Sinh viên Trương Thị Hà và TS. Phạm Tấn Hạ

FB Lê Tuấn Huy

2-7-2018

TS Phạm Tấn Hạ (trái) và SV Trương Thị Hà. Ảnh trên mạng

Từ tối ngày 29/06/18, “thư ngỏ” của sinh viên Trương Thị Hà gửi Hiệu phó Trường ĐHKHXH&VN HCM Phạm Tấn Hạ được công bố. Nếu tường trình của Trương Thị Hà là hoàn toàn đúng, thì:

1. Ba sai lầm của TS. Phạm Tấn Hạ

1.1. Đến Tao Đàn theo yêu cầu của CA

Trừ trường hợp đã có thông tư liên tịch giữa Bộ GD và Bộ CA, quy định người của BGH phải lập tức đến khi có yêu cầu miệng của CA, bất kể giờ giấc, bất kể địa điểm, bất kể sự vụ – tức kiểu quy định buộc các trường đại học phải đương nhiên phủ phục tuyệt đối CA – thì Phạm Tấn Hạ (& BGH nói chung) đương nhiên có quyền không đi đâu cả khi có cuộc gọi. Mà cho dù đã có bất kỳ văn bản nào như thế, hay tương tự như thế, thì lựa chọn giữa quyết định đến hay không cũng là một khả năng.

1.2. Để cho CA hết lần này đến lần khác gọi sinh viên là “con đĩ” này, “con điếm” kia mà không một lần chỉnh đốn họ (chẳng hạn, chỉ nhẹ nhàng: “Giới giáo dục của chúng tôi không dùng ngôn từ thiếu văn hóa như vậy”, hoặc: “Các anh là CA, không nên thoái mạ, quy chụp như vậy”). Im lặng mà nghe những ngôn từ đó tuôn ra trước mặt mình chẳng những mang nhục cho bản thân, mà còn cho cả giới giáo dục đại học.

1.3. Ký vào biên bản của CA

Nếu không phải là buổi làm việc chính thức mà nhà trường là một bên trực tiếp liên quan, việc ký như một bên cùng lập biên bản, là sai.

Nếu ký như bên nhân chứng và xác nhận Hà là sinh viên của trường, thì nếu có chí khí, ở cương vị của mình, TS. Hạ cần thể hiện nhận thức chính trị sơ đẳng nhất, dù là không bày tỏ thái độ về bắt bớ. Chẳng hạn: “Tôi không có ý kiến về công việc, nhiệm vụ của các anh, còn biểu tình là quyền được hiến định”.

  1. Hai sai lầm của Trương Thị Hà

2.1. Lá “thư ngỏ” không cần thiết

  1. Cảm xúc giả tạo:

– Xuyên suốt lá thư, là phần tường thuật xen kẽ với cảm xúc, nhưng rất giả tạo. Hà không phải là cô bé 18 tuổi, chập chững bước vào giảng đường ĐH, càng không phải là con bé 10, 12 tuổi, để mà cứ luôn “thầy ơi”, “thầy ơi”, “thầy ơi”, rồi cả: “em đau vì thầy không ôm em…”, và lại cả: “thầy có thương em không?”. Nên nhớ, Hà đã là cô gái ít nhất 24, 25 tuổi, đã tốt nghiệp ĐH Luật, và đã ở vào năm thứ 2 của văn bằng thứ hai.

– Sự việc xảy ra ngày 17/06/18. Cho dù trễ nhất là đến ba ngày sau Hà mới được thả, thì sao đến tận tối 29/06/18, Hà mới nảy sinh cảm xúc đau khổ vì không được thầy cô che chở, bảo vệ, đi kèm với tấm ảnh rũ rượi trong nước mắt, trong khi trước đó đã có những stt khác về biểu tình?

– Một cô gái cứng rắn, mạnh mẽ, đi xăm ngay lên vai dòng chữ “Tao Đàn 17.06.2018” để ghi sâu sự căm phẫn, kèm theo tấm ảnh bờ vai ấy được phát tán rộng rãi, mà bỗng dưng trên dưới chục ngày sau lại suy sụp, với một “tâm hồn yếu đuối” mà “chỉ có thầy [Hạ] mới cứu vớt được”, và tấm ảnh đẫm lệ, là sao?

  1. Ngây thơ giả tạo.

– Những gì có trên Facebook của Hà (https://www.facebook.com/htruongtoiyeuluat) cho thấy sinh viên này không phải bộc phát vì con số 99 năm mà tham gia biểu tình, mà là người có nhận thức chính trị rõ ràng, đã tham gia phản biện xã hội và phản ứng dân sự từ trước, đã chuẩn bị tinh thần & tâm lý cho những va chạm với công quyền, nên hẳn đã thừa biết rằng cả nguyên Ban GH hay cả nguyên Ban GĐ ĐHQG mà đến thì cũng không thể giải thoát được cho mình, chứ đừng nói chỉ TS. Hạ mà cứu được ra.

– Theo chính Trương Thị Hà viết, mình đã “hành nghề luật”, mà lại không biết LS. Lê Công Định đã không thể tham gia vào các hoạt động tư pháp chính thức, mà lại không biết những người trong hệ thống như Phạm Tấn Hạ khó lòng chấp nhận đứng ra liên hệ với các nhân vật lề trái “cộm cán”, hay sao?

– Trên mạng Minds (https://www.minds.com/canhmaihong102), Hà cập nhật các stt ủng hộ mình, trong đó có cả những lời lẽ chửi bới nặng nề Phạm Tấn Hạ. Nhưng với tư cách một sinh viên ngây thơ, giàu cảm xúc, lễ phép, tôn trọng thầy cô, Hà lại không hề có lời can gián thái độ ấy.

2.2. Cắt đứt khả năng tiếp tục hoạt động dân sự của mình, trong môi trường sinh viên tại chỗ.

“Thư ngỏ” của Trương Thị Hà chắc chắn sẽ tạo khoảng cách lớn giữa Hà với phần đông sinh viên trong lớp và trong trường, từ nay về sau.

Tôi đã nghe về trường hợp của sinh viên TP, nên những người ít nhiều có liên hệ với các sinh viên hoạt động dân sự hẳn đã biết trường hợp này, trước đây, tại cùng ngôi trường ĐHKHXHNV của Hà. Giống như Hà, TP đã tốt nghiệp một ĐH ở phía Bắc, vào Nam để lấy văn bằng 2. TP không hề có sự kiện để nổi lên như Hà hiện nay, nhưng chỉ với khoảng cách tuổi tác và cách thức thể hiện quan điểm, mà đã tự cô lập và bị cô lập, đi đến chỗ vô hiệu hóa, và cuối cùng là… từ bỏ hoạt động dân sự.

3.Sai lầm của một sách lược

Có thể nói, trong một bộ phận hoạt động vì dân chủ, có một sách lược không thành văn, là đánh thức nhận thức và lương tâm bằng việc… đấu tố những người bị cho là thiếu nhận thức dân chủ và lương tâm.

Xã hội hiện nay, kể cả giới trí thức đại học, đại bộ phận vẫn giữ thái độ im lặng. Nhưng điều đó không có nghĩa họ không có chính kiến, không có tinh thần yêu nước, yêu dân chủ, mà là chuyển biến xã hội chưa đến thời điểm để họ có thể công khai ra mặt.

Những ai cho rằng dùng một sách lược nào đó để thúc đẩy cùng một lúc, đại bộ phận lên tiếng phản kháng lại độc tài, nhanh chóng đem lại thay đổi, là hoàn toàn ảo tưởng. Việt Nam cần một tiến trình cải cách, chuyển biến không hề ngắn để thay đổi rất nhiều thứ, kể cả ở lực lượng thiên dân chủ.

Nên, quay trở lại trường hợp Trương Thị Hà và Phạm Tấn Hạ, lấy TS. Hạ ra làm đối tượng đấu tố, để làm truyền thông, nhằm duy trì ý thức và cảm xúc về biểu tình, để đánh thức nhận thức và tình cảm của giới trí thức, sẽ cũng chỉ có tác dụng làm vừa lòng những người vốn đã có ác cảm với những ai không tham gia phản biện hay phản kháng xã hội mà thôi.

Về mặt cá nhân, tôi được biết, dù an phận (theo nghĩa chỉ quan tâm đến trách vụ mà không động đến các vấn đề khác), TS. Hạ vẫn sẵn lòng giúp đỡ sinh viên, một cách vô vụ lợi, khi có vấn đề. Không phải là cụ thể ở trường hợp được đề cập, nhưng tôi được nghe rằng, còn có những người như TS. Hạ thì những sinh viên như TP ở trên mới còn cơ hội tiếp tục học, không thì đã bị đuổi học từ lâu.

Thử giả định, nếu TS. Hạ không im lặng chịu nhục, mà phản ứng lại, ít nhất theo 1.2 và 1.3 như tôi đề cập, có phải là ngoài việc chẳng giúp được gì cho Trương Thị Hà, nhiều khả năng chính Hà sẽ nhận lãnh hậu quả nhiều hơn, vì CA sẽ giận cá mà chém thớt, bị thầy “nắn gân” thì sẽ quay sang học trò mà “bẻ chân”?

Cho nên, đừng lấy cảm tính ra mà đấu tố, bêu rếu người khác, đừng vì “làm truyền thông” mọi giá mà sẵn sàng lập giàn thiêu, để cuối cùng cháy sang cả mình.

Điều sau cùng, tôi muốn hỏi những người chủ trương rằng Phạm Tấn Hạ phải đứng ra, công khai bênh vực sinh viên Hà, cho dù biết không có kết quả cho Hà nhưng có nguy cơ rõ ràng cho Hạ, là trong khi đòi hỏi Phạm Tấn Hạ “dũng cảm” như thế, ngoài việc bản thân mình có dám vứt bỏ đồng lương toàn phần hay từng phần từ ngân sách quốc gia, các bạn có dám đòi hỏi cha mẹ mình vứt bỏ sổ hưu, anh em, bà con mình vứt bỏ công việc tại cơ quan nhà nước, để hoàn toàn và công khai đứng hẳn về phía bạn bên lề trái?

Sự đời sẽ đơn giản hơn nếu ta không buộc tất cả phải theo cùng một khuôn, mà để cho mọi người có thể yêu nước hoặc giúp đỡ người khác theo cách riêng của họ, đóng góp vào chuyển biến xã hội ở vị trí của chính họ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết mang đầy giọng điệu bưng bô, người viết chỉ dùng lý luận bảo thủ để bảo vệ cho nền giáo dục rác rưởi và chế độ đốn mạt này. Từ khi nào mà giá trị con người trở nên thảm hại đến như vậy?

  2. Trước đây,tôi cũng có đa phần ngưỡng mộ ông Lê Tuấn Huy nhưng với bài này thì tôi
    hoàn toàn thất vọng ! Phải chăng ông ta đang biến thành một con người khác ?

  3. Vài ý ngồ ngộ, dễ thương

    “Thử giả định, nếu TS. Hạ không im lặng chịu nhục, … bị thầy “nắn gân” thì sẽ quay sang học trò mà “bẻ chân”?”

    Nhớ đấy, các giáo sư xã hội chủ nghĩa khi bị rơi vào trường hợp như ô Phạm Tấn Hạ nên “im lặng chịu nhục” mà làm đúng như những gì ông đã làm . Đừng có mà lương tâm hay đạo đức này nọ nhá . Không thì có hại hơn nữa cho cả 2. Marquis de Sade mà nghe được chắc tự hào lắm lắm lun .

    “mà là chuyển biến xã hội chưa đến thời điểm để họ có thể công khai ra mặt”

    Những người ra mặt công khai đã đủ thối um lên rồi, mong những đồng chí trí thức chưa bị lộ cứ im miệng chịu nhục cho con nhờ .

    “Những ai cho rằng dùng một sách lược nào đó để thúc đẩy cùng một lúc, đại bộ phận lên tiếng phản kháng lại độc tài, nhanh chóng đem lại thay đổi, là hoàn toàn ảo tưởng”

    Đúng . Vì đại bộ phận ủng hộ độc tài . Ngày trước tớ nghĩ những đứa iêu Đảng cho tụi nó qua Tàu hết khi Đảng xụm bà chè . Gần đây chợt nhận ra đám iêu Đảng đông quá . Để Tàu qua coi bộ tiện hơn .

    “ngoài việc bản thân mình có dám vứt bỏ đồng lương toàn phần hay từng phần từ ngân sách quốc gia, các bạn có dám đòi hỏi cha mẹ mình vứt bỏ sổ hưu, anh em, bà con mình vứt bỏ công việc tại cơ quan nhà nước, để hoàn toàn và công khai đứng hẳn về phía bạn bên lề trái?”

    Yay, lương tháng knock out lương tâm . Đại tá Trần Đăng Thanh muôn năm!

    “Sự đời sẽ đơn giản hơn nếu ta không buộc tất cả phải theo cùng một khuôn”

    Cái khuôn hiện thời vốn đã chẳng ra gì . Tớ ủng hộ mọi người cứ yêu Đảng, cứ cứu Đảng là cứu nước theo cách của mình, đừng rập khuôn những người khác .

    “Việt Nam cần một tiến trình cải cách, chuyển biến không hề ngắn để thay đổi rất nhiều thứ”

    Thủ tướng Vũ Đức Đam và các chính khứa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nên chịu khó đọc những người như thế này mỗi lần nói về “Quỳ Vân Bảo Điển” aka biển đảo . Hãy học họ và nhớ credit, không thôi ô Trần Hữu Dũng lại bảo là đạo văn . Thay vì nói chuyện lấy lại biển đảo là chuyện của các thế hệ sau (*), ý là bán cái, các ông í có thể nói lấy lại biển đảo là 1 quá trình không hề ngắn . Nhớ bồi thêm “đây là ý của Lê Tuấn Huy”

    (*) Thế hệ vừa qua đã hoàn thành bí kíp “Quỳ Vân Bảo Điển” (quỳ dâng biển đảo), các thế hệ sau có nên tiếp nối truyền thống hào hùng của thế hệ trước không nhỉ ?

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây