“Giấy triệu tập” không thể ghi và ký tùy tiện

Nguyễn Đăng Quang

28-2-2018

Nước ta theo mô hình nhà nước “Dân chủ Nhân dân” 31 năm ở miền Bắc, khi chuyển sang mô hình nhà nước “Xã hội Chủ nghĩa” trên phạm vi toàn quốc cũng đã được 42 năm, tổng cộng tất cả là 73 năm! Cả hai mô hình nhà nước này đều được mô tả với người dân trong nước cũng như cộng đồng quốc tế là “Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa”!

Ấy vậy có một sự việc “chẳng ra sao” vừa mới xảy ra hôm qua đối với một công dân, nguyên là người đứng đầu Đảng bộ và Chính quyền xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai, Thủ đô Hà Nội. Được “đương sự” cho phép, tôi xin kể ra đây để bạn đọc xa gần suy nghĩ và đánh giá xem nó có nên xảy ra trong một nhà nước mà Đảng ta luôn gọi là “Nhà nước pháp quyền XHCN do dân, của dân và vì dân” hay không?

Ông Quang Văn Thỉnh, sinh năm 1943, tròn 75 tuổi đời và 50 năm tuổi đảng, làm Bí thư Đảng ủy xã Thanh Văn, huyện Thanh Oai (Hà Nội) trong 8 nhiệm kỳ liên tiếp, trải qua 28 năm không ngắt quãng (từ tháng 5/1987 đến tháng 5/2015). Tháng 6/2015, ông nghỉ hưu ở tuổi 72! Hãy khoan nói về thời gian làm Bí thư Đảng ủy xã, ông Thỉnh đã cùng Đảng bộ xã Thanh Văn có công với người dân ở đây, được họ tôn trọng, quý mến ra sao, mà ta chỉ xét ông Thỉnh là một công dân như mọi công dân khác trong nhà nước pháp quyền của ta mà thôi!

18 giờ chiều tối qua, 27/2/2018, ông Quang Văn Thỉnh ngỡ ngàng khi nhận được “Giấy triệu tâp” của Công an huyện Thanh Oai, Tp. Hà Hội yêu cầu ông đúng 8g30’ hôm nay (28/2/2018) phải có mặt tại Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an huyện Thanh Oai để “làm việc liên quan đến nội dung đơn tố cáo”. (Mời độc giả xem ảnh chụp “Giấy triệu tập” đính kèm dưới đây):

Giấy triệu tập ông Quang Văn Thỉnh. Ảnh: tác giả gửi tới

Đọc qua “Giấy triệu tập” của Công an Thanh Oai (Hà Nội), người viết bài này có mấy nhận xét sau đây về hình thức “Giấy triệu tập” của Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai đối với ông Quang Văn Thỉnh, xin phép chưa bàn đến nội dung sự vụ của “Giấy triệu tập” này:

1/. Đối với mọi công dân, dù trình độ học vấn cao hay thấp, thậm chí là mù chữ chăng nữa, các cơ quan chức năng khi phát giấy “MỜI” hay “TRIỆU TẬP” công dân đến làm việc, nên tôn trọng họ và ghi rõ danh xưng cụ thể là “ông” hay “bà”, chứ không thể viết cộc lốc, coi người bị triệu tập như là kẻ đã phạm tội, mà trong “Giấy triệu tập” ông Quang Văn Thỉnh, Cơ quan CSĐT đã thể hiện: “Yêu cầu Quang Văn Thỉnh đúng 8 giờ 30’ ngày 28/2/2018 có mặt tại…”!

Ông Thỉnh là một cán bộ hưu trí, là một đảng viên lâu năm, nay đang ở tuổi 75 nên ông còn được coi là một công dân cao tuổi. Không nên coi và không thể coi hoặc đối xử với ông Quang Văn Thỉnh như “một kẻ có tội” được. Cơ quan CSĐT Công an huyện Thanh Oai hơn ai hết phải tôn trọng nguyên tắc pháp lý trong công tác điều tra và tố tụng sau đây: “Không một ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

2/. Người ký “Giấy triệu tập” đóng dấu đỏ của cơ quan công quyền phải là người có chức danh và có trách nhiệm theo đúng quy định của pháp luật, trong trường hợp này phải là Trưởng hoặc Phó Công an Huyện. Nếu các vị trên đi vắng, người được ủy quyền ký tên, đóng dấu, phải ghi rõ là TL (thừa lệnh) hay TUQ (thừa ủy quyền). Những người này ít ra phải là Đội trưởng hay Đội phó các Đội trinh sát, chứ không thể là mọi thành viên trong CQĐT đều có thể ký tên, đóng dấu để triệu tập công dân một cách tùy tiện được!

3/. Về thời gian “triệu tập”, CQĐT cũng nên tính đến “một khoảng thời gian hợp lý” để công dân có thể sắp xếp thời gian, chuẩn bị thu xếp công việc đến gặp, làm việc với cơ quan công quyền. Chứ không nên 6 giờ tối hôm trước tống đạt “Giấy triệu tập”, 8 giờ sáng hôm sau bắt “đương sự” phải đến “trình diện” ngay lập tức như trường hợp đối với ông Quang Văn Thỉnh như đã nói ở trên. Người được triệu tập, có thể vì điều kiện khách quan hoặc bất khả kháng, không thể đến được, sẽ rất dễ bị quy chụp là người “chống lệnh” cơ quan công quyền hoặc là kẻ “chống người thi hành công vụ”!

Trên đây tôi chỉ xin đề cập đến một số nội dung và hình thức của một “Giấy triệu tập” mà cơ quan chức năng cần tuân thủ. Riêng về nội dung sự vụ, tôi không bàn, vì thông tin tôi có được, tôi chưa có điều kiện kiểm chứng, nên không muốn võ đoán ở đây.

Vậy xin sơ bộ có đôi ý kiến nhận xét như trên, mong các bạn đọc xa gần góp thêm ý kiến nhận xét, đánh giá, trước là để rộng đường dư luận, sau là để gửi đến Ban Chỉ huy Công an Huyện Thanh Oai với hy vọng là những ý kiến góp ý xây dựng này sẽ góp phần làm cho bộ máy công quyền nhà nước ta liêm chính, trong sạch, vững mạnh hơn để nhà nước ta thực sự trở thành nhà nước pháp quyền, của dân, do dân và vì dân.

____

Mời tham khảo thêm: “Giấy mời và Giấy triệu tập khác nhau thế nào” (CL).

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Đối với dân, phải kính trọng lễ phép
    Tốn tiền thuế của dân để tổ chức bao nhiêu lần học đạo đức bắc Hồ.
    Tuy nhiên, tôi tin rằng Công An khi triệu tập bố, mẹ, ông, bà… mình, cũng nói trống không như vậy.

  2. Cái “Giấy triệu tập” của Công An VN thể hiện đúng tầm văn hóa của các đày tớ của “nhân dân”, vì “nhân dân” phục vụ.
    Mảnh giấy ấy đã thể hiện tính nghiêm minh của NN “pháp quyền xhcn” bằng… 4 con dấu (triện) được đóng xung quanh! Đỏ lòm, thể hiện “tính đảng” oai hùng, nhưng cũng lại… giống như một tờ rơi, quảng cáo cho món – DÙI CUI CHẤM MẮM CÁY – đang chờ đợi ở đồn CA.
    Thật khó chịu cho những ai nhận được nó.

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây