Hiệp nghĩa hay hiệp sĩ

FB Trung Bảo

14-5-2018

Hai “hiệp sĩ” bắt cướp Nguyễn Văn Thôi (trái) và Nguyễn Hoàng Nam đã bị đâm chết đêm qua. Ảnh: Báo LĐ

Ngoài rạp đang chiếu phim Death Wish do tài tử Bruce Willis đóng vai một bác sĩ có vợ và con bị bọn cướp sát hại. Anh bác sĩ chờ cảnh sát thực thi công lý lâu quá bèn tự kiếm cây súng đi báo thù, sẵn thay trời hành đạo luôn. Hình ảnh một người dân không còn tin vào hệ thống pháp luật rồi tự ra tay trừ gian diệt bạo vô cùng phổ biến trong văn hoá của Đông lẫn Tây. Có khác chăng là ở phương Tây đa số “hiệp sĩ” thường xuất phát từ những dồn nén, mất mát cá nhân chứ không vì đại nghĩa mà dấn thân như hình ảnh của “hiệp sĩ” phương Đông.

Nếu ở phương Tây, Hiệp sĩ là một tước phong do nhà vua ban cho một người, thường là giai cấp quý tộc, thì ở phương Đông lại khác. Hiệp sĩ của phương Đông lại do đám đông công nhận từ những việc làm của họ.

Ở Việt Nam, thời thế lại khác và có vẻ có sự dung hoà cả Đông lẫn Tây. Cơ quan công an lại trao thưởng và bằng khen cho những ai tự giác bắt cướp, qua đó gián tiếp công nhận họ là “hiệp sĩ” và khuyến khích những “hiệp sĩ” thường dân này tham gia việc giữ gìn trị an xã hội. Cho nên, khoảng hơn 10 năm trở lại đây bỗng hình thành các nhóm “hiệp sĩ đường phố” tự giác tổ chức bắt cướp, tuần tra, chiến đấu với các thành phần xấu trong xã hội. Thậm chí có những thành viên trong đó tự cho mình nhiệm vụ “đấu tranh chống phản động” trên mạng lẫn ngoài đời.

Hai “hiệp sĩ” vừa bỏ mạng sau một vụ bắt cướp tại Sài Gòn. Không ai trong số họ từng được huấn luyện hoặc được trang bị khả năng chiến đấu, tất cả cái họ có là tinh thần dũng cảm và mong muốn tiễu trừ cái ác. Họ có tinh thần hiệp nghĩa, họ nghĩ mình là “hiệp sĩ”, nhưng đáng tiếc điều đó không bảo vệ tính mạng của họ trước mũi dao của kẻ cướp cùng đường.

Bất kỳ “hiệp sĩ” nào cũng chỉ là người dân thường. Không ai trong số họ có khả năng hay có quyền tổ chức thành một lực lượng chiến đấu chuyên nghiệp. Việc làm của họ đầy tinh thần hiệp nghĩa, nhưng đó lại là một việc làm sai luật và đẩy chính bản thân mình lẫn người quanh họ vào vòng nguy hiểm. Lực lượng công an có thể khen ngợi việc tham gia bắt cướp của người dân nhưng bắt cướp vẫn là việc của công an. Không thể khuyến khích người dân lao ra đường đi tuần tra bắt cướp. Công an phải có những khuyến nghị người dân không được phép tổ chức thành những lực lượng tự phát, với các rủi ro như vậy.

Tính mạng của ai cũng đều đáng quý. Cái chết của hai “hiệp sĩ” chỉ để lại mất mát đối với gia đình. Kẻ cướp, cho đến cùng vẫn là dân. Sử dụng người dân “hiệp sĩ” để đối đầu với người dân “ăn cướp” là khuyến khích mầm bạo lực trong xã hội và từ chối nhiệm vụ của lực lượng được xã hội giao bảo vệ trị an.

Tinh thần hiệp nghĩa rất cần nhưng, tiếc thay, xã hội hiện đại với tinh thần pháp quyền không thể cho phép các tổ chức hiệp sĩ tự phong hoạt động sai luật.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Cướp của giết người xong rồi bỏ đi, công an đến làm biên bản. Khỏe re. Nhưng nếu “phản động” đi biểu tình chống cướp nước công an theo đến tận nhà, hoặc “đụng xe” giữa đường rồi đánh te tua. Toàn mấy ông trí thức, các em sinh viên, trói gà không chặt.
    Xứ mình nó vậy. Cho nên cán bộ thì giàu, dân thì nghèo, xã hội thì loạn.
    May là Saigon chưa thành Singapore, chưa thành thành phố “thông minh” 4.0 theo như mấy ổng nói!!

Leave a Reply to Tư Chơi Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây