môi trường sư phạm.

Ngày nay, Việt Nam xã hội chủ nghĩa loay hoay cải cách nhưng họ đã chưa bao giờ loại cái chính trị ra khỏi trường học. Cho nên, sách giáo khoa vẫn cứ địch thua ta thắng, kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, thứ hai trong các bài toán đố… trong khi, mạng xã hội thì rủa xã nó không thương tiếc.

Giáo dục tự trị ở Việt Nam xã hội chủ nghĩa ư? Chờ khi nào xuống hố cả nút đi, sẽ thành hiện thực.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Tiên Sinh, Thái Bá Tân.

    Trên cổng một trường nọ
    Ở Nam Phi, người ta
    Khắc câu nói nổi tiếng
    Của Nelson Mandela.

    “Muốn hủy diệt một nước,
    Không cần bom hạt nhân.
    Tên lửa và đại bác,
    Tàu chiến cũng không cần.

    Chỉ cần ngành giáo dục
    Của nước ấy suy đồi.
    Chuẩn thấp, chất lượng thấp
    Gian lận điểm và rồi

    Các bác sĩ nước ấy
    Sẽ giết chết bệnh nhân,
    Và các nhà chính trị
    Hoang phí tiền của dân.

    Mua bằng, gian lận điểm,
    Kỹ sư, nhà mới xây
    Nứt lún hoặc sụp đổ,
    Hoặc thẩm thấu suốt ngày.

    Cũng vì lý do ấy,
    Trong tay các quan tòa
    Công lý bị bóp méo,
    Gây hậu quả xót xa.

    Khi giáo dục xuống cấp,
    Trí thức thành lưu manh.
    Tôn giáo sẽ xung đột.
    Đất nước sẽ chiến tranh.

    Vì vậy, để sụp đổ
    Ngành giáo dục nước nhà,
    Tức là tự cho phép
    Sụp đổ một quốc gia.

    Nguồn Mạng.

  2. Thời VNCH môn Việt văn gồm có Kim văn (văn xuôi) và Cổ văn (văn vần),trong các giờ học môn này đối với HS thực sự rất hấp dẫn và còn có tác dụng thư giãn đầu óc bớt căng thẳng ,vì những bài văn mẫu trích dẫn từ những tác giả của Tự Lực Văn Đoàn với lối hành văn trong sáng tình cảm nhẹ nhàng dễ đi vào lòng người(ví dụ như bài Tôi đi học của Thanh Tịnh) và những bài văn vần với những điển tích là những câu chuyện đi kèm hoặc những bài thơ của N Bính,Tế Hanh,XD,HC….Nội dung học hướng tới việc giúp HS yêu thích và viết văn hay hơn mà kg có một áp đặt chính trị nào.Ngay cả HPN Tường khi trả lời phỏng vấn trong “Đùa thôi nhé thiên đường mộng ảo” cũng phải thừa nhận những năm học văn khoa thời VNCH đã giúp ô viết văn,bút ký hay như vậy

  3. (trích)”… Hàng thế hệ lớn lên mà không hề biết, thật ra, chính trị trong giáo dục đã ghê tởm như thế nào…., Hiến pháp Việt Nam Cộng hoà 1965 ….giáo dục được tự trị. Nơi đó, học sinh được tôn trọng và chính trị phải được cách ly. Thế cho nên, đến giờ này, những người mà tôi gọi là cô, chú nếu học ở Văn Khoa, Vạn Hạnh thì họ luôn tự hào. Tôi cũng ngưỡng mộ họ ….”( hết)
    ———
    Hoàn tàn chính xác ! Người dân VN ta vẫn chưa nhận thức được sự tàn phá và hủy diệt của chiến lược tẩy não với “ chính trị hóa Giáo dục” ( HCM -Tố Hữu làm chuyện này đặc biệt giỏi và chuyên nghiệp , hơn cả Phát xít / Staline & Mao…)

    Quá khứ của tác giả làm nhớ đến một bài viết ‘đầy nước mắt’ của một cô sinh viên gần đây – cũng ở mội trường ấy, nhưng con người đã hóa gỗ đất…Nhân đây, nếu có vào đọc, xin phép được gởi đôi lời, đến cô sinh viên Trương thị Hà và các bạn HS/ SV đồng trang lứa :

    “ Xin hãy mạnh mẽ lên, xin hãy đừng bao giờ ‘khóc’ trước những chuyện như thế nữa !”

    Hãy đọc lại cuộc đời và sự nghiệp của Hai bà Trưng, bà Triệu…các bật anh thư nữ kiệt VN ấy đã biết rất rõ, nước mắt sẽ không giúp được gì ! Gần hơn, hãy nhìn Phương Uyên : “Đảng Cộng sản, đi chết đi !“, hãy nhìn nhóm bạn Hoàng Phúc…vv, nhiều, nhiều lắm, ngày càng nhiều những người trẻ mạnh mẽ và hiểu biết như thế. Họ là những học sinh sinh viên trẻ tuổi đang mạnh mẽ, cương quyết dấn thân, đứng lên làm theo lời ông cha ta ‘thà chết vinh còn hơn sống nhục” !

    Sinh viên và tuổi trẻ VN, hãy lau nước mắt đi mà mạnh mẽ lên, cứu chính tương lai mình, gia đình mình và chung tay tranh đấu cùng cả cộng đồng dân tộc VN ! Rồi đây ,sớm muộn gì thời cuộc sẽ chuyển đến các em , khi ấy còn nhiều gánh nặng khác nữa sẽ còn tràn đến với thế hệ các em. Thế thì hãy can đãm lên, nắm lấy tay nhau ,ngẩn cao đầu cùng tranh đấu cho tương lai chính thế hệ mình và thế hệ sau nữa ! Yếu đuối, van xin, than trách … thì không thể thực hiện các hoài bảo tốt đẹp cho mình, cho gia đình cho cộng đồng được, mọi thứ đều có cái giá phải trả !

    Hãy cùng nhìn một sự thật tệ hại để biết cười vào chúng . Chẳng hạn, hiện trạng Xã hội và Con người VN thế này, thì e rằng chính các em mới là người phải mang can đãm và dũng khí đến cho các “thầy cô giáo XHCN” ấy , không nên có ý trông đợi chuyện ngược lại ! Họ có những kiến thức hữu ích, những tư tưởng đúng đắn và lý thú, hãy học ở họ và tôn trọng họ ,biết ơn họ. Khi họ bị đè nén, các em đứng bên họ, họ cô đơn các em tỏ ra thông cảm và thường xuyên thăm viếng. Khi họ tham lam, các em cùng phụ huynh cản trở họ, khi họ sai lầm và ngu dốt, hãy phản đối đừng chấp nhận họ đứng trên bục giảng. khi họ hờn lẫy lên lớp không giảng bài, các em hãy mạnh mẽ phản đối. Khi họ gian xảo , hèn hạ , hành vi đê tiện, các em cùng nhau lên tiếng để dạy họ cách sống, cách đối xử…vv

    Rất tiếc, xã hội VN XHCN- mọi giá trị ,và vì thế, mọi vai trò đều …nghịch đảo ! Hãy cười vào chúng và thay đổi chúng !
    Chính các em bằng hành động mạnh mẽ, trí tuệ, sáng tạo của mình , mới có thể giúp cho họ lấy lại phần nào….nhân phẩm và tư cách người thầy ! Là những …’đưa trẻ già’ đã tê liệt ý chí, họ chỉ có thể bớt thói sống hèn đi, nếu các em không chỉ tôn trọng mà còn mạnh mẽ/ thành thực yêu thương họ …chỉ dạy cho họ !
    Hãy tôn trọng và yêu thương các nhà giáo XHCN- Họ và các em đều là nạn nhân, nhưng chính các em mới là nơi nương tựa của họ !

  4. Hai câu cuối cùng hay qúa là hay,không thể hay hơn được !
    Bởi vì giáo dục XHCN.chỉ nhằm CHẾ TẠO ra những con người – robot.làm sao có
    thể cho phép tự trị được như VNCH.trước 1975 cơ chứ ?

Leave a Reply to Marx ghẻ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây