Đại tá Viettel về Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng

BBC

11-1-2018

Báo Việt Nam nói ông Tống Viết Trung “đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phổ cập dịch vụ di động của Viettel 14 năm trước”. Ảnh: Viettel

Đại tá Tống Viết Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel, được điều sang làm Phó tư lệnh – Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng, thuộc Bộ Quốc phòng, vừa được công bố thành lập ngày 8/1/2018.

Báo Dân Trí cho hay ông Trung “đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện chiến lược phổ cập dịch vụ di động của Viettel 14 năm trước cũng như đưa ra chiến lược cho cuộc cách mạng số hiện nay.”

Hôm 11/1, trả lời Ben Ngô của BBC Tiếng Việt, ông Nguyễn Thế Phương, nghiên cứu viên cộng tác của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế Sài Gòn (SCIS), nói: “Viettel là tổ hợp công nghiệp quốc phòng được coi là lớn nhất hiện nay và họ tập trung vào công nghệ thông tin và mạng, phù hợp với định hướng hiện đại hóa toàn diện của lực lượng tác chiến mạng.”

“Nếu theo dõi những sản phẩm công nghiệp quốc phòng mới nhất của Viettel thì thấy rõ là họ đầu tư cho các hệ thống quản lý bigdata cho quân đội và các tổ hợp radar hay không người lái cho không quân.”

“Viettel có nhân lực, chuyên gia, kinh nghiệm và sụ hỗ trợ đủ để phát triển lực lượng tác chiến mạng mới.”

“Và nhiệm vụ của đại tá Trung là tích hợp phần nào hoạt động của Viettel cho phù hợp với định hướng phát triển của lực lượng tác chiến mạng trong tương lai.”

“Cần phải nhấn mạnh là điều này hết sức có lợi cho Viettel, họ sẽ nhận đầu tư lớn hơn, có định hướng chính trị và nhiệm vụ rõ ràng và có sức ép lớn hơn trong phát triển các sản phẩm của mình, đặc biệt là cho tương lai xuất khẩu các sản phẩm quốc phòng ra nước ngoài.”

Lực lượng 47 ‘khác Bộ tư lệnh mới’

Ông Thế Phương nhấn mạnh: “Cần phân biệt lực lượng 47 với Bộ tư lệnh mới được thành lập. Hai lực lượng này khác nhau.”

“Lực lượng 47 không có cơ chế điều hành và quản lý rõ ràng rành mạch như các đơn vị quân đội khác, vì đặc thù nhiệm vụ của lực lượng này.”

“Nói về đặc thù nhiệm vụ của Lực lượng 47, họ là người của quân đội tham gia chống diễn biến hòa bình trên không gian mạng.”

“Thành viên của Lực lượng 47 là những cán bộ, chiến sĩ, phần lớn là cán bộ chính trị trong toàn quân, mà theo quân đội là có ‘bản lĩnh chính trị, có kiến thức, trình độ lý luận, khả năng xử lý thông tin'”.

“Mô tả Lực lượng 47 ‘vừa hồng vừa chuyên’ có lẽ là mô tả tóm tắt nhất: quân nhân mà đặc biệt là cán bộ chính trị rất thấm nhuần tư tưởng của Đảng. Quan trọng nhất, không cần kinh phí để nuôi Lực lượng 47, vì về căn bản là nhân lực có sẵn.”

Đề cập về Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng, ông Thế Phương nói: “Từ trước tới nay không gian tác chiến truyền thống trong chiến tranh là trên đất liền, trên không, trên mặt biển hay dưới lòng biển.”

“Trong thời đại Internet và big data hiện nay thì xuất hiện thêm không gian mạng, có thể thấy rõ tác động của môi trường tác chiến mới này qua hoàng loạt các vụ tấn công mạng của Bắc Hàn nhắm tới Mỹ, hay trong trường hợp Việt Nam là vụ tấn công vào hê thống các sân bay năm ngoái mà người ta vẫn cho rằng do các nhóm hacker Trung Quốc tiến hành.”

“Mối đe dọa này trong tương lai đối với an ninh quốc gia là rất lớn và việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến Không gian mạng là tối cần thiết.”

“Thử tưởng tượng trong 5, 10 năm tới, mọi thủ tục hành chính, mọi hoạt động giao dịch tài chính tiền tệ đều được giao dịch qua mạng, IoT hay big data được áp dụng rộng rãi ở Việt Nam.”

“Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia như điện, năng lượng, lưu trữ thông tin cá nhân… Khi đó, nếu không được bảo vệ, hệ thống này sẽ bị đánh sập trong tích tắc, hoặc bị ăn cắp dữ liệu.”

“Việt Nam đang hô hào cách mạng 4.0, bản chất 4.0 dựa vào không gian mạng, và để bảo vệ lợi ích quốc gia trên Không gian mạng thì thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến mạng như đã đề cập là quan trọng. Cái chính ở đây là đâu tư như thế nào và đâu tư lĩnh vực gì cho tác chiến mạng.”

Truyền thông Việt Nam nói việc thành lập Bộ Tư lệnh Tác chiến không gian mạng xuất phát từ một quyết định ngày 15/8/2017 của Thủ tướng Việt Nam, tuy không cho biết rõ nội dung cụ thể của quyết định này.

Có rất ít thông tin về lực lượng mới này, nhưng chính phủ và quân đội Việt Nam từ lâu không giấu giếm sự quan tâm đến vấn đề tác chiến mạng.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. “Hệ thống cơ sở hạ tầng thiết yếu của quốc gia như điện, năng lượng, lưu trữ thông tin cá nhân… Khi đó, nếu không được bảo vệ, hệ thống này sẽ bị đánh sập trong tích tắc, hoặc bị ăn cắp dữ liệu.”
    Úi trời, nghe mà mừng….hụt. Tưởng đánh sập được các trang mạng của bọn khủng bố nhân loại nằm ở Bắc Kinh thì mừng, chứ cứ quanh quẩn dò xét, khủng bố người trong nước thì cũng chỉ là bản sao của bọn xâm lược ấy mà thôi. Nói tóm lại là việt cộng hay trung cộng cũng đều cá mè một lứa như nhau, cùng mang bản chất độc tài, chuyên quyền và kẻ thù của tự do ngôn luận, hèn với giặc ác với dân.

Leave a Reply to Mumbo Jumbo Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây