Tâm thiện là phật

FB Luân Lê

3-3-2018

Mua bán và hối lộ thánh phật. Họ đã bị ngăn giới bởi chính đức Phật vì tâm họ vẫn bị những tham lam, dục vọng cầm tù. Ảnh: internet

Có một điều mà có khi hỏi người dân, nhất là những người hay đi Chùa lễ bái là Phật ở đâu thì chưa chắc họ đã biết và trả lời nổi câu hỏi đó.

Phật không ở Chùa. Phật trước đây trước khi hành hương và đi truyền giáo lý, đạo pháp đã ngồi 49 ngày tại gốc cây Bồ Đề để tự triết nghiệm và tu đạo, để thấu hiểu các giá trị về đời sống, nhân sinh, quả nghiệp, luân hồi,…sau đó vì thấy những cảnh sống khổ cực của dân chúng và sai lạc của những đạo phái khác (như đạo Bà La Môn, dành cho tầng lớp quý tộc, tăng lữ; hay đạo Kỳ Na giáo mà tu khổ hạnh kiểu hành xác) nên Đức Phật mới hành khất khắp nơi để truyền thụ giáo lý do mình giác ngộ nhằm diệt khổ đau và tạo ra cuộc sống hạnh phúc cho nhân sinh.

Phật (Thích Ca Mâu Ni, hay Tất Đạt Đa) là một người đã được nhập cõi Niết Bàn khi chết và chuyển sang một kiếp khác mà vẫn tiếp tục việc phổ độ chúng sinh của mình.

Người dân thì hay nói, Phật tại tâm, nhưng không hiểu cớ làm sao họ lại hay đến Chùa với sính lễ và các vật tế cúng để cầu xin gì ở Đức Phật? Phật đâu có ở Chùa, mà Phật ở trong chính bạn. Khi bạn giác ngộ rồi thì người ta lại càng không phải đến Chùa mới thấy Phật.

Ngày xưa, Hội giáo đầu tiên gồm Tăng đoàn tụ họp để bàn bạc và thảo luận về những thuyết giáo, những nguyên lý đạo pháp, và sau đó họ lại toả đi khắp muôn phương để truyền thụ và thâu nhập môn đồ (những người muốn tu tập và giác ngộ để được hạnh phúc). Sau này, một số tăng ni của nhà Phật (có chức vị trong Hoàng gia) dành một tự viện để các Tăng đoàn đến tu tập và trao đổi dưới sự hướng dẫn của đức Thích Ca Mâu Ni. Có lẽ đây là cơ sở hình thành và là căn cứ đầu tiên để nói lên nguồn gốc của Chùa (Chiền) là nơi tu tập và nơi của Phật toạ lạc.

Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Chùa (Chiền) không phải là nơi ban phát những lợi lộc hay giải quyết các vấn đề về danh vọng, tiền tài. Mà đó là nơi tu tập đạo pháp và dành cho những người đến đó để học về giáo lý, tu sửa tâm tính và tìm đến sự giác ngộ trong đời sống tinh thần. Tức là người ta đến Chùa chỉ để được nâng cao nhận thức của chính bản thân, đưa bản thân lên một cảnh giới cao hơn trong nhận thức để diệt trừ nguồn cơn của đau khổ trong đời sống, nhằm có một cuộc sống an lạc (hạnh phúc). Dần tiến tới sự vô ngã, gieo nhân thiện để gặt quả (nghiệp) tốt, được luân hồi và tới cõi Niết bàn sau khi chết đi.

Làm gì có thần phật nào lại ở Chùa và ban phát cho con người tìm đến đó những lợi lộc vật chất hay tính tư lợi hòng nâng mức sống và vị thế của bản thân họ. Không thần phật nào cần đến sính lễ hay đồ cúng tế, không thần phật nào khiến bạn trở nên tâm an khi chính tâm bạn không thiện và không có nhận thức đầy đủ và đúng đắn về các triết lý của đạo Phật trong các lời răn, dạy của chính đức Phật.

Khi bạn đến Chùa mà còn sắm sính lễ, chuẩn bị tiền bạc hay lợi ích khác để đặt trên bàn và trước các bức tượng Phật, sau đó là gửi đi những lời khẩn cầu để được ban phát lợi lộc, làm cho thăng quan tiến chức, làm ăn phát đạt, được xoá bớt tội lỗi hay cầu cho tai qua nạn khỏi là đang phỉ báng và làm vấy bẩn các đức Phật và các đạo pháp mà Phật muốn truyền thụ từ hàng ngàn năm trước khi Phật bắt đầu khởi sinh và lan toả đi.

Đó là vấn đề của những con người không có hiểu biết về Phật (pháp) mà lại đi tìm Phật để giải quyết các vấn nạn trong đời thường bằng cách mua chuộc hoặc hối lộ thánh phật.

Đọc Kinh mà không hiểu kinh. Tu tính mà không có tri tâm. Ham muốn tầm thường mà muốn thanh cao, giác ngộ. Tham lam nên vẫn cầu xin, dâng hối.

Thật hết sức tội lỗi. Vì họ đến để biến Phật thành những kẻ hám lợi, hám danh và để trao đổi, mua bán lợi ích cho lòng tham vô độ của họ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tâm thiện sẽ đi tới GIÁC NGỘ, bởi thế, người ta thường nói là “Phật Tại Tâm”
    Chùa chiền hoặc đền đình cũng có hai loại được hình thành do nguyên lý nhân quả, Thứ nhất, là đình chùa thiện được dựng lên tại nơi có linh khí (Thiên khí tốt và Địa khí tốt gặp nhau hòa luyện thành CÁT HUYỆT) rồi được trường khí của hàng trăm đời các thiện nam tín nữ hòa luyện cùng để trở thành nơi giáo dục hướng thiện cho toàn thể chúng sinh. Thứ hai là các đền chùa ác, được tích lũy từ những tâm ác mà thành: chúng được dựng nên bởi kẻ ác, dựng đền chùa để mê tín hóa nhân dân và từ đó thu lợi từ những kẻ ngu tín ấy; hoặc; là những đền chùa không còn các thiện nam tín nữ tới viếng (mà thay vào đó là những kẻ bất lương khi chúng đến chùa không hề kính Phật và cầu cho Quốc Thái Dân An mà chỉ cầu được Thần Phật phù hộ cho một danh lợi nào đó), bởi thế, ở những nơi này cái tâm thiện bị lấn át, không còn là chủ thể tích cực để dẫn dắt con người nữa!!!

Leave a Reply to Lại Việt Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây