Đề xuất tăng thuế xăng dầu phản ánh năng lực của ông Bộ trưởng Tài chính

FB Hoàng Hải Vân

17-5-2018

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng. Ảnh: TCTC

Sau khi đưa ra “lấy ý kiến” về tăng thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, hầu hết các ý kiến của chuyên gia và người dân phản ánh trên các phương tiện truyền thông đều phản đối, nhưng Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng vẫn gửi tờ trình lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội với mức tăng kịch khung: xăng 4000 đ/lít, dầu 2000 đồng/lít. Không hiểu ông Bộ trưởng đưa ra “lấy ý kiến” để làm gì.

Ngoài việc lập lờ đưa ra lý do thuế môi trường đối với xăng dầu “nâng cao nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững… khi Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế”, ông Bộ trưởng còn cho biết nếu thực hiện phương án này thì tổng số thuế bảo vệ môi trường sẽ tăng 15.000 tỷ đồng/năm (tính tròn), đồng thời giải thích với mức tăng này nhóm có thu nhập thấp chỉ phải chi thêm 22.000 đ/tháng và nhóm có thu nhập cao chỉ chi thêm 130.000 đ/tháng.

Người ta lấy làm lạ về trình độ của một vị Bộ trưởng đứng đầu một bộ kinh tế quan trọng nhất của Chính phủ, lại chỉ đưa ra những thống kê số học, những con số chứng tỏ ông Bộ trưởng không am hiểu được những tương tác sơ đẳng trong nền kinh tế mà bất kỳ một sinh viên kinh tế nào cũng bắt buộc phải hiểu.

Xăng dầu vốn là mặt hàng “đầu vào” của hầu hết các ngành sản xuất kinh doanh. Thuế xăng dầu tăng sẽ dần đến giá xăng dầu tăng, chi phí sản xuất kinh doanh sẽ tăng, chi phí tăng thì lợi nhuận sẽ giảm, lợi nhuận giảm sẽ khiến cho thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ giảm tương ứng so với không tăng thuế xăng dầu.

Còn nữa, bản thân giá xăng dầu tăng khiến cho chi phí doanh nghiệp tăng, đã đành là như thế, nhưng giá xăng dầu tăng còn khiến cho một loạt các mặt hàng khác tăng theo, trong đó nhiều mặt hàng cũng là chi phí đầu vào của doanh nghiệp, cho nên chi phí doanh nghiệp còn tăng kép.

Ông Bộ trưởng hoàn toàn không nghĩ đến số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ bị giảm tương ứng với mức tăng chi phí kép đó. Ông Bộ trưởng không nghĩ, bộ máy của ông ta không nghĩ thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ phải nghĩ thay cho ông ta và bộ máy của ông ta, do đó phải buộc ông ta trả lời rằng, thuế xăng dầu thu thêm có bù được vào số thuế thu nhập doanh nghiệp giảm do thuế xăng dầu tăng hay không trước khi quyết định.

Đó là chỉ nói riêng việc cân đối ngân sách, chưa nói việc tăng thuế xăng dầu sẽ gia tăng lạm phát với những hậu quả rất khó lường, sẽ khiến cho nền kinh tế giảm sức cạnh tranh làm cho nguồn thu thuế sẽ giảm sút trong tương lai và sự phản ứng gay gắt của người dân phản ánh niềm tin của nhân dân vào nhà nước bị giảm sút nếu như quyết định tăng thuế này được thông qua.

P/s : Trong tờ trình này, tôi hoàn toàn tán thành tăng thuế đối với túi ni lông.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Ngài bộ trường Bộ TC đưa ra lý do để tăng thuế xăng, dầu là : “nâng cao nhận thức của xã hội đối với môi trường, khuyến khích sản xuất, tiêu dùng hàng hoá, đáp ứng yêu cầu phát triển bên vững… khi Việt Nam thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế”.., . Vừa ngô nghê vừa mâu thuẫn , dường như ông ta không hiểu đang nói gì. a/ Nâng cao nhận thức : Xin về ngồi ở Ban tuyên giáo hoặc Bộ 4 T; b/ Khuyên khích tiêu dùng : Thuế tăng thì Giá xăng dầu tăng kéo theo giá hàng hóa tiêu dùng tăng.. c/ cắt giảm thuế nhập khẩu : xăng dầu cũng giảm thuế thì giá xăng hạ xuống , thuế giảm đi . Tại sao lại tăng thuế môi trường của xăng , dầu????. Có lẽ ông BT Đinh Tiến Dũng ngồi nhầm chỗ, lẽ ra ông nên ngồi ở Tuyên giáo hoặc 4T cho hợp sở trường .

Leave a Reply to Nguyễn Thanh Đức Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây