Vì sao FLC đẩy mạnh thâu tóm đất ở nhiều nơi?

FB Lê Xuân Thọ

14-6-2018

Ảnh: Báo TT

Ngày 18.4, sau khi ông Trần Ngọc Căng – Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi chỉ đạo văn phòng của mình làm công văn hỏa tốc để “huy động cả hệ thống chính trị” nhằm “phục vụ dự án” của Tập đoàn FLC. Dự án có tên rất mỹ miều: Dự án Quần thể Du lịch nghỉ dưỡng và đô thị FLC Bình Châu – Lý Sơn.

Ngay lập tức, cái công văn trời ơi ấy nhận được rất nhiều ý kiến trái chiều của dư luận. FLC im lặng. Vì lẽ ấy, việc khởi công đã không xảy ra theo dự kiến vào ngày 19.5 được. Trong lúc dư luận đang theo dõi FLC và tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục làm gì, thì xảy ra vụ Thủ Thiêm, vụ bác sỹ Lương, rồi liên tiếp là những thứ liên quan đến kỳ họp Quốc hội… như vô tình cứu 1 bàn thua của anh Quyết – Chủ tịch FLC.

Thật ra, tôi, và không ít người quan tâm, vẫn lưu tâm đến dự án của FLC tại Quảng Ngãi. Đã có những cuộc họp giữa tỉnh Quảng Ngãi với FLC, và đó là những cuộc họp mà báo chí bị cấm cửa; một số người đi họp thậm chí còn bị thu lại tài liệu sau khi họp. Tin tức hóng được: Là FLC bỏ Lý Sơn ra khỏi dự án đó, còn trong đất liền, mà cụ thể là các xã thuộc huyện Bình Sơn, FLC chưa chịu nhả ra và có ý định chia nhỏ ra, làm từng khúc, làm từng miếng chớ hơm đớp 1 phát 1.243ha diện tích đất như dự kiến ban đầu.

Xin nhắc lại, đó là những thông tin tôi thu thập được. Thật khó hiểu cho báo chí tại đó, đã không có những tin bài tiếp theo sau đó, mà cũng trở nên im ắng theo cách hành xử của tỉnh Quảng Ngãi và Tập đoàn FLC.

Có chi tiết này chúng ta nên quan tâm, là thời điểm gây xôn xao ở Quảng Ngãi trở đi, bên cạnh việc hành xử im ắng ở tỉnh này, FLC đẩy mạnh “xin” đất để làm dự án ở rất nhiều nơi khác như 100ha ở Cù Lao Xanh (TP.Quy Nhơn, Bình Định), 200ha đất ở huyện Đăk Đoa (tỉnh Gia Lai), 300ha đất tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận. Trước đó, FLC xin đất làm ở xã Hòa Thắng nhưng bị bác bởi chồng các dự án, chớ hơm phải tỉnh Quảng Ngãi để chồng 1 mớ dự án), 500ha đất ở Quảng Trị (gồm 200ha ở huyện Cam Lộ, 300ha ở huyện Triệu Phong)…

Lại thêm 1 vấn đề nữa mà chúng ta cũng hết sức cần quan tâm, là hầu hết các tỉnh mà FLC xin làm dự án, tập đoàn này đều đẩy nhanh tiến độ từ chủ trương khảo sát đến ký phê duyệt… bên cạnh xin… ứng tiền để đền bù! Chỉ riêng ở Quảng Ngãi, trong vòng 45 ngày, có đến 12 công văn hỏa tốc, và xin ứng trước 500 tỷ để đền bù, giải phóng mặt bằng.

Vậy, tại sao FLC lại đẩy nhanh những việc đó? Câu trả lời: Là cho kịp để tránh trước khi Luật đất đai sửa đổi được Quốc hội thông qua và có hiệu lực. Vì tháng 4.2018, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà có đề xuất rà soát, sửa đổi bổ sung Luật Đất đai theo hướng cho phép loại đất thương mại dịch vụ du lịch được sử dụng ổn định lâu dài, nộp tiền sử dụng đất tương tự như đất ở.

Với các dự án nghỉ dưỡng của FLC, có cái gọi là condotel, nghĩa nôm na là căn hộ – khách sạn. Trên các dự án của mình, sau khi làm condotel, FLC bán cho người sử dụng, người dùng mua nó, mua luôn cả phần đất mà căn condotel được cất lên từ ấy. Tất nhiên, đất làm condotel mà FLC bán ra, ít nhất cũng vài triệu 1 mét vuông. Trong khi xin dự án, phần lớn đất mà FLC lấy, chỉ là đất nông nghiệp, đất vườn, đất trồng cây hay đại loại thế với giá đền bù chỉ từ vài chục đến vài trăm nghìn 1 mét vuông cho người dân vùng dự án mà thôi. Với quy mô hàng nghìn ha đất như thế, đủ để thấy FLC sẽ lợi nhuận cỡ nào.

Bạn tôi, 1 người am hiểu lĩnh vực này, lấy ví dụ và phân tích chỉ riêng dự án tại Quảng Ngãi, nếu xin được dự án trước khi Luật đất đai mới được điều chỉnh, thông qua và có hiệu lực, thì chưa chi FLC đã bỏ túi ít nhất khoảng 6.000 tỷ đồng – một con số rất ấn tượng. Chi tiết: 200ha x 10.000 m2/ha x 3.000.000 đồng/m2 = 6.000.000.000.000 đồng!

Giờ thì hiểu phần nào lý do vì sao FLC thúc lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi liên tục ra công văn hỏa tốc rồi chứ?

Giờ thì hiểu phần nào lý do vì sao FLC đẩy mạnh việc xin dự án ở nhiều nơi khác rồi chứ?

Nhưng đó chưa là tất cả trong tính toán của FLC, vì như thế thì… khoai quá! FLC còn tính đến việc bán condotel sau này, tức là sau khi Luật đất đai sửa đổi có hiệu lực, thì giá bán của họ sẽ còn cao hơn rất nhiều. Nghĩa và bên cạnh “tiết kiệm” được hàng ngàn tỷ đồng từ chênh lệch giá đất đền bù trước khi luật mới có hiệu lực với chưa có hiệu lực, thì FLC dễ dàng kiếm thêm hàng ngàn tỷ đồng từ việc bán condotel với giá cao hơn trước đây sau khi luật mới có hiệu lực. Quả là thâm!

Và nên nhớ, FLC còn có hàng tá mánh khóe khác để kiếm lời triệt để.

Còn giả dụ FLC không xin kịp đất trước khi luật mới có hiệu lực thì sao? Có khả năng rất lớn là FLC sẽ bỏ chạy cùng hàng trăm tỷ đồng ứng trước của mỗi tỉnh mà FLC xin làm dự án, rồi dây dưa, chây ì trong trả nợ như cái vụ ở Quảng Bình mà thôi.

Như vậy, chẳng phải là 1 hình thức ăn đất hay sao?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. 1. Tập đoàn FLC chỉ trong một thời gian ngắn đã phất lên như diều gặp gió nhờ mánh lới làm ăn kiểu mafia của Quyết còi. Bản chất cách làm giàu của FLC là cấu kết với bọn có chức có quyền, đang rất thèm tiền ở các địa phương cướp đất của dân lành làm dự án. Tiền bồi thường đất cho dân rẻ như bèo, nhà cửa FLC xây xong bán đắt gấp hàng trăm lần tiền bồi thường bỏ ra. Kết quả là FLC và các quan TW và trong tỉnh thì nhét đầy hầu bao, còn người dân thì hai bàn tay trắng trên chính mảnh đất của cha ông mình
    2. Người dân Việt Nam ai cũng biết cả. Tập đoàn FLC, tập đoàn Xuân Thành, Ninh Bình và bao nhiêu tập đoàn nữa trên đất nước này chỉ là nơi rửa tiền cho các quan tham mà thôi !

Leave a Reply to Nguyễn Hồng Quân Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây