Luật an ninh mạng & Đặc khu – Những kẻ ngớ ngẩn giữa thời đại

FB Nguyễn Tuấn Anh

6-6-2018

Ảnh: internet

Mất một phần đất, chúng ta có thể nương tựa vào nhau nhưng mất tự do ngay trên đất mình, quê hương mình, ta coi như mất tất cả.

Tự do là giá trị cao nhất của con người. Họ có thể đánh đổi bằng cả tù đầy và mạng sống. Một người lính Bắc Hàn chấp nhận những phát súng của chính đồng đội bắn vào mình để chạy sang một nơi tự do. Không những chỉ có vậy, lịch sử của dân tộc ta cũng là một minh chứng thuyết phục cho sự khát khao tự do này…

Dự luật An ninh mạng và dự luật Đặc khu đang là hai thái cực đối nghịch nhau trong tư duy quản trị đất nước của nhiều lãnh đạo, trong đó có cả các đại biểu của nhân dân. Sự thiếu nhất quán và phi logic của một số đại biểu khiến người dân không khỏi bất an và hồ nghi về năng lực của những con người được nhân dân giao phó quản trị đất đai, tiền bạc và quyết định tương lai của toàn dân tộc.

Nếu như dự luật đặc khu, các vị lập luận một cách hết sức cởi mở về quản trị, kinh tế, ngành nghề kinh doanh và thời hạn giao đất thì ngược lại, với dự luật an ninh mạng, nó lại mang một màu sắc đen tối của chủ nghĩa duy ý chí, bác bỏ sự tự nhiên khách quan, định hướng một cách chủ quan theo lối suy nghĩ đơn giản, nóng vội và tiêu cực của một số con người.

Những con người xây dựng hai điều luật tuy trái ngược nhau nhưng hình như họ đều có chung một luận điểm: muốn bỏ qua sự bàn bạc, giám sát của nhân dân trong công cuộc kiến tạo và phát triển đất nước. Có lẽ, họ đã quen làm như vậy.

Họ cho rằng họ tài giỏi hơn người dân để có thể quyết định những việc lớn chăng? Những thảm hoạ như Formosa, những cú đấm thép đổ bể, những đại án tham nhũng, thất thoát vô số tiền ngân sách là những câu trả lời rõ ràng nhất cho sự “tài giỏi” này. Có lẽ, không cần phải nói thêm.

Một kiểu mở cửa vô cùng ảo diệu với tất cả các ngành nghề, các lĩnh vực, cả tổ chức chính quyền ở Đặc Khu là một điều chưa có tiền lệ xưa nay. Tuy đa số người dân phản đối nhưng thôi, ta cứ tạm cho đây là một điểm + trong tư duy của họ.

Nhưng sự giám sát của người dân lại bị bóp nghẹt bởi dự luật An ninh mạng, dữ liệu cá nhân có thể bị xâm hại bất kể lúc nào thì đó là điều vô cùng dị hợm, tàn nhẫn và độc đoán chuyên quyền.

Dự luật này đi ngược lại với quyền tự do của con người và từ chối các giá trị văn minh của nhân loại tiến bộ, của thế giới đại đồng. Đây lại là điều vô cùng khó lý giải nếu như không muốn nói rằng, đó là tư duy quay về thời trung cổ.

Giải thích thế nào về suy nghĩ bất nhất của họ được đây….?

Tôi bắt đầu thấy một kiểu quản trị Trung Hoa mờ ảo đang dần ẩn hiện. Đuổi Google, Facebook,… ra khỏi quốc gia, tách người dân tiếp cận với thế giới văn minh để chặn tiếng nói phản biện. Thành lập các đặc khu làm cầu nối với thế giới văn minh chỉ để phục vụ đặc quyền, đặc lợi cho một số cá nhân? Hiện tại, tôi không thể nghĩ khác đi được.

Tôi không phủ nhận một Trung Hoa với nhiều thành tựu về phát triển. Nhưng, tôi luôn hướng về Phương Tây bởi trên bước đường phát triển, họ không bao giờ quên đi sự tự do và những quyền cơ bản của một con người. Lẽ nào, những người quản trị quốc gia mình lại không biết điều này? Lẽ nào, họ lại quên giá trị lớn lao nhất của nhân loại tiến bộ mà không muốn dân mình tiếp cận?

Giữa thế kỷ 21, tại một quốc gia Đông Nam Á, sự văn minh có thể song hành với lối nghĩ thời trung cổ? Liệu dân tộc ta có trở thành kẻ ngớ ngẩn giữa thế giới đại đồng bởi những thứ đối lập kỳ dị đang diễn ra? Liệu bạn bè quốc tế có nhìn ta giống như một kẻ điên giữa thời buổi trí tuệ nhân tạo bởi họ không thể lý giải được những điều chúng ta đang làm?

Hoặc sẽ có một Trung Hoa phiên bản Đông Nam Á, cũng có thể là không. Nhưng nên nhớ, bất kể ở đâu, bất kể việc gì diễn ra trên thế giới này thì “bàn tay sắt” luôn không phải là đối sách hay. Sự nhượng bộ mới là điều khôn ngoan và là thứ hiệu quả nhất để chung sống với nhau một cách hoà bình và thân thiện.

Bình Luận từ Facebook