Luật an ninh mạng: Mở đường cho một cuộc trấn áp mới

Nguyễn Huy Vũ

30-6-2018

Ngày 28/6 vừa rồi, chủ tịch nước ký lệnh ban hành Luật An ninh mạng. Và như vậy, trừ khi có những tác động ghê gớm, Luật An ninh mạng sẽ có hiệu lực kể từ ngày đầu năm 2019.

Cho tới nay, nhiều người vẫn chưa hiểu hết một cách trọn vẹn những nguy cơ và tác hại của Luật An ninh mạng này, và vì vậy mà sự lên tiếng vẫn chưa đủ mạnh. Nếu tìm hiểu kỹ, cả về phương diện luật học và về phương diện công nghệ, bạn sẽ thấy Luật An ninh mạng là một công cụ góp phần củng cố và thắt chặt chế độ công an trị của Việt Nam, ảnh hưởng đến tất cả các mặt của xã hội từ tầm mức cá nhân đến an ninh quốc phòng.

Thứ nhất, cho tới gần đây, các nhà hoạt động vẫn truyền cho nhau một kinh nghiệm rằng nếu cơ quan an ninh đến tra vấn mình rằng các bài viết hay tài liệu trên Facebook mình dùng có phải thực sự là của mình không, thì một số luật sư sẽ khuyên là nên chối bỏ, trả lời không. Thậm chí khi cơ quan an ninh bắt giữ bất ngờ, muốn tìm cách thâm nhập tài khoản Facebook của mình trên điện thoại thì hoặc là tìm cách khoá tài khoản Facebook lại hoặc cực đoan hơn là đập điện thoại, nhúng nước nó, để điện thoại không kích hoạt được và cơ quan an ninh không tài nào đọc được các dữ liệu trên Facebook của mình.

Nhưng, với Luật An ninh mạng khi đi vào áp dụng, các kinh nghiệm trên sẽ ngay lập tức bị vô hiệu hoá. Cơ quan công an không cần phải ép buộc chính chủ thừa nhận Facebook của mình, họ chỉ cần yêu cầu Facebook giao nộp tất cả thông tin của người dùng, lấy lý do người dùng đang vi phạm pháp luật Việt Nam. Mà cái vi phạm dễ thấy nhất được quy định ngay trong Luật An ninh mạng đó là tuyên truyền chống chế độ.

Facebook lưu lại vô số thông tin của người dùng, từ việc dùng IP nào để truy cập vào tài khoản, địa chỉ truy cập vào tài khoản ở đâu, ngay tại toạ độ nào, mấy giờ, bạn bè với ai, tương tác và liên lạc với ai, đăng bài lúc mấy giờ, ở đâu v.v. Tất cả những điều đó đủ để chứng minh chính chủ là người chủ của tài khoản Facebook và đó là bằng chứng dùng để kết tội.

Thứ hai, rất nhiều người viết bài xiển dương cho dân chủ, thúc đẩy thay đổi xã hội trong hoà bình, làm cho cái ghế của Đảng Cộng sản ngày càng lung lay, nhưng họ ẩn danh, không ai biết họ, và do đó họ là cái gai trong mắt cơ quan an ninh. Với Luật An ninh mạng, những người viết bài ẩn danh sẽ nhanh chóng bị phát hiện và tóm gọn. Đơn giản là chỉ cần cơ quan an ninh yêu cầu Facebook truy xuất địa chỉ người dùng đăng nhập vào Facebook và các thông tin liên quan là đủ để biết toạ độ của người dùng để họ khoanh vùng và bắt lấy.

Thứ ba, Luật An ninh mạng sẽ áp dụng ngay cả đối với các cá nhân mang quốc tịch Việt Nam sống ở nước ngoài. Cơ quan an ninh có thể đưa ra dữ liệu về thông tin cá nhân của người dùng, chứng minh họ là công dân Việt Nam, cho rằng họ vi phạm pháp luật Việt Nam, và yêu cầu Facebook hợp tác cung cấp thông tin từ tài khoản Facebook cá nhân. Cách làm này cũng tương tự như cách mà chính quyền Việt Nam yêu cầu chính quyền Đức giao nộp Trịnh Xuân Thanh khi cho rằng Trịnh Xuân Thanh vi phạm pháp luật Việt Nam. Nhưng ở đây vị thế của chính quyền Việt Nam so với Facebook lớn hơn nhiều khi so với Đức, và vì vậy mà có một xác suất cao sẽ có một sự hợp tác nào đó.

Thứ tư, nhiều người có vẻ ngây thơ cho rằng chỉ cần đăng ký tài khoản rồi điền thông tin đang ở nước ngoài là đủ để Facebook bảo vệ thông tin cho bạn. Đây là một sai lầm hết sức. Cơ quan an ninh có vô số cách để cho rằng một tài khoản nào đó gây phương hại đến an ninh, trật tự, chủ quyền của Việt Nam và yêu cầu Facebook chia sẻ thông tin, hoặc họ cũng có thể trình bày với Facebook các thông tin cá nhân của người dùng hiện đang là công dân Việt Nam và yêu cầu Facebook chia sẻ thông tin.

Thứ năm, dưới áp lực của chính quyền Việt Nam, Facebook có vô số cách hợp tác dưới dạng “mềm” nhằm thực hiện khoanh vùng, hạn chế ảnh hưởng của các tài khoản, các trang mạng đang gây hại đến thanh danh và vị thế của Đảng Cộng sản. Cách dễ nhất mà Facebook có thể áp dụng đó là hạn chế mức lan toả của những bài báo gây nguy hại đến chế độ, khiến ít người đọc được nó, trong khi làm cho dễ dàng việc loan tải các bài báo của những nhóm định hướng của chính quyền.

Thứ sáu, nhiều người bắt đầu nghĩ tới việc chuyển sang một mạng xã hội khác để dùng, như minds, và hi vọng nó sẽ không bị chi phối bởi chính quyền cộng sản Việt Nam. Có vài điều cần lưu ý. Trước hết, rất khó thuyết phục được vài chục triệu người bình dân chuyển sang minds ít nhất là trong một thời gian ngắn. Vì vậy mà muốn gây ảnh hưởng đến xã hội, các nhà hoạt động xã hội dù muốn dù không buộc phải tiếp tục dùng Facebook.

Hầu như không có một mạng xã hội nào mà công ty phát triển không nắm được dữ liệu của người dùng. Nhiều người cho rằng minds không nắm dữ liệu của người dùng vì họ hoạt động theo hình thức phi tập trung nên không thể chia sẻ với chính quyền Việt Nam nếu bị yêu cầu. Điều đó không đúng. Các công ty phát triển khác nhau ở chỗ họ biết bao nhiêu thông tin về người dùng và họ sẽ mã hoá chỗ nào. Ví dụ như minds biết bạn có bao nhiêu người theo dõi, đăng bài thế nào, quan điểm ra sao, bao nhiêu người ủng hộ, kiếm được bao nhiêu tiền, hoạt động giờ nào, đăng nhập ở đâu, v.v., đây là những thông tin mà chương trình quảng cáo của minds luôn nắm giữ để tối ưu hoá hoạt động quảng cáo. Quảng cáo là bao tử của những mạng xã hội như minds, không có quảng cáo minds sẽ chết. Những thông tin này, nếu minds quyết định xâm nhập vào thị trường Việt Nam và cơ quan an ninh áp lực đòi minds chia sẻ, thì cuối cùng cơ quan an ninh cũng sẽ có những thông tin này, làm hồ sơ để kết tội.

Thứ bảy, việc chính quyền bắt giữ và truy tố một vài người bằng Luật An ninh mạng sẽ khiến cho nhiều người khác cảm thấy chùn tay, tự kiểm duyệt đối với tất cả các ý kiến viết ra trên Facebook của mình.

Và cuối cùng, trong trường hợp Facebook và các trang mạng Âu Mỹ bị ràng buộc và chế tài bởi các điều luật ở các nước Âu Mỹ về việc cấm chia sẻ thông tin người dùng cho bên thứ ba, sự rút đi nếu có sẽ nhường sân chơi trên thị trường Việt Nam cho các công ty Trung Quốc. Các công ty Trung Quốc sẽ vừa hợp tác với chính phủ Việt Nam, vừa hợp tác với chính phủ Trung Quốc. Họ biết các thông tin về người dùng Việt Nam và sẵn sàng theo dõi, định hướng xã hội theo yêu cầu của hai chính quyền. An ninh và xã hội của Việt Nam tất sẽ bị đe doạ, và Việt Nam có thể đối mặt với nguy cơ mất nước. Điều này không phải là một sự suy diễn mà nó đang diễn ra, các công ty Trung Quốc đang đổ bộ vào Việt Nam.

Nói như vậy để thấy rằng không có một mạng xã hội nào là an toàn cho những người lên tiếng và yêu chuộng tự do ở Việt Nam. Cách duy nhất để tránh bị đàn áp và bóp nghẹt tự do đó là đứng cùng nhau để thay đổi tận gốc rễ của vấn đề: chuyển đổi một chế độ độc tài sang một thể chế tự do qua một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng, và minh bạch.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đang có chứng cớ để nghi ngờ ông chủ Facebook có thể thỏa hiệp với CsVN.
    Mới đây,tôi có vài comments bị xoá vì trong đó tôi nói thẳng thừng chỉ đích danh
    VC.khốn nạn bán nước qua 2 dự luật An Ninh Mạng và Ba đặc khu.
    Luật ANM.thì về cơ bản là sao chép của giặc Tàu cộng,kẻ đang chiếm biển Đông
    của VN.làm ao nhà của chúng còn ba đặc khu thì cốt ý dành cho giặc Tàu làm chủ,
    kể cả chúng được quyền chế tạo vũ khí !
    Đáng chú ý là Zuckerberg có vợ người Tàu.

    • Theo tôi hiểu để bảo vệ quyền lợi cá nhân thì vì tính ích kỷ, không cần hy sinh vì công lý, lẽ phải thì 1 doanh nghiệp (hay kể cả 1 thầy giáo) cũng chả dại dột bảo vệ 1 cá nhân (hay thầy phải bảo vệ học sinh) khi cá nhân (hay học sinh) phản biện mạnh mẽ với chính quyền – nơi có thể tạo ra ảnh hưởng mạnh gây bất lợi tới quyền lợi (lợi nhuận) của doanh nghiệp (thầy giáo) với lí do họ có quyền lực chứ nhiều khi không cần lẽ phải. Và những câu chuyện như vậy tìm ở xã hội ta còn nhiều hơn nhiều so với đi tìm bên ngoài Việt nam nếu nhìn ngay giới báo chí ít dám động vào các cán bộ có quyền dẹp 1 tờ báo. Còn câu chuyện Facebook thỏa hiệp với chính quyền thì chỉ là phỏng đoán, mà đúng hơn phải là: doanh nghiệp không dại dột chơi với lửa và tốt nhất là xóa bớt những ý kiến nặng nề. Còn câu chuyện vợ chủ doanh nghiệp là người Trung Quốc theo tôi cũng chỉ là chi tiết rất phụ, không đáng để nhắc tới.

  2. Cách duy nhất để tránh bị đàn áp và bóp nghẹt tự do đó là đứng cùng nhau để thay đổi tận gốc rễ của vấn đề: chuyển đổi một chế độ độc tài sang một thể chế tự do qua một cuộc bầu cử dân chủ, công bằng, và minh bạch.

    Đề nghị còn không tưởng hơn làm thế nào để đối phó với luật an ninh mạng

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây