Quan nhân, tội nhân…

FB Bạch Hoàn

28-5-2018

Ảnh: internet

Tuần trước, liên quan đến trò xảo ngôn, trí trá khi nói về phí BOT, tôi đã buộc phải bỏ chút thời gian phản biện ông Nguyễn Văn Thể, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tuần này, tôi lại phải dành vài lời cho ông nghị Nguyễn Đức Kiên, phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội.

Tôi đang tự hỏi, ông Kiên nghĩ mình là đại diện cho ai khi ngồi chễm chệ trên chiếc ghế ấy ở nghị trường? Ông có còn ý thức về việc mình có chức phận gì, phải làm gì, phải phục vụ cho ai và hướng đến điều gì, khi đang là một ông nghị hay không?

Lần đầu đặt chân vào hội trường Diên Hồng – nơi làm việc của cơ quan được cho là quyền lực nhất, ông Kiên có khắc cốt ghi tâm về quyền lực mà ông nắm giữ, rằng nó đến từ đâu, ai trao cho ông hay không? Nếu ông đã khắc vào tâm trí, thì tại sao hết lần này đến lần khác, ông phát ngôn những điều mà tôi cảm thấy lợi ích cho số đông bị gạt bỏ, phận dân nghèo bị vứt bỏ, và thay vào đó là sự ôm ấp, vỗ về lợi ích BOT?

Ông Kiên nói nôm na rằng “thu giá” đã được luật định, luật là luật. Và dù dư luận có phản ứng thì vẫn phải tuân theo thứ mà Quốc hội ban hành.

Ông Nguyễn Đức Kiên ạ…

Trước tiên, tôi bác bỏ sự cần thiết phải đổi từ thu phí sang thu giá. Lý do cụ thể tôi đã phân tích ở bài viết dành cho ông Thể Bộ trưởng. Nếu ông muốn cái đầu của mình sáng hơn, muốn tư duy tỉ lệ thuận với màu tóc trên đầu và phù hợp với cái ghế đang ngồi, thì xin vui lòng mở to mắt ra mà đọc. Ở đó hàng ngàn người đã phản biện, với những phân tích cho thấy nhận thức của họ đã vượt xa những người vẫn được cho là tinh hoa như ông, hay ông Thể.

Còn nếu ông đọc mà không lãnh hội được, thì trong bài viết này, tôi phải nhấn mạnh rằng, chừng nào vẫn còn có địa phương buộc người dân phải đi đường BOT, không trả lại cho dân quyền lựa chọn một con đường khác, thì chừng đó các ông không được phép gọi cái thứ ấy là “giá dịch vụ của doanh nghiệp”.

Nếu vẫn duy trì tình trạng này, tức tình trạng gần như ép người dân phải đi đường BOT và nôn tiền cho chủ trạm, thì tôi có quyền được nghi ngờ rằng, các ông đang ôm chân nhóm lợi ích BOT.

Ông Kiên là người đứng trong cơ quan lập pháp đã lâu. Ông đề cao pháp luật là rất tốt. Tôi đánh giá cao điều này ở ông. Nhưng, ông lại cho rằng, dù nó có gây cho dân nỗi bức xúc và buộc họ phải phản ứng, thì luật vẫn là luật, vẫn chỉ có cách cứ thế mà làm theo, thì ông đã sai hoàn toàn.

Mặc dù ông đã ngồi lì ở cơ quan lập pháp suốt nhiều năm qua, tóc trên đầu ông từ xanh đã chuyển thành màu bạc, nhưng có lẽ tôi vẫn phải nói thêm với ông quan điểm về pháp luật theo góc nhìn của một người dân.

Thưa ông Kiên…

Luật pháp là tổng thể các quy tắc ứng xử bắt buộc. Những quy tắc ấy phải được số đông người dân thừa nhận, phải thể hiện ý chí của quốc gia.

Luật không phải là chân lý. Chân lý là lẽ tự nhiên, là tất cả những gì phù hợp với lòng người, phù hợp với lợi ích của nhân dân, lợi ích lâu dài của quốc gia dân tộc, phù hợp với quy luật vận động và phát triển của xã hội loài người.

Nếu những giá trị được nhân dân thừa nhận lại không phù hợp với luật định, có nghĩa là luật đã lạc hậu và xa rời cuộc sống. Và nếu có não thì chắc ông phải hiểu, bất cứ thứ gì lạc hậu, bất cứ điều gì đi ngược với mong muốn, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân, đều sẽ bị đào thải để thay thế vào đó những thứ văn minh hơn, phản ánh đúng hơn ước mơ của người dân, giúp người dân tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng về một quốc gia bình yên và hạnh phúc.

Như vậy có nghĩa là, mặc dù các vấn đề liên quan đến BOT vẫn đang phù hợp với quy định của pháp luật, nhưng hiện trạng ấy lại không phù hợp với nguyện vọng của người dân thì luật phải thay đổi.

Ông Kiên ạ…

Với tư duy mà ông đã tự phơi bày ra trước công chúng, tôi thấy ông kém cỏi về trí tuệ và nghèo nàn về lòng trắc ẩn. Tôi đã mất một thời gian dài lắng tai để nghe, mở mắt để thấy ông đã có quá nhiều phát biểu ngớ ngẩn khiến người dân nuốt đắng cay mà cười cợt.

Đường đường là phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội, tức là người giữ vai trò rất lớn trong việc xây dựng các kế hoạch kinh tế, là người xây dựng, bấm nút thông các luật, thẩm định các dự án đầu tư trọng điểm của quốc gia, mà ông Kiên dám mở miệng nói BOT không ảnh hưởng đến người nghèo, thì hoặc là ông dốt nát, hoặc là ông vô sỉ.

Dù là vì cái gì thì với thói thứ tư duy ấy, ông Kiên càng đảm nhiệm trọng trách cao thì tôi càng lo lắng. Bởi vì, một người ngồi không đúng chỗ sẽ để lại hậu quả là những sản phẩm không đúng tầm.

Còng lưng cày bừa, khom lưng nộp thuế nuôi một bộ máy nhiều nhung nhúc những tinh bông, vậy mà nhìn quanh được mấy người thực sự tinh hoa? Trong khi, ngày nào cũng vậy, cảm xúc của nhân dân bị tra tấn bằng những phát ngôn, những thông điệp mà người nào còn giữ được lương tâm đều thấy nhói lòng.

Nếu bộ máy vận hành và quản trị xã hội chỉ toàn những người như ông Kiên, ông Thể, thì tôi thật là chẳng dám mơ mộng điều gì nữa. Không biết các anh chị ra sao, riêng tôi, mỗi khi nghĩ về tương lai của đất nước mình lại thấy văng vẳng bên tai thứ âm thanh của sự xảo ngôn, bao biện của những cá nhân ấy. Mỗi lần như thế, tôi lại thấy Chị Dậu lao ra con đường tối mù mịt. Tối như đêm 30…

Thưa ông Nguyễn Đức Kiên…

Ông lớn hơn tôi nhiều chục năm tuổi đời, nhưng tôi đành phải thẳng thắn như vậy. Là bởi vì quan điểm về pháp luật và lợi ích quốc gia của tôi và ông khác nhau. Tôi cho rằng luật không hợp lòng dân thì phải sửa luật chứ không thể thay dân. Là bởi vì, luật không phục vụ cho lợi ích của dân, thì luật ấy đồng thời không mang lại lợi ích cho đất nước này. Xã hội có thể đổi thay, chính trị có thời có thế, nhưng ở bất kỳ hình thái xã hội nào, lợi ích quốc gia, cuối cùng chính là lợi ích của muôn dân trăm họ.

Niềm tin của tôi, hi vọng của tôi, ước mơ của một người dân nhỏ bé như tôi sẽ chỉ đặt vào tay những chính nhân làm chính trị bằng con đường chính nghĩa. Trong chính trị, chính nghĩa thuộc về nhân dân, là của nhân dân. Đó là chân lý hiển nhiên và vĩnh viễn không bao giờ thay đổi.

Thế nên, từ hôm nay, tôi không thừa nhận ông Kiên là người đại diện cho mình tại Quốc hội.

Ông Kiên ạ…

Khi viết về ông, tôi suy nghĩ nhiều về cái tên Nguyễn Đức Kiên. Tên của ông giống tên một Nguyễn Đức Kiên khác. Đó là người phải đang thi hành bản án 30 năm tù giam.

Có một Nguyễn Đức Kiên đang ngồi giữa toà nhà Quốc hội thênh thang quyền lực. Và có một Nguyễn Đức Kiên đang tồn tại trong lao tù tăm tối.

Có một Nguyễn Đức Kiên vẫn khoác chiếc áo người đại diện của nhân dân. Và có một Nguyễn Đức Kiên đang mặc áo của kẻ tội nhân.

Tôi tuyệt đối không có ý định bàn về vụ án của Bầu Kiên. Tất cả chỉ là trùng hợp rất ngẫu nhiên khi tôi viết về nghị Kiên.

Hai ông Kiên ấy, các anh chị thấy như thế nào? Có phải tội nhân nào cũng sẽ có một tương lai? Và không phải quan nhân nào cũng nắm giữ được tương lai?

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Bản nhân chưa bao giờ gọi một thằng chó nào, cho dù nó vỗ ngực là lãnh tụ cao quý của dân tộc, là quan nhân khi chúng ra những quyết sách làm hại tới dân chúng: chúng chỉ là một thứ QUAN QUỶ mà thôi, thưa bạn Bạch Hoàn!

  2. Đảng ta đã đưa vào danh cách ứng cử đại biểu QH, thì dù đó là ông Kiên, thằng kiên, hay thằng ngu nào đó… chúng ta vẫn phải “bầu”.

    Dù chúng ta có đồng loạt gạch tên, chúng nó vẫn trúng cử, vì đảng ta độc quyền kiểm phiếu.

  3. Rất mừng khi đọc được những lời tâm huyết của tác giả. Đất nước này vẫn còn nhiều người yêu nước.

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây