Sự mơ hồ về Thương mại của Trump

Tác giả: Joseph E. Stiglitz

Dịch giả: Đỗ Kim Thêm

5-4-2018

Nguồn: MANDEL NGAN/AFP/Getty Images

Cuộc tranh chấp mậu dịch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc về thép, nhôm và các mặt hàng khác là kết quả của sự khinh miệt của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump về các hiệp định thương mại đa phương và Tổ chức Thương mại Thế giới, một tổ chức được thành lập để phân xử các tranh tụng thương mại.

Vào đầu tháng 3, trước khi thông báo đánh thuế nhập khẩu trên hơn 1.300 loại hàng do Trung Quốc sản xuất trị giá khoảng 60 tỷ Đô la một năm, Trump công bố mức thuế chung 25% đối với thép và 10% đối với nhôm, điều này được ông biện luận là dựa trên cơ sở an ninh quốc gia. Trump nhấn mạnh rằng khoản thuế suất đối của thép nhập khẩu – mà giá bán định cho toàn cầu – sẽ đủ để giải quyết về mối đe dọa chiến lược đích thực.

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia nghi ngờ về lý do này. Chính ông Trump đã bỏ yêu sách về an ninh quốc gia bằng cách miễn thuế cho phần lớn các nhà xuất khẩu thép lớn vào Mỹ. Ví dụ như Canada, trong điều kiện tái thương thuyết thành công của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ sẽ được miễn thuế, điều này làm đe dọa hiệu quả cho các nước, trừ khi nước nào thuận theo các yêu sách của Hoa Kỳ.

Nhưng có rất nhiều vấn đề tranh cãi, ví dụ như gỗ, sữa và xe ô tô. Liệu Trump có thực sự đề xuất là Hoa Kỳ sẽ hy sinh an ninh quốc gia để có được một thoả hiệp tốt hơn cho những chuyện bực dọc nhỏ trong nền thương mại Mỹ-Canada không? Hoặc về cơ bản, có lẽ yêu sách về an ninh quốc gia là sai lạc, như Bộ trưởng Bộ Thương mại của Trump đã đề nghị, và Trump, đang bị xáo trộn trong hầu hết các vấn đề, để nhận ra điều này.

Khi là trường hợp thường gặp, Trump dường như cố bám chặt trong một vấn đề đã qua. Chúng ta hãy nhớ lại rằng, vào lúc Trump bắt đầu nói chuyện về xây bức tường biên giới, việc nhập cư từ Mexico đã giảm xuống gần bằng không. Khi ông bắt đầu phàn nàn việc Trung Quốc ép tỷ giá hối đoái, chính phủ Trung Quốc đã thực sự hỗ trợ cho đồng Nhân Dân Tệ.

Cũng tương tự như vậy, Trump đang du nhập loại thuế thép sau khi giá thép đã tăng khoảng 130% từ mức giá thấp nhất, một phần là do nỗ lực của chính Trung Quốc để giảm công suất thặng dư. Nhưng Trump không chỉ đề cập chuyện không phải vấn đề. Ông cũng khơi dậy niềm đam mê và gây mệt mỏi trong các mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh chủ yếu. Tồi tệ nhất là hành động của ông được thúc đẩy bởi động cơ thuần túy chính trị. Trump nôn nóng muốn mình được xem là có bản lĩnh đối đầu trong cái nhìn của cơ sở bầu cử cho ông.

Ngay cả khi Trump không có một nhà kinh tế nào tư vấn cho ông, ông sẽ phải nhận ra rằng vấn đề đáng kể là tình trạng thâm hụt trong thương mại đa phương, chứ không phải thâm hụt thương mại song phương với bất kỳ một quốc gia nào. Giảm hàng nhập khẩu từ Trung Quốc sẽ không tạo ra việc làm ở Mỹ. Thay vào đó, nó sẽ làm tăng giá cho người Mỹ bình thường và tạo ra việc làm tại Bangladesh, Việt Nam hoặc bất kỳ quốc gia nào khác, nó sẽ can thiệp trong việc thay thế cho hàng nhập khẩu trước đây đến từ Trung Quốc. Trong một vài trường hợp khan hiếm, khi công nghiệp chế biến trở về Mỹ, có thể nó sẽ không tạo ra việc làm trong các khu vực đại công nghiệp cũ, từ vùng Trung Tây cho đến Ngũ Đại Hồ (ND). Thay vào đó, hàng hoá có thể được sản xuất bởi người máy, có thể đặt trong các trung tâm công nghệ cao cấp cũng như ở nơi khác.

Trump muốn Trung Quốc giảm thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ 100 tỷ đô la, chuyện giảm này có thể làm được bằng cách mua 100 tỷ đô la dầu mỏ hoặc khí đốt của Hoa Kỳ. Nhưng liệu Trung Quốc có giảm mua hàng từ nơi khác hay chỉ đơn giản là bán dầu hoặc khí đốt của Hoa Kỳ sang các nơi khác, thì sẽ không có nhiều tác động đến nền kinh tế Mỹ hay nền kinh tế toàn cầu. Nói thẳng ra, trọng tâm của Trump về thâm hụt thương mại song phương là ngớ ngẩn.

Có thể đoán trước là Trung Quốc đã đối ứng với biện pháp thuế của Trump bằng cách đe doạ đáp trả việc áp đặt thuế quan của Trung Quốc. Những mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến hàng hóa do Mỹ sản xuất trên nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng không cân xứng trong những lĩnh vực mà Trump đã hỗ trợ mạnh mẽ.

Phản ứng của Trung Quốc đã là cứng rắn và cân nhắc, nhằm tránh cả hai việc leo thang và nhân nhượng, mà khi đối phó với một kẻ khích động thiếu bình tâm, các biện pháp chỉ tạo thêm nhiều gây hấn hơn. Người ta hy vọng rằng các tòa án Hoa Kỳ hoặc Đảng Cộng hòa của Quốc hội sẽ kiềm chế Trump. Nhưng, một lần nữa, Đảng Cộng hòa đang đoàn kết với Trump, dường như Đảng đã quên đi cam kết lâu dài đối với thương mại tự do, cũng giống như trước đây một vài tháng, khi Đảng cũng quên cam kết dài hạn về cẩn trọng trong phạm vi tài chính.

Nói rộng hơn, sự hỗ trợ cho Trung Quốc trong cả Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu đã suy giảm vì một số lý do. Khi chúng ta nhìn xa hơn các cử tri Mỹ và châu Âu, mà họ đang lâm vào cảnh mất đi tiến trình công nghiệp hoá, thực tế là Trung Quốc không phải là mỏ vàng mà trước đây một thời đã từng được các doanh nghiệp của Mỹ coi là như vậy.

Khi các doanh nghiệp Trung Quốc trở nên cạnh tranh hơn, mức lương và tiêu chuẩn về môi trường ở Trung Quốc đã tăng lên. Trong khi đó, Trung Quốc đã chậm mở cửa thị trường tài chính, phần lớn gây bất mãn cho các nhà đầu tư của Wall Street. Trớ trêu thay, trong khi Trump tuyên bố sẽ hướng về các công nhân công nghiệp của Hoa Kỳ, người chiến thắng thực sự từ các cuộc đàm phán thành công có thể là Wall Street, điều sẽ thúc đẩy Trung Quốc mở cửa thị trường bảo hiểm và các hoạt động tài chính khác.

Cuộc tranh chấp thương mại hiện nay cho thấy mức độ mà Hoa Kỳ đã mất đi vị trí thống trị trong toàn cầu. Khi Trung Quốc đang phát triển và còn nghèo, bắt đầu tăng thương mại với phương Tây từ một phần tư thế kỷ trước, ít người tưởng tượng rằng bây giờ Trung Quốc sẽ là nhà sản xuất khổng lồ của thế giới. Trung Quốc đã vượt qua Hoa Kỳ trong sản lượng sản xuất, tiết kiệm, thương mại và thậm chí cả GDP, khi đo bằng sức mua tương đương.

Ở các nước tiên tiến, thậm chí đáng sợ hơn nhiều là khả năng thực sự, vượt qua việc đuổi kịp khả năng công nghệ, Trung Quốc có thể thực sự dẫn đầu trong một trong những ngành công nghiệp then chốt của tương lai: trí thông minh nhân tạo. Lĩnh vực trí thông minh nhân tạo dựa trên dữ liệu quy mô và về cơ bản sự khả dụng của dữ liệu là một vấn đề chính trị liên quan đến các vấn đề như lĩnh vực riêng tư, minh bạch, an ninh và các quy tắc cạnh tranh kinh tế

Về phần của cơ quan Liên Âu, dường như họ quan tâm đến việc bảo vệ dữ liệu riêng tư, trong khi Trung Quốc thì không. Thật không may, điều đó có thể mang lại cho Trung Quốc một lợi thế lớn trong việc phát triển lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. Những lợi thế trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo sẽ mở rộng vượt ra ngoài lĩnh vực công nghệ, tiềm năng của nó có thể dẫn đến cho hầu hết mọi lĩnh vực của nền kinh tế. Chuyện rõ ràng là cần có một thỏa thuận toàn cầu để đưa ra các tiêu chuẩn để phát triển lĩnh vực trí thông minh nhân tạo và các công nghệ liên quan. Người châu Âu không cần phải thỏa hiệp với những lo lắng thực sự của họ về các quyền  riêng tư chỉ để thúc đẩy thương mại, mà đơn giản là một phương tiện (đôi khi) để đạt được mức sống cao hơn.

Trong những năm tới, chúng ta sẽ phải hình dung cách tạo ra một chế độ thương mại toàn cầu “công bằng” giữa các quốc gia, mà về mặt cơ bản có hệ thống kinh tế, lịch sử, văn hoá và ưu tiên xã hội khác nhau. Nguy cơ của kỷ nguyên của Trump là trong khi thế giới quan tâm đến Twitter của Tổng thống Mỹ và cố gắng không bị đẩy lui khỏi từ vách đá này sang vách đá khác, những thách thức thực sự và khó khăn như thế sẽ không được giải quyết

***

Joseph E. Stiglitz, đoạt giải Nobel kinh tế, là Giáo sư Đại học Columbia và Kinh tế trưởng tại Học Viện Roosevelt. Cuốn sách gần đây nhất của ông: Anti-Globalization in the Era of Trump.

Nguyên tác: Trump’s Trade Confusion

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Bài viết này mơ hồ ở ngay chuyện lẫn lộn tác giả, dịch giả giữa hai vị Joseph E.Stiglitz và Đỗ Kim Thêm đó!
    Tổng thống Trump không hề mơ hồ, bản nhân tin chắc rằng ông đã đọc cuốn sách “Chết dưới tay Trung Quốc” ngay từ khi nó ra đời, trước khi ông làm tổng thống nhiều năm và không phải là ngẫu nhiên mà tác giả của cuốn sách, Navarro, hiện đang là trợ lý thương mại của tổng thống.
    Mơ hồ ở đây lại chính là người Việt: Từ chuyện ban đầu, người Tầu mới chỉ rón rén đầu độc dân ta thông qua việc “giúp” xây dựng cụm hóa chất Việt Trì, cho đến bây giờ ra sao thì mọi người đều biết. Bởi vậy, đã là người Việt thì nên nhớ kỹ lời trăng trối của tổ tiên: “Đóng kín cửa Bắc”!!

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây