Đất, súng, và máu

Luật Khoa

Trần Long Vi

5-5-2018

Đặng Văn Hiến, nạn nhân của vụ cướp đất. Ảnh: LK

Cuộc sống của người nông dân Mai Thị Khuyên hoàn toàn đảo lộn kể từ một ngày tháng 10 năm 2016.

Đó là khi chồng chị, Đặng Văn Hiến, cùng với hai người đàn ông khác, nổ súng giết chết ba người và làm bị thương 13 người của công ty Long Sơn, vốn đang đưa máy ủi vào san lấp khu đất mà gia đình chị đang ở và canh tác.

Đây là mảnh đất rộng bốn mẫu, được vợ chồng chị mua năm 2005 với giá 40 triệu đồng.

Mảnh đất này nằm ở tiểu khu 1535, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông, cách quốc lộ 14 gần 40 cây số. Ở đây, mùa mưa thì lầy lội còn mùa nắng thì đầy bụi, thiếu thốn đủ thứ.

Ngoài tờ giấy mua bán đất viết tay, anh chị không có sổ đỏ lẫn sổ xanh – loại sổ do các nông trường cấp khi cho thuê đất rừng để trồng cây lâu năm trong thời hạn 50 năm.

Kết quả của vụ nổ súng đó là chồng chị phải bỏ trốn, rồi ra đầu thú sau đó ít ngày và bị toà sơ thẩm tuyên án tử hình vào tháng 1/2018.

Nếu biết trước cuộc sống sẽ đảo lộn như thế này, một lần nữa, chị vẫn lấy anh.

“Nếu đã thương thì cam tâm tình nguyện khổ. Tình yêu là trên hết, không sợ khổ”, chị Khuyên nói.

“Không sợ khổ” nên hai người cùng làng ở Lạng Sơn này đã lấy nhau. Năm đó, chị 19 tuổi, anh thì 21. Chị yêu anh Hiến ở tính tình thẳng thắn, dù có cực khổ anh vẫn kiên trì.

Cuộc sống của họ sau ngày cưới vừa hạnh phúc, vừa gian nan. Khi con gái đầu lòng thôi cặp nách, vợ chồng Hiến để con lại cho ông bà rồi “Nam tiến” lập nghiệp. Theo lời giới thiệu từ họ hàng, anh đã vào Đắk Lắk làm nghề quay heo thuê.

Hai vợ chồng vào Bình Phước làm thuê một thời gian thì thuê đất rồi lên luống trồng rau. Nhưng năm đó trời đổ mưa to, rau bị dập hết. Trắng tay, hai vợ chồng lang bạt làm thuê đủ nghề, từ tước cà phê, dọn vườn điều, cho đến phơi sắn thuê.

“Đến năm 2005, hai vợ chồng thuê đất để trồng mì tại Tiểu khu 1535 rồi mua lại mảnh đất này”.

“Anh Hiến học đến hết lớp 8 thì nghỉ, còn tôi thì không biết chữ”, chị Khuyên kể, “người bán đất cho nhà mình cũng không biết chữ. Đất trồng cây lâu năm, cứ ở đấy mà làm thôi, cứ nghĩ là thấy người ta làm mình cũng làm. Người dân tộc nghĩ gì là khổ đâu”.

Con giun xéo mãi cũng quằn

“An cư lạc nghiệp” chưa bao giờ là điều dễ dàng đối với gia đình Đặng Văn Hiến.

Mua đất chưa bao lâu thì công ty Long Sơn cho xe ủi vào phá vườn điều của nhà Hiến cùng những hộ dân khác để lấy lại đất. Nguyên nhân của sự việc là là đất mà chính quyền giao cho công ty Long Sơn đã chồng lấn lên phần đất mà người dân đang canh tác.

“Năm 2008, công ty Long Sơn cho người vào khống chế người dân, cho máy ủi vào ủi hết vườn điều của người dân, dùng công an, súng hơi cay, gậy gộc để khống chế người dân”, chị Khuyên vẫn nhớ như in ngày hôm đó.

“Năm đó, công ty Long Sơn ủi của nhà tôi 2 hecta, còn của những người khác thì ủi nhiều lắm. Họ còn bắt người dân vô tội đi tù, để phụ nữ ở lại cho chúng nó dễ khống chế”.

Không còn tin vào chính quyền địa phương, “trên 100 hộ dân đang có tranh chấp đất đai với công ty Long Sơn đã làm đơn ra trung ương, rồi có công văn từ trung ương là không được huỷ hoại rau màu của người dân”, chị Khuyên kể.

Xung đột lắng xuống đến năm 2011 thì công ty Long Sơn lại cho xe ủi phá vườn cây của người dân. Chị Khuyên có lần nghe được ông Nghiêm Xuân Thiên Sửu, 56 tuổi – phó giám đốc của công ty Long Sơn – bị một thanh niên tên Lợi đập một gậy vào đầu khi ông dẫn người đi giải tỏa đất đai đang có tranh chấp. Lợi bị bắt, ở tù tám tháng, còn ông Sửu thì không dám bước chân khỏi văn phòng.

Cũng vì thế mà chị Khuyên không biết mặt ông Sửu cho đến hôm xét xử sơ thẩm. Chị cũng khẳng định công ty Long Sơn chưa bao giờ đàm phán để bồi thường cho gia đình, nếu có thì chị đã biết mặt ông Sửu.

Chị Khuyên cho hay là anh Hiến có súng từ năm 2011, nhưng không phải để bắn người mà là để săn chồn.

“Nếu xác định dùng súng để bắn người thì anh ấy đã bắn từ lâu rồi. Công ty đã ép người dân đến bước đường cùng, nếu anh Hiến không làm như vậy thì vợ con anh ấy đã không còn đến giờ này”, chị Khuyên cho biết.

Vụ nổ súng xảy ra vào ngày 23/10/2016 thì trước đó, ngày 22/2/2016, công ty Long Sơn đã cho xe ủi phá vườn điều của nhà ông Triệu Phụ Cao, Hoàng Văn Thắng và của nhà Hiến từ lúc nửa đêm cho đến bốn giờ sáng ngày hôm sau.

Đến tháng 7/2016, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình làm việc với lãnh đạo của tỉnh Đắk Nông về vụ tranh chấp đất đai tại tiểu khu 1535, có mời bà con đến dự họp, ông chỉ đạo không ai được phá hoại hoa màu của người dân.

Chỉ đạo đó làm người dân yên tâm hơn, nhưng nó không có tác dụng đối với công ty Long Sơn. Sáng ngày 23/10/2016, công ty Long Sơn đưa nhiều người đi phá vườn điều trên phần đất mà công ty cho rằng người dân đã lấn chiếm. Đến đây thì giọt nước đã tràn ly.

Giọt nước tràn ly

Theo lời kể của một số bảo vệ, hôm đó, họ bị đánh thức từ rất sớm, tầm khoảng 3 đến 4 giờ sáng. Theo sự phân công của ông Phạm Công Thiện, 41 tuổi, quản lý của công ty Long Sơn, mọi người chia thành hai nhóm, mặc đồ bảo hộ, cầm khiên, mang gậy rồi lên xe máy cày đến khu vực giải tỏa.

“Lúc đó là tờ mờ sáng, trời thì mưa to, nghe tiếng chó sủa thì lực lượng của công ty Long Sơn đã rất đông. Tôi chạy lên đã thấy hai cái máy ủi vườn điều, công nhân của công ty thì bao vây nhà”, chị Khuyên kể về buổi sáng hôm đó.

Chị Khuyên lẻn ra ngoài bằng cửa sau để chặn máy ủi, còn sự việc xảy ra trong nhà sau đó thì chị không biết.

Ra đến chỗ máy ủi, chị Khuyên ngăn công nhân đưa máy ủi vào vườn điều nhà mình: “Ai cho phép các anh đi ủi đất? Cây điều rõ to như thế này, người dân chúng tôi gây dựng bằng mồ hôi nước mắt mười mấy năm trời mới được như thế này, bỗng lát các chú lại ủi đi!”

Chị Khuyên còn nhớ một người nào đó bên công ty Long Sơn đã trả lời chị: “Cấp trên chỉ đạo xuống cho tôi ủi, chị không được phép cản chúng tôi. Nếu mà chị cản chúng tôi, tôi bức xúc sẽ cán chị chết”.

Hai bên cự cãi qua lại, một hồi sau thì chị Khuyên nghe tiếng súng nổ. Ba công nhân của công ty Long Sơn đã tử vong và 13 người khác bị thương.

Trong vụ nổ súng hôm đó còn có hai người khác hỗ trợ Hiến là Hà Văn Trường, 32 tuổi, và Ninh Viết Bình, 35 tuổi.

Nhà Bình cùng xóm với nhà Hiến, cả hai người đều rất bức xúc khi nhiều lần công ty Long Sơn cho người vào phá vườn, đến hôm nhà Hiến bị bao vây thì anh chạy lên hỗ trợ.

Theo báo Tuổi Trẻ, Bình khai trước toà là khi được Trường gọi thì Bình mang một khẩu súng lên nhà Hiến, lúc đó thì bảo vệ của công ty Long Sơn đã bỏ chạy. Khi nghe tiếng bảo vệ chạy về hướng mình, tưởng họ gọi thêm người đánh trả nên Bình bắn hai phát đạn nhưng không biết có trúng ai hay không.

“Trường là thằng em con cô bên chị lên chơi, tình cờ anh Hiến nhờ nó lấy viên đạn thì chỉ có một bước chân thôi”, chị Khuyên kể về Trường, “nhà Trường nghèo lắm, mẹ của Trường bị đau tim, tiền bồi thường cho gia đình của các nạn nhân thì nhà mình lo hết”.

Đường đến pháp trường

Trời vẫn mưa không ngớt, chị Khuyên điếng người, không còn biết nói gì nữa sau những phát súng ấy. Chị chỉ nhớ anh Hiến ôm con và nói với chị đúng một câu: “Thôi chào hai mẹ con anh đi, có gì anh sẽ ra đầu thú”.

“Anh ấy đi mà không mang gì cả, chỉ khoác một cái áo mưa”, chị Khuyên kể, “lúc đó buồn quá không nói được câu nào, nghẹn ngào trong nước mắt.”

Hiến đi. Con gái thì đi làm xa chưa về. Chị và con trai dọn sang ở nhờ một nhà gần đấy vì sợ bị trả thù.

“Ở đấy được hai ngày sau thì phóng viên, nhà báo xuống nhiều lắm. Nghe nói có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xuống, thế là tôi phải về để trình bày với ông ấy là công ty Long Sơn đã dồn người dân vào đường cùng, nhưng về thì không thấy ai”.

Chị Khuyên chỉ thấy công an yêu cầu chị lên làm việc trong khi anh Hiến vẫn còn đang lẩn trốn.

“Hôm đó, lực lượng công an xuống đông lắm, mời tôi lên đó để hỏi. Họ bảo là chỉ đi một lát rồi về”.

Nhưng cái “một lát” đó kéo dài đến năm ngày. Chị bị giữ lại ở đồn công an mà không có bất kỳ lệnh tạm giữ nào.

Đến ngày thứ 5 thì chị được thả. Lúc đó, anh Hiến đã ra đầu thú. Hai vợ chồng không gặp được nhau.

Ngày 03/01/2016, phiên toà xét xử sơ thẩm tại Đắk Nông đã tuyên phạt Hiến mức án tử hình; Bình 20 năm tù giam; Trường 12 năm tù giam cùng về tội giết người; Đoàn Văn Diện, người giúp Hiến lẩn trốn sau khi nổ súng 9 tháng tù giam về tội che dấu tội phạm.

Về phía công ty Long Sơn, ông Sửu lĩnh mức án 6 năm tù giam; ông Thiện 4 năm tù giam cùng về tội huỷ hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản người khác.

“Mẹ mang bố về cho con”

Từ khi Hiến bị bắt, Nhung, con gái đầu 20 tuổi của anh, không còn đi làm thuê nữa, mà ở nhà thay gia đình chăm sóc vườn điều.

“Trước kia em dự định là sẽ đi làm ở Nhật để kiếm tiền giúp bố thoát khỏi cái khu rừng này. Em chẳng muốn nhà mình sống ở đây”, Nhung nói.

Dự định đó, giờ đây phải gác lại: “Đôi khi ở nhà làm vườn cũng thấy vui. Tuy vất vả, đổ mồ hôi nhưng em thấy mình vươn lên từ chính bản thân mình”.

Trong trại giam Công an tỉnh Đắk Nông, Đặng Văn Hiến bị biệt giam, cùm chân – ngay cả khi đi ngủ – như những người tử tù khác.

Sau khi Hiến đầu thú và bị bắt vào tháng 10/2016, chị Khuyên xin gặp chồng nhiều lần nhưng đều bị từ chối. Công an lấy lý do là đang trong quá trình điều tra nên người nhà không được gặp mặt, kể cả luật sư. Phải đến bảy tháng sau, khi công an đưa Hiến về dựng lại hiện trường thì chị mới gặp được chồng, anh ốm đi trông thấy.

Chị gặp anh trong trại giam sau phiên toà sơ thẩm, thì anh vẫn khóc và nói cả đêm anh không ngủ được.

“Anh ấy nghĩ nhiều lắm, căng thẳng lắm, căng thẳng những sự việc anh ấy làm, anh ấy tủi thân, buồn, chỉ biết khóc thôi”, chị kể.

Trước và sau phiên toà sơ thẩm, chị Khuyên dù bị hở van tim, sỏi thận, viêm xoang vẫn thường xuyên đến nhà các gia đình nạn nhân ở Ninh Thuận và Bình Phước để chia buồn và bồi thường cho họ, dù chỉ mới xoay sở được một ít.

Hiện nay, cả ba gia đình có người thân qua đời đều xin giảm án cho Đặng Văn Hiến.

Ông Điểu Hải, bố của Điểu Vinh, 16 tuổi, quê ở Bình Phước, lên công ty Long Sơn làm chưa đầy một tháng thì bị bắn chết, nói: “Tử hình Hiến thì con của mình cũng không sống lại được. Chuyện đã xảy ra rồi, lương tâm của mình không cho phép mình làm điều đó”.

Bà Dương Thị Mai – mẹ của nạn nhân Dương Văn Tiến, 24 tuổi, đã làm bảo vệ cho công ty Long Sơn gần hai năm nhưng vẫn chưa có hợp đồng – đã đồng ý xin giảm nhẹ hình phạt và giảm tiền bồi thường cho gia đình Hiến: “Vợ Hiến cũng xuống đây hai ba lần. Cũng xa xôi. Cháu nó mất thì đã mất, mình đau lòng thì đau rồi, cũng tại công ty [Long Sơn] mà ra những chuyện này.”

Con trai Hiến, Đặng Bảo Nam, bốn tuổi, vẫn ngày ngày đòi “mẹ bảo công an trả bố về cho con, công an bắt bố con đi rồi”.

Nếu phiên toà phúc thẩm vẫn y án tử hình đối với Hiến thì chỉ có phép màu mới mang được bố về cho đứa trẻ nhiều bất hạnh này.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Không phải là súng . mà phải như Đoàn văn Vươn kèm theo bình gas và thuốc nổ ở các công trường khai thác mỏ , làm như thế mạng mình chết không oan uổng . củng diệt được vài chục thằng . có như thế chúng mới tỉnh giấc bỏ thói quan dùng cường quyền đi ăn cướp. Mả cha nhà chúng nó quan tham cướp đất bằng chính sách chủ trương thì lúc nhúc như vòi bọ vậy mà không thấy ai xử chúng . bạo lực phải giáng trả bằng bạo lực . bằng hầm chông bải mìn. Ngu thì đừng than khóc . kể cả bọn đánh thuê . biết việc bất nghĩa thì đừng làm chết oan kêu ai bây giở

Leave a Reply to Phanhung Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây