Ngày 23 tháng 5 là Ngày Hiến Pháp CHLB Đức

Hiếu Bá Linh, tổng hợp

23-5-2018

Hiến pháp Đức là một trong những bản Hiến pháp nổi tiếng thế giới về tính chặt chẽ, khoa học và những đặc trưng nổi bật của Nhà nước Pháp quyền hiện đại; xứng đáng trở thành một giá trị văn minh chung của nhân loại. Đặc biệt, Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới đã đưa Quyền tỵ nạn vào trong Hiến pháp Đức: “Những người bị bức hại vì lý do chính trị được hưởng quyền tị nạn”.

Điều 1 của Hiến pháp CHLB Đức.

Đúng ngày này cách đây 69 năm, ngày 23.05.1949 Đạo luật cơ bản (Hiến pháp) CHLB Đức đã ra đời và bắt đầu có hiệu lực thi hành. Kể từ đó, ở nước Đức ngày 23 tháng 5 hàng năm được chọn làm Ngày Đạo luật cơ bản, tức là Ngày Hiến pháp CHLB Đức.

Hiến pháp (Đức gọi là Đạo luật cơ bản) là văn bản pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất và là nền tảng của hệ thống pháp luật trong Nhà nước Pháp quyền dân chủ. Nó bao gồm cả trên phương diện tổ chức quyền lực nhà nước cũng như phương diện qui định cụ thể các quyền cơ bản của công dân. Sau Thế chiến thứ Hai năm 1945 nước Đức thua trận, kinh tế hoàn toàn sụp đổ, đất nước bị chia cắt và Đạo luật cơ bản (Hiến pháp) CHLB Đức đã được xây dựng trong hoàn cảnh đó.

Hiến pháp CHLB Đức là một trong những bản Hiến pháp nổi tiếng thế giới về tính chặt chẽ, khoa học và những đặc trưng nổi bật của Nhà nước Pháp quyền hiện đại. Nó kết tinh của cả một quá trình dài, thậm chí rất dài (từ Hiến pháp nhà thờ thánh Paul 1849 cho đến Hiến pháp cộng hòa Weimar 1919), cũng như sàng lọc, gắn kết những giá trị lập hiến của nhân loại với những đặc trưng riêng độc đáo của Hiến pháp Đức.

Điều 1, tức là Điều đầu tiên của Hiến pháp Đức qui định rõ: “Phẩm giá con người là bất khả xâm phạm” và nhà nước có trách nhiệm phải “Tôn trọng và bảo vệ nó” tức là tôn trọng và bảo vệ phẩm giá con người (nhân phẩm).

Thể chế của nước CHLB Đức được hiến định qua Điều 20 của Hiến pháp: “Cộng hòa Liên bang Đức là một nhà nước liên bang dân chủ và xã hội”.

Đặc biệt, bản Hiến pháp Đức có tổng cộng 146 Điều, tất cả các Điều đều có thể sửa đổi được, ngoại trừ Điều 1 và Điều 20 nêu trên. Điều 79 khoản 3 của Hiến pháp Đức cấm sửa đổi và tuyệt đối không được thay đổi Điều 1 và Điều 20. Hay nói cách khác, Điều 79 này đã vĩnh viễn hóa những đặc trưng nền tảng về dân chủ, pháp quyền của nhà nước Đức, vĩnh viễn hóa một chân lý: “Phẩm giá của con người là giá trị cao nhất và không thể bị xâm phạm”.

Các quyền cơ bản của công dân (Điều 1 đến 19) của Hiến pháp CHLB Đức được ghi khắc tại tòa nhà Quốc hội Liên bang Đức Jacob-Kaiser ở Berlin. Ảnh: Tác giả gửi tới

Quyền tỵ nạn được hiến định

Đặc biệt, Đức là quốc gia duy nhất trên thế giới đã đưa Quyền tỵ nạn vào trong Hiến pháp Đức:

Điều 16a [Quyền tị nạn]

(1) Những người bị bức hại vì lý do chính trị được hưởng quyền tị nạn.

Dĩ nhiên đối tượng của Quyền tỵ nạn này là những người nước ngoài và quyền tỵ nạn của họ được qui định trong Hiến pháp, một văn bản luật có giá trị pháp lý cao nhất. Như thế, tất nhiên nhà nước Đức có trách nhiệm phải đảm bảo quyền này cho họ.

Bất cứ ai bị các cơ quan công quyền xâm hại các quyền cơ bản của mình, đều có quyền khởi kiện

Hiến pháp Đức phân biệt rõ đâu là quyền (Rechte) và đâu là nghĩa vụ (Pflichte) cơ bản của công dân (Điều 1 đến 19), nó hoàn toàn khác với Hiến pháp của CHXHCN Việt Nam. Đối với một vấn đề, công dân chỉ có quyền hoặc nghĩa vụ, chứ không phải là quyền đồng thời là nghĩa vụ, chẳng hạn như quyền bầu cử (Điều 38 Hiến pháp Đức) là một quyền tự do, chứ không phải vừa là quyền, vừa là nghĩa vụ như ở Việt Nam hiện nay. Ưu điểm rất rõ qui định này là bất cứ ai khi đọc luật cơ bản cũng có thể hiểu được điều gì được phép làm (quyền) và những gì bắt buộc phải làm (nghĩa vụ).

Tòa án Hiến pháp Liên bang (Bundesverfassungsgericht) là một thiết chế có chức năng bảo vệ Hiến pháp và bảo vệ nền dân chủ ở Đức. Thiết chế này được đánh giá là một trong những mẫu hình bảo hiến thành công nhất trên thế giới hiện nay. Thẩm quyền quan trọng nhất của Tòa án Hiến pháp gồm: quyền tuyên bố một đạo luật là vi hiến nếu đạo luật đó trái với Hiến pháp; quyền giải thích Hiến pháp; quyền giải quyết xung đột thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Liên bang; quyền giải quyết tranh chấp thẩm quyền giữa liên bang và tiểu bang và đặc biệt là quyền giải quyết khiếu kiện Hiến pháp của cá nhân.

Điều 93 khoản 4a Hiến pháp Đức qui định “Bất kỳ người nào bị các cơ quan công quyền xâm hại các quyền cơ bản đã được nêu trong Hiến pháp, đều có quyền trực tiếp kiện ra Tòa án Hiến pháp Liên bang”.

Tinh thần Hiến pháp Đức

Hiến pháp Đức không chỉ đơn thuần là một văn bản pháp luật mà quan trọng hơn hết nó còn là một Tinh thần Hiến pháp, tinh thần ấy nằm trong tâm thức cũng như hành động gìn giữ, bảo vệ, phát triển những giá trị này của nhiều thế hệ người Đức.

Tại Hội nghị lập hiến năm 1948, khi nước Đức trong đống hoang tàn đổ nát sau Thế chiến thứ Hai, ông Karl Arnold, thống đốc bang Nordrhein Westfalen (sau này là Chủ tịch Thượng viện – Bundesrat) đã đưa ra một tuyên bố nổi tiếng: “Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề đó là tiếp nối Tinh thần Hiến pháp, chúng ta phải làm việc thật cẩn trọng và trách nhiệm, phải cân nhắc để chắc chắn rằng những gì mà chúng ta kiến thiết hôm nay, ngày mai sẽ là tương lai tốt đẹp cho tất cả người Đức“.

Và kết quả là nước Đức có một Hiến pháp xứng đáng trở thành một giá trị văn minh chung của nhân loại.

Bình Luận từ Facebook

4 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết gây thất vọng cho người đọc. Một số vấn đề mà tác giả không nêu lên được là:
    Bối cà hình thành Hiến pháp.
    Các nội dung chính, không phải chì có hai vấn đề nhân phẩm và tỵ nạn
    Cách áp dụng hiến pháp trong thực tế (Vai trò Toà Bảo hiến)
    Thành tựu nào cần áp dụng cho Việt Nam (tinh thần trọng pháp của nhà nước pháp quyền)
    Hy vọng tác giả bỏ thêm nhiểu công sức để đào sâu vấn đề

  2. Vị nào am hiểu xin viết bài so sánh với hiến pháp nước ta để tôi đọc đặng mở mang thêm đầu óc. Được các giáo sư trong hội đồng lý luận làm, càng đáng quý
    Đừng đo dân trí bằng thước đo nào khác.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây