Hiệp sĩ chết! Lỗi ở ai?

FB Mai Quốc Ấn

14-5-2018

Đêm qua, đã có 3 hiệp sĩ Sài Gòn và tham gia bắt trộm mất mạng (tại đường CMT8, Q3, Tp.HCM) và nhiều người khác bị thương; khi họ phát hiện 1 băng trộm bẻ khóa xe và bị chúng tấn công bằng hung khí. Những cái chết tất yếu của một xã hội mà nền pháp quyền còn lỏng lẻo, quản lý pháp quyền còn hình thức, và nhiều nơi cơ quan chức năng buông lỏng quản lý, sống chết mặc dân!

Bắt cướp nên là chuyện của cơ quan công an, công cụ bảo vệ của một xã hội pháp quyền thực sự. Nhưng mô hình xã hội pháp quyền trên thực tế vẫn là… mô hình.

Sự xuất hiện của hiệp sĩ- những anh hùng từ xưa đến nay, đều bắt đầu từ nhu cầu xã hội. Nếu xã hội phong kiến không có những hình ảnh của Phong Lai, Trịnh Hâm, Bùi Kiệm, Đặng Sinh,… gây cảnh nhiễu nhương, không có hình ảnh giặc Ô Qua hung tàn xâm lược thì cuộc đời đã yên bình.

“Hiệp sĩ” không phải “thế công an hành đạo” mà là những người dân “kiến nghĩa tất vi” (thấy việc nghĩa sẽ làm) trước hết để thỏa mãn nhu cầu bảo vệ bản thân, gia đình, làng xóm, cộng đồng. Và hình ảnh Lục Vân Tiên, Vương Tử Trực xuất hiện để trừ nội loạn, dẹp ngoại xâm theo cách đơn lẻ (đánh tặc Phong Lai) lẫn có tổ chức (chống giặc Ô Qua).

Họ- những hiệp sĩ, không cần xuất hiện nếu có một xã hội pháp quyền thực sự!

Nhưng hôm qua, họ đã chết, 3 người. Và “ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ về phần ai?” nếu không phải là những người dũng cảm dám nhận phần gian khổ về mình một cách tự nguyện (theo nhu cầu bản thân, nhu cầu xã hội) chứ không phải là nhiệm vụ bắt buộc?

Đó là những cái chết “tự nguyện”?

Sự “tự nguyện chết” bắt buộc vì một xã hội được gọi là xã hội pháp quyền đang “chờ” hoàn thiện, củng cố. Sự tồn tại của nghĩa khí, lương tri nói chung và sự xuất hiện “hiệp sĩ” nói riêng cho thấy quá trình hoàn thiện xã hội pháp quyền vẫn đang diễn ra, đang trong giai đoạn quá độ.

Tôi mong chờ một xã hội pháp quyền hoàn thiện luôn cần một hệ thống luật pháp đủ sức ngăn chặn cái ác. Một xã hội pháp quyền hoàn thiện cũng cần có chế độ an sinh hoàn bị để quyền lợi xã hội được phân phối công bằng, cơ hội lao động và thụ hưởng cân bằng, để tránh các mâu thuẫn xã hội trở nên sâu sắc- cơ hội cho cái ác xuất hiện.

Nhưng, họ- những hiệp sĩ, đã chết; và điều mong chờ ấy đến nay vẫn là… chờ mong!

Có hơn một lần, nhà báo Nguyễn Hồng Lam (Báo CAND) kể tôi nghe về Hồ Duy Trúc – tội phạm chặt tay nạn nhân để cướp. Tôi nhớ một câu của anh Hồng Lam: “Nhà nó ở Ninh Thuận quê tao, nghèo xơ xác!”. Bản thân cái nghèo không phải là lý do để ai đó trở thành kẻ cướp. Nhưng cái nghèo “dẫn dắt” ai đó trở thành kẻ cướp tài sản và thậm chí là cướp mạng sống người khác xưa nay chưa hề hiếm!

20 năm viết báo của mình, tôi chứng kiến nhiều “kẻ cướp” khác đã đẩy dân đến bần cùng. Đó có thể là một loạt cán bộ đã “hỏa thiêu ngân sách” tính bằng trăm tỉ, nghìn tỉ, chục nghìn tỉ với các dự án từ thuế dân. Đó có thể là một loạt các văn bản thu hồi đất của dân “đúng quy trình” với giá chỉ bằng một tô phở/m2 và bán lại sau đó với giá vài lượng vàng/m2 ngay sau đó.

Để người dân nơm nớp lo sợ trộm, cướp là lỗi của ai?

Để hiệp sĩ (tự phát) đối mặt với trộm cướp, và chết, là lỗi của ai?

Để một xã hội mà nghèo đói không được giải quyết- tạo thành nguồn cơn cho trộm cướp- là lỗi của ai?

Xin thưa, không phải lỗi nhân dân! Trừ những kẻ vô cảm…

P/s: Chưa có bài viết nào tôi viết nhanh như bài viết này vì tôi đã từng viết 7 năm trước. Và nếu thấy 1 vụ cướp nào đó tôi cũng sẽ tham gia bắt cướp như 3 lần thời sinh viên. Giả sử có những “kẻ cướp” lớn hơn, mạnh hơn, nguy hiểm hơn tôi cũng sẽ làm thế. Vì im lặng trước bất công hôm nay thì mai này kẻ ác sẽ tìm đến bất kỳ ai.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Tớ nghĩ chúng ta không nên vội vàng lên án những kẻ gọi là “côn đồ”. Mọi người còn nhớ Phan Sơn Hùng không ? Ông ta & 2 người nữa xông vào nhà người khác đánh đập 1 phụ nữ vì đ/v Phan Sơn Hùng, phụ nữ đó là “phản động”, “nói xấu Đảng”, “nói xấu Bác Hồ”. Có nghĩa côn đồ thời đại Hồ Chí Minh cũng rất yêu Đảng & kính trọng Bác Hồ không kém gì những nhà báo như Mai Quốc Ấn, Hoàng Hải Vân …

    Nói theo lời của Hạ Đình Nguyên, chúng ta không nên có 1 cái nhìn phiến diện với những người được/bị xem là côn đồ, và nhất là trong chuyện này, càng không thể kết luận được đám côn đồ là xấu . Có thể những người được xem là “Hiệp Sĩ” là những kẻ cực đoan, nóng vội, không chịu phản biện ôn hòa với côn đồ thời đại Hồ Chí Minh, nên nghe lời xúi bẩy của bọn Việt Kiều cực đoan, rắp tâm phá hoại Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, lao vào con dao trên tay của côn đồ yêu Đảng thì sao ? Vả lại chúng ta có thể xem “côn đồ” & “hiệp sĩ” như 1 cặp phạm trù biện chứng đấu tranh tích cực để cho ra 1 nguyên mẫu tuy gọi là hiệp sĩ nhưng hành xử như côn đồ . Đây là quy luật tự nhiên, chúng ta không nên phán xét & không nên cho mình quyền phán xét .

    Công an hành xử như thế -từ chối hành động- là phải thôi . Còn nhớ chị phụ nữ & rồi mấy người No-U bị đánh bể đầu không ? Công an xuất hiện để tạo điều kiện cho côn đồ trốn thoát . Cặp phạm trù biện chứng công an & côn đồ đã cho ra tình trạng hôm nay . Công an ra mặt nhỡ đánh phải đồng nghiệp thì sao ? Chỉ nhắc mấy “Hiệp Sĩ”, well, tớ không muốn nhắc gì cả . (Rất) nhiều người ở VN bỏ mạng cho nhiều thứ còn ngu hơn . Các “hiệp sĩ” chỉ là những người Việt Nam bình thường, mạng dân vốn rẻ trong xã hội ta . Cứ thoải mái . Oh, quên 1 điều, khi làm “hiệp sĩ” nhất quyết phải mang tâm sáng, giá chót cũng bằng nhà báo độc lập tương đối Việt Nam, yêu Đảng theo cách phản biện ôn hòa . Kẻo chết dưới tay côn đồ như 1 kẻ phản động chống Đảng thì chính cái tư tưởng chống Đảng đó, theo Phạm Đoan Trang, là tội ác, chết đek ai thương .

  2. Không phải họ, 3 người chỉ đã “bị chết”, mà họ đã bị giết.
    – Cầm quyền TP. HCM sẽ làm gì? Có biết nhục?
    – Lực lượng công an hùng hậu, ăn bám nhân dân rồi “chỉ biết còn Đảng, còn mình”, có chịu điều tra, tìm thủ phạm hay không?
    Đó là điều mà dư luân VN quan tâm.

Leave a Reply to le Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây