Văn hóa nuôi dưỡng quấy rối tình dục

Khải Đơn

19-4-2018

Ảnh: internet

Bảy năm trước, một bạn gái đồng nghiệp của tôi, từ văn phòng báo Tuổi Trẻ Sông Tiền về lại Sài Gòn và bỏ nghề, chuyển sang làm PR. Tôi không bao giờ được biết vì sao bạn đột ngột bỏ việc – từ bắt nguồn là một người yêu công việc đi viết hơn tôi.

Mọi thứ bị chìm vào im lặng, mãi đến năm 2014, khi trang blog “Những thằng nham hiểm” ra đời và vụ việc quấy rối tình dục đó xuất hiện. Tôi không phải người yêu thích gì cái blog này. Nhưng thật mỉa mai thay, sự việc của bạn tôi lần đầu tiên được gọi tên chính xác trên cái blog “ngoài luồng” đó: Những bê bối chưa từng được tiết lộ của báo Tuổi Trẻ (Kỳ 2): Vụ quấy rối tình dục tại văn phòng báo Tuổi Trẻ – Tiền Giang.

– Mất bốn năm để tôi hiểu vì sao bạn tôi bỏ nghề

– Mất thêm ba năm nữa để tôi đọc sách và gọi đúng tên hành vi đó là quấy rối tình dục

– Và mất thêm một năm nữa để tôi hỏi thẳng bạn một số điều đau lòng mà chúng tôi không muốn nhắc lại.

Khi vụ việc xảy ra, bạn tôi đã có báo cáo cho trưởng ban ở Sài Gòn, báo cáo cho phòng nhân sự và lãnh đạo. Nhưng là nạn nhân của một vụ quấy rối tình dục, bạn tôi là người ra đi trong im lặng – với sự quay lưng của những đồng sự có quyền lực hơn rất nhiều.

Bảy năm sau tổn thương của bạn tôi và ssau vụ việc ở Mỹ năm 2017 về ông trùm điện ảnh Harry Weinstein, và những gì đọc được trên báo Mỹ, tôi hiểu rằng những vụ việc như vậy sẽ không bao giờ được phanh phui ở Việt Nam. Vì chính môi trường báo chí là nơi dung dưỡng cho văn hóa quấy rối tình dục, là nơi mà cánh sếp và lãnh đạo đàn ông được quyền coi nữ phóng viên như một món đồ như thịt gà hay đồ chơi giải trí sau giờ nhậu.

Bảy năm sau sự việc của bạn tôi, người sếp ở lại giờ vẫn là phóng viên ngôi sao, được xuất hiện trên nhiều kênh tác nghiệp hoành tráng, và hình như anh đã vào Đảng.

Hôm qua, tôi đọc thấy một nữ phóng viên gặp nạn, tại cùng tờ báo trên, với một người sếp khác.

Môi trường báo chí tại Việt Nam ở những tờ báo lớn nhất và uy tín nhất đều coi nhân phẩm và sự tổn thương của phóng viên nữ chỉ là trò đùa dễ dàng. Họ nói về thân xác của phóng viên nữ trên bàn nhậu. Các trưởng ban trao đổi phóng viên nữ cho nhau chơi “giải trí” qua đường. Bạn tôi, vì không “ưng thuận” sếp ở Sài Gòn, đã được “tiến cử” xuống văn phòng địa phương cho sếp khác làm thịt.

Ở nhiều tờ báo lớn, chuyện các sếp sau một tối đi nhậu, nói vài câu, sau đó “tặng lại” cô cộng tác viên cho đàn anh là điều cực kỳ phổ biến.

Cái bẫy giăng ra thì vô cùng đơn giản. Rất nhiều tòa soạn theo kiểu cũ hiếm khi tuyển dụng phóng viên bằng thi cử hay có chuẩn làm việc, mà để mặc phóng viên làm danh phận cộng tác viên suốt nhiều năm. Khi ấy, các anh sếp có quyền ký tá trở thành người ban phát hợp đồng: Em chiều anh thì anh ký phóng viên cho, muốn làm biên tập thì ghé qua anh, hoặc muốn ở lại báo thì cố lên với anh, anh tạo điều kiện cho.

Không có quy chuẩn về nỗ lực đạt được thành tựu hay hợp đồng trong nghề là yếu tố đẩy phóng viên nữ vào tình trạng dễ bị thao túng. Về giới tính, họ đã bị coi thường hơn nam giới khi tòa soạn chọn ký hợp đồng. Về cơ thể, họ dễ bị lợi dụng hơn. Hậu quả là nhiều nữ phóng viên bị đẩy vào thế nếu “chịu” sếp thì sẽ được an toàn.

ĐỔ LỖI CHO NẠN NHÂN

– Khi bạn tôi tố cáo cô bị quấy rối tình dục, việc đầu tiên cô bị cáo buộc là “em suy nghĩ nhiều quá”. Nhưng nếu bạn là một phụ nữ, suy nghĩ nhiều quá là sao khi bạn bị vỗ mông, bóp ngực? Khi bạn bị nửa đêm đang ngủ trong nhà trọ có sếp chạy lại gõ cửa xin vào? Khi bạn bị vuốt ve tay chân bảo anh sẽ hỗ trợ em? – Bạn có “suy nghĩ nhiều quá” không?

– Nạn nhân thường bị chính đồng nghiệp nữ coi là “mạt hạng”, “ngủ để ký hợp đồng”, và bị cô lập, mà không hề được nhìn nhận lành mạnh từ cộng đồng các nữ phóng viên là họ bị đẩy vào thế khó khăn để có thể có hợp đồng nên chọn cách làm đó – cũng là con mồi sa vào cái bẫy của quy trình tuyển dụng không lành mạnh.

– Nạn nhân là người phải rời tòa soạn, bỏ nghề, uất ức, không thể lấy lại danh dự. Vì tòa soạn sẵn sàng hi sinh con nhỏ cộng tác viên ất ơ nào đó, chứ tuyệt nhiên không hi sinh phóng viên điều tra hoành tráng tài ba, hoặc tất nhiên là còn lâu mới hi sinh sếp giỏi nghề. Có chuyên môn/ có kinh nghiệm được coi là kim bài miễn tử để nhiều sếp tiếp tục quấy rối liên tục các phóng viên nữ mới vào, sử dụng cộng tác viên như trò giải trí tình dục (miễn phí) thay vì đi mua dâm.

– Nạn nhân bị làm nhục: Chính sếp sẽ là người gửi ảnh nóng của nạn nhân đi cho các phòng ban, đồng nghiệp nữ xem, hủy hoại nhân phẩm, danh dự của phóng viên nữ, đẩy họ khỏi tòa soạn, hoặc đơn giản là mua vui cho thấy mình có số má chơi gái lành nghề.

NẠN NHÂN LÀM GÌ?

– Bạn tôi đã chọn cách đơn giản nhất: Từ chối một tòa soạn dung dưỡng cho hành vi quấy rối và xâm hại tình dục. Đánh đổi bằng nghề nghiệp có lẽ là đánh đổi lớn nhất và đau đớn nhất. Nếu sau 10 năm tôi có thể hành nghề và bạn không còn hành nghề, thì đó là vì tai nạn bẩn thỉu đó từ sếp bạn đã khiến bạn rẽ sang công việc khác. Lẽ ra, phóng viên nữ không thể bị đẩy vào thế này. Lẽ ra, các toà soạn phải bảo vệ nhân phẩm của người lao động. Nhưng đó là các lẽ ra. Còn ở đây, nạn nhân phải tự chọn cách bảo vệ mình là rời đi.Các tòa soạn sẽ không còn tìm được phóng viên giỏi nữa nếu họ dùng thứ văn hóa đó để tuyển và duy trì cộng tác viên. Vì người trẻ có nhiều chọn lựa nghề nghiệp hơn chúng tôi. Họ có thể bỏ nghề báo để đi làm quảng cáo, truyền thông, làm Youtube, làm cho các hãng tin… Đừng hỏi vì sao mình không có cộng tác viên giỏi, hãy tự hỏi mình đang dung dưỡng cho thứ bẩn thỉu gì tồn tại trong không gian tác nghiệp của tờ báo.

– Tôi chưa bao giờ là nạn nhân của trò chơi lớn này, (may mắn thay) vì không có chút nhan sắc nào. Nhưng điều đó cũng không ngăn được phóng viên nam, sếp nam sờ mó. Có một lần đi uống cùng ban về, ngồi trên taxi, người đồng nghiệp cùng ban liên tục sờ mó tôi, sờ soạng đùi, vai, ôm ấp. Tôi đẩy ra. Và khi bước đến cửa tòa soạn,  đi vào thang máy, anh ta thản nhiên nói: “Anh đùa thôi, chứ không có gì đặc biệt nha!” – Năm đó tôi 22 tuổi, chưa biết gọi tên hành vi dơ bẩn đó là gì.

– Nếu bạn là phóng viên nữ, và bạn xinh đẹp, nguy cơ của bạn là cực kỳ nhiều. Hãy luôn nhớ, bạn sẽ luôn là “mồi nhậu” để các sếp đem ra đổi chác khi họ ngồi với nhau. Tôi đã ngồi trong các cuộc nhậu mà các sếp cá độ xem ai rủ được “em ấy” ra, rồi đi “tăng ba” với em ấy ra sao. Nếu bạn đang đi làm, và sếp giật giọng gọi bạn đến một cuộc nhậu để gặp các anh, thì chắc chắn bạn là “mồi nhậu”.

– Nếu bạn không có hứng thú ký hợp đồng bằng cách ngủ với sếp, thì bạn nên cho anh ta biết giới hạn của mình. Bạn có thể nói to lên giữa ban nếu anh ta đụng chạm. Tôi có một cô bạn, cô ấy hay la lên: “Anh ơi, anh làm gì kỳ vậy, sao anh sờ mông em, em không thích đâu!” – Nói to, tạo tín hiệu, gây ồn ào, làm dữ, là cách nữ nhân viên yếu thế có thể thực hiện ngay trong văn phòng để dằn mặt kẻ quấy rối.

– Bạn cẩn trọng không đẩy mình vào thế quá cần một điều gì mà anh ta có thể đem lại. Cần một liên hệ, cần ký giấy, cần chuẩn y cho đi công tác… là thứ rất dễ đẩy bạn vào vị trí con mồi. Hãy xác định rõ là bạn có thể tồn tại ở đó mà không bị anh ta chặn đường làm ăn hay không. Nếu không thể tháo gỡ, đã đến lúc bạn chuyển tòa soạn hoặc thu thập đầy đủ chứng cứ mình bị ngăn chặn tác nghiệp và tố cáo ồn ào trên cấp lãnh đạo. Lưu ý, văn hóa dung túng cho quấy rối tình dục ở các tòa soạn là vô cùng nặng nề, tôi không hi vọng sự tố cáo của bạn được giải quyết. Nhưng sự tố cáo của bạn là cú gầm gừ đe dọa của con mồi, để con thú đi săn biết sợ mà dừng lại, hoặc ít ra cũng dè chừng hơn với những nạn nhân nhỏ tuổi hơn kế tiếp sau bạn.

– Hãy nhớ đến kẻ muốn quấy rối bạn trong cơ quan như thằng biến thái đi trong siêu thị chực chờ vỗ mông bạn. Bạn không phải sợ nó, vì bạn có cả một cơ thể cần bảo vệ. Nó mới là người phải sợ bạn, vì nó đang xâm hại bạn. Bạn la lên, kêu cứu, khóc lóc, cần giúp đỡ… đều là làm đúng. Bạn không phải một cô gái xấu, tồi tệ, dơ bẩn. Bạn chỉ đang nỗ lực bảo vệ bản thân và nhân phẩm. Khi bạn la lên và kêu cứu, xã hội sẽ nhìn thấy kẻ xấu đang làm hại bạn. Nó cần phải bị nêu tên, chỉ mặt và không thể tái phạm lần nữa.

– Nếu bạn là một đồng nghiệp vô can, xin đừng đánh giá nhân phẩm của những nữ phóng viên bị quấy rối. Đừng dùng những cụm từ như “nó cũng thích mà”, hay “tham vọng lắm thì chịu”… như bạn tôi từng bị nói. Tham vọng nghề nghiệp là một quyền bình thường. Yêu thích và làm tình với một người cũng là bình thường. Còn hành vi bị cưỡng buộc phải quan hệ với đó vì bị ép, bị đòi hỏi, không ưng thuận… đều là bị quấy rối hoặc cưỡng hiếp. Và họ là nạn nhân. Với những kẻ quấy rối, bất cứ ai cũng có thể là nạn nhân, đừng đứng ngoài nhìn xong phán xét như thể bạn chả bao giờ có thể lâm vào tình huống đó. Đừng dung dưỡng cho sự quấy rối bẩn thỉu lên ngôi bằng cách nói nạn nhân “suy nghĩ quá”, hay “có gì nghiêm trọng đâu”.

Và cuối cùng, là một cá nhân nữ giới, tôi không yêu thích việc nữ giới trở thành “mồi nhậu” trong không gian tác nghiệp của tòa soạn báo, nơi các phóng viên hàng ngày xuất bản tin tức để bảo vệ người nghèo, nạn nhân xâm hại tình dục, trẻ em bị bạo hành… xong sau đó hết bản tin trở về tòa soạn, các sếp bèn đi quấy rối nhân viên của mình mua vui.

Những phóng viên trẻ hơn giờ đây có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Và bạn có thể hoàn toàn từ chối chốn làm việc như vậy và xứng đáng có môi trường làm việc an toàn hơn.

Không gian tòa soạn dung dưỡng cho quấy rối tình dục không phải là nơi đẹp đẽ để yêu nghề.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây