Tháng hai Biên giới: Đôi mắt viên đạn hay nụ cười hữu nghị?

FB Vũ Lương Khánh

17-2-2018

Ảnh: internet

Nhà sử học kiệt xuất đời Lê là Ngô Sĩ Liên đã viết một đoạn văn khiến người ta rất khó phản bác: “Sự cường nhược của Nam Bắc đều có lúc. Nếu phương Bắc yếu thì ta mạnh, nếu phương Bắc mạnh thì ta yếu, ấy là đại thế thiên hạ (ĐVSKTT)”.

Mỗi khi TQ mạnh ắt sẽ đem quân Nam chinh, khi ta mạnh thì TQ tìm cách làm cho ta yếu rồi sẽ gây sự vì TQ luôn xem phương Nam là thứ quận huyện thấp kém. Ngô Sĩ Liên đã chỉ ra đó là tính chu kỳ, và 1979 cũng không phải là ngoại lệ.

Mùa xuân năm ấy, cơn cuồng phong TQ như một thứ bệnh dịch chết chóc tràn vào biên giới phía Bắc nước ta, cướp đi sinh mạng của hàng vạn người, sự ngạo mạn của Đặng Tiểu Bình tỷ lệ thuận với sự khát máu đến từ quân TQ.

Cuộc chiến chỉ diễn ra trong 1 tháng nhưng rất tàn khốc. VN giành chiến thắng đắt giá và TQ rút quân về nước. Bắc Kinh tổn thất khoảng 62.000 (gần 30.000 chết) trong khi VN hứng con số thương vong chừng 50.000 với 10.000 dân thường. Quân Mỹ tham chiến ở VN gần 10 năm cũng chỉ chết hơn 58.000 người (so với gần 30.000/tháng của TQ).

TQ đã gây ra những tổn thất kinh tế nặng nề cho VN khi chúng phá hết mọi thứ trên đường rút để đảm bảo rằng VN phải mất rất nhiều thời gian để khôi phục và phát triển lại.

Tiếc rằng, ngày nay, nếu lướt qua các tờ báo online lớn tại VN, người ta hầu như chỉ thấy một sự im lặng đáng sợ.

SGK lại càng không khách khi hơn khi chỉ dành ra 11 dòng để nhắc về cuộc chiến, còn ngắn hơn đoạn ca ngợi thành tích cải cách của Đặng Tiểu Bình (trong cùng 1 quyển sách).

Triết gia La Mã Marcus Cicero cũng từng nói rằng: “Thật khốn khổ cho một đất nước không có anh hùng, nhưng còn khốn khổ hơn cho một đất nước có anh hùng, nhưng không ghi nhớ và vinh danh họ.”

Thật phũ phàng khi những con người hy sinh mạng sống để Tổ quốc trường sinh hóa ra lại bị chính cái Tổ quốc đó lãng quên. Nếu thái độ ấy vẫn không thay đổi thì có lẽ phải thốt lên rằng (dù rất đau lòng): Đất nước này xứng đáng bị diệt vong.

Bên cạnh hun đúc lòng ái quốc, cuộc chiến còn để lại 2 bài học xương máu: Cảnh giác và niềm tin. Biên giới tuy đã im tiếng súng nhưng không có nghĩa là cuộc chiến này đã hoàn toàn kết thúc.

Khi VN yếu, TQ mạnh thì cuộc chiến mới đã bắt đầu: Cuộc chiến giữ gìn sự toàn vẹn lãnh thổ, kiêu hãnh quốc gia… để biện minh cho sự tồn tại của mình. Đây là cuộc chiến mà chiến thắng chỉ dành cho kẻ bền chí nhất.

39 năm đã trôi qua, 4 tốt, 16 chữ vàng, lý tưởng tương thông hay vận mệnh tương quan giờ là ký ức mong manh về một thời đại hồn nhiên đã trôi xa.

Hiểm họa phương Bắc là thực tế mà VN không thể và không được né tránh. TQ chính là trở ngại lớn nhất cho sự tồn tại của VN với tư cách một quốc gia độc lập.

Trở lại câu hỏi đầu đề, người Việt nên hướng về phương Bắc với thái độ nào. Câu trả lời là tùy vào cách tiếp cận của mỗi người.

Hữu nghị nhưng không đi kèm với ngu muội, quỵ lụy, tha thứ cho kẻ thù (dù hơi khó) nhưng đừng bao giờ quên những gì họ đã làm. Đôi mắt viên đạn nên giữ đúng mực, không nên trở thành cực đoan, ấu trĩ, AQ, làm xấu mặt quốc gia.

Mặt khác, có người cho rằng xu thế ghét TQ có hại cho dân tộc. Câu ấy không hẳn là sai, nhưng nếu nhìn toàn cục thì xu thế quỵ lụy và khiếp nhược TQ mới đáng lo hơn. Nếu ghét TQ là triệu chứng ngoài da thì quỵ lụy, khiếp nhược là mầm bệnh trong tim phổi vậy.

Trong đơn độc, nhà Trần đã 3 lần đánh bại Nguyên Mông. Từ đôi bàn tay trắng, Lê Thái Tổ đã dẫn dắt quân Lam Sơn quét sạch giặc Minh, phục hưng nước nhà. Năm 1979, trong vô vàn khó khăn, quân dân Việt vẫn làm cho tên giặc họ Đặng chấm dứt những ý nghĩ cuồng vọng…

Do đó, thông qua độ lùi thời gian 39 năm từ cuộc chiến để rồi nhìn về TQ hiện tại cũng như tương lai, có lẽ không lời nhắn nhủ nào gửi đến thế hệ người Việt mai sau hợp lý hơn câu nói của lãnh tụ CM Pháp Jean-Paul Marat (1743-1793): “Kẻ thù to lớn chỉ vì anh quỳ xuống. Hỡi đồng bào, hãy đứng thẳng lên!”

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

Leave a Reply to tố hĩu Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây