Vì sao Bộ Tài chính không lên tiếng vụ quái thai “thu giá” BOT?

Bá Tân

26-5-2018

Thời tiết đang như lửa đốt, nhất là khu vực các tỉnh Bắc bộ và Trung bộ. Dư luận xã hội cũng trở nên nóng bóng bởi cái vụ “tối kiến” của Bộ Giao thông Vận tải, chuyển từ “thu phí” sang “thu giá” (tại các trạm BOT).

Một vụ việc (vấn đề) có hai loại ý kiến khác nhau là chuyện bình thường, điều đó chứng tỏ dân chúng không những biết quyền mà còn có năng lực tranh luận, phản biện. Mỗi công dân cũng như một xã hội, luôn chỉ nghe một chiều, cho dù thông tin ấy không trung thực, đó là dấu hiệu nghèo hiểu biết và quen cam phận để người khác dắt mũi.

Về cái “tối kiến” của Bộ Giao thông Vận tải, chuyển từ “thu phí” sang “thu giá”, cũng có hai loại ý kiến. Loại ý kiến đồng tình ủng hộ chỉ là cá biệt, lẹt đẹt về số lượng, và rất chi là nhạt nhẽo về… sinh khí. Ủng hộ theo kiểu gượng gạo, y như người làm dịch vụ khóc thuê trong các đám tang.

Ý kiến phản đối chiếm phần áp đảo, tạo nên những cơn sóng dữ dội, dồn vào một điểm – Bộ Giao thông Vận tải. Về mặt danh dự và uy tín, Bộ Giao thông Vận tải gần như “chết chìm” trước sức mạnh của dư luận xã hội. Quan chức Bộ Giao thông Vận tải nặng đầy túi tham nhờ hàng loạt dự án BOT, nhưng chính BOT buộc họ phải làm những việc sinh ra nhiều tai ương hơn cả ma quỷ.

Phản đối “tối kiến” của Bộ Giao thông Vận tải là đương nhiên, thấy chuyện bất bình ít người im lặng. Lên tiếng phản đối, trong trường hợp này, giống như thấy kẻ gian móc túi, không thể làm ngơ cho qua.

Các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học xã hội, giới báo chí… dựa vào luận cứ khoa học tạo nên “bão táp” dư luận, đập nát lý sự cùn của Bộ Giao thông Vận tải.

Có một cơ quan không thể không lên tiếng nhưng họ im lặng. Đó là Bộ Tài chính. Giá, phí thuộc địa hạt quản lý của Bộ Tài chính. Bộ này có hẳn một cái cục chuyên quản lý giá cả.

Tùy tiện chuyển từ “thu phí” sang “thu giá”. Đó là “tối kiến” của Bộ Giao thông Vận tải. Không những sai về chuyên môn, nghiệp vụ, mà còn lộng hành về quyền hạn. Việc làm bất chấp của Bộ Giao thông Vận tải như là cái tát nảy lửa vào mặt Bộ Tài chính. Bộ Giao thông Vận tải coi khinh Bộ Tài chính đến thế là cùng. Lẽ ra, nếu làm đúng bổn phận, Bộ Tài chính phải ngay tức khắc lên tiếng và chặn đứng việc làm ngỗ ngược sai trái của Bộ Giao thông Vận tải. Bộ Tài chính chọn cách im lặng.

Sự im lặng của Bộ Tài chính thực ra là một cách nói đa nghĩa. Im lặng là đồng tình. Im lặng vì bất lực. Im lặng vì ngại va chạm đụng độ. Im lặng là nhằm đẩy “quả bóng” ấy cho chính phủ, cho Thủ tướng Chính phủ. Sao mà Bộ Tài chính kém và tệ như thế? Cái cách hành xử của Bộ Tài chính, theo cách nói dân gian, đó là sự khôn lõi. Là người tử tế, không ai chơi với kẻ khôn lõi.

Nói phải củ cải cũng nghe. Lẽ phải đã được phân định rạch ròi như thế, chẳng lẽ Bộ Giao thông Vận tải cố tình câm-điếc để bảo vệ bằng được cái quái thai “thu giá” BOT?

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bởi vậy, quái thai hay không thì phải căn cứ vào việc mọi hành vi của các cơ quan công quyền có vì dân hay là vì bọn chủ hay không mà thôi!?

  2. Các anh THU GIÁ và VẶT LÔNG vừa là anh em ruột lại vừa là đồng hao của một thứ bố già nào đó, hơn nữa, anh này vừa là nguyên nhân vừa là kết quả của anh kia, cho nên, tuy hai mà một như thế thì làm sao anh này lại nỡ bảo anh kia là QUÁI THAI cơ chứ?.

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây