Hiếu Bá Linh
18-5-2018
Gia đình ông Oai có quan hệ mật thiết với Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine cho biết: “Đào Quốc Oai đã từng ngồi tù tại CH Séc vì cưỡng đoạt tống tiền một người đàn ông đồng hương. Và trước đó tại nước Đức vào những năm 90 Đào Quốc Oai đã từng bị truy tố về tội giết người”.
Lần đầu tiên sau một thời gian dài im lặng, hôm qua trong cuộc họp báo chiều ngày 17/5/2018, khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với trường hợp Nguyễn Hải Long, là người bị xem là một mật vụ của Việt Nam, đang bị xét xử tại Đức trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam bà Lê Thị Thu Hằng khẳng định “công việc liên quan đến bảo hộ công dân sẽ được tiến hành đúng quy định của pháp luật”.
Đối với yêu cầu cập nhật thông tin về vụ này, phát ngôn viên Lê Thị Thu Hằng nói: “Chúng tôi đã phát biểu nhiều lần. Hiện Việt Nam đang tiếp tục trao đổi chặt chẽ với phía Đức. Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn phát triển quan hệ đối tác chiến lược với Đức vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Trong khi đó, cùng ngày hôm qua 17/05/2018 tại Berlin, thủ đô nước Đức, Phiên tòa xét xử nghi can mật vụ Nguyễn Hải Long bước vào ngày thứ 7 với sự cung khai của cô Nguyễn Vân Anh, 35 tuổi, hôn thê của Vũ Đình Duy. Nói chung, kể từ ngày khai mạc cho đến nay, Tòa án Thượng thẩm Berlin đã mời nhiều nhân chứng ra cung khai trước tòa.
Điểm đặt biệt, hầu như trong tất cả các buổi thẩm cung nhân chứng, tòa án rất ít đề cập đến bị cáo Nguyễn Hải Long, đối tượng chính của phiên tòa xét xử này, mà lại quan tâm rất nhiều đến một nhân vật tên là Đào Quốc Oai. Bà Regine Grieß, Chánh án chủ tọa phiên tòa, cũng như bà phụ tá đã bỏ ra nhiều tiếng đồng hồ để hỏi những nhân chứng, chính xác là vặn hỏi xoáy quanh nhân vật Đào Quốc Oai này. Vậy Đào Quốc Oai là ai? Và giữ một vai trò như thế nào trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh?
Đào Quốc Oai là ai?
Đào Quốc Oai là cậu của bị cáo Nguyễn Hải Long. Oai sinh ngày 19.06.1972, 46 tuổi, quê quán tại xã Tân Tiến, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên. Ông ta có biệt danh là Oai “đất”. Ông Oai có gia đình khá mạnh về tài chính và các mối quan hệ tại Việt Nam. Gia đình có sàn nhảy “bất khả xâm phạm” nổi tiếng tại Hải Phòng.
Gia đình Oai “đất” khá đông anh em, ông anh cả Đào Quang Trịnh là cái tên khá nổi tiếng ở Đất cảng Hải Phòng, từng làm Đại sứ danh dự của CH Séc tại Hải Phòng trong nhiều năm. Ông Trịnh được biết đến qua mối quan hệ rất rộng, kể cả với quan chức cao cấp. Rất nhiều người trước đây đã phải nhờ vả sự giúp đỡ của ông ta khi muốn có visa sang Séc. Trong vụ lùm xùm cấp visa Séc trước đây trên sân golf, một số thông tin cho rằng cũng liên quan đến ông.
Ông Trịnh là con chim đầu đàn trong nhà, mọi quan hệ, mọi công việc từ lớn đến bé, các em trong nhà đều phải qua lấy ý kiến Trịnh. Với một khối tài sản nổi, chìm từ trong nước tới ngoài nước, Trịnh điều hành một cách cực tinh vi.
Về quan hệ giữa nhân chứng Vũ Đình Duy và Đào Quốc Oai. Trước tòa, Vũ Đình Duy khai rằng, “Đào Quốc Oai là người bạn thân của tôi cùng quê. Tôi chơi thân với Oai từ thuở ấu thơ, nhà Oai ở cạnh sát nhà tôi. Tôi không chỉ chơi thân với Duy mà còn chơi thân với tất cả thành viên nhà Oai từ nhỏ”.
Gia đình ông Oai có quan hệ mật thiết với Bộ trưởng Công an Tô Lâm
Trước tòa, Trần Dương Nga vợ của Trịnh Xuân Thanh cho biết: “Mẹ của Duy là em ruột của mẹ chồng tôi”. Tức là Vũ Đình Duy với Trịnh Xuân Thanh là anh em họ với nhau. Đây là một chi tiết làm nhiều người tham dự phiên tòa vô cùng ngạc nhiên, vì từ trước đến nay hầu như không ai biết Trịnh Xuân Thanh Và Vũ Đình Duy có mối quan hệ họ hàng gần với nhau.
Bà Trần Dương Nga còn khai với tòa rằng: “Duy nói Duy có một người anh kết nghĩa rất thân, hiện đang sinh sống ở Praha. Duy cũng nói ông Oai có quan hệ rất tốt với an ninh Việt Nam. Trong quá khứ ông Oai cũng là một sĩ quan an ninh”.
Vũ Đình Duy còn nói cho tòa biết rõ chi tiết tường tận hơn: “Các đoàn lãnh đạo cao cấp Việt Nam khi sang CH Séc, ông Oai thường đứng ra lo hậu cần, thí dụ như thuê khách sạn, đưa đón v.v. nhất là các đoàn lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an. Đặc biệt ông Oai nói rằng ông Oai chơi rất thân với ông Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an”.
Được biết, Tô Lâm và gia đình Đào Quốc Oai là người cùng quê quán ở Văn Giang, Hưng Yên. Và mới đây, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã bổ nhiệm một người anh ruột của ông Oai lên làm Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng.
Ngày 13/04/2018 Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca -Ủy viên BTV Thành uỷ, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an TP Hải Phòng- chủ trì buổi lễ công bố Quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về việc bổ nhiệm Đại tá Đào Quang Trường giữ chức vụ Phó Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng từ ngày 11/4/2018. Trước đó, Đại tá Đào Quang Trường giữ chức Trưởng phòng An ninh kinh tế – Công an TP Hải Phòng.
Theo lời khai trước tòa của Vũ Đình Duy: “Tôi biết cô Đỗ Thị Minh Phương từ Việt Nam vì cùng làm trong Bộ Công thương, nhưng mãi tới khi sang Đức tôi mới biết họ yêu nhau. Trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh lưu trú tại Đức, cô Minh Phương đã sang Đức tới 4 lần để thăm ông Thanh. Lần cuối cùng tôi gặp cô Minh Phương là tối ngày 20/7/2017. Tôi cũng biết được kế hoạch sang thăm của cô ấy trước 1 tháng do Trịnh Xuân Thanh kể”.
Điểm đáng chú ý, cô Đỗ Thị Minh Phương – được cho là bị sử dụng để “chim mồi” trong vụ bắt cóc – lại là cháu của Giám đốc Công an TP Hải Phòng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Ca, người trao Quyết định bổ nhiệm nêu trên cho Đại tá Đào Quang Trường.
Có thể nói yếu tố “Hải Phòng” đóng một vai trò then chốt trong vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Berlin. Hay nói cách khác Hải Phòng là “tử địa” của Trịnh Xuân Thanh.
Đào Quốc Oai cùng với Trung tướng Đường Minh Hưng theo dõi Đỗ Thị Minh Phương
Năm ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra, lúc 9:43 giờ sáng ngày 18.07.2017 Lê Anh Tú đã lái chiếc xe BMW X5 (do Nguyễn Hải Long đứng tên thuê) chở Đào Quốc Oai (Vũ Đình Duy khai: Tú là tài xế của Oai) đến Berlin. Chiếc xe đến ranh giới Berlin lúc 13:15 giờ và chạy thẳng đến khách sạn “Berlin, Berlin”, nơi Trung tướng Đường Minh Hưng trú ngụ.
Hôm sau ngày 19.07.2017 Đào Quốc Oai ngồi chung xe BMW X5 với Trung tướng Đường Minh Hưng theo dõi bám sát chiếc Taxi chở Đỗ Thị Minh Phương từ sân bay Tegel ở Berlin đến khách sạn Sheraton lúc 13:51 giờ, nơi cô Minh Phương và Trịnh Xuân Thanh hò hẹn với nhau.
Đào Quốc Oai đứng tên thuê phòng khách sạn cho tướng Hưng dùng làm trung tâm chỉ huy vụ bắt cóc
Ba ngày trước khi ra tay bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, lúc 12:49 giờ ngày 21.07.2017 Trung tướng Đường Minh Hưng và Đào Quốc Oai đến khách sạn Sylter Hof. Đào Quốc Oai đứng tên thuê cho tướng Hưng 1 phòng trong khách sạn này đến ngày 25.07.2017. Sau đó lúc 13:12 giờ tướng Hưng dọn vào ở trong phòng số 147 do Đào Quốc Oai đứng tên thuê. Tướng Hưng đã sử dụng phòng này làm trung tâm chỉ huy vụ bắt cóc.
Chiều hôm đó, khoảng 16:15 giờ Nguyễn Hải Long lái xe BMW X5 chở Đào Quốc Oai về Praha. Đúng 21:38 giờ chiếc xe về đến nhà Đào Quốc Oai. Ngày hôm sau Nguyễn Hải Long đem trả chiếc xe này tại văn phòng dịch dụ thuê xe của Bùi Hiếu trong chợ Sapa.
Trong thời điểm xảy ra vụ bắt cóc, Đào Quốc Oai và Nguyễn Hải Long không có mặt tại Berlin
Sáng ngày 23.07.2017 Nguyễn Hải Long và Đào Quốc Oai ngồi chờ tại nhà của Nguyễn Hải Long ở Praha. Vài phút sau khi vụ bắt cóc xảy ra, Trung tướng Đường Minh Hưng đã gọi điện thoại báo tin vụ bắt cóc thành công và ra lệnh cho Oai và Long đến Berlin (có tổng cộng 3 cuộc nói chuyện điện thoại giữa tướng Hưng và Oai lúc 10:53 giờ, 11:20 giờ và 11:32 giờ).
Ngay sau đó, Oai gọi điện thoại bảo vợ (tên là Bình) mang chiếc xe Porsche màu trắng từ nhà Oai đến nhà Long. Khoảng 11:30 giờ Oai và Long khởi hành lái chiếc xe Porsche đến Berlin. Và đúng 14:48 giờ chiếc xe đến khách sạn Sylter Hof. Nguyễn Hải Long và Đào Quốc Oai vào lễ tân trả phòng và lên phòng lấy hành lý cho Trung tướng Đường Minh Hưng.
Sau khi lấy hành lý cho tướng Hưng, Long và Oai lái xe Porsche đến Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin và lúc 16:13 giờ Nguyễn Hải Long lái chiếc xe bắt cóc VW T5 Multivan (đậu trong sân Đại sứ quán suốt 5 tiếng đồng hồ từ 11:13 giờ) về lại Praha. Chiếc xe về đến chợ Sapa lúc 19:38 giờ. Ngày hôm sau Nguyễn Hải Long đem trả chiếc xe này.
Đào Quốc Oai chở Trung tướng Đường Minh Hưng rời khỏi nước Đức
Từ Đại sứ quán, Trung tướng Đường Minh Hưng vội vã rời khỏi nước Đức. Khoảng 17 giờ Đào Quốc Oai chở tướng Hưng đến Praha bằng chiếc xe hạng sang Porsche Cayenne màu trắng. Tướng Hưng đến Praha lúc 20:03 giờ.
Buổi tối hôm đó, tướng Hưng, Oai, Long và Lê Anh Tú ăn mừng trong một quán Việt Nam ở Praha đến 23:37 giờ, mọi người đã uống rất nhiều bia, Nguyễn Hải Long kể lại với cảnh sát như thế.
Ngày hôm sau 24/07/2017 lúc 12:58 giờ chiếc máy bay của hãng hàng không Nga Aeroflot cất cánh chở Trung tướng Đường Minh Hưng từ Praha về Hà Nội qua ngỏ Moskau. Máy bay đáp xuống sân bay Nội Bài lúc 8:42 giờ (giờ Việt Nam) ngày 25/07/2017. Vé máy bay này của tướng Hưng được mua vào buổi sáng ngày 24/07/2017 tại một văn phòng du lịch ở Praha.
Có phải nhờ vào bạn nối khố Đào Quốc Oai mà Vũ Đình Duy thoát được lệnh truy nã của Việt Nam?
Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy là anh em họ với nhau. Cả hai đều làm Tổng giám đốc các công ty thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Cả hai đều bị cáo buộc về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”. Cả hai đều bỏ trốn ra nước ngoài và bị Việt Nam phát lệnh truy nã đỏ quốc tế. Cả hai đều trốn sang châu Âu (Trịnh Xuân Thanh ở Berlin, còn Vũ Đình Duy cư ngụ qua lại ở 2 nơi: Berlin và Warsaw thủ đô Ba Lan). Nhưng Công an Việt Nam chỉ lùng bắt cho bằng được Trịnh Xuân Thanh, còn Vũ Đình Duy thì không.
Có phải nhờ vào bạn nối khố Đào Quốc Oai mà Vũ Đình Duy thoát được lệnh truy nã của Việt Nam?
Để đáp ứng lại, không lẽ Vũ Đình Duy lại không tiết lộ những tin tức về Trịnh Xuân Thanh, khi nhiều lần bị Đào Quốc Oai hỏi?
Nghi ngờ trên, không phải lần đầu tiên mà đã nhiều lần và mất rất nhiều thì giờ, nhưng không có lần nào tòa án diễn tả rõ ràng và thẳng thừng như ngày hôm qua 17.05.2018 khi hỏi nhân chứng Nguyễn Vân Anh, hôn thê của Vũ Đình Duy, như sau:
“Tại sao tình trạng của Trịnh Xuân Thanh và Vũ Đình Duy như nhau, đều đang trên đường đi trốn và đều bị Việt Nam truy nã, nhưng ông Thanh lại rất thận trọng, tránh gặp hay tiếp xúc với người khác, và luôn sợ hãi, không dám đi đâu mà tại sao ông Duy lại sống một cách vô tư, quan hệ rộng, thường xuyên đi lại giữa Warsaw và Berlin, thậm chí còn đi sang tận Praha thăm Đào Quốc Oai. Vậy có lẽ ông Duy dũng cảm hơn ông Thanh hay sao?”
Nhân chứng Nguyễn Vân Anh trả lời: “Không phải thế! Thật sự anh Duy cũng lo lắng và thận trọng trong đi lại cũng như trong quan hệ với người lạ”.
Tòa hỏi có lẽ ông Duy cảm thấy ít sợ hãi hơn là nhờ vào mối quan hệ với Đào Quốc Oai? Nhân chứng Nguyễn Vân Anh trả lời “Không!”.
Theo tờ Đàn Chim Việt, một tờ báo mạng tại Ba Lan, Vũ Đình Duy đã có thẻ 3 năm tại Ba Lan. Thẻ được cấp ra vào trung tuần tháng 5 năm 2017 sau hơn 4 tháng kể từ khi đương sự đệ đơn. Thẻ dành cho những người ‘làm việc’ tại Ba Lan, dù trên thực tế, không phải ai sau đó cũng thực sự tham gia vào thị trường lao động của nước mà họ đã xin cư trú.
Mặc dù có rất nhiều văn phòng dịch vụ của người Việt, nhưng Vũ Đình Duy đã sử dụng một văn phòng tư vấn và dịch vụ giấy tờ do người Trung Quốc làm chủ.
Như vậy, tình trạng giấy tờ cư trú của Vũ Đình Duy tương đối đã ổn định từ tháng 5 năm 2017, tức là từ 2 tháng trước khi Trịnh Xuân Thanh bị bắt cóc, thành thử Vũ Đình Duy không ở trong một tình trạng quá “khó khăn” về an toàn bản thân đến nỗi phải cạn tình máu mủ họ hàng (mẹ Thanh và mẹ Duy là chị em ruột).
Nhiều lần, bà Trần Dương Nga vợ Trịnh Xuân Thanh, khi được tòa hỏi, bà đều khẳng định rằng bà tin tưởng Duy, Duy có thông tin gì mới đều trao đổi với bà, kể cả tất cả những lần ra cảnh sát thẩm cung, Duy đều kể rõ nội dung cho bà biết. Quan hệ với Đào Quốc Oai như thế nào, Duy đều nói cho bà biết.
Hơn nữa, cũng như tất cả những nhân chứng khác, cảnh sát đã thẩm cung họ từ nhiều tháng trước, nay tòa án mời họ ra cung khai một lần nữa trước tòa. Riêng nhân chứng Vũ Đình Duy cảnh sát đã mời ra lấy lời khai rất sớm, ngay sau khi vụ bắt cóc xảy ra, và đã nhiều lần cung khai tại cơ quan điều tra Đức chứ không phải 1 lần duy nhất.
Do đó, hiển nhiên là các nhà điều tra Đức cũng đã có những nghi vấn về Vũ Đình Duy, không nghi ngờ sao được khi 2 ngày trước khi vụ bắt cóc xảy ra, ngày 20.07.2017 Đào Quốc Oai gọi điện thoại cho Vũ Đình Duy nói rằng Oai đang ở Hamburg muốn ghé qua Berlin chơi với Duy một trận Golf, Duy nhận lời và gọi điện rủ Trịnh Xuân Thanh cùng chơi, nhưng Trịnh Xuân Thanh nghe thấy có Oai nên Thanh đã từ chối.
Không nghi ngờ sao được, khi hơn 1 tuần trước khi vụ bắt cóc xảy ra, Vũ Đình Duy và hôn thê đã đi sang Praha thăm Đào Quốc Oai và thậm chí còn rủ Trịnh Xuân Thanh đi theo, nhưng ông Thanh cũng từ chối.
Không nghi ngờ sao được, khi trong buổi ăn sáng trước khi chia tay ngày 16.07.2017 tại Praha, theo lời mô tả trước tòa của Vũ Đình Duy, có hiện diện một người đàn ông đậm người, đầu hói, nhưng khi tòa đưa cho xem hình Trung tướng Đường Minh Hưng, thì Vũ Đình Duy nhận ra và nói rằng có 1 lần từng có dịp gặp tướng Hưng tại Việt Nam, nhưng nhân chứng Duy không xác nhận tướng Hưng chính là người đàn ông có mặt trong buổi ăn sáng ở Praha nói trên, mặc dù bị tòa vặn đi hỏi lại nhiều lần, nhân chứng Duy chỉ nói những người có nhân dạng giống như vậy nhiều lắm. Được biết lúc 20 giờ tối cùng ngày hôm đó Trung tướng Đường Minh Hưng đã đến Berlin và nhận phòng ở khách sạn “Berlin, Berlin”.
Có thể nói, hầu như tất cả những người có mặt quan sát phiên tòa ngày 07.05.2018 đều không tin về những lời khai nêu trên của Vũ Đình Duy. Tuy nhiên, rất có thể vì những lý do nào đó Vũ Đình Duy đã không dám khai về tướng Hưng, nhưng cũng không vì vậy mà trước đây đã “bán đứng” người anh họ của mình.
Như vậy các nhà điều tra Đức từ lâu đã có những nghi vấn về Vũ Đình Duy, nhưng với nghiệp vụ chuyên môn của họ và những phương tiện kỹ thuật trong tay, họ dể dàng tìm ra sự thật. Tòa án không có khả năng và cũng không có chức năng điều tra những nghi vấn, nếu có thì họ phải giao cho cơ quan điều tra thực hiện.
Nói tóm lại những nghi vấn và nghi ngờ về Vũ Đình Duy đã được cảnh sát Đức điều tra cặn kẽ và đã được giải tỏa, nếu không trong vụ trọng án này Vũ Đình Duy đã không xuất hiện ở tòa với tư cách nhân chứng mà là với tư cách bị cáo.
Nhưng điều đáng nói, nếu những nhân chứng quan trọng như Vũ Đình Duy và kể cả bà Trần Dương Nga, vợ của Trịnh Xuân Thanh cứ tiếp tục cung khai theo kiểu “không dứt khoát” như từ đầu vụ xử cho đến bây giờ, thì bị cáo Nguyễn Hải Long sẽ có cơ hội rất cao để được trắng án và được nước Đức bồi thường tiền cho nhiều tháng ngồi tù “oan”.
Bị cáo Nguyễn Hải Long có lý lịch tư pháp hoàn toàn sạch, không tiền án tiền sự trong thời gian cư ngụ ở Đức trước kia và trong thời gian ở CH Séc sau này. Đây cũng là một yếu tố làm tăng cơ hội Nguyễn Hải Long được trắng án, nếu không chứng minh được rằng Nguyễn Hải Long đã biết rõ đó là một vụ bắt cóc khi tham gia vụ này.
Viễn cảnh này rất có thể sẽ xảy ra, nếu biết rằng luật sư Stephan Bonell biện hộ cho Nguyễn Hải Long hiện nay chính là luật sư đã cãi trắng án cho Đào Quốc Oai khi xưa. Trước khi sang Cộng Hòa Séc sống tại thành phố Brno, Đào Quốc Oai đã từng sinh sống ở Đức trong một thời gian dài. Tờ nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine, số ra ngày thứ Bảy 12/05/2018 cho biết:
“Tại nước Đức vào những năm 90 Đào Quốc Oai đã từng bị truy tố về tội giết người. Hồi đó tại Leipzig xảy ra cuộc chiến giữa các băng đảng trấn lột Việt Nam tranh dành địa bàng thu tiền chỗ bán thuốc lá lậu. Đào Quốc Oai ngồi trên một chiếc xe ô tô, mà vũ khí khai hỏa từ chiếc xe này đã bắn chết một thành viên của băng đảng đối nghịch. Trong một phiên tòa xét xử ở Leipzig, tòa án Đức đã tha bỗng Đào Quốc Oai vì không chứng minh được sự tham gia của bị cáo trong vụ giết người này”.
Đó chính là nguyên do tại sao nghi can Nguyễn Hải Long bị giam ở nhà tù Berlin và phiên tòa xét xử diễn ra ở Berlin, nhưng bị cáo Nguyễn Hải Long đã chọn một luật sư biện hộ từ Leipzig.
Sau khi thoát tội ở Đức, Oai “đất” chạy sang CH Séc sống một thời gian cũng khá lâu tại thành phố Brno sau này mới chuyển lên Praha. Tờ nhật báo Đức Frankfurter Allgemeine cũng cho biết, “Đào Quốc Oai đã từng ngồi tù tại CH Séc vì cưỡng đoạt tống tiền một người đàn ông đồng hương”.