Mách nước, cảnh báo việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất về phía nam

Nguyễn Đình Ấm

3-2-2018

Ngày 28/3/2018 thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chọn phương án mở rộng sân bay TSN về phía nam. Về vấn đề mở rộng TSN như thế nào là tối ưu, tôi đã viết nhiều bài cũng như có nhiều ý kiến của các chuyên gia, nay thủ tướng đã quyết thì phải tôn trọng nhưng cần làm rõ một số ý kiến nêu lý do phát triển TSN về phía nam và chỉ khai thác đến công suất 50 triệu khách năm.

Lý do mở rộng sang hướng nam chưa thuyết phục

Tại cuộc họp chính phủ ngày 28/3/2018 về vấn đề này tổng tham mưu trưởng, thứ trưởng bộ quốc phòng Phan Văn Giang và một số ý kiến khác chung quan điểm: “Ủng hộ phương án mở rộng về phía nam, TSN chỉ khai thác đến 50 triệu khách/năm do quy hoạch và không có nước nào có sân bay quá lớn trong thành phố…”.

Theo tôi, ý kiến này là chưa thuyết phục. Mặc dù sân bay nằm sát thành phố thì không tốt bằng cách thành xa hơn. Bởi vì, sân bay cũng như nhiều hoạt động khác gây ra tiếng ồn, ô nhiễm môi trường và nếu tai nạn xẩy ra thì thành phần thứ 3 (dưới đất) có thể bị tổn thất. Tuy nhiên, do hoàn cảnh địa lý, tài chính, xã hội… hiện nay vẫn có nhiều sân bay lớn nằm sát thành phố giống TSN như sân bay Tokyo (Haneda Airport) thuộc cỡ nhộn nhịp nhất châu Á ở thủ đô Nhật Bản…

Sở dĩ Nhật vẫn để sân bay ngay trong thành phố vì ngày nay quan niệm ô nhiễm môi trường đã khác 10-20 năm về trước. Theo đó, người ta tính ô nhiễm là lượng ôxít carbon thải ra môi trường trong khu vực, trong nước và toàn bộ khí quyển chứ không tính riêng trong khu vực sân bay. Theo đó, nếu TSN chuyển qua Long Thành cách 35 km thì mỗi ngày hàng nghìn xe hơi từ Long Thành đi, về TPHCM sẽ thải ra lượng ô nhiễm, thời gian đi lại, chi phí của hành khách, xã hội cũng gấp cỡ 7 lần (TSN cách trung tâm thành phố 5 km) so với ở TSN.

Hơn nữa hiện nay máy bay chở khách hiện đại, có tiêu chuẩn tiếng ồn, khí thải rất nghiêm ngặt, ngồi trong nhà ga ta cũng chỉ nghe thấy tiếng xẹt khi máy bay hạ, cất cánh. Năm 2010 ngành HKVN đã thuê đo ô nhiễm ở TSN và một số nơi trong TPHCM thì thấy khu vực sân bay không ô nhiễm bằng nhiều nơi đông dân cư, nhiều xe cộ trong thành phố như Bảy Hiền, Hàng Xanh… Chính sự nguy hiểm và ô nhiễm ở TSN hiện nay là hoạt động của máy bay quân sự với loại máy bay cũ không có tiêu chuẩn tiếng ồn, khí thải, sân golf hàng năm thải ra hàng trăm tấn hóa chất diệt và kích thích cỏ chứ không phải máy bay thương mại. TSN chuyển về Long Thành là lý tưởng khi có đường tàu điện từ đây về TPHCM và diện tích 1.150 ha của TSN dùng làm các công trình công cộng như đường giao thông, công viên, quảng trường, sân bay cấp cứu, thể thao (là những thứ mà TPHCM rất thiếu) chứ không phải dùng cho máy bay quân sự, sân golf…là những yếu tố gây ô nhiễm mạnh.

Về “chi phí bồi thường quá lớn” khi phát triển sang hướng bắc phải giải tỏa 61,37 ha là chưa thuyết phục. Như bài: “Mách nhước mở rộng sân bay TSN” lần trước tôi đã vạch rõ khu phía bắc có sân golf hình tam giác có diện tích khoảng 450 ha ta có thể cắt ngang phần đỉnh không dùng đến sẽ dùng đền bù cho dân để lấy phần giải tỏa cần cho sân bay. Như thế nhà nước chỉ đền tiền xây nhà không tốn kém là bao. Riêng các công trình thương mại sân golf vi phạm pháp luật 157,6 ha thu hồi không phải bồi thường (Họ làm sân bay tắc nghẽn, ngập lụt, uy hiếp an ninh, an toàn… không bị truy tố là may rồi). Việc mở rộng sân bay sang hướng nam sẽ gia tăng ùn tắc giao thông do các quận Tân Bình, Gò Vấp, Phú Nhuận… đã quá đông đúc mà theo dự kiến sẽ làm thêm đường ra đường Trường Chinh, mở rộng đường Hoàng Hoa Thám dày đặc nhà cửa mà chưa thấy dự kiến diện tích thu hồi đất, chi phí như thế nào, nếu so với mở rộng về phía bắc ra sao.

Sẽ không cần huy động 18.000 tỷ đ

Việc mở rộng sân bay sang hướng nam thu hồi được 16, 37 ha thuộc đất quốc phòng là một thuận lợi, tôi xin mách nước nhà nước sẽ có thừa số tiền 18. 000 tỷ để mở rộng TSN nếu:

Theo số liệu đo đạc của cục HKVN năm 2010 thì TSN có diện tích là 1. 150 ha (xem ảnh – diện tích 850 ha là do ai đó tùy tiện công bố). Theo bản đồ quy hoạch mới nhất vừa được tư vấn vẽ và đăng trên báo khu phía bắc TSN nơi hình tam giác có sân golf tính đến sát lề bảo hiểm đường băng có diện tích ước chừng 450 ha, trong đó tư vấn dự kiến các công trình hangar sửa máy bay, nhà chế biến suất ăn, ga hàng hóa… (có minh họa) nếu có thực hiện thì nhiều nhất cũng chỉ chiếm khoảng 100 ha số còn lại sẽ không dùng đến khoảng 350 ha.

Trong phiên họp thường kỳ của chính phủ ngày 2/4/2018, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói: “Tôn trọng ý kiến tư vấn độc lập, bộ GTVT, và UBNDTPHCM việc mở rộng sẽ được tiến hành cả về phía nam và phía bắc, nếu cần thiết thì lấy đất sân golf làm các công trình phục vụ cho phi trường…” Theo tôi đây chỉ là sự an ủi khi dư luận đã và đang phản đối quyết liệt việc dự án mở rộng TSN về phía nam “né” dự án khu sân golf. Bởi vì sẽ không có chuyện “cần thiết” đụng đến khu sân golf khi đã “chốt” công suất sân bay chỉ từ 50 triệu khách, nghĩa là không làm thêm đường băng thứ 3 nên không cần gì đến 350 ha kia (vì những công trình như nhà ga, xưởng sữa chữa… tốn diện tích không đáng kể).

350 sẽ không có nhu cầu “đụng” đến, tức là nhà nước có thể dùng vào việc khác mà thiết thực nhất là đem đấu giá 350 ha kia với giá rẻ nhất là 50 triệu đ/m2 (tôi được anh bạn cho biết vừa mua khu đất sát khu sân golf TSN 70, 5 triệu đ/m2) thì sẽ có ít nhất 175. 000 tỷ đ. 157, 6 ha đại gia quân đội đã làm sân golf, công trình thương mại nay muốn tiếp tục sử dụng trả tiền đất theo giá thị trường, “cắt ngọn” những công trình cao tầng (bảo đảm an toàn tĩnh không), cải tạo hệ thống cống thoát nước sân bay, loại bỏ những nhân tố gây ô nhiễm… để được quyền tiếp tục sử dụng. Như vậy, nếu các lãnh đạo VN làm theo phương án này thì không những nhà nước không phải lo toan vay mượn tiền đầu tư mở rộng TSN, một phần vốn cho dự án Long Thành mà dư luận cũng không còn nghi ngờ một số vị lãnh đạo sợ hoặc “đi đêm” với nhóm lợi ích sân golf nữa.

Khai thác sân bay ở hai địa điểm cách nhau 35 km là thất sách

Trong phương án mở rộng TSN về hướng nam và chốt chỉ khai thác 50 triệu khách /năm và có phương án “khi Long Thành chưa đáp ứng thì sẽ khai thác song song cả hai sân bay”. Tôi chưa hiểu người ta sẽ khai thác như thế nào. Ở sân bay trung chuyển như TSN luôn có lượng khách lớn đến TSN rồi nối chuyến bay đi các địa phương. Ví dụ khách đến TSN rồi đi Đà Lạt, Đà Nẵng, Phú Quốc, Côn Đảo, Nha Trang… bằng máy bay và ngược lại.

Nhà chức trách và các hãng HK bao giờ cũng thiết kế giờ bay đến TSN và đi các sân bay địa phương cận giờ để tạo thuận lợi cho hành khách và tăng hiệu quả SXKD. Như vậy nếu khai thác song song hai sân bay thì ông A đến Long Thành rồi phải đi ô tô về TSN để bay đi Đà Lạt hoặc ngược lại, không chỉ mất thời gian mà lỡ trên đường đi gặp sự cố trễ chuyến bay thì sao? Đặc biệt, khách lại phải làm thủ tục bay, an ninh…từ đầu.

Tôi đi nhiều sân bay trên thế giới chưa thấy ai khai thác kiểu đó. Các sân trung chuyển trên thế giới ngay việc giao thông trong nội bộ sân bay khoảng cách ngắn người ta còn làm băng chuyền, tàu điện cho khách di chuyển, đằng này đi từ ga quốc tế sang ga nội địa và ngược lại những 35km đường bộ?Hãy cẩn trọng dự án Long Thành khi nhà nước không có vốn phải vay mà nếu vay Trung Quốc để họ làm như nhiều dự án trước đây (thất sách, công nghệ lạc hậu, đội vốn, kéo dài, an ninh bị thả nổi…) đến khi TSN đạt 50 triệu khách/năm mà Long Thành chưa đáp ứng được thì giao thông HKVN sẽ “vỡ trận”vì TSN (Long Thành) luôn chiếm hơn 50% lượng khách thông qua tất cả các sân bay còn lại của VN. Lại nữa, TSN khai thác 50 triệu khách/năm tuy là tiêu chuẩn quốc tế nhưng là tối đa thì với hoàn cảnh VN (trình độ mọi mặt, trang thiết bị, khí hậu khắc nghiệt…) việc điều hành máy bay cất, hạ cánh chỉ một đường băng là rất căng thẳng, dễ xẩy ra sự cố tai nạn.

Điều cần tính đến nữa là nếu khai thác song song TSN cùng Long Thành thì phải triển khai hai bộ máy quản lý, khai thác ở cả hai nơi sẽ dẫn đến quá lãng phí nhân công, trang thiết bị, cảng HK có thể bị lỗ… Bởi vì, một sân bay dù chỉ bay 10 hay 100 chuyến bay/ngày thì vẫn phải có bộ “khung” trang thiết bị, quản lý, khai thác gần như nhau.

Ở VN cũng như ngành HKVN đã có quá nhiều thiệt hại từ những tính toán sai lầm, lạc hậu chỉ cốt cho qua việc khi cần do ngu dốt hoặc tham nhũng mà không tính đến hậu họa về sau.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây