Sinh kế của cư dân duyên hải Miền Trung hiện nay: Những thách thức và tác động đối với đời sống và văn hóa cộng đồng

Trần Đức Anh Sơn

29-3-2018

Nỗi đau thương của những người dân Đà Nẵng có thân nhân bị mất tích trên biển trong cơn bão Chanchu. Ảnh: Trần Tuấn (Báo Tiền Phong)

Đặt vấn đề

Việt Nam là một quốc gia biển, có đường bờ biển dài hơn 3.260 km. Vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là một bộ phận của Biển Đông, rộng hơn 1 triệu km(chiếm khoảng 29% diện tích Biển Đông), gấp 3 lần diện tích lãnh thổ trên đất liền. Cứ mỗi 100 km2lãnh thổ đất liền của Việt Nam thì có một km bờ biển, cao gấp sáu lần tỉ lệ trung bình của thế giới.1

Trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam có khoảng 2.773 đảo ven bờ và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa bao gồm khoảng 175 thể địa lý (geographical features), gồm các đảo (island), đá nổi (rock), đá lúc nổi lúc chìm (reef), bãi ngầm lúc nổi lúc chìm (low-tide elevation, LTE), rạn san hô (coral reef)…

Về mặt hành chính, Việt Nam có 28/63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tiếp giáp với biển, có vùng biển (gọi tắt là các tỉnh, thành phố có biển), với 125 huyện ven biển và 12 huyện đảo, chiếm 42% diện tích đất liền và 45% dân số toàn quốc.2  Trong đó có 14 tỉnh, thành phố thuộc miền Trung là: Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận (gọi tắt là vùng duyên hải miền Trung), chiếm một nửa số tỉnh, thành phố có biển ở Việt Nam

Từ ngàn xưa, biển là không gian sinh tồn và phát triển của dân tộc Việt Nam, là chỗ dựa sinh kế cho hàng chục triệu người dân sống trong các vùng đất ven biển và trên các hải đảo. Trong đó có các cộng đồng cư dân sinh sống dọc theo vùng duyên hải miền Trung. Cuộc sống của họ gắn liền với biển, chịu ảnh hưởng và tác động từ biển trên nhiều mặt: đời sống vật chất, không gian cư trú, đời sống văn hóa tinh thần, tín ngưỡng… Đặc biệt, sinh kế của các cộng đồng cư dân này chủ yếu dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ biển, đảo và vùng đồng đất, đầm phá ven biển.

Ngoại trừ một số cộng đồng cư dân sinh sống trên các dải đồng bằng hẹp ven biển ở các huyện, thị: Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc (tỉnh Thừa Thiên Huế); Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên, Tam Kỳ, Núi Thành (tỉnh Quảng Nam),… có sinh kế nửa nông, nửa ngư thì phần lớn các cộng đồng cư dân duyên hải miền Trung đều chọn sinh kế thủy sản, bao gồm đánh bắt và nuôi trồng, làm sinh kế chính từ bao đời nay.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiện nay sinh kế của các cộng đồng cư dân này đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn hơn trước: mưu sinh vất vả, môi trường lao động đối mặt với nhiều hiểm nguy, thu nhập bấp bênh, nguy cơ thất nghiệp cao,… Những thách thức này không chỉ tác động đến sinh kế của người dân, mà còn ảnh hưởng đến đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội các cộng đồng cư dân trong vùng duyên hải miền Trung.

Bài viết này chỉ ra những thách thức hiện tại đối với sinh kế của các cộng đồng cư dân sống dựa vào sinh kế thủy sản trong vùng duyên hải miền Trung và tác động của những thách thức này đối với đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội nơi những cộng đồng này.

1. NHỮNG THÁCH THỨC ĐỐI VỚI SINH KẾ CỦA CƯ DÂN DUYÊN HẢI MIỀN TRUNG 

1.1. Thách thức do biến đổi khí hậu

Việt Nam là một trong những quốc gia trên thế giới phải gánh chịu các tác động tiêu cực nhất từ biến đổi khí hậu và không nơi nào ở Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng hơn vùng duyên hải. Sự gia tăng các rủi ro do biến đổi khí hậu đang là một trong những áp lực làm tăng khả năng bị tổn thương của những sinh kế dựa vào các nguồn tài nguyên thiên nhiên tại các cộng đồng dân cư duyên hải.3

Biến đổi khí hậu làm cho trái đất nóng lên, khiến nước biển dâng cao hơn. Hậu quả là nhiều vùng đất, làng mạc ven biển bị thu hẹp diện tích, thậm chí bị biến mất.

Bờ biển bị xói lở, đất đai bị biển nuốt chửng, không chỉ làm mất đất canh tác, đất ở, nhà cửa, ruộng vườn của của người dân, mà còn làm tổn hại cảnh quan, khiến cho nhiều làng quê, nhiều khu du lịch – nghỉ dưỡng ven biển ở nhiều nơi như: Hương Trà, Phú Vang (Thừa Thiên Huế); Thanh Khê, Sơn Trà (Đà Nẵng); Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam), Bình Sơn, Đức Phổ (Quảng Ngãi)… biến dạng và tổn hại nặng nề.

Nhiều làng chài ven biển vì mất đất do nước biển dâng nên không còn chỗ để neo thuyền, để đưa thuyền lên bờ sửa chữa trong lúc ngư nhàn; không còn chỗ để ngư dân phơi lưới, vá lưới; không có chỗ để phụ nữ sơ chế hải sản trước khi bán ra thị trường.

Có những khu du lịch ven biển phải đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, hoặc thu hẹp quy mô kinh doanh, phục vụ, khiến lượng du khách giảm thiểu đáng kể. Điều này cũng gây nên tác động tiêu cực đối với những cư dân chuyên cung ứng hải sản hay các sản phẩm có nguồn gốc từ biển để phục vụ du khách.

Nước biển dâng làm gia tăng tình trạng xâm nhập mặn ở vùng ven biển, làm cho đất canh tác của những hộ dân cư nửa nông, nửa ngư ở ven biển các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định bị ảnh hưởng: đất bị thoái hóa, nước mặn lấn sâu vào nội địa làm hư hại cây trồng, giảm năng suất, mùa màng thất bát. Nước mặn xâm nhập còn làm cho giảm địa bàn sinh sống của các loài thủy sinh nước ngọt, thủy sinh nước lợ, ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản của cư dân vùng đầm phá Tam Giang – Cầu Hai – Lăng Cô ở Thừa Thiên Huế.

Biến đổi khí hậu gây tổn thương cho sinh kế thủy sản của cư dân ven biển Việt Nam nói chung, vùng duyên hải miền Trung nói riêng:

Thứ nhất, đối với hoạt động đánh bắt, mực nước biển dâng dọc bờ biển làm cho chế độ thủy lý, thủy hóa và thủy sinh xấu đi, dẫn đến sự thay đổi của quần xã sinh vật về cấu trúc và thành phần. Nhiệt độ tăng làm cho nguồn lợi thủy hải sản bị phân tán, cụ thể là các loài cá nhiệt đới kém giá trị kinh tế tăng lên, các loài cá cận nhiệt đới có giá trị kinh tế cao bị giảm đi hoặc mất hẳn và cá ở các rạn san hô đa phần bị tiêu diệt. Nhìn chung, biến đổi khí hậu có xu hướng làm thay đổi môi trường sống của các loài thủysản, dẫn đến sự thay đổi trữ lượng các loài thuỷ hải sản do di cư hoặc do chất lượng môi trường sống bị suy giảm; từ đó làm thu hẹp ngư trường đánh bắt và sản lượng đánh bắt. Ở các xã ven biển ở Việt Nam, đa số các hộ ngư dân có nghề cá qui mô nhỏ ven bờ với các loại ngư lưới cụ khai thác truyền thống, sẽ bị ảnh hưởng rất lớn bởi sự suy giảm nguồn lợi thủy sản.

Thứ hai, đối với hoạt động nuôi trồng, sự thay đổi môi trường sống của các loài thủy sản, bị mặn hóa do xâm nhập mặn hoặc ngọt hóa do lũ lụt, đều làm chậm quá trình sinh trưởng của các loài thủy sản. Ngoài ra, nhiệt độ nước biển tăng cũng làm ảnh hưởng đến các hệ sinh thái biển và ven biển, đặc biệt là các rạn san hô và rừng ngập mặn, ảnh hưởng xấu đến nền tảng đa dạng sinh học cho các hoạt động nuôi trồng thủy sản ven biển. Triều cường thay đổi đột ngột và gây lụt lội ở những vùng đất trũng ven biển cũng ảnh hưởng đến hoạt động nuôi trồng thủy sản ở những đầm nuôi thấp hơn mực nước biển”.4

Biến đổi khí hậu đã làm tăng các cơn bão trên biển về số lượng và cấp độ bão ngày càng mạnh hơn, sức tàn phá ngày càng khốc liệt hơn. Khi bão chưa đổ bộ và tàn phá trên đất liền, thì trong lúc di chuyển trên Biển Đông những cơn bão này đã gây nguy hiểm cho sinh mệnh và hủy hoại tàu bè, tài sản của ngư dân đang hành nghề trên biển. Chẳng hạn:

– Bão Chanchu (bão số 1, tháng 5.2006) đã làm cho 266 ngư dân quê ở Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi chết và mất tích khi đang hành nghề trên biển, nhưng chỉ có 20 thi thể được vớt. Số còn lại mãi mãi nằm dưới lòng biển. Trong đó, Quảng Nam là tỉnh có nhiều ngư dân thiệt mạng nhất với gần 160 người, có 20 gia đình có 2-3 người lâm nạn5;

– Bão Xangsane (bão số 6, tháng 10.2006), đổ bộ vào Đà Nẵng, một phần Quảng Nam, Quảng Ngãi và Thừa Thiên Huế đã khiến cho 59 người thiệt mạng, 7 người mất tích, 527 người bị thương, gần 579 tàu thuyền hư hại, gần 16.000 nhà sập, hơn 25.000 nhà tốc mái và 52.000 nhà bị ngập trong nước. Ước tính tổng số thiệt hại hơn 10.000 tỷ đồng6;

2a. Bao Xangsane

Đường đi của bão Xangsane trên Biển Đông. Đây là cơn bão gây thiệt hại lớn cho người dân các tỉnh miền Trung, nhất là cộng đồng cư dân ven biển. Ảnh: baomoi.com

2b. Ngu dan khoc than

Người dân miền Trung ngóng tin thân nhân bị mất tích do bão Xangsane trong khi đang đánh bắt trên biển. Ảnh: wikipedia

– Bão Mekkkala (bão số 7, tháng 9.2008) gây thiệt hại nặng nề cho cư dân ven biển 2 tỉnh Quảng Bình và Hà Tĩnh, nhiều tàu thuyền của ngư dân đã về neo đậu trong vùng cửa biển gần bờ cũng bị sóng đánh chìm7;

– Bão Ketsana (bão số 9, tháng 9.2009), có sức gió sánh ngang với bão Xangsane, đổ bộ vào Đà Nẵng đã đánh chìm nhiều tàu vận tải lớn trong vùng biển Đà Nẵng và tàu cá của ngư dân Đà Nẵng và Quảng Nam neo đậu trong các âu thuyền và vùng biển gần bờ, nhấn chìm hàng trăm lồng bè nuôi thủy sản trong vùng nước ven bờ của ngư dân ở  Đà Nẵng và Quảng Nam8

3. Bao Ketsana tai DN

Bão Ketsana (tháng 9/2009) gây ngập lụt nghiêm trọng vùng ven biển và nội thị thành phố Đà Nẵng. Ảnh: baomoi.com

Biến đổi khí hậu đang diễn biến khó lường và những tác động do biến đổi khi hậu mang lại như nước biển dâng, nước biển xâm nhập, gia tăng số lượng và cấp độ bão… chính là những thách thức mà cư dân vùng duyên hải miền Trung phải đối mặt. Sinh kế dựa vào biển của họ sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực, kém bền vững hơn trong tương lai.

1.2. Thách thức do tài nguyên biển bị khai thác quá mức dẫn đến suy kiệt

Tài nguyên biển bao gồm hai nguồn: tài nguyên sinh vật (living resources) và tài nguyên phi sinh vật (non-living resources). Ngư dân, bao gồm ngư dân vùng duyên hải miền Trung, chủ yếu khai thác nguồn tài nguyên sinh vật để mưu sinh.

Theo số liệu thống kê của các nhà khoa học, trong vùng biển Việt Nam có khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc sáu vùng đa dạng sinh học biển khác nhau, trong đó ba vùng biển ven bờ là Móng Cái – Đồ Sơn, Hải Vân – Đại Lãnh và Đại Lãnh – Vũng Tàu là những vùng có mức đa dạng sinh học cao hơn các vùng còn lại. Trong tổng loài sinh vật được phát hiện có khoảng 6.000 loài động vật đáy; 2.038 loài cá, trong đó trên 100 loài cá kinh tế; 653 loài rong biển; 657 loài động vật phù du; 537 loài thực vật phù du; 94 loài thực vật ngập mặn; 225 loài tôm biển; 14 loài cỏ biển; 15 loài rắn biển; 12 loài thú biển; 5 loài rùa biển và 43 loài chim nước. Ngoài ra, còn phát hiện khoảng 1.300 loài trên các hải đảo. Chắc chắn các con số trên còn thấp hơn số lượng loài thực tế do mức độ điều tra, khảo sát còn rất hạn chế, chưa được tiến hành định kỳ, đặc biệt đối với các đảo.9 Đặc biệt, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa và ngư trường xung quanh hai quần đảo này là nơi tập trung nhiều loài hải sản và động vật lưỡng cư quý hiếm, có giá trị kinh tế, giá trị dinh dưỡng cao, nhiều loài có tên trong Sách đỏ của Việt Nam và thế giới, bị hạn chế/cấm đánh bắt, khai thác.

Ngư trường đánh bắt chủ yếu và lâu đời của ngư dân duyên hải miền Trung là các vùng biển cận duyên Trung Bộ, vùng biển ngoài cửa vịnh Bắc Bộ và vùng biển xung quanh hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Tuy nhiên do hoạt động đánh bắt của ngư dân Việt Nam nói chung, ngư dân miền Trung nói riêng chưa được quản lý, quy hoạch và khai thác theo hướng bền vững nên nguồn tài nguyên sinh vật ở Biển Đông và trong những ngư trường truyền thống này đã bị suy thoái, thậm chí cạn kiệt.

Theo thống kê của các nhà khoa học, nguồn lợi hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam vào khoảng 5,3 triệu tấn cá biển, chưa tính đến các loài tôm biển, mực và sinh vật tầng đáy. Với nguồn lợi hải sản này, mỗi năm ngư dân Việt Nam chỉ được đánh bắt tối đa là 2,3 triệu tấn. Nếu khai thác quá sản lượng này thì nguồn hải sản tự nhiên sẽ bị suy kiệt, do cá không kịp sinh sản để tái tạo nguồn. Trong khi đó, năm 2016, Việt Nam đã khai thác 2,4 triệu tấn hải sản từ biển, nuôi trồng và khai thác được 2,5 triệu tấn thủy sản nước lợ để phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu. Được biết sản lượng khai thác đạt 2,4 triệu tấn năm 2016 là giảm 15% so với năm 2015 và 20% so với các năm 2010 – 2014.10Như vậy, là Việt Nam đã khai thác vượt mức cho phép từ nhiều năm qua. Đó cũng là lý do mà trong Quy hoạch về sản lượng đánh bắt hải sản giai đoạn 2020 – 2030 vừa được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ xem xét, phê duyệt vào ngày 4/10/2017, sản lượng đánh bắt hàng năm được quy định ở mức 1,63 triệu tấn, giảm từ 30% đến 40% so với sản lượng đánh bắt trong các năm 2000 – 2015.11 Đặc tr­ưng nổi bật nhất về mặt nguồn lợi hải sản ở vùng biển n­ước ta là quanh năm đều có cá đẻ, như­ng th­ường tập trung vào thời kỳ từ tháng 3 đến tháng 7. Cá biển nư­ớc ta thư­ờng phân đàn nh­ưng không lớn: đàn cá nhỏ d­ưới 5 x 20 m chiếm 84%, đàn cá lớn cỡ 20 x 500 m – 0,1% tổng số đàn cá. Chính vì thế, nghề cá nước ta là “nghề cá đa loài” và là nghề cá nhỏ gắn bó chặt chẽ với sinh kế của người dân ven biển và trên các đảo ven bờ”.12

Điều này cho thấy cần phải quan tâm bảo vệ các nguồn lợi hải sản trong vùng biển và phải có những biện pháp mạnh nhằm giảm thiểu và chấm dứt việc khai thác quá mức, khai thác tận diệt (bằng lưới giã cào, đánh thuốc nổ, chích điện…), và khai thác vào mùa cá sinh sản.

Tuy nhiên, các kiểu khai thác hải sản tiêu cực nói trên vẫn diễn ra trong một thời gian dài. Kết quả là nguồn lợi hải sản trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam ngày càng bị suy thoái nghiêm trọng, dẫn đến cạn kiệt.13

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục Biển và hải đảo: “Nguồn lợi hải sản có xu hướng giảm dần về trữ lượng, sản lượng và kích thước cá đánh bắt. Năng suất tôm nuôi quảng canh trong rừng ngập mặn bị giảm sút từ khoảng 200 kg/ha/vụ (năm 1980) đến nay chỉ còn 80 kg/ha/vụ, và 1 ha rừng ngập mặn trước đây có thể khai thác được khoảng 800 kg thuỷ sản, nhưng hiện nay chỉ thu được 1/20 so với trước. Nguồn lợi hải sản ở vùng biển gần bờ có dấu hiệu bị khai thác quá mức do tăng nhanh số lượng tàu thuyền đánh cá nhỏ, hiệu suất khai thác hải sản giảm từ 0,92 (1990) xuống 0,34 tấn/CV/năm (2010). Trong khi trữ lượng hải sản ở vùng biển xa bờ chưa được đánh giá đầy đủ”.14

Và đây là một thách thức rất lớn đối với ngư dân Việt Nam và ngư dân miền Trung nói riêng trong việc duy trì sinh kế bền vững.

4. Tau ca TQ tran xuong

Tàu cá Trung Quốc tràn xuống khai thác ở Biển Đông, một trong những tác nhân gây suy kiệt nguồn hải sản ở Biển Đông. Ảnh: AFP/Getty Images

1.3. Thách thức do môi trường biển bị ô nhiễm           

Việc phát triển công nghiệp thiếu bền vững đã gây ô nhiễm môi trường; việc nông nghiệp sử dụng quá nhiều hóa chất độc hại cho môi trường như phân bón hóa học, thuốc trừ sâu trong một thời gian quá dài; việc gia tăng dân số và quá trình đô thị hóa ồ ạt, thiếu kiểm soát ở Việt Nam nói chung, ở miền Trung nói riêng, đã gây ra hậu quả nặng nề: ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong đất liền dẫn đến ô nhiễm môi trường biển. Điều này cũng là nguyên nhân góp phần làm suy thoái nguồn lợi hải sản, gây tác động xấu đến sinh kế của cư dân duyên hải.

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi, thì “môi trường biển nước ta bị biến đổi theo chiều hướng xấu. Ngày càng nhiều chất thải không qua xử lý từ các lưu vực sông và vùng ven biển đổ ra biển liên quan tới hoạt động phát triển kinh tế, xã hội. Một số khu biển ven bờ và cửa sông bị ô nhiễm dầu, chất hữu cơ liên quan tới chất thải sinh hoạt và du lịch dẫn đến hiện tượng thuỷ triều đỏ xuất hiện ngày càng nhiều với quy mô rộng, ô nhiễm cyanur liên quan đến tình trạng đánh bắt hải sản, hàm lượng kẽm ở các khu vực đóng và sửa chữa tàu biển thường cao hơn liên quan tới “nhân độc tố kẽm” trong thành phần của sơn chống hà bám tàu thuyền. Các nguồn thải ra biển đều chưa được xử lý và quản lý tốt nên khả năng xảy ra các sự cố và thảm họa môi trường biển nhiều hơn (bài học Formosa,…).  Đây là sức ép lớn lên môi trường, hệ sinh thái và tài nguyên biển nước ta trong thời gian tới”.15

Vụ xả thải ra môi trường biển gây thiệt hại nặng nề nhất đối với đất nước, môi trường biển, nền kinh tế và người dân, là vụ Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, thuộc Tập đoàn Formosa Đài Loan, (gọi tắt là Cty Formosa) xả thải trực tiếp ra vùng biển Vũng Áng (Hà Tĩnh) vào cuối tháng 3.2016. Vụ xả thải này đã gây nên những thiệt hại khôn lường về sinh kế, đời sống vật chất và tinh thần đối với người dân 4 tỉnh Bắc miền Trung, là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế, mà bộ phận chịu thiệt hại nặng nề nhất là những cư dân ven biển, có sinh kế gắn liền với biển và dựa vào biển.

5. Ca chet mien Trung

Cá chết do hậu quả vụ xả thải của Cty Formosa, tấp vào bờ biển 4 tỉnh Bắc miền Trung. Ảnh: Green Tree

Theo báo cáo Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam do tổ chức Green Trees thực hiện và công bố vào cuối năm 2016, thì hậu quả do Cty Formosa xả thải ra biển Vũng Áng đã gây ra những thiệt hại nặng nề như sau: “Khoảng 115 tấn cá chết dạt vào bờ biển các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế; số hải sản nuôi bị chết là 140 tấn cá và 67 tấn ngao; có đến 40% đến 60% san hô bị hủy diệt trên tổng diện tích 650 ha. Rong biển chết ngầm xếp lớp dưới đáy biển”.16

Theo các số liệu do Chính phủ Việt Nam công bố trên các phương tiện truyền thông chính thức, thì vụ xả thải ra môi trường biển của Cty Formosa vào cuối tháng 3.2016 đã tác động đến cuộc sống của hơn 200.000 người dân trong đó có 41.000 ngư dân. Nhưng theo báo cáo Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam do Green Trees thực hiện và công bố thì phải có khoảng năm triệu người bị ảnh hưởng và khoảng một triệu người trực tiếp mất kế sinh nhai17, phần lớn là những cư dân có sinh kế gắn liền với biển, phụ thuộc vào biển ở các tỉnh duyên hải Bắc miền Trung.

Hậu quả của vụ Cty Formosa xả thải, dù đã được khắc phục tạm thời bởi số tiền 500 triệu USD mà Cty này bồi thường (thông qua Chính phủ Việt Nam) cho người dân bốn tỉnh Bắc miền Trung, chắc chắc sẽ kéo dài hơn, tệ hại hơn, thảm khốc hơn… những gì mà Chính phủ Việt Nam đánh giá và chấp nhận thỏa thuận bồi thường của Formosa. Môi trường biển miền Trung bị ô nhiễm nặng nề từ tầng đáy đến tầng nước trên; các hệ động vật và thực vật thủy sinh trong vùng biển này bị hủy diệt; các rạn san hô và bề mặt đáy biển bị hủy hoại… Phải mất hàng năm, thậm chí hàng chục năm mới có thể phục hồi, tái sinh. Những hệ lụy này cũng là một thách thức rất lớn đối với sinh kế của cư dân trong vùng duyên hải Bắc miền Trung.

1.4. Thách thức do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông

Việt Nam có chủ quyền trong vùng biển chiếm khoảng 29% diện tích của  Biển Đông. Tuy nhiên, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam, đặc biệt là ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đang có một số nước nhảy vào tranh chấp chủ quyền với Việt Nam. Trong số đó, nguy hiểm nhất, hung hăng nhất là Trung Quốc, một nước vốn không “sở hữu” một tấc biển, một tấc đảo nào ở Biển Đông trong hàng ngàn năm qua, thì nay lại nhảy vào đòi chiếm đến hơn 80% diện tích Biển Đông, với cái gọi là cửu đoạn tuyến(đường chín đoạn, đường lưỡi bò), ôm trọn cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên thực địa, Trung Quốc đã xâm chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, chiếm đóng phi pháp bảy thể địa lý thuộc quần đảo Trường Sa, ngang nhiên biến chúng thành những hòn đảo nhân tạo, những căn cứ quân sự trên Biển Đông, xâm phạm chủ quyền biển đảo hợp pháp của Việt Nam, uy hiếp an ninh các nước trong khu vực ASEAN, đe dọa tự do hàng hải trên Biển Đông.

Đối với ngư dân Việt Nam, đặc biệt là ngư dân miền Trung, đã có hàng trăm năm khai thác, đánh bắt hải sản trong các ngư trường truyền thống trên Biển Đông, trong vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, thì việc Trung Quốc bành trướng thế lực ở Biển Đông, chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa và một số thể địa lý ở Trường Sa, liên tục truy đuổi, đâm va, tấn công, cướp bóc và giết hại ngư dân Việt Nam, là những thách thức vô cùng nguy hiểm mà họ phải đối mặt hàng ngày trong quá trình mưu sinh của mình.

Trong hơn 15 năm qua, Trung Quốc liên tục cho tàu quân sự, tàu hải cảnh và tàu cá giả danh truy đuổi, ngăn cản và tấn công ngư dân Việt Nam đang hành nghề hợp pháp trên vùng biển Việt Nam hoặc trên các vùng biển quốc tế. Đây là mưu đồ nhằm triệt phá nền kinh tế biển của Việt Nam, uy hiếm ngư dân để họ không dám ra khơi, xóa bỏ những cột mốc chủ quyền di động trên biển. Từ đó thực hiện âm mưu độc chiếm Biển Đông.

Ngoài việc bị tàu Trung Quốc, khi thì trá hình, khi thì lộ mặt, truy đuổi, tấn công và uy hiếp, ngư dân Việt Nam, chủ yếu là ngư dân miền Trung, còn bị các tàu không rõ danh tính, tàu của các nước láng giềng như Philippines,  Indonesia… truy đuổi, bắt giữ và gây thương vong cho họ khi họ đánh bắt trên các vùng biển có tranh chấp chủ quyền.

Sau đây là một số vụ ngư dân miền Trung bị tấn công, bắt giữ, bị cướp bóc, đâm chìm tàu, thậm chí bị giết khi đang mưu sinh trên biển:

– Ngày 8.1.2005, bốn tàu đánh cá của ngư dân xã Hòa Lộc (huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa) đang đánh bắt ở phía Tây vùng phân định thuộc khu vực đánh cá chung ở vịnh Bắc Bộ, đã bị tàu cảnh sát biển của Trung Quốc tấn công khiến chín ngư dân bị chết. Trung Quốc còn bắt giữ tám ngư dân khác trên bốn tàu cá này.18

6. Tau thanh hoa bi ban năm 2005

Một ngư dân ở Hậu Lộc (Thanh Hóa) chỉ vào vết đạn do tàu Trung Quốc bắn vào tàu cá Thanh Hóa, làm chết 9 ngư dân vào ngày 8/1/2005. Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

– Ngày 26.5.2014, tàu cá ĐNa 90152 do bà Huỳnh Thị Như Hoa (ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) làm chủ, do ngư dân Đặng Văn Nhân làm thuyền trưởng, sau khi thu lưới thì bị đội tàu của Trung Quốc đang bảo vệ giàn khoan Hải dương 981 đang khoan thăm dò phi pháp trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lao ra bao vây, ngăn chặn. Tàu cá ĐNa 90152 tìm cách tránh tàu Trung Quốc nhưng đã bị tàu vỏ thép của Trung Quốc đâm chìm. Năm ngư dân bị rơi xuống biển, nhưng tàu Trung Quốc không cứu hộ, mà còn tìm cách ngăn cản tàu cá ĐNa 90508 cùng các tàu cá khác của ngư dân Đà Nẵng đến cứu hộ ngư dân đồng hương. Gần một giờ sau, khi tàu Trung Quốc bỏ đi, các tàu cá khác của ngư dân Đà Nẵng mới cứu được các thuyền viên trên tàu cá ĐNa 90152 đưa về đất liền cứu chữa.19

7b. Huynh Nhu Hoa bi tan cong

Tàu Trung Quốc húc tàu cá của ngư dân Việt Nam trong sự kiện Trung Quốc đưa giàn khoan HY 981 vào hạ đặt và khoan trái phép trong EEZ của Việt Nam (5-7/2014)

– Ngày 3.5.2015, tại vùng biển Hoàng Sa, tàu của ngư dân Phạm Phú Thành (ở xã Bình Minh, huyện Thăng Bình) vừa thả 31 thúng cho 31 ngư dân đi câu mực thì có tàu vỏ thép của nước ngoài lao tới. Thấy tàu lạ, biết chuyện chẳng lành, ông Thành cho tàu chạy tránh được khoảng hai hải lý thì bị tàu nước ngoài đâm chìm. Ba ngư dân trên tàu Việt Nam bị hất văng xuống biển, phải bám vào dàn đèn câu nổi trên mặt nước để chờ cứu hộ. Sau hai giờ ngâm trong biển lạnh, thuyền viên  đi câu mực trở về mới cứu sống ba ngư dân này. Sau chín giờ đồng hồ, toàn bộ 34 ngư dân của tàu này mới được tàu cá QNa 94998 của ông Phạm Phú Trung (cùng trú tại xã Bình Minh) đánh bắt gần đó phát hiện và cứu hộ.20

– Ngày 9.7.2016, tàu cá QNg 90497 TS của ngư dân Võ Văn Lựu (ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt trong vùng biển Hoàng Sa thì bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46102 và 35103 rượt đuổi suốt 12 giờ. Sau đó, tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu cá của ngư dân Võ Văn Lựu. Các thuyền viên trên tàu của ông đã được tàu cá QNg 95001TS của ngư dân Huỳnh Văn Khanh (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đánh bắt gần đó đến cứu và đưa về cảng Tịnh Kỳ, Quảng Ngãi.21

– Ngày 10.11.2016, tàu cá KH 97580 TS của ngư dân Tống Thành Tiến (ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) đang đánh cá trong vùng biển Hoàng Sa thì bị tàu 45103 của Trung Quốc xua đuổi. Đến 21 giờ ngày 13.11.2016, khi tàu của ngư dân Tống Thành Tiến đang thu câu trong khu vực giữa đảo Phú Lâm và đảo Linh Côn (quần đảo Hoàng Sa) thì bị tàu 45103 của Trung Quốc đâm va, gây hư hỏng nặng. Ngư dân Tống Thành Tiến phải bỏ dở chuyến đi biển mà ông đã đầu tư hơn 150 triệu đồng để đưa tàu về đất liền sửa chữa.22

11. Tau TQ dam tau ca Khanh hoa

Tàu cá KH 97580 TS của ngư dân Tống Thành Tiến bị tàu Trung Quốc làm hư hỏng vào ngày 13/11/2016. Ảnh: Báo Đất Việt

– Ngày 28.11.2016, tàu cá QNg 95861 TS của ngư dân Bùi Văn Cu (ở xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) đang đánh bắt gần đá Suối Ngọc (thuộc quần đảo Trường Sa) thì bị một tàu nước ngoài áp sát. Một nhóm 5 người trên tàu lạ cầm súng nhảy sang tàu của ngư dân Bùi Văn Cu lục soát. Thấy hành động hung hăng của nhóm người lạ này, ngư dân Bảy trên tàu của ông Cu chạy đến mũi tàu định chặt đứt dây neo để đưa tàu tránh xa tàu lạ, thì bị nhóm người lạ này bắn chết.23

– Ngày 11.3.2017, tàu cá QNg 96677 TS của ngư dân Nguyễn Văn Mười (ở xã An Hải, huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) gồm 13 ngư dân đang hoạt động trên vùng biển Hoàng Sa thì bị một chiếc tàu vỏ gỗ không rõ quốc tịch nổ súng tấn công. Ngư dân Trần Văn Định trên tàu này bị thiệt mạng.24

8. Ngu dan bi tau la ban

Tàu QNg 96677 TS đưa thi thể ngư dân Trần Văn Định vào bờ. Ảnh: TTXVN

9. Ngu dan bi tau la ban

Tàu cá QNg 96677 TS bị tàu nước ngoài bắn với nhiều vết thủng. Ảnh: TTXVN

10. Ngu dan bi tau la ban

Người thân đón tàu QNg 96677 TS đưa thi thể ngư dân Trần Văn Định vào bờ. Ảnh: TTXVN

– Đêm 22.7.2017, tàu cá Bình Định do anh Nguyễn Thành Ngọc (ở huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định) làm thuyền trưởng cùng 5 ngư dân câu mực cách Côn Đảo (tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) hơn 100 hải lý về hướng Đông – Đông Nam, thì bị tàu lạ áp sát phía sau bắn nhiều phát đạn và truy đuổi hơn 2 giờ. Hai thuyền viên trúng đạn được máy bay đưa về Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) để phẫu thuật lấy đạn vào chiều 24.7.2017.25

12. Ngu dan xuat vien

Bác sĩ tặng hoa chúc mừng ngư dân trên tàu cá Bình Định bị tàu lạ bắn trọng thương trong lúc hành nghề ở vùng biển Côn Đảo được đưa về cứu chữa ở Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh: vnexpress.net

– Ngày 23.9.2016, hai ngư dân người Phú Yên là Phan Văn Liêm và Lê Văn Reo trên tàu cá PY 96173 đang đánh bắt cá trong vùng biển Bolinao, tỉnh Pangasinan, Philippines thì bị cảnh sát biển Philipines bắn chết.26

– Ngày 23.3.2018, tàu cá QNg 90045 do ngư dân Đặng Tằm làm chủ tàu kiêm thuyền tưởng và tàu cá QNg 90440 do ông Đặng Bi làm chủ tàu (cùng trú xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) đang trú gió ở Đá Lồi (thuộc quần đảo Hoàng Sa) thì bất ngờ bị hai tàu Trung Quốc mang số hiệu 46106 và 45103 tấn công. Hai tàu Trung Quốc đã áp sát và đâm mạnh vào tàu cá QNg 90440 của ngư dân Đặng Bi, khiến tàu này vỡ dọc mạn phải từ đầu đến đuôi tàu. Sau đó tàu Trung Quốc thả một canô chở theo 8 người mặc quân phục và mang theo súng, dùi cui áp sát leo lên hai tàu cá, dùng vũ lực dồn ngư dân hết về phía mũi tàu, những người Trung Quốc có vũ trang tiếp tục lục cabin lấy đi điện thoại, máy móc, phá lưới và ngư cụ, đồng thời ép ngư dân chuyển toàn bộ hải sản đánh bắt được lên tàu Trung Quốc. Tàu QNg 90045 của ngư dân Đặng Tằm cũng bị cướp phá, chặt dây hơi, phá máy dò cá, bộ đàm. Không chỉ cướp phá, người trên tàu Trung Quốc còn đổ một gói bột màu trắng bao bì ghi chữ Trung Quốc vào nước uống của ngư dân, khiến ngư dân không thể uống. Các ngư dân cho rằng đây là hành động triệt luôn đường sống, không cho ngư dân tiếp tục bám trụ ở Hoàng Sa. Ngư dân Đặng Tằm ước tính thiệt hại lên đến 350 triệu đồng, còn ngư dân Đặng Bi thiệt hại lên đến 400 triệu đồng.27

18. Tau ca Quang Ngai bi pha

Cú đâm mạnh của tàu Trung Quốc khiến tàu cá của ngư dân Đặng Bi bị hỏng nặng. Ảnh: Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ)

19. Tau ca Quang Ngai bi pha

Dây hơi dùng để lặn trên hai tàu cá của ngư dân Đặng Tằm và Đặng Bi đều bị người trên tàu Trung Quốc chặt đứt. Ảnh: Trần Mai (Báo Tuổi Trẻ)

…….

Trong bối cảnh căng thẳng do tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông ngày càng gia tăng, đặc biệt là sau khi Trung Quốc hoàn thành việc đảo hóa và quân sự hóa các thể địa lý do Trung Quốc xâm chiếm trái phép ở Biển Đông, thì họ tăng cường uy hiếp ngư dân Việt Nam và ngư dân các nước Đông Nam Á, những người thường xuyên đánh bắt hải sản trong Biển Đông. Sinh kế của ngư dân miền Trung càng thêm khó khăn bởi những thách thức này. Trong đó, Trung Quốc là tác nhân nguy hiểm nhất, thường xuyên truy bắt, uy hiếp tính mệnh của ngư dân miền Trung mưu sinh trên biển.

14. Ngu dan

Ngư dân Việt Nam đánh bắt cá trong vùng biển Philippines bị phía Philippines bắt giữ, vui mừng được trả tự do và gửi lời cám ơn Tổng thống Duterte. Ảnh: VOA

15. Ngu dan cam on

Tàu cá Việt Nam vừa được phía Philippines phóng thích sau khi bị bắt giữ do đánh bắt trái phép trong vùng biển Philippines. Ảnh: AP

1.6. Thách thức do quá trình đô thị hóa và các dự án phát triển du lịch ven biển

Có một thực tế khác đã diễn ra trong khoảng chục năm gần đây là nhiều ngôi làng ven biển miền Trung, trong đó có các làng chài của ngư dân đã bị xóa sổ toàn phần hoặc một phần để nhường đất cho các dự án phát triển du lịch và cho quá trình đô thị hóa tại các tỉnh thành thuộc vùng duyên hải miền Trung. Điển hình như làng biển: Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng), Hà My (thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), An Bàng (thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam)…

16. Lang bien Nam O

Di tích lăng Ông (Nam Ô) bên những ngôi nhà bị đập phá để làm resort. Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng

Điều này cũng tạo ra những thách thức lớn khi người dân phải rời bỏ nơi cư trú cũ để tìm nơi ở mới. Sinh kế của họ cũng bị thay đổi do môi trường sống và các điều kiện mưu sinh bị thay đổi.

17. Lang bien Nam O

Cụ Nắng (phải) và ông Long, những người dân ở Nam Ô (Đà Nẵng), nhìn ra cửa biển với ánh mắt đượm buồn. Ảnh: Báo Công an Đà Nẵng

Số tiền đền bù từ việc đất đai, làng mạc bị giải tỏa có thể nhiều, nhưng sẽ không đủ để giúp họ chuyển đổi sang những nghề mới một cách suôn sẻ, có thu nhập ổn định và đảm bảo cuộc sống lâu dài.

Nhiều người dân do đã lớn tuổi nên khó có thể tìm kiếm việc làm mới phù hợp với sức khỏe và tuổi tác của mình. Nhiều người trong độ tuổi thanh niên nhưng do trình độ và năng lực hạn chế nên cũng khó đáp ứng những đòi hỏi cao hơn ở những công việc mới mà chủ các dự án đầu tư hứa hẹn mang đến. Vì thế họ nhanh chóng gia nhập vào đội quân thất nghiệp, hoặc phải gia nhập vào dòng người chuyển cư đến các đô thị lớn ở trong vùng, trong nước để tìm việc làm, hoặc phải chạy vạy để đi xuất khẩu lao động. Đó đều là những thách thức nghiêm trọng đối với sinh kế bền vững của người dân vùng duyên hải miền Trung sống trong các vùng có các dự án phát triển du lịch và đô thị hóa.

2. TÁC ĐỘNG TỪ NHỮNG THÁCH THỨC

Với năm thách thức trên đây, chắc chắn sẽ có những tác động không nhỏ đối với sinh kế của các cộng đồng cư dân trong vùng duyên hải miền Trung, đồng thời tác động đến tình hình kinh tế – xã hội của cộng đồng, cũng như với đời sống văn hóa, tinh thần của người dân địa phương.   

2.1. Đối với sinh kế của người dân

Thứ nhất, điều kiện mưu sinh ngày một khó khăn hơn; môi trường lao động ngày càng khắc nghiệt hơn, gian khổ hơn; địa bàn mưu sinh ngày càng xa hơn.

Thứ hai, những cư dân sống dựa vào biển, khai thác nguồn sống từ biển sẽ phải rời bỏ những vùng biển thông thuộc để đi đánh bắt ở những vùng biển xa hơn, thậm chí đi sang vùng biển của các nước khác để đánh bắt nên phải đối mặt với nhiều hiểm nguy hơn (thiên tai và nhân tai); chi phí cho các chuyến đi đánh bắt xa sẽ lớn hơn nên cần phải có vốn lớn, phải vay nợ ngân hàng, và phần lợi nhuận thu được sẽ ít hơn do phải trang trải các khoản chi cho “đường xa và dài ngày” này.

Thứ ba, với những người không có điều kiện đi biển xa thì việc mưu sinh ở quê nhà cũng sẽ khó khăn do đất đai bị nhiễm mặn, xói lở bởi nước biển dâng, do mất đất cho các dự án phát triển du lịch và đô thị hóa vùng ven biển nên dễ rơi vào cảnh thất nghiệp, phải đi làm thuê ở những ngành, nghề không quen thuộc với họ, nên thu nhập bấp bênh, đời sống thiếu ổn định.

2.2. Đối với đời sống kinh tế – văn hóa – xã hội của cộng đồng

– Thứ nhất, diện mạo kinh tế của cộng đồng sẽ thay đổi theo hướng đa dạng hơn, linh hoạt hơn, năng động hơn chứ không còn “đơn nhất” như trước. Phân công lao động trong cộng đồng sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nhằm phân bổ nguồn vốn, sức lao động một cách hợp lý hơn.

Chẳng hạn trước đây người dân miền Trung có thói quen đi biển theo hộ gia đình hoặc sử dụng lao động trong phạm vi gia tộc, họ hàng, chỉ hoạt động trong vùng biển ven bờ, thì nay họ sẽ hợp tác, chung vốn với nhau đóng những con tàu lớn để đánh bắt xa bờ và sẽ liên kết với nhau để tạo thành những đội tàu cùng nhau đánh bắt trên những vùng biển xa nhằm hỗ trợ cho nhau trong những lúc khó khăn, gặp hiểm nguy, mà đội tàu đánh bắt cá mập và trung đội dân quân biển ở phường Thủy Đầm (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa) là một ví dụ.28

Hoặc do sinh kế thay đổi, ngư dân phải vươn khơi xa dài ngày, vì thế, trong các cộng đồng cư dân nơi đây đã hình thành thêm đội thuyền dịch vụ chuyên cung ứng các dịch vụ hậu cần, logistic cho đội thuyền đánh bắt xa bờ. Đồng thời hình thành đội ngũ thu mua, bao tiêu sản phẩm để cung ứng cho thị trường nội địa hoặc xuất khẩu, thay vì “mô hình” truyền thống “chồng đánh cá, vợ bán cá” như trước đây. Điều này góp phần thay đổi cơ cấu việc làm ở trong các cộng đồng dân cư này.

– Thứ hai, do diện mạo các làng xã ven biển bị thay đổi bởi các tác động từ tình trạng biến đổi khí hậu, từ quá trình đô thị hóa và phát triển du lịch ven biển, nên không gian sinh sống và cấu trúc cộng đồng cũng có sự thay đổi. Nhiều làng chài đã trở thành những khu đô thị ven biển, thậm chí cư dân làng chài đã phải vào sinh sống trong các khu chung cư cao tầng, như các khu chung cư ở quận Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà (thành phố Đà Nẵng) khiến cho lối sống, sinh hoạt, ứng xử của cư dân phải thay đổi để thích ứng với môi trường sống mới.

Nhiều di tích lịch sử văn hóa liên quan đến biển, nghề đi biển, văn hóa biển của cộng đồng cư dân duyên hải đã bị biến dạng, di dời, thay đổi vì những nguyên nhân khác nhau, khiến cho việc thực hành và bảo tồn di sản văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội liên quan đến biển và ngư nghiệp cũng thay đổi, thậm chí mai một.

– Thứ ba, những thách thức nói trên đã làm cho cư dân duyên hải miền Trung gặp trở ngại trong mưu sinh, khiến họ phải lựa chọn và tìm kiếm sinh kế mới phù hợp hơn, bền vững hơn.

Tuy nhiên, xét ở góc độ khác, thì những thách thức đó lại tạo cho người dân động lực để thay đổi tư duy, lề lối làm ăn, khiến học tăng cường học hỏi khoa học kỹ thuật, mạnh dạn đầu tư vốn liếng và nhân lực để xây dựng những đội tàu đánh bắt công suất lớn hơn, trang bị hiện đại hơn, sẵn sàng “vươn khơi, bám biển” dài ngày để đánh bắt được nhiều hải sản hơn, chất lượng hải sản tốt hơn, giá thành cao hơn để thu được lợi nhuận cao hơn, nhằm đảm bảo sinh kế lâu dài và bền vững. Đồng thời, cũng biến họ trở thành “tai mắt” trên biển, thành những “cột mốc sống ở trên biển”, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

T.Đ.A.S.

Chú thích

1. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 71.

2. Bộ Thông tin và Truyền thông (2017). Việt Nam. Đất nước, con người. Nhìn từ biển, đảo (Hà Nội: Thông tin và Truyền thông), 5.

3. Trần Thọ Đạt – Vũ Thị Hoài Thu (2012). “Sinh kế bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu đối với vùng ven biển Việt Nam”. Kinh tế và Phát triển. Số tháng 10.

4. Trần Thọ Đạt – Vũ Thị Hoài Thu (2012). “Sinh kế bền vững và thích ứng với biển đổi khí hậu đối với vùng ven biển Việt Nam”. Kinh tế và Phát triển. Số tháng 10.

5. Phạm Hương (2016). “10 năm thảm họa Chanchu làm hơn 200 số phận mất tích”. https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/10-năm-tham-hoa-chanchu-lam-hon-200-so-phan-mat-tich-3403652.htmThứ hai, 16/5/2016, 11:49 GMT+7

6. Nguồn: https://vi.wikipedia.org/wiki/B%C3%A3o_Xangsane_(2006).

7. Nguồn: https://www.baomoi.com/5-con-bao-tan-pha-khung-khiep-nhat-trong-10-nam-qua-o-viet-nam/c/23285533.epi

8. Nguồn: https://www.baomoi.com/5-con-bao-tan-pha-khung-khiep-nhat-trong-10-nam-qua-o-viet-nam/c/23285533.epi

9. Nguyễn Chu Hồi (2013). “Kinh tế biển Việt Nam nhìn từ góc độ tài nguyên và môi trường”. Lý luận Chính trị. Số 5, 30-41.

10. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 91.

11. Bản tin do VTV1 phát trong chương trình thời sự lúc 6 giờ sáng ngày 4.10.2017.

12, 14. Nguyễn Chu Hồi (2017). “Vị thế, tiềm năng của biển đảo Việt Nam trong bối cảnh quốc tế và khu vực”. In trong: Bộ Thông tin và Truyền thông. Tài liệu tập huấn công tác tuyên truyền biển, đảo. (Lưu hành nội bộ), 93, 100.

13. Tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thủy sản (sửa đổi), tổ chức ở Hn vào ngày 21.3.2017 Thượng tướng Phạm Ngọc Minh, Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn – cảnh báo thủy sản nước ta đang bị tận diệt bằng đủ các hình thức đánh bắt như kích điện, dùng thuốc nổ, hóa chất… Ông cho biết: “Trước đây, biển rất nhiều cá, còn bây giờ từ Bạch Long Vĩ đến Phú Quốc đều không còn cá nữa. Vì thế ngư dân phải đi đánh cá ở bên ngoài rất nhiều, bị bắt cũng rất nhiều”. Nguồn: http://dantri.com.vn/chinh-tri/bien-tu-bach-long-vi-den-phu-quoc-deu-khong-con-ca-20170321145312711.htm.

15 Theo Kết quả đánh giá nhanh tải lượng chất thải đổ ra biển từ đất liền ở Việt Namcủa VASI-IMER-UNEP (2010), lưu trữ tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Hà Nội) thì: “Kết quả đánh giá sơ bộ (VASI-IMER-UNEP, 2010) lượng chất gây ô nhiễm biển nguồn lục địa đưa ra một số vùng biển ven bờ nước ta cho thấy: vùng biển ven bờ Hải Phòng – Quảng Ninh mỗi năm tiếp nhận khoảng 206,4 nghìn tấn COD; gần 39 nghìn tấn BOD; 38,8 nghìn tấn nitơ tổng số (N-T); 20,7 nghìn tấn phốtpho tổng số (P-T); 17,24 triệu tấn tổng chất rắn lơ lửng (TSS); 51,5 tấn hóa chất bảo vệ thực vật (HCBVTV) và hơn 7,8 nghìn tấn kim loại nặng (KLN). Tổng lượng chất ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Đà Nẵng – Quảng Nam khoảng 92,6 nghìn tấn COD; 22,4 nghìn tấn BOD; 53,8 nghìn tấn N-T; 11,9 nghìn tấn P-T; 428,4 nghìn tấn TSS; gần 83 tấn HCBVTV và khoảng 430 tấn KLN các loại. Tổng lượng ô nhiễm hàng năm đưa ra vùng biển ven bờ Bà Rịa – Vũng Tàu – Thành phố Hồ Chí Minh tối thiểu khoảng 175,6 tấn COD; 38,9 tấn BOD; 125,9 nghìn tấn N-T; 23,3 nghìn tấn P-T; 384,2 nghìn tấn TSS và khoảng hơn 3 nghìn tấn KLN”. Dẫn theo: Nguyễn Chu Hồi (2017). “Bài đã dẫn”, 99.

16, 17 Green Trees (2016). Toàn cảnh thảm họa môi trường biển Việt Nam. Hà Nội, 163, 165.

18 Nguồn: http://www.sggp.org.vn/yeu-cau-phia-trung-quoc-dieu-tra-va-xu-ly-nghiem-nhung-ke-da-ban-chet-nguoi-113753.html

19 Nguồn: http://www.tienphong.vn/xa-hoi/ngu-dan-bi-tau-trung-quoc-dam-toi-tuong-minh-da-chet-710916.tpo

20 Nguồn: https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/de-nghi-truy-tim-thu-pham-dam-chim-tau-ca-o-hoang-sa-3399380.html

21 Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-trung-quoc-dam-chim-tau-ngu-dan-loi-nguoi-thoat-nan-3313810/

22 Nguồn: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tau-tq-dam-tau-ngu-dan-khanh-hoa-40-phut-sinh-tu-3323214/

23 Nguồn: http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/tau-la-tan-cong-ban-chet-ngu-dan-o-truong-sa-20151129223634343.htm

24 Nguồn: http://vietnamnet.vn/vn/thoi-su/tau-la-no-sung-xoi-xa-vao-tau-ca-viet-nam-1-ngu-dan-thiet-mang-365124.html

25 Nguồn: https://suckhoe.vnexpress.net/tin-tuc/suc-khoe/ngu-dan-bi-tau-la-ban-duoc-xuat-vien-3621530.html

26 Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/vu-2-ngu-dan-viet-bi-ban-ket-qua-dieu-tra-hai-nuoc-venh-nhau/4049870.html

27 Nguồn: https://tuoitre.vn/ngu-dan-quang-ngai-to-bi-tau-trung-quoc-cuop-pha-o-hoang-sa-20180323202645685.htm

28 Nguồn: http://www.nhandan.com.vn/phongsu/item/31673502-ky-2-lang-san-hung-than-bien-ca.html

————

* Đây là tham luận được trình bày tại Hội thảo “Văn hóa biển Trung Bộ trong bối cảnh xã hội đương đại“, do Viện Nghiên cứu Văn hóa (Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) tổ chức tại Đà Nẵng vào tháng 10.2017. Tác giả đã cập nhật và bổ sung thông tin để in trên tạp chí Phát triển Kinh tế – Xã hội Đà Nẵng. Số 99 (Tháng 3.2018).

____

Bình luận của Facebooker Long Phạm:

VIỆT NAM ƠI, HÃY THÔI VỨT RÁC RA NGOÀI

Vấn đề nêu ra sau đây sẽ xúc phạm tất cả người Việt và vạch ra tắc trách của nhà cầm quyền, liên quan đến ô nhiễm môi trường biển, nhiều nhất thế giới lại là từ 90 triệu người Việt, điều mà mỗi người có giải quyết chấm dứt ngay hôm nay là không vứt rác ra ngoài. Cung cấp thùng rác các nơi cho dân.

Theo báo cáo Statica, VN là quốc gia xả rác ra biển nhiều thứ 4 nhưng tính theo đầu người thì người Việt vứt rác nhiều nhất thế giới, đến gấp ba lần người Tàu.

Quốc gia Dân số Plastic, ton Plastic ton/1000 dần So với TQ:

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây