Tự do kinh tế hay nhà nước toàn trị

LS Lê Văn Luân

10-2-2018

Biếm họa của Khalil Bendib

Có ba trường phái kinh tế học kinh điển trên thế giới mà có thể nhiều người đã biết tới.

Đầu tiên là trường phái kinh tế tự do, đại diện cao nhất là Adam Smith với nguyên lý vận hành kinh tế bằng một “Bàn tay vô hình”, có nghĩa là ở đó, nền kinh tế tự nó vận hành với cơ chế là nhờ dựa hoàn toàn vào nhu cầu lợi ích của từng cá thể. Chính vì các lợi ích tự thân này mà các hành vi kinh tế cũng nhờ đó mà tự nó dịch chuyển và phân phối theo những quy luật nội tại của chính nó. Trong học thuyết của mình thì ông chỉ rõ trong một nền kinh tế như thế, nhà nước hầu như không can thiệp gì vào, cũng gần giống với một học thuyết chính trị của Lão Tử, Vô vi, tức nhà nước “làm mà như không làm” và thu nhỏ lại từ bộ máy cho đến chức năng của nó.

Trường phái thứ hai đó là việc can thiệp một cách toàn diện và hoàn toàn của nhà nước, nó điển hình là học thuyết kinh tế của Karl Marx và Engel. Và trong một quốc gia, mọi thành phần kinh tế đều là thứ yếu và phụ thuộc vào thành phần kinh tế nhà nước. Khi mới bắt đầu áp dụng ở Liên Xô, nó còn cực đoan đến mức chỉ duy trì duy nhất một nền sản xuất và phân phối sản phẩm bằng kế hoạch hoá tập trung và bao cấp. Không một ai hay tổ chức nào được làm ăn kinh tế, thương mại, không ai được phân phối sản phẩm. Ở quốc gia đó, nhà nước là nơi sản xuất và nhà nước cũng chính là thị trường. Và chính vì sự phản khoa học đến mức điên rồ của nó, nó đã sụp đổ, một cách hoàn toàn và khủng khiếp trên một diện rộng các nước khối XHCN. Đây chính là điển hình của một nhà nước toàn trị, mà điều này đã được giải thích cũng như chứng minh rất rõ ràng bởi tác giả F.A Hayek, đó là con đường dẫn con người tới thân phận nô lệ một cách nhanh nhất.

Sau trường phái kinh tế bị chính trị toàn trị áp đặt lên, xuất hiện một trường phái mới thứ ba, nó sản sinh ra sau cuộc đại khủng hoảng nền kinh tế thế giới năm 1929 và tới năm 1933 mới kết thúc, đó là Keynes. Keynes vẫn nghiêng về sự can thiệp của nhà nước vào sự vận hành và hoạt động của kinh tế, vì lẽ, cuộc khủng hoảng nêu trên đã làm luận cứ cho Keynes đưa ra quan điểm cho rằng, nếu kinh tế vận hành một cách tự do theo sự chi phối tự nhiên của “Bàn tay vô hình” như Adam Smith nhận định, thì sẽ dẫn đến sự hỗn loạn, và sẽ giải quyết thế nào về vấn đề tiền lương cũng như dư thừa lao động? Và đó là lúc Keynes cho biết, nhà nước sẽ phải tạo ra công ăn việc làm để giải quyết nhu cầu cho người lao động, bằng việc sẽ chi ra các gói đầu tư, dự án để có thể thúc đẩy sản xuất và tạo ra thế cân bằng cho những gì mà sự vận hành tự nhiên không giải quyết được. Và đây là mô hình kinh tế được vận hành bằng một “nhà nước hạn chế”.

Quay trở lại vấn đề chính, chỉ số tự do nền kinh tế của Việt Nam xếp hạng thứ 141/180 quốc gia trên toàn thế giới. Mà 10 nước đứng cuối cùng chủ yếu là các quốc gia cộng sản (hoặc XHCN) như Triều Tiên, Cuba hay Venezuela. Vì những quốc gia này hầu hết đang vận hành một nền kinh tế bằng sự can thiệp toàn diện triệt để từ nhà nước độc tài, toàn trị một cách tuyệt đối.

Hiến pháp năm 2013 chúng ta vẫn quy định, nền kinh tế được cấu thành từ nhiều thành phần nhưng chủ yếu và đặt trên hết là “kinh tế nhà nước”. Và điều này đã khiến các chuyên gia thế giới cười cợt đến mức kinh ngạc vì sự phản khoa học của nó. Và chúng ta cũng biết, các doanh nghiệp nhà nước là nơi gây ra tham nhũng và cũng là khu vực tạo ra cac khoản nợ khổng lồ cho nhà nước, chiếm tới hơn 70% tổng nợ quốc gia (nợ công). Cuối cùng cần khẳng định lại một điều là, các đỉnh cao trí tuệ đã tìm ra một khái niệm mới mà đến nay không ai hiểu nội hàm của nó là gì trong lĩnh vực kinh tế, đó là “nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”. Chính vì cụm từ định hướng tới một mô hình xã hội chưa bao giờ tồn tại trên thực tế, nên người ta đã cảm thấy bất định cũng như bất an với khái niệm táo bạo nhưng độc nhất trên trái đất này.

Vậy nên, khi còn duy trì thành phần kinh tế nhà nước là chủ đạo và chủ yếu, dành rất ít khoảng trống và cánh cửa cho kinh tế tư nhân, thì chúng ta sẽ hầu như không có tự do kinh tế, mà không có thứ đó, chúng ta sẽ không bao giờ thịnh vượng và đạt được dân chủ.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Tự do kinh tế hay nhà nước toàn trị”?
    Nhà nước toàn trị là tốt nhất! Chỉ có thế mới bảo đảm cho Đảng CSVN được độc tôn thống trị nhân dân, đất nước VN.

Leave a Reply to Nac danh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây