Đừng bắt chúng tôi gánh thêm nữa…

FB Nguyễn Quang Thạch

9-2-2018

Ảnh chụp bài báo có câu nói của của Phó TT Vũ Khoan

Từ nhỏ tôi được cha tôi và những người có học trong họ tộc dạy rằng phải thấy những điều xấu trong chính mình, cha mẹ và cả dòng tộc của mình mới đủ dũng cảm để thay đổi.

17 tuổi, vì muốn trở thành nhà văn, tôi trở thành “giang hồ” để tiếp xúc với các nhóm người: từ móc túi đến gái bán hoa, từ những con nghiện sẵn sàng rút máu xọc vào người khác, vào nơi cờ bạc mà những con khát bạc cắm cả quần lót và chạy truồng về nhà trong đêm, rồi văn báo bịp, những tay buôn hàng Nga gian xảo, lính giải ngũ vô phương hướng… Không hiểu sao tôi không căm ghét những người ít học trở nên lưu manh. Cho đến khi đi làm Nhà nước, đám có học làm cho tôi tởm lợm và văng tục sau một số lần làm việc, trở thành bệnh chửi cho đến nay chưa chữa được. Càng gặp đám công chức ở cấp cao hơn, sự tởm lợm càng tăng vì sự gian giảo tinh vi mà chỉ người trải đời mới biết được.

Viết dài dòng ở trên để dẫn cho phát ngôn của ông Vũ Khoan khi đặt nhiệm vụ xoá nỗi nhục Nước nghèo là “sứ mệnh lịch sử” của người trẻ. Tôi đồng ý với ông Khoan là thế hệ trẻ cần kiến tạo sự thay đổi. Tuy nhiên, để thuyết phục thế hệ trẻ thì thế hệ các ông cần sòng phẳng nhìn nhận những nỗi nhục mà Đất nước này đang gánh chịu gây nên bởi ai? Những bô xít Tây Nguyên, Formosa, Vinashin… là do ai?

Một gia đình yếu kém, trước hết là do cha mẹ dốt và lười biếng, kế đến mới là lũ con. Quốc gia yếu kém cũng vậy, thế hệ nay đã già, gây nên thảm hoạ trước, rồi thế hệ trẻ phải gánh chịu. Thế hệ chúng tôi đang phải chữa lỗi của thế hệ các ông và phải nỗ lực tạo sự thay đổi. Chúng tôi đang phải một vai hai gánh, đừng bắt chúng tôi gánh thêm dạy dỗ của thế hệ các ông nữa.

Chúng tôi cần thấy thế hệ già hơn chúng tôi, hiện họ đang quản lý xã hội, hành động vì lợi ích Đất nước bằng trí tuệ và tâm huyết. Tôi rất ghét những lời sáo rỗng.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây