Trật tự của Thế giới Tự do: Hãy an giấc nghìn thu

Project Syndicate

Tác giả: Richard N. Hasss

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

21-3-2018

Ảnh minh họa của OBYN BECK/AFP/Getty Images

Sau quá trình hoạt động gần một ngàn năm, Đế quốc La Mã đã tàn lụn. Voltaire, một nhà triết học và nhà văn Pháp, đã chua chát nói, đó không phải là thần thánh, cũng không phải là La Mã hay đế quốc. Ngày nay, hơn hai thế kỷ rưỡi sau, để diễn giải theo ý Voltaire, vấn đề trật tự của thế giới tự do đang tan biến không phải là tự do hay toàn thế giới, mà cũng không phải có trật tự.

Hoa Kỳ làm việc chặt chẽ với Vương quốc Anh và các nước khác, tất cả đã thiết lập một trật tự cho thế giới tự do sau Đệ Nhị Thế chiến. Mục đích là để bảo đảm cho các điều kiện đã dẫn tới hai cuộc thế chiến sẽ không bao giờ tái phát trong 30 năm tới.

Để đạt mục đích, các nước dân chủ tạo ra một hệ thống quốc tế tự do có ý nghĩa là hệ thống phải dựa trên nền tảng của tinh thần trọng pháp, tôn trọng chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia và bảo vệ nhân quyền. Tất cả điều này đã được áp dụng cho toàn hành tinh; đồng thời, sự tham gia này mở rộng cho tất cả trong tinh thần tự nguyện. Các định chế được xây dựng để thúc đẩy cho hòa bình (Cơ quan Liên Hợp Quốc), phát triển kinh tế (Ngân hàng Thế giới) và thương mại và đầu tư (Quỹ Tiền tệ Quốc tế và các năm sau đó trở thành Tổ chức Thương mại Thế giới).

Tất cả những điều này và nhiều thứ khác đã được ủng hộ bởi sức mạnh quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ, một mạng lưới của các liên minh xuyên khắp châu Âu và châu Á, và vũ khí hạch tâm, nhằm ngăn chặn sự xâm lược. Do đó, trật tự của thế giới tự do không chỉ dựa trên các lý tưởng mà các nền dân chủ tuân thủ, mà còn trên sức mạnh. Không có điều nào trong số này bị thất thoát vì Liên Xô, một đất nước dứt khoát không theo tự do. Về cơ bản, Liên Xô có khái niệm khác biệt với một trật tự đã hình thành ở châu Âu và toàn thế giới.

Trật tự cho thế giới tự do dường như vững mạnh hơn bao giờ hết khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và Liên Xô sụp đổ. Nhưng ngày nay, sau một phần tư thế kỷ, tương lai của nó đang bị nghi ngờ. Thật vậy, ba thành phần của trật tự là chủ thuyết tự do, tinh thần phổ quát và sự bảo tồn trật tự nội tại đang được thử thách như chưa từng có trong 70 năm lịch sử.

Chủ nghĩa tự do đang trong giai đoạn thoái trào. Các nền dân chủ đang cảm thấy những ảnh hưởng của chủ nghĩa dân túy ngày càng gia tăng. Các đảng phái chính trị cực đoan đã tạo được đất dụng võ ở châu Âu. Cuộc đầu phiếu tại Vương quốc Anh tạo thuận lợi cho việc rời khỏi Liên minh châu Âu, đã chứng minh cho sự mất ảnh hưởng của tầng lớp trí thức. Ngay cả Mỹ đang trải qua những cuộc tấn công chưa từng có cho chính tổng thống Mỹ qua các phương tiện truyền thông, tòa án và các cơ quan chấp pháp. Các hệ thống độc tài gồm cả Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã trở nên mạnh baọ hơn. Các quốc gia như Hungary và Ba Lan dường như không quan tâm đến số phận của nền dân chủ còn non trẻ của họ.

Đề cập đến thế giới trong một tổng thể là chuyện càng khó hơn. Chúng ta đang chứng kiến sự trỗi dậy của các trật tư thuộc khu vực và các rối loạn – thể hiện rõ nhất là ở Trung Đông – mỗi nơi đều có đặc điểm riêng. Các nỗ lực xây dựng các khuôn khổ toàn cầu đang thất bại. Chủ trương bảo hộ ngày càng tăng lên; vòng đàm phán thương mại toàn cầu mới nhất không bao giờ đạt kết quả. Có rất ít quy tắc điều hành về việc sử dụng không gian mạng.

Đồng thời, cạnh tranh của các đại cường đang trở lại. Nga vi phạm các tiêu chuẩn cơ bản nhất của quan hệ quốc tế khi họ sử dụng lực lượng vũ trang để thay đổi các biên giới ở châu Âu và vi phạm chủ quyền của Hoa Kỳ thông qua nỗ lực để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử trong năm 2016. Bắc Triều Tiên đã không tuân thủ sự đồng thuận kiên quyết của quốc tế để chống lại sự gia tăng của vũ khí hạch tâm. Thế giới đã chùng bước trước những cảnh tượng hãi hùng thuộc về nhân đạo đang diễn ra ở Syria và Yemen, Cơ quan Liên Hiệp Quốc hoặc những cơ quan khác đã làm quá ít để đáp ứng với việc chính phủ Syria dùng vũ khí hóa học. Venezuela là một quốc gia đại bại. Trên thế giới hiện nay, trong số một trăm người, có một người tị nạn hoặc di tản trong nước.

Có một số lý do giải thích tại sao tất cả điều này đang xảy ra hiện nay. Sự trỗi dậy của trào lưu dân túy phần nào là phản ứng đối với tình trạng thu nhập bị đình đốn và mất việc, chủ yếu là do các công nghệ mới, nhưng được gán chung cho là do hàng nhập khẩu và người nhập cư. Chủ nghĩa dân tộc là một công cụ ngày càng được các nhà lãnh đạo sử dụng để củng cố quyền lực của họ, đặc biệt trong các điều kiện kinh tế và chính trị khó khăn. Các định chế toàn cầu đã không thể thích ứng với các tình trạng quân bình quyền lực và công nghệ mới.

Nhưng hơn bất cứ điều gì khác, trật tự của thế giới tự do suy yếu là do thái độ thay đổi của Mỹ. Dưới thời Tổng thống Donald Trump, Mỹ đã quyết định chống lại việc tham gia vào Đối tác xuyên Thái Bình Dương và rút khỏi hiệp định về khí hậu Paris. Mỹ đã đe dọa sẽ rời khỏi Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ và thỏa thuận về vũ khí hạch tâm với Iran. Mỹ đã đơn phương áp dụng thuế thép và nhôm, dựa vào sự biện minh (an ninh quốc gia) mà các nước khác có thể sử dụng, trong tiến trình đặt thế giới trong nguy cơ của cuộc chiến tranh thương mại. Mỹ đã đặt vấn đề cam kết của Mỹ với NATO và các mối quan hệ liên minh khác. Mỹ nói về dân chủ hoặc nhân quyền là chuyện hiếm hoi. “Ưu tiên cho Mỹ” và trật tự của thế giới tự do dường như không phù hợp nhau.

Điểm của tôi nêu ra không phải là để chỉ trích Mỹ. Các cường quốc khác, ngày nay gồm có Liên Âu, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Nhật Bản, có thể bị chỉ trích vì những gì họ đang làm, không làm hoặc cả hai. Nhưng Mỹ không chỉ như là một quốc gia khác. Mỹ là kiến trúc sư chính của trật tự cho thế giới tự do và người ủng hộ chính cho trật tự này. Mỹ cũng là nước thụ hưởng các lợi lộc chính.

Quyết định của Mỹ từ bỏ vai trò của mình trong hơn bảy thập niên qua đánh dấu một bước ngoặt. Trật tự cho một thế giới tự do không thể tự  tồn tại, bởi vì những nước khác lại thiếu quan tâm hoặc phương tiện để duy trì nó. Kết quả sẽ là một thế giới ít tự do, ít thịnh vượng và ít hòa bình hơn cho người Mỹ cũng như những người khác.

***

Richard N. Haass: Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, Giám đốc  Hoạch định Chính sách, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), Đặc sứ của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và Điều hợp viên về Tương lai của Afghanistan. Ông là tác giả của A World in Disarray: American Foreign Policy and the Crisis of the Old Order.

Nguyên tác: Liberal World Order, R.I.P.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tác giả này đã quên nguyên nhân quan trọng nhất cho “trào lưu dân túy” hay nói chính xác
    là ý thức bảo vệ chủ quyền vì Hồi giáo cực đoan khủng bố và đe doạ an ninh mỗi nước.

Leave a Reply to Khách Quan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây