Sánh vai với ai, về chuyện gì?

Blog VOA

Trân Văn

14-4-2018

Các em học sinh Việt Nam tuyên thệ trung thành nhân ngày khai giảng niên học mới (ảnh tư liệu ngày 5/9/2013). Ảnh: Reuters

Hàng triệu người Việt lại bàng hoàng rồi phẫn nộ khi một đứa trẻ 16 tuổi, học sinh lớp 10 của một trường trung học ở Sài Gòn tự tử vì không chịu nổi áp lực của chuyện học hành, thi cử và kỳ vọng của gia đình vào em (1).

Hệ thống giáo dục tại Việt Nam tiếp tục rung lắc dữ dội vì đủ loại scandal liên quan tới tất cả các bên: Hệ thống quản lý – điều hành mạng lưới học đường, trường học, giáo viên, gia đình, học sinh.

Anh Son Tran Duc đã hệ thống lại những scandal ấy như một tiểu phẩm được đặt tên là Thăm lại trường xưa!:

– Chào bác. Bác là bảo vệ trường phải không ạ? Cho tôi gặp cô giáo A.

– Cô A mới bị cho nghỉ việc vì bắt học sinh uống nước giặt khăn lau bảng.

– Thế thầy B đâu ạ?

– Thầy B đang đánh nhau với thầy C ngoài kia kìa.

– Thế cho tôi gặp cô D cũng được ạ.

– Cô D bị phụ huynh bắt quỳ chưa đứng dậy được.

– Thôi thì thầy E cũng được!

– Thầy E nhắc nhở học sinh xóa hình xăm bị nó đâm thủng bụng đi cấp cứu rồi.

– Vậy thì gặp cô F dạy hợp đồng cũng được ạ.

– Cô F mới bị cắt hợp đồng bây giờ ở nhà chăn lợn rồi.

– Cô G thì sao ạ?

– Cô G xinh nhất trường. Hôm nay có thanh tra sở về, cô ấy phải đi tiếp các vị lãnh đạo.

– Thế này thì thật quá đáng, giáo viên còn mỗi cô H, tôi muốn gặp cô H.

– Cô H cũng mới bị đình chỉ vì mấy tháng đi dạy không chịu giảng bài.

– Vậy cho tôi gặp cô hiệu phó.

– Hiệu phó đi ô tô vào sân trường cán gãy chân học sinh nên đang phải làm việc với công an.

– Thôi, thế cuối cùng cho tôi gặp thầy hiệu trưởng vậy.

– Thầy hiệu trưởng bị tố lừa chạy việc bị công an bắt hai hôm nay. Bây giờ cả trường chỉ còn mỗi tôi thôi (2).

Sau khi thực hiện thống kê gần giống như Anh Son Tran Duc, chỉ khác là có thời gian, địa điểm cụ thể, Oanh Nguyen Thi nhận định trên trang facebook của cô rằng: Đó là những trái đắng từ một nền giáo dục đã hoàn toàn thất bại mà tất cả các bên đều vừa là nạn nhân, vừa là thủ phạm (3). Oanh đã nêu ra hàng loạt câu hỏi vốn rất đơn giản song tại Việt Nam, từ hệ thống giáo dục đến gia đình, xã hội đều bất lực trong việc trả lời: Làm sao tạo ra được những nhà giáo có đủ năng lực sư phạm khi gần một nửa chương trình đào tạo các “kỹ sư tâm hồn” dành cho Lý luận chính trị Mác – Lê, Lịch sử Đảng CSVN và những hoạt động vô bổ khác không liên quan cũng chẳng có giá trị gì về mặt sư phạm? Phải chăng do không chú trọng nên những khái niệm về đạo đức nghề nghiệp, sự tự trọng của nhà giáo trở thành xa lạ với nhiều người làm thầy? Làm sao để có những thế hệ học sinh biết “tôn sư trọng đạo” và hiểu rằng “tiên học lễ, hậu học văn” như ngày xưa? Làm sao để có được những phụ huynh hiểu biết, sẵn sàng đồng hành, chia sẻ cùng giáo viên và nhà trường trong việc dạy dỗ con cái khi chính bản thân họ cũng là thành quả của một nền giáo dục suy đồi, “hổng chân” bởi thiếu cả triết lý lẫn những tiêu chuẩn cơ bản của một nền giáo dục tiến bộ?

Giống như nhiều người, Oanh cho rằng, các scandal chỉ là thêm vài dấu chấm than nữa cho nền giáo dục vốn đã đầy rẫy những dấu cảm thán. Nhà đã nát mà người cũng nát thì làm sao có thể hy vọng “dựng lại nhà, dựng lại người”?

Vì là nơi mọi người tự do bày tỏ suy nghĩ về các sự kiện, những vấn đề xảy ra quanh mình, mạng xã hội luôn có rất nhiều ý kiến trái chiều với nhau, song khi bàn về giáo dục Việt Nam, gần như tất cả mọi người sử dụng mạng xã hội Việt ngữ đều nhất quán về thực trạng bi đát của lĩnh vực này. Cù Mai Công gọi các scandal liên quan đến giáo dục là “thảm họa vô giáo dục” – vốn đã có từ lâu và giờ nở rộ. Công khẳng định, đó là hệ quả của chủ nghĩa tranh đoạt thành tích, chức danh tràn lan trong ngành giáo dục, từ cấp cao nhất cho đến tận các trường tiểu học, mầm non và vì vậy môi trường giáo dục không thể lành mạnh được. Dẫn Lã Khôn (Kẻ nào hiếu danh, việc làm thường giả dối), Công nhấn mạnh, trong môi trường như vậy, thảm họa là tất yếu, không hôm nay thì ngày mai (4).

Cũng đề cập đến chứng “hiếu danh” nhưng Hoàng Linh không gọi các scandal là “thảm họa vô giáo dục” trong ngành giáo dục. Facebooker gọi giáo dục tại Việt Nam là “giáo dục khổ sai”. Xót xa trước việc con mình – một học sinh lớp 11 – không thể rời khỏi bàn trước 11 giờ đêm, một người bạn của Linh xin chuyển trường cho con mình vì không thể chấp nhận nhà trường trở thành nơi “hành hạ” trẻ con. Tuy nhiên trường mới cũng thế. Nếu không đủ tiền cho con vào các tư thục hay du học, phụ huynh sẽ “cùng với con cháu của mình “điên cuồng vật vã trong môi trường giáo dục khủng khiếp này”. Theo Hoàng Linh, thiếu triết lý giáo dục nên hệ thống học đường của Việt Nam triền miên quay cuồng trong các cuộc cải cách và hầu hết là …cải cách thi: Cải cách thi vào lớp 6, Cải cách thi vào lớp 10, Cải cách thi tốt nghiệp trung học, Cải cách thi đại học… Thi cử trở thành trung tâm của hoạt động giáo dục. Trường học bị biến thành trung tâm luyện thi và chỉ nhằm phục vụ chuyện thi. Khi điểm quan trọng hơn nhân cách, nền tảng văn hóa thì giáo dục sản sinh ra lớp tri thức – vốn từng được xem là “thần đồng đất Việt” như Phan Sào Nam thành ông chủ sòng bài lớn nhất thế giới, những cử nhân, tiến sĩ trở thành những viên chức tham nhũng vặt trong bộ máy công quyền mà ai cũng thấy (5).

***

Khi đề cập đến hàng loạt scandal này trong lĩnh vực giáo dục suốt ba tháng vừa qua, Oanh Thi Nguyen bảo rằng, nếu quan sát giáo dục để xem một quốc gia phát triển như thế nào thì trông vào nền giáo dục Việt Nam hiện nay, chúng ta sẽ hiểu chúng ta có thể “sánh vai với các cường quốc năm châu” được hay không!

Giống như Oanh Thi Nguyen, Cù Mai Công cũng mơ “dựng lại nhà, dựng lại người” nhưng thực tế cho thấy ước mơ dẫu chính đáng ấy lại giống như… viễn vông. Công than, sau bao nhiêu “thảm nạn vô giáo dục”, trường học vẫn không được xem như “tổ ấm”, không được xem như nơi chốn để yêu thương. Trên đường, trong trường, giữa lớp, banner, khẩu hiệu tuyên truyền biến nhà trường thành “pháo đài” chống cái này, chống cái kia vẫn giăng đầy.

Phân tích về những nguyên nhân dẫn giáo dục Việt Nam đến chỗ tuyệt vọng như hiện nay, nhiều giới đồng tình với quan điểm, đó là do giáo dục Việt Nam thiếu triết lý đúng làm nền tảng. Nhận định ấy không sai nhưng chưa đủ. Giáo dục Việt Nam tan nát vì giống như các lĩnh vực khác, giáo dục được sử dụng như công cụ phục vụ chính trị. Chỉ chính trị mới cần thành tích kể cả thành tích trong giáo dục. Thành tích trong giáo dục không chỉ được sử dụng để chứng tỏ sự “ưu việt toàn diện” của hệ thống chính trị mà còn là thang cho nhiều cá nhân leo cao hơn, phát đạt hơn trong hệ thống ấy.

Người sử dụng mạng xã hội tại Việt Nam đang chuyển cho nhau xem một video clip, trích ra từ chương trình tư vấn trực tuyến “Bí quyết ôn thi và chọn nguyện vọng vào lớp 10” do báo Thanh Niên phối hợp với một số nơi tổ chức hôm 10 tháng 4 ở trường Trung học Lê Quý Đôn – Sài Gòn. Clip ghi lại chuyện một đứa trẻ lớp 9 đứng dậy nêu thắc mắc: Điều gì khiến các thầy cô nghĩ rằng việc bỏ không cộng điểm học sinh giỏi cấp thành phố trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 sẽ đem lại công bằng?.. Sau đó “thầy” Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng của Sở Gíao dục – Đào tạo TP.HCM, đứng dậy đáp lại, đại ý: Ngày 28 tháng 2 năm 2018, Bộ Gíao dục – Đào tạo đã ban hành Thông tư 02 để sửa đổi, bổ sung Quy chế Tuyển sinh trung học cơ sở. Chúng ta phải… sống và làm viêc theo pháp luật, bất kể thế nào thì cũng phải… duy trì pháp luật do đó ông thấy không cần phải trả lời câu hỏi của đứa trẻ 14 tuổi – đại diện cho hàng trăm ngàn đứa trẻ và phụ huynh của chúng trên xứ sở này (6).

Phong thái, cách hành xử của “thầy” Hoàng khiến nhiều người kêu Trời. Đã có hàng chục triệu người từng kêu Trời, hàng chục triệu người khác đang kêu Trời vì “điên cuồng vật vã trong môi trường giáo dục khủng khiếp” cùng với con cháu của mình nhưng giáo dục Việt Nam vẫn thế vì hệ thống chính trị không cần và cũng chẳng quan tâm đến con người. “Thầy” Hoàng chỉ là một trong hàng triệu đại diện của hệ thống ấy.

Chú thích:

(1) http://soha.vn/vu-nam-sinh-lop-10-nhay-lau-tu-tu-cuoc-chay-tron-cua-nhung-dua-tre-20180412234148868.htm

(2) https://www.facebook.com/anhson.tranduc/posts/10209907395356108

(3) https://www.facebook.com/oanh.nguyenthi.96/posts/1682791068423044

(4) https://www.facebook.com/he.via.54/posts/436501433462582

(5) https://www.facebook.com/hoang.linh.7146/posts/1583557825098075

(6) https://www.facebook.com/100009641314161/videos/667637816900923/

KINH THIÊN ĐỘNG ĐỊA ? Hãy cố gắng chịu đựng nghe "thầy giáo" giải đáp câu hỏi của học sinh trong clip dưới đây nhé 😉 Tôi suýt bể bụng và hồn xiêu phất lạc khi nghe "lời răn" của thầy. P/S (Pê Ếch): Bộ trưởng Bộ giáo dục tương lai nước nhà là đây chứ đâu. Haiza

Publiée par LS Lê Ngọc Luân sur jeudi 12 avril 2018

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết của Trần Văn đả phần nào lột tả tình cảnh bi đát của giáo dục hiện nay ! nhưng do đâu ? sau gần 80 năm cuop chính quyền ,chế độ CS đả nhào nặn ra những lớp thầy cô giáo như vậy ? hảy nhìn vào Dac Lac nơi 500 giáo viên chuẩn bị cho nghĩ việc vì thừa biên chế phải tinh giản ,cứ mổi cô vào dạy phải chi khoảng vài ba trăm triệu và tất yếu để giử chổ các cô phải gở gạc lại học sinh và phụ huynh họ ,và cứ như thế thế hệ nầy nối tiếp thế hệ khác ăn trên đầu nhau mà kiếm tiền ,khi ra trường các em đả phải nghỉ đến làm sao kiếm tiền phụ giúp cho gia đình và cái vòng lẫn quẩn ăn thịt lẫn nhau lại tiếp diễn ! còn bây giờ nếu câu hỏi của Trần Văn không ai trả lời được thì hãy gặp ông Nhạ bộ trưởng ! nhưng có lẻ khó gặp vì bây giờ ông đang diện kiến phó giáo sư phó tiến sĩ vủ khiêu và phó giáo sư phó tiến sĩ bác học buồi hiền để tham vấn viết lại cái luận án đạo văn tốt nghiệp của ngài bộ trưởng ! thế đấy cứ nhìn vào nhơn cánh của nhửng kẻ có chức quyền mà dốt chỉ giỏi mua bằng bán chức thì đả hình dung ” dân tộc VN sẽ sánh vai với dân tộc nào “

Leave a Reply to Namhung Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây