Nguồn gốc của pháp quyền xã hội chủ nghĩa và lịch sử “tự diễn biến” của Đảng Cộng sản Việt Nam

Luật Khoa

Nam Quỳnh

6-2-2018

Một cái nhìn lướt qua số phận của khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” tại Việt Nam cho chúng ta một vài sự thật mà những người cộng sản Việt Nam không muốn quá nhiều người biết: thứ nhất, họ đã luôn “tự diễn biến” để sinh tồn; thứ hai, trong quá trình tự diễn biến đó, họ đã không ngần ngại áp đặt một cách máy móc những tư tưởng triết lý luật pháp từ châu Âu.

***

Một ngày năm 2018, bạn đang chen chúc giữa một đám đông cổ động viên bóng đá nhốn nháo. Bạn chỉ có năm giây để thu hút sự chú ý của một người cộng sản Việt Nam, bằng cách thì thầm thật nhanh vào tai người đó. Bạn có thể nói những từ gì?

“Tham nhũng”, “cố ý làm trái”, “xe biển xanh”, “hộ chiếu Antigua & Barbuda”, hay… “Nguyễn Phú Trọng”?

Có một lựa chọn khả dĩ khác, đó chính là “tự diễn biến”.

“Tự diễn biến” trong thế kỷ 21 và “Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”

Cụm từ này đã được chú ý từ lâu, nhưng phải đến tháng 10 vừa qua thì nó mới mang một màu sắc khẩn trương và gay gắt hơn, sau khi Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW.

Trọng tâm của Nghị quyết này là “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hóa’ trong nội bộ” Đảng Cộng sản Việt Nam.

Cụ thể, đảng này sẽ xử lý kỷ luật những tập thể hay cá nhân có biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”.

Nghị quyết số 04 đưa ra chín biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ đảng, trong đó bao gồm:

“Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế ‘tam quyền phân lập’, phát triển ‘xã hội dân sự’. Phủ nhận nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chế độ sở hữu toàn dân về đất đai.’

Khái niệm “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” này, được Đảng Cộng sản Việt Nam tôn thờ trong thế đối lập với “thể chế tam quyền phân lập”, từ lâu đã không còn là một khái niệm xa lạ.

Hiện nằm nghiêm trang trong Khoản 1, Điều 2, Hiến pháp 2013, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” chính là hình thái nhà nước đã được chọn cho Việt Nam trong thiên niên kỷ mới.

Khái niệm này lần đầu tiên được đưa vào Hiến pháp năm 2001 thông qua Nghị quyết 51/2001/NQ-QH10.

Trước đó, Hiến pháp 1992 chỉ đơn thuần ghi rằng “Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.” Chữ “pháp quyền” cũng không hề có trong nội dung các điều khác.

Vậy thì “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” từ đâu mà ra?

Đó là một câu chuyện dài, và nó bắt đầu bằng một khái niệm có mặt trong Hiến pháp 1992: “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Pháp chế xã hội chủ nghĩa là gì?

Theo giáo sư luật John Gillespie (2010) của Đại học Monash (Úc), khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” (socialist legality), được hiểu trong bối cảnh cụ thể của Việt Nam, là một học thuyết cốt lõi về cách cai trị bằng luật pháp theo tư tưởng nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nó bao gồm bốn nguyên tắc:

  • “Đảng lãnh đạo”: cả nhà nước và xã hội phải đi theo sự dẫn dắt của Đảng Cộng sản;
  • Luật pháp là “ý chí của giai cấp thống trị”, nhưng luật pháp không được phép nằm trên nhà nước, mà phải bắt nguồn từ nhà nước. Giai cấp thống trị trong hệ thống xã hội chủ nghĩa là giai cấp lao động, công nhân-nông dân-trí thức. Đảng Cộng sản được xem là đại diện đương nhiên của giai cấp này;
  • Đảng và nhà nước có các đặc quyền áp đặt việc sử dụng chính sách thay vì sử dụng luật pháp. Khi đảng hay nhà nước cần, chính sách có giá trị cưỡng chế cao hơn luật;
  • Các quyền cá nhân phải nhường nhịn cho các quyền tập thể.

Pháp chế xã hội chủ nghĩa đã vào Việt Nam như thế nào?

Ngắn gọn mà nói thì “pháp chế xã hội chủ nghĩa” là một học thuyết nhấn mạnh việc cai trị đất nước bằng luật pháp.

Mặc cho những ngôn từ “có cánh” về nhân quyền và pháp luật trong Hiến pháp 1946, thực tế là những người cộng sản không thật sự có ý định dùng luật pháp để cai trị đất nước ngay từ những ngày đầu độc lập.

Theo Gillespie (2005, 2010), có nhiều lý do khách quan khả dĩ cho việc này.

Thứ nhất là do “văn hóa phản kháng” (resistance culture). Các nhà cách mạng cộng sản đã dành hàng thập niên để tìm cách lật đổ chính quyền thuộc địa Pháp. Mục tiêu xuyên suốt của họ là lật đổ chính quyền thực dân cùng với các chủ thuyết, triết lý của chính quyền đó, bao gồm việc tôn trọng luật pháp, dùng luật pháp làm công cụ quản lý xã hội. Quán tính từ thứ văn hóa đó dẫn đến thái độ coi thường vai trò của luật pháp.

Thứ hai là do ảnh hưởng từ nền giáo dục cộng sản Trung Quốc. Các lãnh đạo cộng sản chóp bu là ông Hồ Chí Minh và ông Trường Chinh đều là những người đã có thời gian được đào tạo dưới mái trường xã hội chủ nghĩa Trung Hoa.

Một quan điểm của giới nghiên cứu tư tưởng cộng sản Trung Hoa chính là các chủ thuyết chính trị, pháp luật cộng sản của “người anh cả” Liên bang Xô Viết khó mà đem áp dụng trực tiếp vào môi trường văn hóa làng xã với các khung thứ bậc xã hội rất riêng của các nước Đông Á.

Để đưa các học thuyết chính trị cộng sản vào đời sống nhân dân, những người cộng sản Trung Hoa cho rằng họ phải tìm cách lồng các học thuyết cộng sản vào ngôn ngữ đạo đức Khổng giáo, vốn đã quen thuộc hàng ngàn năm với người dân Đông Á, đặc biệt là người Trung Hoa và người Việt Nam.

Hai lý do nêu trên, theo Gillespie (2004, 2005), có khả năng là đã góp phần khiến cho các nhà lãnh đạo cộng sản tại Việt Nam sau 1945 chọn “đức trị” (virtue rule hay morality rule) nhiều hơn là dùng luật pháp làm công cụ quản trị xã hội.

Bên cạnh việc lợi dụng ngôn ngữ Khổng giáo, các cán bộ cộng sản phải thể hiện là họ không chỉ có kiến thức cao siêu hơn, mà còn có tư cách đạo đức tốt hơn những người dân bình thường. Qua đó, họ trở thành những “tấm gương” tạo thiện cảm cá nhân với người dân, và họ dùng các mối quan hệ cá nhân với quốc dân đồng bào như thế để khuyên răn, dìu dắt, và quản lý xã hội.

Không phải tình cờ mà ông Hồ Chí Minh – qua các ghi chép và phát biểu – đã liên tục đặt nặng vai trò lãnh đạo của đảng mình trên bình diện đạo đức cũng như tính “chính nghĩa”.

Các nghiên cứu của giáo sư luật Mark Sidel (2008) của Đại học Wisconsin (Mỹ) cho thấy “đức trị” đã không hề nghiễm nhiên lên ngôi tại Việt Nam. Bên trong nội bộ đảng, những người cộng sản Việt Nam cũng đã xảy ra tranh cãi nội bộ, khi một vài cá nhân nổi bật cổ xúy cho việc dùng luật pháp làm công cụ cai trị thay vì đạo đức, như Nguyễn Hữu Đang, Nguyễn Mạnh Tường và Vũ Đình Hòe.

Tuy nhiên, phe “luật trị” đã thua phe “đức trị”.

Chỉ có một thứ mới có thể làm cho phe “đức trị” đổi ý: khủng hoảng, cụ thể là từ phong trào Cải cách Ruộng đất theo tư vấn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, diễn ra từ năm 1953 đến năm 1956.

“Đức trị” và các chỉ dẫn từ Trung Hoa đã góp phần dẫn đến một thảm họa chính sách cho những người cộng sản Việt Nam: bên cạnh cái chết của hàng ngàn người dân, bao gồm cả những người đã đóng góp tiền của cho phong trào Việt Minh, thứ văn hóa đấu tố vô pháp từ phong trào đã gây chia rẽ sâu sắc trong xã hội Việt Nam.

Các hậu quả nặng nề của cải cách ruộng đất đã đe dọa tính chính danh của những người cộng sản Việt Nam trong vai trò lãnh đạo đất nước. Việc này nghiêm trọng đến mức ông Hồ Chí Minh phải viết thư xin lỗi người dân, đồng thời (theo nhiều nguồn) đã phải phái tướng Võ Nguyễn Giáp thay mặt mình và đảng mình công nhận những sai lầm nghiêm trọng trong cải cách ruộng đất tại một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát Nhân dân Hà Nội vào ngày 29/10/1956.

Theo Gillespie (2004) và Bui (2014), sự sụp đổ của mô hình “đức trị” gốc Trung Hoa đã đẩy những người cộng sản đến chỗ phải lần đầu tiên “tự diễn biến”: họ buộc phải từ bỏ cái mô hình cũ đầy tội lỗi và đi tìm một mô hình mới cho việc quản lý đất nước.

Các chuyên gia Liên Xô đã trở thành những người hùng mới trong bối cảnh đó, bởi vì họ có trong tay một công cụ đắc lực mà những người cộng sản Việt Nam đang gấp rút cần có trong cơn khủng hoảng: социалистическая законность (sotsialisticheskaya zakonnost’), hay chính là “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Khi được đưa vào Việt Nam, “pháp chế xã hội chủ nghĩa” đã được tung hô như là một công cụ của nền chuyên chính vô sản, giúp cho nền chuyên chính vô sản đánh bại kẻ thù, bảo vệ cách mạng và bảo vệ các quyền dân chủ tập thể của người dân.

Hoàn toàn có thể hiểu “pháp chế xã hội chủ nghĩa” đã có sức hút với những người cộng sản Việt Nam như thế nào.

Tuy nó ưu tiên việc dùng luật pháp làm công cụ quản lý, học thuyết này vẫn đặt đảng cộng sản vào một vị trí làm chủ vững chãi: họ có thể vừa là bên nắm quyền định đoạt nội dung luật, thông qua “ý chí giai cấp thống trị” (vốn luôn được đánh đồng một cách dễ dãi thành “ý chí của đảng”), vừa là bên luôn có thể dùng chính sách của mình để “dập” luật mỗi khi cần.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ III, diễn ra vào tháng 9/1960, đã lần đầu tiên công khai đón nhận khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa” vào hệ thống tư tưởng của đảng này.

15 năm sau khi giành được độc lập, miền bắc Việt Nam lần đầu tiên có một chính phủ chịu dùng luật pháp làm công cụ chính yếu để quản trị đất nước.

Đại hội lần thứ III của Đảng Cộng sản Việt Nam chính thức áp dụng mô hình “pháp chế xã hội chủ nghĩa”. Ảnh: Báo Hải Quan.

Áp đặt hàng Liên Xô “pháp chế xã hội chủ nghĩa”

Gillespie (2005) phê phán khá nặng nề cách mà những người cộng sản Việt Nam đã “nhập khẩu” pháp chế xã hội chủ nghĩa: họ đã làm việc này một cách máy móc và không nhiều tư duy phản tỉnh.

Theo Gillespie, bản thân tư duy ý thức hệ cộng sản đã ngăn các nhà làm luật Việt Nam tìm cách điều chỉnh các học thuyết pháp lý Liên Xô cho phù hợp với các tư tưởng và hoàn cảnh nội địa.

Tư tưởng Marx-Lenin không cho rằng luật pháp phụ thuộc vào văn hóa bản địa. Tư tưởng này cũng đặt một giả định nhuốm màu địa đàng rằng môi trường văn hóa công – nông bình đẳng đại đồng tại các nước xã hội chủ nghĩa có khả năng xóa bỏ mọi khác biệt địa phương.

Trong khi đó, các nhà làm chính sách và làm luật cộng sản thì bị bó buộc bởi cái ý nghĩ rằng tư duy Xô Viết, tư duy xã hội chủ nghĩa từ “anh cả đỏ” thì không thể nào sai được (hay không được phép sai).

Mối quan hệ “anh em” ý thức hệ thân thiết khiến cho Việt Nam những năm 1960-1970 có thể dễ dàng chấp nhận các tư tưởng, học thuyết ngoại quốc từ Liên Xô một cách dễ dàng, chứ không hề lăn tăn dè chừng “tư tưởng phương Tây” như những đàn em đời sau của họ.

Vậy nên, theo Gillespie (2005), trong quá trình “nhập khẩu” pháp chế xã hội chủ nghĩa nói riêng và luật Liên Xô nói chung, những người cộng sản Việt Nam đã chỉ tìm cách “đẽo chân cho vừa giày”, làm sao cho xã hội Việt Nam giống với luật mình đưa vào, thay vì tìm cách làm cho luật hài hòa với xã hội mình hơn.

Phong cách “nhập luật” máy móc này vẫn theo đuổi giới làm luật và làm chính sách Việt Nam hàng thập niên sau đó khi họ tiếp nhận luật pháp định hướng phát triển kinh tế thị trường để thu hút đầu tư quốc tế (nhưng đó là chủ đề cho một bài viết dài khác).

Bất kể việc áp đặt máy móc đó, pháp chế xã hội chủ nghĩa cùng bốn nguyên tắc của nó (“đảng lãnh đạo”; luật pháp là “ý chí của giai cấp thống trị”; chính sách đảng cao hơn luật; và cá nhân phục tùng tập thể) đã trở thành thứ học thuyết pháp lý thống trị hệ thống nhà nước Việt Nam từ năm 1960 cho đến tận… một cuộc khủng hoảng khác.

“Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”

Sang những năm 1980, cả “người anh cả” Xô Viết và Việt Nam đều đang dần dần lâm vào khủng hoảng kinh tế, xã hội.

Cách điều hành kinh tế tập trung độc đoán và cứng nhắc theo mô hình Xô Viết, trong bối cảnh ngày càng ít viện trợ từ những người “anh em” ý thức hệ, đã dẫn đến tình trạng khủng hoảng kinh tế trầm trọng trong nước.

Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VI, diễn ra vào tháng 12/1986, đã xác nhận các sai lầm về quản lý kinh tế của Việt Nam, đồng thời xác định việc phải thực hiện chính sách Đổi mới để thoát đói nghèo.

Những người cộng sản Việt Nam nhận ra rằng pháp chế xã hội chủ nghĩa không còn là công cụ hữu hiệu cho họ trong việc quản lý một nền kinh tế nhiều thành phần (có cả quốc doanh và tư nhân, mà tư nhân thì chính là đám tư bản, trong khi luật thì vẫn là “ý chí của giai cấp thống trị”).

Đồng thời, pháp chế xã hội chủ nghĩa đặt ra những giới hạn ngăn cản việc thu hút đầu tư quốc tế. Các nhà đầu tư quốc tế trong nền kinh tế thị trường mong muốn một môi trường kinh doanh ổn định và an toàn về mặt pháp lý.

Điều đó có nghĩa là quyền lực của nhà nước phải được giới hạn bằng pháp luật. Và pháp luật thì phải hiệu quả, rõ ràng, công khai, minh bạch và không thể tùy thuộc vào ý muốn “nắng mưa bất chợt” của một đảng cầm quyền.

Những người cộng sản luôn thích dùng công cuộc Đổi mới làm một ví dụ cho tài quản trị đất nước tài ba, thức thời của họ. Họ ít khi nào chịu nhìn nhận rằng, ít ra trong khía cạnh pháp lý, công cuộc Đổi Mới đã là lần thứ hai trong lịch sử họ “tự diễn biến”. Và đó cũng là lần thứ hai trong lịch sử họ… “áp đặt luật pháp nước ngoài”.

Để phục vụ Đổi mới, cần có một học thuyết pháp lý khác.

Theo Gillespie (2010), lần này, các nhà làm luật và chính sách Việt Nam lại cũng nhìn về Liên Xô.

Mikhail Gorbachev, Tổng bí thư cuối cùng của Đảng Cộng sản Liên Xô. Ảnh: BBC.

Trước đó, từ năm 1985, dưới quyền lãnh đạo của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Mikhail Gorbachev, Liên Xô đã có phong trào Cải tổ (perestroika), tự do hóa một cách có giới hạn các mặt kinh tế và xã hội.

Một trong những tư tưởng mới của Cải tổ được các nhà làm luật Xô Viết đưa ra chính là правовое государство (pravovoye gosudarstvo).

Pravovoye gosudarstvo không phải là học thuyết thuần sáng tạo của Liên Xô, mà chính là phát triển từ khái niệm rechtsstaat của người Đức. Khái niệm này được hình thành bởi chính quyền chuyên chế nước Phổ thời thế kỷ 19 và xác định một hình thái nhà nước dựa trên luật pháp (law-based state).

Rechtsstaat hay được dịch là “pháp quyền” trong tiếng Việt và “rule of law” trong tiếng Anh. Tuy nhiên, hình thái nhà nước dựa trên luật pháp trong mô hình pravovoye gosudarstvo ăn theo rechtstaat đó không hề chịu các ràng buộc quyền lực bởi luật pháp bất thành văn hay “luật tự nhiên” theo kiểu “lằng nhằng” như mô hình rule of law (pháp quyền) của Anh-Mỹ.

Trong mô hình pravovoye gosudarstvo, vai trò của luật pháp mạnh mẽ hơn vai trò thuần công cụ của đảng cầm quyền như luật pháp trong khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa”.

Nhà nước dựa trên luật pháp trong khái niệm pravovoye gosudarstvo được tách ra khỏi đảng cầm quyền. Đảng cầm quyền có thể đặt ra các mục tiêu kinh tế – xã hội, còn nhà nước thì thực hiện các mục tiêu đó. Trong quá trình thực hiện, nhà nước tuân thủ hiến pháp của chính nó, và dùng luật pháp (phải chặt chẽ, rõ ràng, nghiêm minh) để quản lý hiệu quả đất nước.

Có thể thấy là khái niệm pravovoye gosudarstvo đã “phẫu thuật thẩm mỹ” hai trong số bốn cái chân của khái niệm “pháp chế xã hội chủ nghĩa”: –

  • Đảng và nhà nước tách ra, đảng không “cầm tay chỉ việc” nhà nước trong quản lý kinh tế xã hội nữa;
  • Nhà nước tuân thủ những nội dung hiến pháp và luật pháp rõ ràng minh bạch, nhưng vẫn đi theo “đường lối” chung mà đảng cầm quyền đề ra.

Hai “phẫu thuật thẩm mỹ” nói trên, theo một cách “nửa nạc nửa mỡ”, vừa có thể làm đảng cầm quyền an tâm, vừa có thể đáp ứng được phần nào nhu cầu luật pháp nội địa của giới đầu tư quốc tế: nhà nước trở nên tương đối độc lập với đảng; luật pháp và hiến pháp rõ ràng, công khai có vai trò mạnh mẽ hơn; nhưng đảng cầm quyền vẫn “nắm đằng chuôi”.

Đó hẳn là lý do mà pravovoye gosudarstvo được du nhập vào Việt Nam. Tuy nhiên, trong việc “nhập khẩu” tư tưởng luật nước ngoài lần này, những người cộng sản Việt Nam đã bất ngờ không chịu máy móc.

Khái niệm pravovoye gosudarstvo của Liên Xô đã chỉ thuần vạch ra một cách sắp xếp vai vế đảng – nhà nước mới mà không nói gì về ý thức hệ.

Những người cộng sản Việt Nam trong trường hợp này đã quyết định phải… bảo hoàng hơn vua, tức là cộng sản còn hơn Liên Xô.

Thay vì loại bỏ hoàn toàn pháp chế xã hội chủ nghĩa, Việt Nam ghép pháp chế xã hội chủ nghĩa vào pravovoye gosudarstvo thành một sản phẩm rất riêng của họ: nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (socialist law-based state).

Yếu tố “nhà nước pháp quyền” (law-based state) là từ pravovoye gosudarstvo, trong khi “xã hội chủ nghĩa” (socialist) là tàn dư của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Nghĩa là, nhà nước Việt Nam sẽ là một nhà nước tuân thủ những nội dung hiến pháp, luật pháp công khai, rõ ràng, nghiêm chỉnh; nhưng nhà nước đó sẽ vẫn tuân theo đường lối của đảng cầm quyền là Đảng Cộng sản. Đảng này vốn bị ràng buộc bởi điều lệ đảng, nhưng không nhất thiết bị ràng buộc bởi hiến pháp trong trường hợp hiến pháp và điều lệ đảng mâu thuẫn – một điều có thể hiểu qua những gì Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đã nói.

Và nhà nước pháp quyền đó sẽ phải kiên định con đường chủ nghĩa xã hội bất kể có còn Đảng Cộng sản hay không.

Tại Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ VII, diễn ra vào tháng 6/1991, khái niệm “nhà nước pháp quyền”, dựa trên khái niệm pravovoye gosudarstvo, lần đầu tiên được lãnh đạo đảng giới thiệu.

Như đã nêu, “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa” được “đặc cách” bổ sung vào Hiến pháp Việt Nam năm 2001 trước khi được đặt chính thức vào Hiến pháp 2013 vốn có hiệu lực từ ngày 01/01/2014.

Những bài học từ số phận “pháp chế xã hội chủ nghĩa”

Qua 58 năm và một lần “phẫu thuật thẩm mỹ”, “pháp chế xã hội chủ nghĩa”, với khuôn mặt mới nhiều phần thánh thiện hơn là “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, đã từ món hàng nhập Liên Xô trở thành một trong những điều khoản được sùng kính nhất trên bản Hiến pháp hiện hành của Việt Nam.

Những người cộng sản thế kỷ 21 chắc hẳn đã mệt mỏi với việc khuân vác tư tưởng triết lý phương Tây về làm công cụ điều hành đất nước, để rồi lâu lâu cứ phải lôi ra mất công điều chỉnh cho hợp thời cuộc.

Vậy nên mới có Nghị quyết số 04-NQ/TW. Vậy nên mới có đội ngũ những dư luận viên trung thành với đảng luôn sẵn sàng công kích bất kỳ nỗ lực truyền bá hay cung cấp các thảo luận đa chiều về các tư tưởng triết lý chính trị, luật pháp nước ngoài nào.

Đứng từ cái nhìn của một người cộng sản, chúng ta có thể thấy cả câu chuyện về số phận của “pháp chế xã hội chủ nghĩa” là một câu chuyện phiêu lưu bildungsroman đầy cảm hứng, của một đảng cầm quyền đã luôn biết “cùng tắc biến, biến tắc thông, thông tắc cửu” để có thể vừa tiếp tục tồn tại vừa lèo lái đất nước đến những chân trời xán lạn.

Nhưng nếu nhìn từ cái nhìn của một người bình thường, phải hỏi rằng phải chăng bằng việc cấm “tự diễn biến” và “tự chuyển hóa”, Đảng Cộng sản Việt Nam đang tự bó buộc họ trong một thế giới phát triển và thay đổi không ngừng?

Những người cộng sản các thế hệ đầu tiên đã từng có tinh thần rất là start-up: “ai chiến thắng không hề chiến bại, ai nên khôn không khốn một lần”. Nhờ đó, họ có thể rộng mở tiếp nhận các tri thức quốc tế, cho dù thỉnh thoảng những tri thức quốc tế đó có gây họa trong nước thì những người cộng sản vẫn đã luôn linh động đi tìm các nguồn tri thức quốc tế khác thay thế.

Lớp đảng viên mới may mắn hơn đàn anh của họ rất nhiều. Thay vì phải “xoay tua” giữa hai ông anh chuyên gầm gừ đấm đá nhau, họ có thể học hỏi từ bất kỳ ai họ muốn.

Và họ lại chọn việc cấm “tự diễn biến” để bảo vệ sự tồn tại của chính mình.

Tài liệu tham khảo:

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây