Vài suy nghĩ về thuế

FB Đỗ Duy Ngọc

14-4-2018

Hai hôm nay trên mạng rộ lên đăng Tuyên ngôn độc lập, đặc biệt là đoạn nói về những tội ác của thực dân Pháp đối với đồng bào ta, lại nhấn mạnh phần sưu thuế nặng nề. Mục đích của việc này là để so sánh với chính sách thuế khoá của ta hiện nay, đặc biệt là đề xuất về thuế tài sản của Bộ Tài chính vừa được thông tin trên báo chí đang là việc lưu tâm của mọi người.

Không nói ra, nhưng ai cũng ngầm hiểu những vấn đề mà Tuyên ngôn Độc lập đề cập đến lại được tái diễn trên đất nước này, một đất nước Độc Lập, Tự do, Hạnh phúc dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Một đất nước đã đuổi thực dân ra khỏi bờ cõi suốt gần thế kỷ nay. Nhân dân cầm súng chiến đấu vì không chịu nổi áp bức, sưu cao thuế nặng của thực dân, không chấp nhận mất nước. Cách mạng thành công, sưu cao thuế nặng không mất đi mà càng ngày càng siết vào đời sống vốn còn nhiều cơ cực của nhân dân. Cách mạng chưa làm tròn lời hứa với dân.

Đã đành hiện nay, ngân khố quốc gia đang gặp khủng hoảng. Chính phủ đã tìm nhiều biện pháp nhưng vẫn bất lực và từ đó tìm cách khoan sức dân. Nhưng đa số dân Việt vẫn là dân nghèo, vẫn quần quật kiếm ăn và gặp nhiều tai ương. Đề xuất thuế lúc này là thất sách và chỉ mất lòng dân, làm giảm thêm lòng tin chẳng còn bao nhiêu của dân đối với nhà nước.

Các tập đoàn của nhà nước báo lỗ hàng ngàn, hàng chục ngàn tỷ, số tiền khủng đó đi đâu? Vì quy luật của đổng tiền là không bao giờ mất đi, nó chỉ di chuyển từ chỗ này sang túi khác thôi, như vậy đồng tiền phải có địa chỉ để đến.

Ngay cả tập đoàn chỉ xúc tài nguyên lên bán cũng báo lỗ hàng trăm ngàn tỷ, một chuyện quá vô lý. Số tiền mất mát đó phải có thủ phạm, tại sao không truy tố và tịch biên tài sản, thu hồi lại cho ngân khố quốc gia? Tại sao một cá nhân như Trịnh Xuân Thanh làm thất thoát hàng ngàn tỷ, khi ra toà gia đình khắc phục hậu quả nộp lại 4 tỷ bạc, số tiền còn lại đang ở đâu, sao không truy ra để đòi lại?

Các phạm nhân đang bị giam, bị truy tố, bị phán xử, nhân vật nào cũng thâm lạm công quỹ hàng ngàn tỷ, chứng cớ đã rõ ràng, sao không dùng sức mạnh của luật pháp để thu lại. Tất cả số tiền này không phải là nhỏ, toàn những con số khủng khiếp mà người dân bình thường không đếm xuể. Tịch thu được những số tiền khổng lồ này, Bộ Tài chính khỏi bận tâm về thuế tài sản nữa, vì số tiền 30.000 tỷ chỉ là con số nhỏ so với số tiền hàng trăm ngàn tỷ các tập đoàn đã chia chác lẫn nhau.

Những căn nhà đồ sộ của các cán bộ lãnh đạo sờ sờ ra trước mắt mọi người. Có người có đến ba bốn chục căn hộ cao cấp, có người mua cả lâu đài tận bên trời Tây, có kẻ xây dựng cả một dự án chung cư hàng trăm căn hộ trên đất Mỹ, có người lập ra cả một chuỗi siêu thị trên đất Cali, những tài sản mà những người gọi là giàu bản xứ cũng phải lắc đầu bái phục. Tiền đó ở đâu ra, nhờ lương chăng? Đừng nói thế mà người ta cười thối mũi. Sao không truy ra nguồn gốc mà thu lại, mà nghĩ chuyện bóp cổ dân bằng đủ thứ thuế. Khi chưa thu lại những số tiền này mà lại bày ra thuế để thu trong dân, lòng dân sẽ chẳng yên mà nhiều khi còn bất phục tùng.

Tài sản của những người có chức quyền càng ngày càng lớn, họ phô trương ra hết đấy chứ đâu còn giấu diếm như xưa. Bây giờ lật mặt và điều tra nguổn gốc tài sản một cách quá dễ dàng, sao không làm mà đi tăng thuế và bày ra đủ thứ thuế. Các cơ quan công quyền cứ làm mạnh tay vào, dư luận và nhân dân sẵn sàng vạch mặt chỉ tên và hết lòng ủng hộ.

Kẻ có tội tham nhũng, hối lộ, xâm phạm ngân khố quốc gia, thâm lạm công quỹ khi ra toà phải tịch biên tài sản. Không thể chỉ kêu án rồi vài lần đặc xá ra tù, lại sống trên nhung lụa và tài sản do tội lỗi mà có được.

Khi tầng lớp lănh đạo, những kẻ có chức quyền vẫn còn sống nhởn nhơ với những tài sản rút từ đồng thuế xương máu của nhân dân. Khi những công tử, tiểu thơ, những thái tử đỏ tiêu tiền như rác, ăn chơi lừng lẫy mấy chốn thượng lưu ở nước ngoài. Khi những bà vợ bộ trưởng, thứ trưởng, cục trưởng, vụ trưởng vung tay sắm đồ xa xỉ ở những cửa hiệu danh giá nhất thế giới thì không nên nghĩ đến chuyện đánh thuế, tăng thuế vào dân. Nhân dân không chịu è cổ đóng thuế để một tầng lớp thiều số lại hưởng thụ từ những đồng thuế chắt bóp ấy.

Hãy xem những con số sẽ khiến chúng ta giật mình. Theo số liệu của viện VEPR (quý I/2015), lượng tiền của người Việt gửi ra nước ngoài đã tăng đột biến lên 7,3 tỷ USD. Trong vòng 5 năm (2008-2013), số tiền từ Việt Nam đã chuyển ra nước ngoài là 33 tỷ USD (Vũ Quang Việt). Theo hồ sơ Panama, 92 tỷ USD đã được chuyển phi pháp ra khỏi Việt Nam (năm 2015 là hơn 9 tỷ). Đó là những con số thất thoát quá lớn, trong bối cảnh ngân sách nhà nước thâm hụt quá nhiều do bội chi ngân sách. (Theo Nguyễn Quang Duy)

Khi đã gom được số tiền lớn gởi ra nước ngoài, nhiều cán bộ ta sắp xếp bằng nhiều cách để có thẻ xanh định cư. Chỉ cần đến tuổi hưu hoặc đánh hơi có biến, họ vù ra nước ngoài và sống an nhàn với tài sản kếch xù nơi đất khách.

Theo số liệu của UN DESA, từ 1990 đến 2015 có 2.558.678 người Việt di cư ra nước ngoài. Trung bình mỗi năm có 100 nghìn người di cư. Việt Nam nằm trong top 10 quốc gia di cư nhiều nhất khu vực Đông Á – Thái Bình Dương (tính đến 2013). Hầu hết người Việt di cư đến các nước phát triển, trong đó đông nhất là Mỹ (1,3 triệu), Úc (227,3 nghìn), Canada (182,8 nghìn), Pháp (125,7 nghìn), Hàn Quốc (114 nghìn), Đức (113 nghìn). Tại Đông Âu và một số nước châu Á (như Lào, Campuchia, Malaysia) mỗi nước có khoảng 10.000 người. Trong năm 2015, có 2,67% công dân Viêt Nam sinh sống tại nước ngoài.

Đổng thời ngày càng nhiều người di cư theo loại visa EB-3 (có bằng cử nhân trở lên) và loại visa EB-5 (doanh nhân có vốn đầu tư đáng kể). Mỗi năm chính phủ Mỹ cấp hơn một trăm nghìn visa nhập cư, trong đó có khoảng 40 nghìn visa thuộc loại EB-3. Đối với loại visa EB-5, năm 2014 chỉ có 6,418 trường hợp định cư, đến năm 2015 con số này đã đã tăng vọt lên tới 17,662 trường hợp. Khoảng một năm lại đây, số người xin visa định cư tại các nước phát triển đã tăng lên khoảng 30%. (Nguyễn Quang Duy).
Với những con số này, nếu kiểm tra trong đó có bao nhiêu quan chức và bao nhiêu tiền đã được chuyển theo họ. Dù là đồng tiền của doanh nhân hay tiền của cán bộ do tham nhũng mà có thì đều là tài sản của quốc gia.

Ngày xưa những người vượt biên ra đi với hai bàn tay trắng, nhưng ngày nay những người đi định cư thường mang theo tài sản rất nhiều. Không thể chấp nhận có tầng lớp ăn cướp tiền của nhân dân ra đi sống êm ấm để những dân đen ở lại chịu bóp cổ bởi những thứ thuế vì ngân khố quốc gia bị eo hẹp. Đó là sự vô lý không thể chấp nhận. Không thể liên tục tăng thuế từ lít xăng cho đến mỗi đoạn đường đi, từ mỗi mét nhà ở cho đến chiếc xe đi khi cuộc sống xa hoa, trụy lạc và vương giả của một tầng lớp chức quyền vẫn hàng ngày diễn ra trước mắt nhân dân. Hố sâu giàu nghèo của xã hội quá lớn, không thể để giới nghèo nhất lại bị áp thuế nhiều nhất.

Khi chưa thu hồi những tài sản bị mất do tham ô, khi chưa tịch biên tài sản của những kẻ phạm tội, khi chưa mang về lại những đồng tiền đã mất cho ngân khố quốc gia mà tăng thuế trong nhân dân là một việc làm tàn nhẫn và vô đạo. Không thể để kẻ cắp sống an nhàn mà đi bóp cồ người nghèo. Một nhà nước công bằng không thể làm điều ấy vì như thế sẽ tạo một làn sống phẫn uất trong nhân dân và hậu quả sẽ khó lường.

Với suy nghĩ như thế, tôi tin là quốc hội muốn an dân sẽ không chấp nhận phê chuẩn những đề suất tăng thuế vô lý như thế này của Bộ Tài chính.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to Trọng lú Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây