Anh hùng miễn tội

FB Khải Đơn

10-6-2018

Có rất nhiều bài viết tôi đọc đã mổ xẻ mọi góc độ của Luật An Ninh Mạng, một luật có thể đẩy tự do internet của Việt Nam vào còng.

Bài viết của chị Phương Mai ở đây vạch ra từng ví dụ rõ ràng cho các điều cơ bản nhất mà bạn có thể thấy nó ảnh hưởng đến mình.

Tôi chỉ viết bình luận nhỏ về một khía cạnh tôi quan tâm. Cụ thể hơn, đây là khía cạnh được sử dụng tương tự ở rất nhiều các quốc gia láng giềng khi muốn bỏ tù những người đang tạo nội dung trên internet.

Tại Điều 8 – Các hành vi bị nghiêm cấm, trong đó có điểm (c): Xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc; xúc phạm tôn giáo; kỳ thị giới tính, phân biệt chủng tộc.

Có một điểm đáng chú ý, đó là “xuyên tạc lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng”. Lịch sử nào được gọi là chuẩn để đem ra làm thước đo cho khái niệm “xuyên tạc”, hay “phủ nhận”. Các con số trong lịch sử tại Việt Nam thường xuyên bị thay đổi, chế biến lại. Thậm chí, lịch sử qua từng thời kỳ trong chính bảo tàng còn được sửa lại. Một ví dụ đơn giản, có thời trong bảo tàng chứng tích chiến tranh có phần trưng bày tội ác của lính Hàn Quốc trong chiến tranh Việt Nam. Sau đó, vì các tập đòan Hàn Quốc vào Việt Nam làm ăn nhiều, phần nội dung này bị giảm hẳn xuống. Lần gần nhất tôi vào bảo tàng, chỉ thấy rất sơ sài, chủ đề này gần như đã được dọn bỏ – nhất là khi kinh tế Việt Nam đang dựa vào những dự án FDI như Samsung. Vậy cái nào là sự thật lịch sử để bị “xuyên tạc”? – Và bất cứ người dân nào cũng có thể sẽ bị đem ra xử tội nếu sự thật mà họ muốn trình bày khác với sự thật ưng ý mà nhà nước nặn ra sẵn?

Tại điều 15 – Phòng ngừa, xử lý hành vi xâm phạm an ninh mạng, gồm có các điểm như sau:

1. c) Thông tin xúc phạm dân tộc, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc.

3. Thông tin trên không gian mạng có nội dung làm nhục, vu khống, bao gồm:

a) Thông tin có nội dung xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác;

b) Thông tin bịa đặt, sai sự thật nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đó.

Vậy theo điều 15 này, “vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” được liệt vào nhóm được “miễn tội”, ngay cả nếu người viết và đăng tải thông tin trên mạng có thể có đủ bằng chứng và viết về những tội ác họ phạm phải.

Tôi so sánh điều 15 này với tội “phỉ báng hoàng gia” mà Thái Lan áp dụng để bắt giữ những người không ưa thích hoàng gia Thái.

Tại Thái Lan, “hoàng gia” nằm ngoài vòng phê phán của dân chúng. Một công nhân từng comment trên Facebook khi con chó của nhà vua chết là “dù sao đó cũng chỉ là một con chó thôi mà”. – Anh ta bị hơn 80 năm tù. Những người nào nói nhà vua mới của Thái Lan là “playboy” sẽ bị bắt, bị truy tố – dù có rất nhiều video trên mạng xã hội cho thấy ảnh mặc croptop ba lỗ đi lông nhông trong sân bay với một cô vợ ăn mặc sexy. Clip blowjob của ảnh cũng từng xuất hiện trên youtube.

Chủ tịch của tờ báo Rappler tại Philippines, bà Maria Resse vừa bị kiện vì một bài báo họ viết… 5 năm trước, trong đó mô tả thẩm phán tòa án tối cao sử dụng một chiếc xe hơi có biển số đăng ký do một đại gia tên Wilfredo Keng. Vụ kiện là một trong những cuộc tấn công vào tờ báo mạng độc lập tường thuật các vấn đề của Philippines. Bà bị kiện với tội danh “cyber libel” (phỉ báng/xúc phạm trên mạng).

Tương tự, tại Campuchia, tháng 1/2017, thủ tướng Hun Sen cũng dọa kiện ông Sam Rainsy (một lãnh đạo đối lập lâu đời với Hun Sen) là “xúc phạm” ông – và có thể đòi bồi thường 1 triệu đô la Mỹ.

Cũng tại Campuchia, phóng viên người Anh tên Rupert Winchester, sau khi anh đăng tải một bài báo trên blog năm 2013, nhà báo này viết công ty bất động sản CityStar dự định sẽ đập bỏ một tòa nhà di sản từ thời thuộc địa [vốn là một di sản thuộc về công chúng] để xây một khu chung cư bảy tầng. Anh bị kiện vì tội “xúc phạm” – Tòa xử nhà báo này phải bồi thường $25.000 cho Etienne Chenevier – giám đốc công ty CityStar. Vụ án tạo ra tiền lệ như CLB phóng viên Campuchia ở nước ngoài nói: “Khi chính phủ sẵn sàng thông qua Luật Tội Phạm mạng vốn khác xa với tiêu chuẩn quốc tế về quyền riêng tư và tự do ngôn luận, phán quyết của toà chống lại Winchester sẽ khiến những người muốn viết hay đăng tải gì đó trên internet thấy sợ hãi, dù họ là nhà báo hay là bất cứ ai.”

Quay trở lại điều 15, nếu ta có một đứa bạn đăng video blowjob với bồ lên Youtube, thay bồ như thay áo, và lái máy bay đi chơi vòng quanh thế giới, ta bình luận thằng bạn đó là “playboy” sẽ không sao cả. Nhưng nếu đó là nhà vua Thái, bình luận về ông có thể khiến bạn vô tù. Vậy hai bình luận này có gì khác nhau?

Gần gũi hơn ở Việt Nam là ta thường xem thấy các blog đăng tải thủ tướng, con trai con gái thủ tướng có nhà ở Mỹ, chơi siêu xe… xong đặt câu hỏi vì sao họ làm lương thấp vậy mà có tiền mua siêu xe, nếu bí thư Thanh Hóa đưa bồ nhí lên chức vụ cao chỉ trong vài năm ngắn ngủi chả cần qua công tác gì nổi trội, thì hành vi viết blog công bố thông tin đó có bị kết luận là “xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự” người khác không? – Người viết có bị “phòng ngừa, xử lý” không?

Chưa kể, nếu ta lỡ tiết lộ bí thư Thanh Hóa có bồ nhí, hay thủ tướng mua 1 đống bất động sản ở nước ngoài và đã có hộ chiếu nước ngoài, có thể ta sẽ phạm luôn vào tội ghi ở điều 16: “a) Cố ý làm lộ, chiếm đoạt, mua bán, thu giữ thông tin thuộc bí mật nhà nước, bí mật công tác; chiếm đoạt, trộm cắp, thu giữ thông tin thuộc sở hữu của người khác hoặc tiết lộ thông tin đã chiếm đoạt, trộm cắp, thu giữ gây ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, nhân phẩm, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.”

Thật tiện lợi, các điều luật trên tạo hành lang để chống lại những điều tra độc lập [mà từ lâu thường được phát hành chính qua kênh online] của blogger, nhà báo, Facebooker, để bảo vệ cho những thành trì không minh bạch từ chính quan chức nhà nước.

Hay nếu ta biết một người. Ngày nọ, ta biết họ là kẻ gây tội ác, và ta muốn nói về điều đó trên mạng, trên báo điện tử hay trên Facebook cá nhân. Nếu vô tình người đó là “vĩ nhân, lãnh tụ, danh nhân, anh hùng dân tộc” – xin chúc mừng, ta sẽ bị trừng phạt theo điều 15 này nếu dám tiết lộ, vì đó dễ dàng được diễn dịch là “thông tin xúc phạm” thay vì quyền tự do thể hiện của ta phải được bảo vệ. Còn nếu người đó là… người thường thì chắc ok, bạn có thể tha hồ tiết lộ. MIỄN TỘI – là miễn tội cho anh hùng dân tộc như vậy đó!

Luật an ninh mạng, nếu được thông qua, sẽ được sử dụng để nhắm tới và tấn công những người hoạt động vì tự do thông tin trên internet, tấn công vào những yêu cầu giám sát minh bạch hơn với các chính trị gia và các tổ chức quyền lực.

Nếu như trước đây các nhà hoạt động, nhà báo, blogger liều lĩnh để đưa thông tin “lề trái” đến người đọc về sự bất minh của các tập đoàn, các dự án, hoạt động của lãnh đạo hay các nhóm đấu đá nhau trong chính trường và bị bắt giam vô lý, thì giờ đây bắt giam họ sẽ trở thành “có lý” – nếu luật an ninh mạng được thông qua.

Đó là cái còng được vẽ trên tay của tất cả những người ngồi trước màn hình máy tính – sẵn sàng chờ đón họ.

Và đó là lý do tôi phản đối dự luật an ninh mạng này: Kiến nghị Không thông qua Dự thảo Luật An ninh mạng (Change.org).

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cuối cùng thì cái đảng bầy nó phục vụ cho ai dân VN chưa sáng mắt ra .mọi luật chúng làm ra là phục vụ cho bọn tàu chệt .chúng muốn các nhà mạng khác phải đi để mạng taobao.hay weibo của trung quốc vào làm ăn chia chác cho chúng.và nắm đầu dân VN từ trong trứng nước .cái đầu bọn cầm quyền đả bõng phải giải phẩy thông não cho chúng

Leave a Reply to Maihung Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây