Vặt lông vịt

FB Từ Thức

21-4-2018

Ảnh: internet

Dân Việt đang và sẽ khổ thêm về thuế. Những thợ vặt lông vịt đang nặn óc để càng ngày càng hữu hiệu hơn.

Sự thực, xứ nào cũng có thuế. Vấn đề là đóng thuế để làm gì. Để làm việc công ích, xây nhà thương, trường học, sửa sang đường xá, trợ cấp người nghèo, hay giúp quan lớn mua nhà ở nước ngoài, xây dinh thự cho bồ nhí. Đóng thuế để xây dựng đất nưóc, hay để vỗ béo những người bắt ta đóng thuế. Những người chỉ có một nhiệm vụ, và thú vui, là hành hạ, kiểm soát, làm tiền và bỏ tù dân.

Nước nào cũng có thuế.

Các nước dầu lửa trước đây không có thuế, chỉ có trợ cấp đủ loại, ngày nay dầu lửa cạn dần và xuống giá, cũng bắt đầu đánh thuế. Ở những nước dân chủ, thuế là huyết mạch của xã hội. Làm hold up, ăn cắp ở siêu thị có thể thoát, nhưng ăn gian thuế là bị hỏi thăm sức khỏe cấp kỳ. Ở Mỹ, người ta còng ngay, dù anh là đại gia hay nhân vật nổi danh.

Người ta không giỡn với thuế má. Một quốc gia vững mạnh là một quốc gia có hệ thống thuế má công bình, hữu hiệu. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, Hy Lạp khốn đốn vì không ai muốn cho vay. Một trong những lý do: Hy Lạp không có một hệ thống thuế má lành mạnh, để có thể bảo đảm sẽ có ngân quỹ để trả nợ. Cả nước ăn gian thuế, guồng máy kinh tế tê liệt.

Ở những nước văn minh, người ta xây dựng XHCN thứ thiệt khỏi cần giết hàng triệu người, nướng hàng thế hệ, đấu tố dã man, chỉ cần một hệ thống thuế khóa tốt , những cơ cấu kiểm soát hữu hiệu tiền bạc nhà nước, và một chế độ dân chủ đích thực, để dân quyết định dùng tiền của dân để làm gì.

Đan Mạch là vô địch thế giới về thuế. Thuế trực tiếp hay gián tiếp lên tới trên 50 % lợi tức, hay hơn nữa nếu lợi tức cao. Nhưng dân Đan Mạch là dân hạnh phúc nhất.

Nói chung, dân Bắc Âu đóng thuế nặng nhất thế giới, nhưng không ai than phiền gì. Bởi vì họ biết tiền đóng thuế chỉ để làm việc công ích, xóa đói giảm nghèo, bảo đảm mức sống cao cho mỗi người, an ninh xã hội trong mọi hoàn cảnh

Người ta vui lòng, hay ít nhất an tâm đóng thuế, vì biết sẽ không có chuyện lơ mơ giữa của công với của tư. Ở Bắc Âu, bất cứ ai cũng có quyền hỏi chi tiết việc tiêu xài công quỹ của một người làm việc nước, từ một bữa ăn trưa tới những ngân khoản quan trọng.

Công chức, dân biểu, bộ trưởng, quốc trưởng được tặng một món quà quá 20 hay 40 dollars, nếu giữ làm của riêng , sẽ bị coi là tham nhũng. Một bộ trưởng Bắc Âu đã phải từ chức vì trong một lúc đãng trí, dùng thẻ tín dụng của bộ để mua một thỏi chocolate cho con gái.

Bà Eva Joly, cựu ứng cử viên Tổng thống Pháp, người Pháp gốc Na Uy, được chính phủ Na Uy mời làm cố vấn. Từ Paris về Oslo nhậm chức, bà bị báo chí khui đã lạm dụng công quỹ, vì được bồi thường tiền taxi từ phi trường. Bà bồi thường, và cáo lỗi sống ở ngoại quốc lâu quá, quên rằng luật lệ Na Uy quy định khi đi công vụ, phải xử dụng phương tiện giao thông rẻ nhất. Phương tiện giao thông rẻ nhất là xe bus, xe điện, không phải taxi. Nếu đi taxi, phải trả tiền túi. Không bộ trưởng Bắc Âu nào có ý nghĩ lấy xe nhà nước đi đón con ra trường, hay đưa bà xã, vợ 2, 3, 4, 5, 6 hay bồ nhí đi shopping.

Anh thất nghiệp, sống nhờ trợ cấp mà lái xe Porsch, sở thuế tra hỏi ngay: anh lấy tiền đâu mua xe. Không có chuyện những ông nội, bà nội lương tháng vài trăm dollars, công khai xây dinh thự lớn hơn nhà Bill Gates. Ăn cắp của công và vỗ ngực thách thức: tao ăn cắp đó, đứa nào làm gì tao?

Tóm lại, xứ nào cũng có thuế. Nhưng thiên hạ dùng tiền thuế vào việc chung, trong khi ở những nước bệ rạc, có những thằng cha vặt lông vịt để nấu xáo măng ăn một mình, hay hả hê nhậu nhẹt với đồng đảng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to le Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây