Giá và phí

FB Trần Đăng Tuấn

30-5-2018

Biếm họa của Lê Anh Phong

Bây giờ chuyện giá hay phí không chỉ ở đường xá, mà đã và đang, sẽ là chuyện của trường học và bệnh viện nữa.

Không nói chuyện chữ nghĩa nữa, mà nói thực chất GIÁ hay PHÍ. Quan điểm của tôi là thế này:

1- Thưa anh Thể

Đường BOT Hà Nội – Lào Cai chẳng hạn. Nó là đường mới. Đường cũ vẫn có. Đi đường cũ không phải mua vé để bù cho đường mới. Đi đường mới phải trả khá tiền. Đắt sẽ ít người đi. Hợp lý sẽ nhiều người đi. Theo tôi BOT như thế không ai thắc mắc.

Còn quốc lộ 1 BOT như vừa qua là vấn đề. Quốc lộ 1 không thể chỉ là GIÁ được, vì nó bao hàm trong đấy con đường trước khi sửa là của dân của nước. Phần đầu tư BOT chỉ là thêm vào thôi, và chỉ là một hợp đồng có thời hạn. Dân có quyền đòi hỏi thu phí sao cho đúng, cho hợp lý. Thêm nữa, dân đi đường cũ (không chỉ QL1) mà phải góp tiền cho đường mới thì là chuyện quái dị. Phải có sự rõ ràng mạch lạc, công minh. Phải có nhận sai và sửa sai.

2- Thưa anh Nhạ

Có các trường đại học dân lập, đại học tư hoàn toàn. Học ở đó phải trả nhiều tiền. Dân không kêu ca. Theo cách nói bây giờ là phải trả theo GIÁ bao hàm đầy đủ các chi phí của các trường đó. Bây giờ bất cứ trường đại học nào muốn thu đúng, thu đủ (như ông nói là theo luật Giá), thì hãy như các trường nói trên, tự trả hết tiền đất đai, nhà cửa, tài sản, nhân lực. Khi đó tự định học phí là bao nhiêu mà thu. Đắt thì con em nó ra nước ngoài học hết. Đó là cạnh tranh. Bên Tây họ cũng thế.

Còn nếu trường đại học vốn là do dân do nước chắt chiu mãi mới có, rồi trên cái cơ sở ấy chuyển PHÍ thành GIÁ, đòi thu nhiều, thu đủ….thì nó lại giống như tráng nền mở rộng quốc lộ 1 rồi thu BOT.

3- Thưa chị Tiến

Bệnh viện tự lo từ A đến Z không liên quan nhà nước, giá dịch vụ thế nào không ai phản đối. Mắc quá họ ra nước ngoài hay sang viện khác chữa. Đó là cạnh tranh.

Nhưng cũng không lẫn lộn với chuyện bệnh viện do nhà nước đầu tư xây dựng lâu nay bằng tiền dân đóng góp. Nhà nước chưa thể cho dân chữa bệnh không mất tiền, nên phải thu phí – Đồng ý. Nhưng phí đó thành GIÁ thì không đồng ý. Nếu là GIÁ – hãy tự xây bệnh viện hay trung tâm khác và hạch toán tất tần tật vào kinh doanh chữa bệnh. Chuyển bệnh viện công sang thành bệnh viên tư cũng được. Nhưng phải mua lại, trả tiền cho nhà nước có thể đầu tư cho các viện công còn lại.

4- Với cả ba Anh Chị Bộ trưởng:

Tôi đồng ý các anh chị tính hết thành GIÁ.

Nhưng để thu đúng theo GIÁ, ai muốn thu hãy đầu tư cái giá trị mới bằng tiền của mình, không dựa vào cái tài sản chung của dân đã tích luỹ lâu nay làm nền như nền đường quốc lộ 1 thành đường BOT.

Nếu dựa vào nền đường cũ, thì phải là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất và dạy và học có trước do công quỹ, thì là PHÍ. Nếu cơ sở vật chất khám chữa bệnh là xuất phát tiền công, thì là PHÍ.
Còn nếu định giá để kinh doanh giao thông, giáo dục, y tế – OK. Nhưng đừng nhập nhằng lẫn vào cái của dân của nước làm ra.

Tóm lại, hãy phân minh chỗ nào là PHÍ, chỗ nào là GIÁ. Chỗ nào là phúc lợi. Chỗ nào là kinh doanh. Không nạc mỡ lẫn lộn. Không diễn biến hoà bình từ PHÍ sang GIÁ.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. 1. Cám ơn nhà báo Trần Đăng Tuấn vì bài viết rất thông minh và sâu sắc của anh. Mọi chuyện mà các Bộ trưởng làm rối mù lên trong mấy ngày gần đây về PHÍ và GIÁ đã được anh lý giải rất rõ ràng, mạch lạc, ai cũng hiểu được. Chỉ có mấy ông bà Bộ trưởng là không hiểu hay cố tình không hiểu mà thôi.
    2. Thật tiếc cho một nhân tài thật sự , có TÂM và có TẦM như anh. Khi Anh không được “tổ chức” đồng ý cho ra ứng cử vào Quốc hội khóa này (mặc dù 100% cử tri nơi Anh ứng cử đã hoàn toàn nhất trí giới thiệu Anh), giới trí thức Thủ Đô chúng tôi đã vô cùng thất vọng với cái cách gọi là ” hiệp thương” của họ. Những người như Anh thì bị loại bỏ, còn những kẻ ngu dốt và lòng dạ sói lang thì lại đang hãnh tiến. Thật phũ phàng thay!

  2. Bổ sung:
    * THU GIÁ DỊCH VỤ đã thể hiện rõ ở các chùa đền khi nó dâng sao giải hạn cho chúng sinh, và vì thế, chuyện linh thiêng hóa hoặc chuyện cạnh tranh nhau để thu hút người DÙNG DỊCH VỤ là điều không thể tránh khỏi giữa chùa nọ với đền kia, và, điều này đã dần dần xa rời nguyên lý Phật để sa vào con đường ngu dân hóa: hãy đau lòng để nhớ lại rằng, một vị ĐẠI ĐỨC ở một chùa (có nhiều vị lãnh đạo Đảng và Nhà Nước đã từng mượn nơi đó để dâng sao giải hạn) đã hồ hởi giảng cho chúng sinh rằng TỔ ĐƯỜNG CỦA CHÚNG TA ĐÃ ĐẠT THƯƠNG HIỆU VỀ DÂNG SAO VÀ GIẢI HẠN!!!
    * Lại nói về giáo dục, vốn dĩ nó đã NGU HÓA HỌC SINH BẰNG TIỀN CỦA PHỤ HUYNH từ lâu rồi, còn bây giờ ông Bộ trưởng quyết tâm sử dụng cụm từ THU GIÁ DỊCH VỤ ĐÀO TẠO thì chỉ là sự bạch hóa chuyện cũ mà thôi.
    * Còn khi nước Việt thân thương của chúng ta gia nhập tổ chức y tế thế giới (WHO) thì TƯ VẤN DỊCH VỤ VÀ BÁN THUỐC LÀ CHÍNH CÒN CHỮA BỆNH CHỈ LÀ PHỤ, cho nên, những ai ở bên phụ (như Hoàng Công Lương chẳng hạn) thì sẽ thiệt thòi đủ đường.
    * Vậy đấy!!!

  3. Đối với bọn quan chức ăn cắp thì như bản nhân đã nói: chúng chỉ quan tâm tới hai việc, thứ nhất là mỗi chữ ký của mình CÓ GIÁ là bao nhiêu, thứ hai là đã kiếm được thẻ xanh dắt lưng hay chưa. Hãy chỉ bàn tới việc thứ nhất, GIÁ chính là cái từ đã đi vào cả giấc mơ của chúng, vì, mọi việc chúng làm sẽ được định lượng BẰNG GIÁ, vì thế:
    * Thế lực nào TRẢ GIÁ cho chúng cao hơn, chúng sẵn sàng phản chủ cũ để đi theo TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG HƠN!
    * GIÁ vì thế sẽ dần dần thay thế cho các từ đã lỗi thời, ví dụ như là PHÍ hoặc THƯƠNG HIỆU vì các từ này tuy lịch sự nhưng chỉ là GIÁN THU còn từ mới đoách đó mới thể hiện của TRỰC THU.

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây