Vụ dự án Thủ Thiêm: Vì sao chính quyền giải toả dân dễ dàng như vậy?

Lao Động Việt

10-5-2018

Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm (thuộc quận 2, Sài Gòn) được quy hoạch với diện tích gần 730 ha đất, nơi an cư của khoảng 15.000 hộ dân (số liệu trên báo chí). Mặc dù cách làm việc, giải quyết vấn đề của chính quyền và doanh nghiệp khiến người dân bất mãn, gây oan sai. Thế nhưng, vì sao “liên minh” cướp đất trên lại có thể giải toả được gần hết nhà dân khi chưa thoả thuận chuyện đền bù?

Dự án khu đô thị Thủ Thiêm được phê duyệt ngày 27/12/2005, cũng từ đây, hàng ngàn hộ dân sống ở khu vực quận 2 rơi vào cảnh thấp thỏm lo âu về chuyện đền bù. Rồi chỉ vài năm sau đó, bi kịch đã ập lên đầu các cư dân. Từ chỗ có nhà, có đất họ trở thành những người vô gia cư, tay trắng dắt díu nhau ra khỏi nhà trong trạng thái đau khổ, phẫn uất. Thậm chí, có những gia đình bị đội quân “liên minh” dùng máy ủi san phẳng luôn mồ mả của người thân.

Vào ngày 18/7/2016, sau khi bị tổ chức “liên minh” quyết tâm dùng mọi hành vi, thủ đoạn đê hèn để cướp đất, trong cơn phẫn uất tột cùng, anh Nguyễn Hùng Thái (SN 1976) đã treo cổ tự tử. Để lại vợ và con thơ…

Anh Nguyễn Hùng Thái bị tổ chức “liên minh” đánh đập trước khi tự tử. Ảnh: SBTN

Phẫn nộ hơn, khi cái chết của anh Thái đã không đủ sức làm cảnh tỉnh lương tri con người của tổ chức “liên minh”, cũng như ngăn chặn được hành vi tội ác của tổ chức này. Trong lúc gia đình nạn nhân tổ chức mai táng cho anh Thái, thì hàng trăm công an, cán bộ đã kéo đến bao vây nhà anh Thái nhằm ngăn chặn cuộc biểu tình của người dân (nếu có).

Đến sáng ngày 20/7/2016, trong buổi tang lễ dân oan, những viên công an đã xông vào đám tang, cướp luôn giấy báo tử của gia đình nạn nhân.

Quay lại câu chuyện giải phóng mặt bằng, bà Nguyễn Thị Nhung (53 tuổi, trú quận 2) đau đớn kể lại, gia đình bà có hơn 600 m2 đất do cha ông để lại. Năm 2006, gia đình bà nhận được thông báo nằm trong diện giải toả mặt bằng để lấy đất làm dự án khu đô thị Thủ Thiêm. Bà Nhung mang sổ đỏ và những giấy tờ khác lên phường nộp để làm hồ sơ đền bù.

Bẵng đi 3 năm không ai ngó ngàng đến hồ sơ nhà bà Nhung. Đến năm 2009 thì phía tổ chức “liên minh” yêu cầu bà Nhung phải chứng minh giấy tờ nhà mình là thật (?!)

Năm 2010, tổ chức “liên minh” thông báo số tiền đền bù đất của gia đình bà Nhung tổng cộng được hơn 500 triệu đồng, giá bình quân 200 ngàn đồng/m2. Với số tiền này, gia đình bà Nhung chỉ mua được 2 m2 đất ở khu vực xây dựng dự án. Vì vậy, gia đình bà Nhung không đồng ý.

Cũng trong năm này, tổ chức “liên minh” liên tục khủng bố tinh thần gia đình bà Nhung, yêu cầu gia đình bà phải tự ý dở nhà đi nơi khác, nếu không họ sẽ phạt 60 triệu đồng vì không chịu dở nhà, khiến gia đình bà sợ hãi. Lo lắng cho tính mạng những đứa cháu mới chào đời sẽ bị xe ủi sẵn sàng san phẳng nhà mình lúc nào không hay, con cháu bà Nhung đã dọn nhà đến khu tạm cư lánh nạn. Còn vợ chồng bà Nhung quyết ở lại giữ nhà trong tình trạng bị cắt điện, nước.

Bỗng một ngày, một người trong tổ chức liên minh tới “mách” bà Nhung mang đơn lên trụ sở quận khiếu nại. Nghe lời người này, bà Nhung vác hồ sơ đi lên quận. Sau nửa ngày, bà trở về nhà thì… nhìn khắp nơi chẳng thấy căn nhà của mình đâu. Tất cả đều đã bị san phẳng.

“Cả gia đình tôi hơn 10 người chỉ được sống tạm trong căn phòng vài chục m2. Còn tôi, cứ tối lại phải trải chiếu ngủ ở ngoài hiên. Đau đớn lắm, nhiều lúc uất ức quá nghĩ nếu giết người mà không đi tù thì tôi cũng giết vài người đã cướp đất nhà tôi rồi. Họ lấy đất nhà tôi đền có 200 ngàn đồng/m2 mà họ bán cho người ta 200 triệu đồng/m2 thì ai mà chấp nhận được”, bà Nhung phẫn nộ.

Dơ tay lau nước mắt, bà Nguyễn Thị Hường bức xúc kể, nhà bà có hơn 300 m2 đất mua từ năm 1996. Vào năm 2010, gia đình bà bị tổ chức liên minh kéo tới cướp đất. Canh lúc gia đình bà đã đi làm, chỉ còn mỗi mình bà Hường ở nhà, thì hàng trăm người mặc sắc phục, kèm theo vũ khí kéo tới san phẳng nhà bà.

Kể từ đó, gia đình bà Hường sống trong cảnh vô gia cư, phải thuê nhà để ở, công việc, tương lai con cái đều bị xuống dốc. “Từ chỗ có nhà cửa giờ gia đình nhà tôi thành vô gia cư, công việc làm ăn cũng tụt dốc, rồi sinh bệnh tật nữa”, bà Hường quẹt nước mắt trong phẫn uất.

Trên đây chỉ là một trong hàng ngàn hoàn cảnh của người dân Thủ Thiêm bị tổ chức liên minh cướp đất, đẩy vào đường cùng.

Và bây giờ, “bộ mặt” của quận 2 đã thay đổi. Hàng loạt các chung cư cao tầng cùng những tuyến đường đắt nhất hành tinh (1.000 tỷ đồng/km) xuất hiện. Thế nhưng, tất cả chúng đều được xây dựng trên nỗi đau, sự thống khổ của người dân, và thậm chí là mạng sống. Sự thay đổi được hình thành bằng “kế sách”: cướp của người dân, bán lại cho người dân với giá “cắt cổ”!

Nếu so sánh vụ án đất đai của người dân Đồng Tâm, thì chắc chắn vụ án Thủ Thiêm sẽ lớn hơn về mặt quy mô, số lượng và mức độ nghiêm trọng. Thế nhưng, vì sao tổ chức liên minh lại khá thuận lợi trong việc lấy đất của dân như vậy (so với vụ án đất đai khác)?

Về phía tổ chức liên minh, họ có thừa thủ đoạn hèn hạ, có thừa dã tâm tàn ác, có thừa quyết tâm cướp đất đến cùng… và họ đã thành công khi đuổi được dân đi, mà như một phóng viên nọ từng nói “lùa dân như lùa vịt”.
Còn về phía người dân, họ đã thiếu rất nhiều thứ nhưng thứ lớn nhất đó là hai chữ :ĐOÀN KẾT

Theo dân oan nơi đây, khi tổ chức liên minh kéo đến cưỡng chế nhà họ, lúc đó họ cảm thấy đơn độc hơn bao giờ hết: “Lúc đó, chỉ mình mình gào khóc trong sợ hãi, trong phẫn uất, trong bất lực. Còn những người đi qua họ chỉ nhìn trong dửng dưng. Từ đó đến nay, mình không còn niềm tin vào xã hội nữa”, bà Oanh nhớ lại.

Vì thiếu đoàn kết, thiếu tinh thần tương trợ nhau, thiếu chiến lược nên tình cảnh những dân oan này bây giờ cũng khác nhau: Hàng ngàn hộ chấp nhận đi tới khu tạm cư mới, được tổ chức liên minh xây dựng tạm bợ và cấp cho mỗi hộ chừng 20m2; những hộ này mưu sinh sống qua ngày và chờ đợi công lý tới với mình. Khác với số đông trên, hàng chục hộ thì quyết tâm bám trụ lại trên đất và nhà mình, sống trên đất của mình với khẩu hiệu “chết cũng trên đất của mình”. Và những hộ còn lại người thì đi thuê nhà chỗ khác ở, người thì ở một khu tạm cư gần đất đã bị cướp…

Trong các hoàn cảnh trên thì lại chia làm 3 nhóm: “Ở đây có 3 nhóm đòi công lý. Nhóm của ông L., nhóm của ông T. và nhóm của bà M. Do quan điểm khác nhau nên tách làm 3. Nhưng nhóm của bà M. đã nhập lại với nhóm của ông L.”, một dân oan cho biết.

Ngay trong buổi tiếp xúc cử tri chiều ngày 9/5/2018, có nhiều cử tri tham gia, nhưng cũng rất nhiều cử tri không hề biết gì về buổi tiếp xúc này.

Vâng, công cuộc đấu tranh đòi quyền lợi, đòi công lý của người dân Thủ Thiêm còn đầy chông gai. Qua đây, chúng ta cũng thấy được bài học về sự đoàn kết, và để làm được điều đó thì phải có những người biết kết nối các “bàn tay” lại với nhau. Cũng như các cuộc đình công của công nhân, nếu không đoàn kết, nếu không có chiến lược và sự thống nhất trong quá trình hành động đòi quyền lợi thì kết quả thắng lợi sẽ rất thấp, thậm chí có thể bị tổn hại về tinh thần và con người. Công đoàn độc lập, là lựa chọn tối ưu để các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi đạt hiệu quả nhất.

Phóng viên Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. Học Giả Nguyễn Duy

    con ơi mẹ dặn câu này
    cướp đêm là giặc cướp ngày là quan – (ca dao xưa)

    Cướp xưa băng nhóm làng nhàng
    cướp nay có đảng có đoàn hẳn hoi
    có con dấu đóng đỏ tươi
    có còng có súng dùi cui nhà tù

    cướp xưa lén lút tù mù
    cướp nay gióng trống phất cờ phóng loa
    con trời bay lả bay la
    cướp trên bàn giấy cướp ra cánh đồng

    dân oan tuôn lệ ròng ròng
    mất nhà mất đất nát lòng miền quê
    tiếng than vang động bốn bề
    cướp từ thôn xóm tiến về thành đô

    ai qua thành phố Bác Hồ
    mà coi cướp đất bên bờ Thủ Thiêm
    bây giờ mẹ phải dặn thêm
    quan tham là cướp cả đêm lẫn ngày.

    Nguồn Mạng.

Leave a Reply to Vang Dong Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây