Một chút về FLC

FB Duy Khanh

28-4-2018

Bài 1:

Ông Trịnh Văn Quyết và cựu Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị. Ảnh: internet

Tôi không mấy thiện cảm với các tập đoàn khởi đầu từ chữ F như Tập đoàn đồ uống F&N, Tập đoàn Formosa… đặc biệt là tập đoàn FLC. Những năm qua, quan sát tình hình, tôi nhận thấy rằng, dự án của FLC chỗ nào dân cũng phản đối khắp các tỉnh Quảng Ninh, Thanh Hóa, Quảng Bình… Đến đâu, FLC cũng dùng chiêu dụ dỗ rằng, thu hút con em địa phương, chuyển đổi ngành nghề, nhưng thực chất chỉ toàn là ép dân để lấy đất, đẩy người dân vào chỗ trắng tay.

Tỉnh ép xuống huyện, huyện ép xuống xã, xã ép xuống thôn. Cụ thể là dự án tại xã Vĩnh Thịnh, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương giáp ranh Hà Nội. Khởi đầu, bố ông Trịnh Văn Quyết là Giám đốc Cty CP Trang trại Nông sản Quý Giáp xin đầu tư dự án chăn nuôi lợn tại xã Vĩnh Thịnh với diện tích 4,2ha và thuê của người dân khoảng 3,1ha với thỏa thuận đến hết tháng 12/2013 sẽ trả lại. Rồi cứ chiêu đó, dự án “nở” ra đến 40 ha đất ruộng. Lúc đó người nông dân chân chất không hề biết toan tính của đại gia cấu kết với quan chức. Họ chỉ đơn giản rằng, ruộng làm không đủ ăn, có người thuê trả tiền hàng tháng thấy khỏe nên đã giao sổ đỏ cho họ. Tuy nhiên, vào một ngày ‘đẹp trời”. Đó là ngày mùa thu năm 2009, ông Quý đã chuyển nhượng số diện tích trên cho Cty CP FLC Travel do ông Trịnh Văn Quyết làm giám đốc. Và, ngay sau đó, với sự giúp sức của lãnh đạo tỉnh, ông Quyết đã xin chuyển đổi mục đích sử dụng phần diện tích trên thành “Dự án Khu tổng hợp nghỉ dưỡng và thể thao giải trí công cộng đa chức năng FLC Vĩnh Thịnh Resort” với tổng mức đầu tư là 192 tỷ đồng, một cách ngoạn mục. Thế là, từ ruộng của người dân biến thành trại lợn rồi lại biến thành khu phức hợp gồm khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi, bể bơi, sân thể thao…

Lúc này đây, những người nông dân chân lấm tay bùn không hề hay biết, cho đến một ngày họ thấy xe ben ào ào đến san lấp mặt bằng mới ngớ ra vác cuốc, xẻng đến để cản trở, nhằm bảo vệ mảnh đất cha ông. Nhưng họ đã sớm bị dập tắt khi có vài người bị vào tù để gặm nhắm nỗi buồn và hối hận cho việc cả tin cùng với tính lười, không chịu cày xới ra hạt thóc, mà đòi hưởng “lộc trời” rơi xuống trên mảnh ruộng của mình.

(còn tiếp)

_____

Bài 2:

UBND tỉnh Quảng Ngãi đã xin ý kiến của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND tỉnh và đã được đồng ý việc ứng trước 500 tỷ đồng để đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng cho dự án rộng gần 4.000ha của FLC dự kiến sẽ khởi công ngày 19/5/2018. Qua đây, chúng ta có thể thấy rằng, nhà đầu tư không cần bỏ tiền ra trước, chỉ lệnh, thì lập tức cả hệ thống chính trị từ UBND, Tỉnh Ủy, HĐND vào cuộc và lấy tiền thuế của dân ra để ứng trước cho việc giải phóng mặt bằng. Nói giải phóng theo thuật ngữ tự điển là làm cho đời sống người dân tốt hơn sau khi di dời, nhưng ở đây dự đoán có nhiều điều oan khiên sẽ ập đến cho người dân 2 huyện Bình Sơn và Lý Sơn của Quảng Ngãi.

Nhiều bạn học luật với ông Quyết cho tôi hay tin rằng, thằng Quyết chẳng có tiền mẹ gì, nói tập đoàn cho oai chứ năm 2008 mới thành lập kiểu “tay không bắt giặc”. Được thời, nhờ các quan anh mà phất. Có nguồn tin rằng, Quyết bà con với PTT Trịnh Định Dũng, tôi cũng không quan tâm, bởi chẳng lẽ Trịnh Văn Quyết bà con với Trịnh Văn Chiến. Vấn đề tôi quan tâm là sản phẩm của FLC có tạo ra giá trị gia tăng cho xã hội, đóng góp cho xã hội phát triển hay không mà thôi. Thực tế, Quyết không thể là Mark Zuckerberg, Bill Gates , Steve Jobs… cho nước Việt mến yêu.

Trở lại dự án ở Quảng Ngãi, để bàn giao mặt bằng cho Tập đoàn FLC thì hơn 2.000 hộ dân sẽ bị ảnh hưởng, trong đó có 790 hộ phải di dời nhà cửa, tái định cư. Về đất quốc phòng (0,77 héc-ta) thì ngoài Đồn biên phòng xã Bình Hải, còn có một ngôi chùa, ba nhà văn hóa thôn, một trường tiểu học và một trường mầm non cũng sẽ phải bị đập bỏ, di dời.

Hôm nay, Quảng Ngãi đang vào Hạ. Mùa này lẽ ra người dân sẽ nghe những con ve sầu kêu ve ve ra rả. Nhưng thực lạ, một cơn cuồng phong ở đâu ập đến với bầu trời xám xịt như trong mùa giông bão, mặt nước biển đục ngầu giận dữ, bà con chỉ còn viêc ngước mặt lên trời mà gọi Trời ơi! Một góc khác ở thành phố Quảng Ngãi, các biệt phủ xe con lui tới liên tục. Người dân nghe nhiều tiếng cười vui rôm rả.

(còn tiếp)

_____

Bài 3:

Hôm qua nay, mạng XH loan tin 8 Hùng em ruột nguyên bí thư Thành ủy TPHCM đã bị “úp sọt”. Có người còn gọi điện hỏi tôi về thông tin này. Thực ra, tôi không có chút gì thông tin về vụ bắt bớ, nhưng theo suy đoán của tôi, thì khả năng đó khó có thể xảy ra. Bởi theo kết luận của Thanh tra TPHCM, thì 8 Hùng chỉ bị vi phạm sổ sách kế toán và phê duyệt 13,8 tỷ đồng đi nghiên cứu nước ngoài không đúng quy định. Như vậy, về phần thanh tra có thể đề nghị khắc phục, hoặc chuyển cơ quan điều tra. Từ cơ quan điều tra, nều phát hiện tội phạm thì họ sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can rồi mới tiến hành bắt giữ. Đó là tôi nói theo trình tự tố tụng, nhưng chuyện đời cũng khó đoán, đã có nhiều vụ án đến đọc khởi tố rồi bắt luôn.

Bây giờ tôi trở lại tuyến bài về FLC. Bình Định và Quảng Ngãi trước đây là một tỉnh có tên gọi là Nghĩa Bình. Đến tháng 6 năm 1989, tỉnh lại được tách ra thành hai tỉnh như cũ. Bình Định lấy Quy Nhơn làm trung tâm tỉnh lỵ và thị xã này được lên thành phố vào năm 1986. Bình Định có nhiều người thành danh nơi xứ người có thể kể đến như Đoàn Nguyên Đức, Dương Thị Bạch Diệp, Trần Thị Hường (Tư Hường), Lý Xuân Hải (ACB) Nguyễn Văn (Dâu tằm Tơ), Huỳnh Phi Dũng (Dũng lò vôi), Võ Trường Thành (Gỗ Trường Thành),… đặc biệt là Trần Bắc Hà (nguyên chủ tịch BIDV). Trần Bắc Hà nổi tiếng nóng tính và có tiếng nói làm cả thường vụ Bình Định phải dè chừng. FLC là một khách hàng rất lớn của ngân hàng BIDV.

Kinh tế học từng đúc kết một câu thật thâm thúy: “ Khi bạn nợ ngân hàng vài trăm tỷ trở xuống, đó là bi kịch của bạn. Nhưng khi bạn nợ ngân hàng 1000 tỷ trở lên, thì đó là vấn đề của ngân hàng”. Trong lúc FLC nợ ngân hàng này như chúa chổm, thì ông Hà cũng phải vào cuộc tìm phương án cho FLC, mà vấn đề đất đai của người dân là muôn thuở để thu hút tiền về túi. Ông Hà sau khi họp bàn Bình Định, thì ông Quyết đi vào như đi trên con đường cái quan rộng thênh thang, bên dưới còn trải nhung để ông bước đến ký kết. Và, ngày 24/4/2015, UBND tỉnh Bình Định đã tổ chức Lễ trao Giấy chứng nhận đầu tư dự án Quần thể resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp Nhơn Lý – Tp. Quy Nhơn cho Tập đoàn FLC trên diện tích gần 300 ha, tổng mức đầu tư 3.500 tỷ đồng.

Ngày hôm đó, ông Hồ Quốc Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đánh giá rất cao việc Tập đoàn FLC đầu tư vào tỉnh, và cam kết tạo điều kiện tốt nhất cho chủ đầu tư. Ông Dũng cho rằng, với dự án Nhơn Lý của Tập đoàn FLC, người dân Nhơn Lý sẽ được hưởng lợi không chỉ từ việc đưa dự án vào khai thác mà cả do hiệu ứng thúc đẩy ngành du lịch địa phương. Tôi rất vui mừng khi FLC đã đầu tư vào Bình Định. Các đồng chí phải tạo điều kiện tối đa cho chủ đầu tư, phải tuyên truyền để người dân hiểu và ủng hộ vì người dân sẽ được hưởng lợi từ dự án này. Chủ đầu tư người ta làm thiệt, làm quyết liệt, mấy ngày tới sẽ đưa hàng nghìn người lao động vào đây. Nếu dân không hiểu và không ủng hộ, thì sẽ rất khó ăn nói với họ. Hưởng ứng lời ông Dũng, ông Lê Kim Toàn, Phó bí thư Tỉnh ủy cũng hòa điệu: “FLC là chủ đầu tư làm ăn rất nghiêm túc, quyết liệt, họ nói thật và làm thật, có kinh nghiệm đầu tư nhiều dự án trên cả nước.

Trước đó, ngày 21/4, tại Lễ ký kết hợp tác 3 bên giữa Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định, Tập đoàn FLC và BIDV, lãnh đạo tỉnh Bình Định cũng đã cam kết hỗ trợ tối đa về mặt thủ tục hành chính cũng như chính sách thuế sẽ được ưu đãi thuế ở mức lớn nhất, dù rằng dự án nằm trong Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Qua việc ký kết như thế, thì ngoài ngân sách sẽ chỉ được thu rất ít, mà thân phận người dân vùng dự án cầm chắc là phải di dời với giá bèo để nhường chỗ cho dự án cày trả nợ ngân hàng, nhiều hơn là cái chung cho phát triển kinh tế đất nước. Và cũng từ khi dự án thực hiện đến nay, người dân Nhơn Lý đã biết thế nào là hứa cuội về công ăn việc làm, phát triển du lịch. Thêm vào đó, họ chỉ thấy toàn là phiền lụy, nhất là việc đi lại trên đường bị cản ngăn, còn bờ biển thì bị rào lại như chưa từng có biển ở vùng này, nhưng trong trí nhớ người dân, thì biển vẫn còn đó, biển vẫn ngàn năm ở lại.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Bổ sung: Nhà nước, dân chúng và doanh nghiệp là 3 đỉnh trong các quan hệ của đất nước, cần phải hài hòa trong các quan hệ. Một quốc gia sẽ rơi vào thế cực đoan nếu chỉ đi theo quan hệ cạnh, tức là chỉ có hai yếu tố quan hệ với nhau, yếu tố thứ ba bị gạt ra ngoài:
    * Nếu nhà nước chỉ đi với doanh nghiệp thì nhân dân sẽ bị bần cùng hóa do bị bóc lột. Đây chính là loại hình mafia lũng đoạn nhà nước mà đích đến cuối cùng là bản thân nhà nước sẽ trở thành Ổ CƯỚP.
    * Nếu nhà nước chỉ đi với nhân dân thì nền kinh tế quốc gia sẽ đi tới suy kiệt, không còn sức cạnh tranh trên trường quốc tế.
    * Nếu doanh nghiệp đi với nhân dân thì đó là tình trạng vô chính phủ, đất nước sẽ mất khả năng tự bảo vệ, luật pháp do tao, tự tao nghĩ ra sẽ đầy tràn trên toàn lãnh thổ.

  2. Mafia lũng đoạn nhà nước có hai cấp độ:
    *Thấp là các doanh nghiệp trở thành sân sau của các quan chức, là nơi rửa tiền cho các quan chức biến tiền công quỹ thành tài sản riêng của chúng.
    *Cao là các quan chức trở thành tay sai cho các doanh nghiệp, ra các văn bản pháp lý ràng buộc dân để làm lợi cho doanh nghiệp.
    Đó chính là khởi nguồn của tham nhũng, lợi ích nhóm…., muốn triệt tham nhũng đến nơi đến chốn thì phải đánh vỡ các loại hình này!

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây