Ông Thầy giáo đi nhị tỳ

Lò Văn Củi

4-2-2018

Không thấy ông Thầy giáo tới quán, và nghe tin “hành lang” của nhiều phụ huynh, ông Hai Xích lô mếu máo:

– Ông Thầy giáo đã ra đi. Chắc ra đi thanh thản! Câu sau ông nói thêm chứ không ai nói biết rõ.

Không khí quán cà phê cô Tư đặc quánh, trầm buồn. Sau đó bàn tính hùn tiền để đi phúng điếu, ai đi tới thắp nén nhang được thì thắp không thì vài người đại diện đi.

Cô Tư rầu rầu:

– Sao ông Trời cứ bắt người tốt phải đi sớm. Ông Thầy dễ thương quá chừng, chưa bao giờ thấy ký sổ, lâu lâu ổng còn đem biếu món quà. Thiệt quả là quá bất công!

Mỗi người kể một câu chuyện nhỏ nhưng rất hay về ông Thầy. Đang say sưa vì nhiều chuyện về ông lắm thì… ông lù lù xuất hiện. Bà con cô bác hết hồn, trố mắt dòm “người về từ ngàn trùng, người về từ cõi chết”.

Thì ra là “anh đã lầm nghe tin hành lang”. Cũng có chết, cũng là ông thầy giáo, nhưng là ông thầy giáo khác. Ông thầy giáo hiệu trưởng một trường tiểu học.

Anh Bảy bật cười haha:

– Ông thầy giáo đó “đi về nơi xa lắm” ha, càng tốt, càng hay.

Hầu hết bà con cô bác đồng tình. Cười hỉ xả. Anh Năm Ba gác nói:

– Dạ, xin lỗi ông Thầy…

Ông Thầy ngắt lời:

– Có chi đâu, chuyện bình thường, trứng hột vịt còn lộn đó.

Ông Hai Xích lô hỏi:

Tiền phúng điếu giờ sao ta?

À, tiền mà lấy ra khỏi túi ít muốn nhét vô lại lắm. Thôi thì để đó, hẹn chiều đi làm về… liên hoan luôn.

Chuyện nghe có vẻ kỳ cục. Nghĩa tử là nghĩa tận mà. Nhưng không, bởi, ông Thầy này quá đáng lắm thể.

Nhấm nháp ly bia mát lạnh cùng mồi mỡ “cây nhà lá vườn” của cô Tư nhưng “ngon bổ rẻ” hơn cả quán xá, mỗi người lại kể những mẫu chuyện về ông thầy nọ.

Ông thầy giáo gì mà cái bụng thè lè như bà chửa, uống bia uống rượu như hạm đội nhà binh uống xăng. Ông ta xây cái biệt phủ nguy nga, tráng lệ. Tiền đâu ra? Tiền ông moi từ phụ huynh chứ đâu. Nè hen, đầu năm ông làm giá hết ráo, nào quần nào áo, nào sách nào tập, nào đóng nào góp… mà giá ngất ngưởng trên trời chứ đâu phải như trong các chợ nghèo, cũng không có trả gái chi ráo, nghèo xác xơ gì cũng phải cắn răng chịu. Không học đây thì… đi chỗ khác.

Nhiều người vì điều kiện phải buộc cho con học nơi này. Nhiều người không có tiêu chuẩn ở đây mà muốn hả… thì “bao thơ” nghen, cái loại bao thơ cỡ đựng hồ sơ xin việc á, và phải dày cộp à. Rồi tới bãi xe; căn tin; cung cấp cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; sửa sang trường lớp,… phải qua đấu thầu hết nha, nhưng ai “đấu” lại ông không? Khi ông nắm hết, vậy là đường đường “đúng quy trình thầu” do ông chỉ định từ phía sau cửa phòng của ông.

Nói chung lại ông như một ông vua nơi này. Một ông vua gian tham, tàn độc. Cái ghê gớm nữa, không bao giờ ông ra mặt, có một ông chẳng là ai cả, lâu lâu xuất hiện trong trường chứ không hề có chức danh nào, nhưng hét ra lửa, mọi việc phải qua ông này. À, vậy nói là vua thì chưa đúng hẳn, ông ta là một sứ quân của ngành giáo dục, một phe cánh, một nhóm lợi ích thì đúng hơn.

Bức xúc quá nên phải thông cảm cho bà con cô bác. Nghĩa tử không còn nghĩa tận nữa rồi.

Kể coi bộ đủ viết dày như bộ thiên tình sử. Ông Hai Xích lô hỏi:

– Biết vì sao ông đai (die – chết) hông vậy?

Ông Thầy giáo đáp:

– Dạ, ông ta vui quá, vui như được lên chín từng mây, vì vừa “mua” được chức giáo sư. Ông ta tổ chức tiệc gọi là hoành tráng. Vậy nên, trong cơn vui ngây… ngất xỉu luôn, cuộc hoành tráng thành hoành… tráng lệ trào. Đưa ông ta vào bịnh viện nằm thở ô xy một thời gian thì cơ thể hết tiếp nhận ô xy. Ông Thầy đi nhị tỳ thôi. Trước đó ông đã được chuẩn đoán bịnh xơ gan, ông vẫn ham hố.

Anh Năm Ba gác nói:

– À, nhiều người ham hố ghê hen, háo danh kinh sợ luôn. Bởi vậy vừa rồi Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước vừa bỏ phiếu tín nhiệm 1.226 ứng viên đạt chức danh giáo sư, phó giáo sư năm 2017”.  Trong đó có cả bà bộ trưởng Bộ Y tế, Nguyễn Thị Kim Tiến mà người ta gọi là Kim Tiêm, hay Tiến Ruồi, Tiến Thạch (con ruồi đậu rồi hóa thạch trên mặt) cũng đạt chuẩn.

Số giáo sư, phó giáo sư mỗi năm. Ảnh: VN Mới

Ông Thầy giáo nói tiếp:

– Không chỉ háo danh ở xứ mà bây giờ người đời gọi là “xứ dao” không đâu nghen, còn có cuộc “Kiêm Tiến… kim tiền” nữa. Nè, có tổ chức thì có kiếm được tiền, tiền nâng tiền kê khống. Người được mời làm giám khảo được bồi dưỡng, được mời thì phải chung chi. Tiền mua tiền bán. Tiền thưởng khi được phong hàm và cũng chung chi. Người được phong hàm thì được nâng ngạch lương, được mời đi dạy đó đây, tiền dạy cũng được nâng cao, và hơn nữa là tìm mọi cách để tận thu của học trò để thu lại tiền bỏ ra mua, bỏ ra mướn người “xào nấu” để thành đề tài, thành luận án của mình…

Ông Hai Xích lô thở dài:

– Đúng là thiệt ghê tởm. Họ hổng còn chút tự trọng nào. Chưa tới năm chó mà lại nghe chó tha mất hết liêm sỉ rồi.

Anh Bảy uống ly cuối, lắc đầu:

– Bởi vậy, sao trách dược người dân, hễ nghe cán bộ chức sắc, giáo sư tiến sĩ chẳng làm được cái giống ôn gì mà đi nhị tỳ thì lại vui mừng, vui mừng ra mặt.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây