Phản biện Cù Huy Hà Vũ

Nguyễn Đình Cống

11-5-2018

Ngày 28/4/2018 TS Luật Cù Huy Hà Vũ có bài viết đăng trên BBC với nội dung “Bảo vệ ‘con người thật’ của nhà triết học Trần Đức Thảo”. Ngày 7/5 trang Viet-Studies đăng lại. Tôi xin có vài lời nhận xét và phản biện.

TS Vũ nêu một số dẫn chứng để kết luận, “cuốn sách ‘Trần Đức Thảo – Những lời trăng trối’ (tác giả Phan Ngọc Khuê) là một sự xuyên tạc có chủ ý triết gia duy nhất này của Việt Nam”.

Ảnh bìa sách “Trần Đức Thảo – Những Lời Trăng Trối” của Phan Ngọc Khuê

Nội dung chủ yếu của sách “Những lời trăng trối” cho rằng, Trần Đức Thảo gần suốt đời tưởng là Mác đúng, việc xây dựng CNXH là hợp quy luật, nhưng cuối đời đã phản tỉnh, phát hiện ra Mác đã sai, CNXH là không tưởng, GS Thảo đang viết một cuốn sách chứng minh điều đó. Sách chưa viết xong thì GS đột ngột qua đời.

TS Vũ đã dựa vào những dẫn chứng sau (DC) để bác bỏ Phan Ngọc Khuê:

DC 1: TS Vũ và cha ông là Cù Huy Cận, cậu ruột là Xuân Diệu, chú ruột là Cù Huy Chữ là chỗ thân tình với Trần Đức Thảo, Vũ cùng vợ đã có thời gian sống gần ông Thảo, ở cùng nhà tại Paris, thế mà cả 4 người chưa bao giờ nghe ông Thảo nói gì về sự phản tỉnh.

DC 2: TS Vũ viết: “Chính qua những cuộc trò chuyện tay đôi với ông cả ở nhà lẫn trên đường phố mà tôi hiểu được khá cặn kẽ con người cũng như suy tư của ông”. GS Thảo xem Vũ như thủ túc. Ông cũng chia sẻ với Vũ những gì đã và đang làm và dự định của ông cho thời gian tới. Khi sắp lìa đời, ông còn gọi “Vũ ơi, Vũ ơi”.

DC 3: GS Thảo có gửi lưu trữ một số bài viết cho một cơ quan tại Paris và sau khi ông chết, sứ quán Việt Nam đã gửi toàn bộ tài liệu trong đó có các bản thảo của ông về nước. Trong 2 nguồn vừa kể không một bản thảo nào thể hiện sự phản tỉnh, cho là Mác sai.

DC 4: Tên của cán bộ ở nhà khách sứ quán là Hảo, nhưng sách của ông Khuê gọi là Hào. TS Vũ viết: “Chỉ riêng chi tiết này thôi cũng đã cho thấy cuốn sách là bất khả tín”.

DC 5: TS Vũ dựa vào “Trần Đức Thảo – tiểu sử tự biên” để khẳng định ông Thảo là nhà Macxit chân chính.

DC 6: Cuốn sách “Những lời trăng trối” không phải Hồi ký mà chỉ là “Ghi lại lời ông Trần Đức Thảo”.

TS Vũ kết luận: “Trần Đức Thảo tán thành ‘chủ nghĩa xã hội’ theo học thuyết Mác-Lênin và khẳng định cuộc đấu tranh đòi tự do cho dân tộc Việt Nam dẫn đến chủ nghĩa xã hội”, đồng thời cho rằng sách của Phan Ngọc Khuê chứa nhiều giả dối, bịa đặt.

Theo tôi thì cả 6 DC trên chưa đủ để rút ra kết luận gì cả.

DC 1: Chưa nghe nói. Hai người, rất có thể là thân mật đấy nhưng chưa đủ độ tin cậy để nói một điều quá quan trọng. Chưa nghe A nói về B, không có nghĩa là A không nghĩ tới B. Vợ chồng, cha mẹ và con cái, là người nhà, rất thân nhau, nhưng có những chuyện người ta nói với bạn đáng tin, đáng gửi gắm. mà không nói vói người nhà. Về phương pháp luận, không thể dựa vào điều chưa biết để rút ra kết luận.

DC 2: TS Vũ đã hiểu tường tận về GS Thảo. Đây là một suy luận mang đầy tính chủ quan. A trao đổi với C, với V nhiều điều tâm sự, điều đó không thể cho rằng A đã nói mọi điều bí mật, mọi suy nghĩ thầm kín. Qua những cuộc trò chuyện tay đôi có thể hiểu được quan điểm của đối tác trong câu chuyện ấy, còn về chuyện khác thì chưa chắc. Việc TS Vũ cho rằng đã hiểu được khá cặn kẽ con người, cũng như suy tư của GS Thảo chỉ mới là phán đoán chủ quan. Đáng lẽ sau khi đọc Phan Ngọc Khuê, TS Vũ nên kiểm tra lại phán đoán của mình thì đã vội làm ngược lại.

DC 3: Không tìm thấy lưu trữ. Việc không tìm thấy tài liệu trong 2 nguồn lưu trữ chỉ mới là bằng chứng để nghi ngờ, chưa đủ bằng chứng để kết luận “Tài liệu có hay không”. Biết đâu ông Thảo chưa kịp gửi vào lưu trữ, biết đâu, theo một chỉ thị nào đó, tài liệu đã bị tách riêng, không nằm trong số được gửi về nước cho Học viện Chính trị Quốc gia. (Nên nhớ, chúng ta đang ở đâu và các mưu lược của nhà cầm quyền). Nghi ngờ là cần, nhưng muốn biết sự thật phải kiểm chứng. Từ nghi ngờ dẫn ngay đến kết luận là sai về phương pháp. Những người làm khoa học chân chính không ai làm thế.

DC 4: Tên Hảo hay Hào. Sự nhầm lẫn này là quá nhỏ, có thể xẩy ra. Từ sự nhầm này mà cho rằng “Cuốn sách của Phan Ngọc Khuê là bất khả tín”, đó là một quy chụp quá nặng nề và không khoa học. Nếu để minh xác tên một tác giả, một nhân vật lịch sử hoặc một tội phạm mà nhầm giữa Hảo và Hào là nguy hiểm, nhưng ở đây là về một con người có nhân thân và địa chỉ rõ ràng.

DC 5: Tiểu sử tự biện. Trước khi phản tỉnh, ô Thảo vẫn nhầm, tưởng là Mác đúng, ông tự cho mình là người Macxit. Dựa vào tài liệu viết ra trước lúc phản tỉnh để kết luận bản chất của người ta sau khi đã phản tỉnh là một cách “lập lờ đánh lận”, một trong những thủ đoạn ngụy biện.

DC 6: Không phải hồi ký. Có ai cho quyển “Những lời trăng trối” là hồi ký đâu. Tác giả Phan Ngọc Khuê thuật lại cả quá trình trao đổi với GS Thảo và cam kết giữ lại các băng ghi âm. Trong các chứng cứ thì lời tường thuật của đương sự vẫn được xem là một nguồn. TS Vũ có quyền nghi ngờ thông tin do Phan Ngọc Khuê đưa ra và nếu muốn biết sự thật thì phải tìm cách kiểm chứng. Chỉ có những kiểm chứng chặt chẽ mới có cơ sở để kết luận thông tin do Phan Ngọc Khuê cung cấp là thật hay giả.

TS Vũ khẳng định rằng, ông “sẽ bảo vệ đến cùng con người vốn dĩ của ông Thảo”. Tôi rất hoan nghênh việc này, nhưng trước hết phải làm rõ “con người vốn dĩ” như thế nào. Tôi đề nghị TS hãy tìm cách tiếp xúc với ông Phan Ngọc Khuê, trao đổi chân thành. Nếu như TS khẳng định ông Khuê bịa đặt, xúc phạm đến thần tượng của minh, TS cần kiện ra tòa án ở Mỹ hoặc ở Pháp để được phân xử, còn không TS sẽ bị mang tiếng vu cáo, bôi nhọ ông Khuê.

Ngược lại, nếu những điều ông Khuê viết ra có đủ bằng chứng, thì bài báo của TS Vũ đã xúc phạm đến ông. Để thể hiện lòng chân thành và khoan dung, ông Khuê nên liên lạc với TS Vũ để cung cấp thông tin. Nếu TS Vũ cứ khăng khăng bảo lưu ý kiến thì ông nên kiện ra tòa để đòi tôn trọng danh dự.

Việc kiện này, dù ai là nguyên đơn, sẽ giúp hiểu đúng về nhà triết học Trần Đức Thảo. Ngoài ra nếu ông Khuê thắng kiện, làm rõ sự phản tỉnh của Trần Đức Thảo thì còn có đóng góp cho nhân dân Việt Nam và thế giới nhận thức về Chủ nghĩa Mác.

Vụ kiện, nếu xẩy ra, tiền án phí chắc không nhỏ. Cuối cùng án phí sẽ do bên thua chịu, nhưng ban đầu phải do nguyên đơn ứng trước. Nếu nguyên đơn gặp khó khăn về tài chính, tôi xin đứng ra vận động lập quỹ hỗ trợ, góp phần để nguyên đơn đóng án phí.

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Có lẽ nguyên đơn nên đệ đơn kiện lên Tòa án ở Việt Nam, vừa đảm bảo có công bằng công lý, mà chi phí cũng không quá đắt.

  2. Về Trần Đức Thảo thì những tháng cuối đời ở Paris,ông đã có dự tinh tuyên bố từ bỏ
    CS.nhưng CHHV.không biết điều này.Vậy hãy đọc bài viết của Nguyễn Ngọc Giao,một
    trong những trí thức thân cộng mà TĐT.nhờ làm ngưòi trung gian tiếp xúc với giới trí
    thức Pháp trong suốt thời gian đó ở Paris,làm chứng.
    Nhan đề bài viết “Với Trần Đức Thảo.một chút duyên nợ” (Diễn Đàn năm 2011) trong
    đó NNG.cảm thấy “bàng hoàng” nên viết “không thể chấp nhận được (khi TĐT.muốn
    CHỌN TỰ DO) sự hí hửng hả hê,của giới chống cộng đến chiều” vì NNG.cho là “nghiêm
    trọng gấp vạn lần mà hài kịch thảm thương ấy”.do đó mà nhóm thiên tả lâu nằm này
    quyết liệt ngăn chận cho bằng được.(Có lẽ họ muốn lập công dâng đảng chăng ?).
    Tôi nghĩ nhóm thân cộng mà đứng đầu là NNG.có thể đã báo tin cho Toà Đại Sứ VN.tại
    Pháp để cho người theo dõi chặt chẽ TĐT.cho nên triết gia đáng thương này cuối cùng
    đã hoàn toàn thất bại trong dự tính muốn tổ chức một cuộc họp báo để ông tuyên bố
    từ bò CS.trước giới trí thức Pháp ở Paris !
    (Muốn biết rõ sự thật đầy đủ hơn,xin đọc cả bài của NNG.trên Diễn Đàn).

  3. Tóm lại, những gì TS CHHV đưa ra vẫn chưa đủ vững chắc để kết luận GS Trần Đức Thảo cuối đời vẫn là nhà Marxist chân chính.
    Cũng y hệt cuốn sách “những lời trăng trối” chưa thể đáng tin. Thời nay, ghi âm quá dễ dàng, sao không ghi lại “những lời trăn trối”?

Leave a Reply to ba lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây