Khi bệnh ung thư có tên “đất đai thuộc sở hữu toàn dân, do nhà nước quản lý”, phát tán và di căn

Nguyễn Hồng

10-5-2018

Người dân Thủ Thiêm trưng bản đồ ra chất vấn lãnh đạo TP. Ảnh: Internet

Chiều ngày 09/05/2018, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh khóa XIV (tổ số 7) đã có buổi tiếp xúc cử tri Q.2, địa bàn đang nóng hừng hực liên quan đến Khu Đô Thị Thủ Thiêm.

Không khí của buổi tiếp xúc cử tri cực ‘nóng’ khi có sự tham dự của rất đông người dân liên quan đến việc bị thu hồi đất thuộc dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm (Q.2, Tp.HCM). Địa điểm dùng làm nơi tiếp xúc cử tri Quận 2, khán phòng Trường Bồi dưỡng Chính trị quận 2 chật ních người.

Tổ Đại biểu Quốc hội số 7 này gồm các đại biểu: Nguyễn Thị Quyết Tâm – Chủ tịch Hội Đồng Nhân Dân Tp.HCM, Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hồ Chí Minh và bà Trịnh Ngọc Thúy – Phó chánh án Tòa Án Nhân Dân Tp.HCM.

Đầu buổi tiếp xúc, những người dân đã đưa rất nhiều tài liệu, bản đồ làm bằng chứng phản ánh. Lúc bà Nguyễn Thị Quyết Tâm tới, người dân đã vây quanh bà để trình bày những bức xúc của mình, đi kèm cả những chỉ trích trực diện trách nhiệm liên đới của bà Nguyễn Thị Quyết Tâm trong vụ việc khu đô thị Thủ Thiêm.

Một cử tri lớn tuổi, bà Lê Thị Bạch Tuyết, khi chất vấn tổ đại biểu quốc hội đã cho hay, liên quan đến việc đền bù ở dự án Thủ Thiêm, bà có gọi điện tới công ty Đại Quang Minh để hỏi về dự án khu đô thị Sala thì được biết: 1m2 đất ở dự án này, Cty Đại Quang Minh bán giá 350 triệu đồng, còn nhà nguyên căn tới 23 tỉ đồng/căn. Nhân viên dự án Sala còn nói giờ nhà và căn hộ đều bán hết rồi và đề nghị khách hàng để lại địa chỉ để bán dự án sau. Trong khi đó, “Nhà nước đền bù cho dân tại dự án này chỉ 18 triệu đồng/m2 mà giá dự án bán tới 350 triệu đồng/m2 thì không hợp lý tí nào. Làm như thế thì ép dân quá. Nếu đất Sala bán 350 triệu đồng/m2 thì phải đền bù 50 triệu đồng chứ 18 triệu đồng/m2 thì quá ít“.

Bà Tuyết cũng nêu câu chuyện mất bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm, đề nghị Trung ương cần phải xem xét vấn đề này để đòi lại quyền lợi cho người dân.

Bà Lê Thị Ngọc Nga ở phường Bình Khánh thì cho hay, nhà của bà bị cưỡng chế nhưng không có quyết định thu hồi! Trên 10 năm bà vẫn miệt mài đến tòa khiếu kiện. Bà Nga kiện Ủy Ban Nhân Dân Q.2 không ban hành quyết định thu hồi đất, áp giá bồi thường, cưỡng chế bồi thường trái pháp luật…“Bản đồ bị mất (bản đồ gốc quy hoạch Thủ Thiêm) vừa được ông cựu chủ tịch UNBD thành phố Võ Viết Thanh cung cấp. Đề nghị treo những bản đồ này cho người dân được biết”, bà Nga nói.

Ông Ngô Hùng Phong mếu máo kể: nhà của ông bị thu hồi, ông đi khiếu kiện mãi vẫn chưa được giải quyết. Cha của ông Phong luôn đau đáu việc này. “Ngay trước lúc qua đời câu nói cuối cùng của cha tôi là: ‘nhà tôi đâu?’.”

Bà Lê Thị Hồng Vân: “Tại sao gia đình tôi không nằm trong diện quy hoạch nhưng vẫn bị thu hồi, tôi đề nghị phải cấp lại nhà cửa cho gia đình tôi ở”.

Ông Nguyễn Ngọc Thanh (địa chỉ 134 Lương Định Của) bức xúc: Nhà của tôi ngày đó diện tích 59 m2, hai mặt tiền, mua gần 50 cây vàng. Đến khi bồi thường thì chỉ được có 49 triệu! Cho tôi suất mua chung cư 800 triệu, nhưng tiền đâu mà mua?

Bà Đặng Thị Bích Ngọc, người phường Bình An, Q.2, cũng cho rằng nhà bà không nằm trong quy hoạch, nhưng “vẫn bị người ta đẩy đi”!

Ông Nguyễn Hoàng Vân (khu phố 1, phường Bình Khánh, Quận 2) đề nghị Trung Ương cần phải thanh tra toàn diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm vì người dân “không còn tin tưởng chính quyền Q.2 nữa”. “Phải giao cho Trung Ương, Quốc hội đứng ra giám sát chứ không chỉ riêng Đoàn Đại biểu Quốc hội Tp..HCM nữa vì ở đây tồn tại những vấn đề cực kỳ nghiêm trọng”, ông Vân nói.

Bà Trần Thị Mỹ, năm nay đã 77 tuổi, người ở phường An Khánh, cho biết: 13 năm nay bà đi khiếu nại khắp nơi nhưng không có kết quả. Bà rất bất bình khi thấy, theo qui hoạch điều chỉnh sau này, khu tái định cư bị đẩy ra xa trung tâm khác hẳn quy hoạch gốc 1996; bà cho rằng đồng tiền làm biến dạng đô thị mới Thủ Thiêm. “Kể từ ngày quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm đến nay đã 22 năm nhưng khu đô thị này vẫn chưa hoàn chỉnh; bản chất của việc thu hồi đất là để bán cho nhà đầu tư xây dựng nhà. Không còn khu trung tâm, không quảng trường, nhà hát, khu vui chơi giải trí như quy hoạch ban đầu, bây giờ Khu đô thị mới Thủ Thiêm thành những khu phân lô bán nền”, bà Mỹ nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Phi Thường (71 tuổi, ngụ phường Bình Khánh) đề nghị Quốc hội làm rõ đất của những người dân khiếu nại có nằm trong khu quy hoạch hay không? Ông Thường còn kiến nghị, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội tiến hành Thanh tra về dự án Đô thị mới Thủ Thiêm.

Còn ông Nguyễn Hồng Quang thì trưng ra một tấm bản đồ quy hoạch Thủ Thiêm được in cỡ lớn, mà theo ông Quang là quy định các khu vực được bán nhà thuộc sở hữu Nhà nước. Ông Quang bức xúc: “Nếu Nhà nước cần đất mở rộng thành phố, xây dựng đô thị mới, chúng tôi đồng ý. Nhưng 20 năm qua chỉ thấy bán đất, phân lô, xây chung cư...”.

Cử tri Nguyễn Thị Hà (phường Bình An) nhấn mạnh về trách nhiệm giám sát của Hội đồng nhân dân Tp.HCM trong việc quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm. “Tại sao có đầy đủ các cơ quan chức năng, cơ quan giám sát nhưng vẫn xảy ra những chuyện khó hiểu ở Thủ Thiêm 20 năm qua như vậy?”. Bà Hà hỏi thẳng: “Có ‘bàn tay sắt’ nào thò vào vấn đề ở Thủ Thiêm hay không?

Lịch làm việc của buổi gặp mặt giữa Đại biểu Quốc hội với cử tri quận 2 dự kiến sẽ kết thúc vào 16h30′ (ngày 9.5), nhưng đến 20h30′ vẫn tiếp diễn nóng bỏng, buộc tổ đại biểu tiếp tục lắng nghe và ghi nhận ý kiến của dân.

Hội trường “rực lửa” khi các cử tri liên tục chứng minh đất gia đình mình nằm ngoài ranh quy hoạch, nhưng đã bị chính quyền thành phố biến báo “lôi vào bên trong” rồi cưỡng chế thu hồi, bồi hoàn rẻ mạt.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Trích lời kêu gọi vẫn còn tính thời sự của Giáo-Võ-Viện sư sĩ Lương Ngọc Huỳnh . Có đổi địa danh để mang tính thời sự . Nhắc tới Đồng Tâm, tớ không mong dân Thủ Thiêm sẽ học tập Đồng Tâm . Đáng lẽ ra các đảng viên phải lên án Đồng Tâm vì cách ứng xử (vô cùng) cực đoan .

    “Tôi biết nhân dân Thủ Thiêm không muốn làm như vậy, đó là do chính quyền địa phương không khôn khéo, thậm chí là áp đặt trong việc tiếp xúc với dân! Từ đó hai bên có sự mâu thuẫn đáng tiếc!

    Nay chúng ta không bàn cãi đúng sai trong lúc này mà cần nhìn vào đại cục lớn của dân tộc ta.

    Tình hình thế giới rất phức tạp các thế lực nước ngoài luôn muốn thôn tính nước ta, dựa vào đó những kẻ lợi dụng kích động gây nhiễu loạn thông tin, chúng sẽ không từ thủ đoạn nào để hòng chia rẽ khối đoàn kết dân tộc, làm mất lòng dân, làm giảm uy tín của lãnh đạo nhà nước.

    Việc đã xảy ra nhiều ngày đến giờ phút này chính quyền chưa gặp được dân?! Nhưng tôi tin rằng Chủ Tịch Nguyễn Đức Chung không muốn như vậy, có thể có những kẻ khác muốn làm to chuyện này để hạ uy tín của lãnh đạo thành phố!

    Nay tôi kêu gọi nhân dân Thủ Thiêm hãy vì nghĩa lớn, vì đại cục của quốc gia chấp nhận thiệt thòi cống hiến cho đất nước, không khiếu kiện đông người, cũng không làm khó lãnh đạo. Nhân dân Thủ Thiêm làm tấm gương cho nhân dân cả nước học tập, tôi tin rằng nhân dân cả nước sẽ đồng tình với quyết định này và người Thủ Thiêm sẽ lưu danh mãi mãi.”

    Còn chuyện “(Đảng) sở hữu toàn dân”, giấy nát bấy phải giữ lấy lề . Từ hồi “đổi mới” tới giờ, lý tưởng Cộng Sản-chủ nghĩa Mác-Lê Bác Hồ chọn lựa cho đất nước & dân tộc bị bọn Sở Khanh Cộng Sản đánh cho tơi tả . Chữ Trinh Cộng Sản chỉ còn chút “sở hữu toàn dân” này, tung hê hết thì còn gì là chân với chính nữa ?

Leave a Reply to Khach Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây