Ý nghĩa Minh Triết trong hai chữ Việt Nam hôm nay

“Một nền kinh tế thị trường thật sự của người Dân, chứ không phải là của một nhóm áp – phe. Một xã hội dân sự mà quyền sở hữu, quyền kinh tế, quyền chính trị thật sự là của Dân của Nước, chứ không phải chỉ là của những “nhóm lợi ích”. Một nhà nước pháp quyền thật sự của Dân, do Dân, vì Dân, chứ không thể chỉ là pháp quyền của bộ máy nhà nước, thậm chí là của Đảng cầm quyền”.

_____

Nguyễn Khắc Mai

6-1-2018

Tác giả Nguyễn Khắc Mai, Giám đốc trung tâm Minh Triết Việt Nam, tại một hội thảo.

Sử Việt khẳng định rằng tổ tiên của người Việt từng một thời chia thành nhiều nhóm: Âu Việt, Mân Việt, Điền Việt, Kiềm Việt, Lạc Việt v.v … đã cùng nhau cư trú toàn vùng nam sông Dương Tử của Trung Hoa ngày nay. Họ được gọi chung là Bách Việt, đã từng tạo nên nền văn minh lúa nước, để lại nhiều dấu vết văn hóa và nhiều trang sử bi hùng một thời.

Như hai vị thần trong thần thoại của Việt và Hoa thì Thần Nông và Nữ Oa là tên gọi theo ngữ pháp Việt. Nếu là ngữ pháp Tàu thì phải đọc là Nông Thần hay Oa Nữ, Các tên của những vị vua huyền thoại của Trung Hoa như Đế Nghiêu, Đế Thuấn, Đế Lai, Đế Cốc v.v… cũng được đọc xuôi theo ngữ pháp Việt. Nhiều học giả ngờ rằng Kinh thi nhiều phần vốn là của người Việt sáng tác. Vì dẫu bị Khổng Tử san định, hiệu đính vẫn còn hàng chục trường hợp theo ngữ pháp Việt v.v… Theo Trần Đại Sỹ, rất nhiều miếu thờ Hai Bà Trưng vẫn còn rải rác từ nam Hồ Động Đình trở xuống.

Triết gia Lương Kim Định cho rằng, chữ Việt, danh xưng của tộc người bấy giờ, đã được viết với chữ Việt bộ “mễ” và một phần rất giống với hình lưỡi rìu có cán của người Việt cổ mà khảo cổ học từng ghi nhận. (, hình rìu). Ngày nay tên tộc người này cũng viết với chữ “Việt” với bộ “mễ” như thế. Lương Kim Định phỏng đoán rằng Việt viết với bộ “mễ” là để chỉ cái cư dân của lúa nước. Còn hình chiếc rìu là cái dấu ấn của tài hoa sáng tạo Việt: Thuật đúc cái lưỡi búa, rìu đồng.

Nhưng đến đầu thiên niên kỷ thứ hai, khi tộc Việt với các nhóm Kinh, Mường, Tày, Thái … cương quyết đứng chân, trụ vững ở vùng Bắc Việt (ngày nay), họ đã chống cự lại cuộc đô hộ, đồng hóa hàng ngàn năm của những đế chế Trung Hoa. Nhiều cuộc khởi nghĩa đã xảy ra, nhiều cuộc thử nghiệm dựng nên những nhà nước độc lập của người Việt như Triệu Vũ Đế (Triệu Đà). Có một thời một số nhà sử học nước ta đã đơn giản và máy móc đẩy nhà Triệu về bên Tàu (!). Kỷ Triệu Đà mà các sử gia xưa để vào sử Việt là rất có lý. Khảo cổ ngày nay đang cho ta nhiều chứng lý về vấn đề này. Như cuộc giành chính quyền với những tư tưởng canh tân nền hành chính Việt với phương châm khoan, giản, an, lạc, của mấy anh em họ Khúc Như lập nhà nước Vạn Xuân của Lý Nam Đế v…v.

Để đến đầu thiên niên kỷ thứ II, Dân tộc Việt đã đủ văn hiến để khắc phục tình trạng cát cứ, sứ quân và lập nên nền Độc lập Đại Cồ Việt với các triều Ngô, Đinh, Lê, Lý, Trần… Bấy giờ tổ tiên ta đã chọn chữ Việt với bộ “tẩu” để chỉ cái danh xưng tộc người của mình và ghép với chữ Nam để chỉ cái phương cư trú mà cũng để phân biệt với bắc quốc. Vào giữa thiên niên kỷ thứ hai chữ Việt Nam đã chuyển vị trí để thành Việt Nam hiện nay.

Chữ Việt với bộ “tẩu” có nghĩa là vượt qua, vượt lên, trong ý nghĩa siêu việt. Việt có nghĩa là phải “siêu việt” lên, vượt qua cái thân phận phân tán, nô lệ, vượt qua cái nguy cơ liên hồi của âm mưu đồng hóa của các đế chế Tàu. Việt còn có cái nghĩa là phải vượt lên chính mình khắc phục sự phân ly, cát cứ sứ quân để thành một quốc gia, một nhà nước độc lập, thống nhất. Cái tâm thức phải “Cồ”, phải lớn là như vậy.

Một nền văn hiến Đại Cồ Việt rồi Đại Việt thì phải “Đại hành”, không hành sự nhỏ nhen, phải lớn lên. Cái đế hiệu Đại Hành của vua Lê Hoàn đáng lẽ theo quy tắc bên Tàu là chỉ dùng trong một thời gian ngắn, khi nhà vua vừa mất, chờ khi nhập vào sơn lăng thì đổi đế hiệu khác, chính thức. Nhưng trường hợp vua Lê Đại Hành thì sử gia Lê Văn Hưu cũng phải lấy làm lạ và hỏi “cớ làm sao”, cứ gọi mãi là Lê Đại hành hoàng đế đến nay.

Tôi cho rằng đó là do cái vô thức của Dân tộc xui nên. Mở đầu nền Độc lập, mở nền Văn hiến Đại Việt phải thôi thúc “đại hành”, hành xử lớn, không nhỏ nhen, không được bé mọn đi. Vươn lên, lớn lên siêu việt là để tạo dựng một thời kỳ lập nước, mở mang bờ cõi, giữ vững chủ quyền lãnh thổ trước hiểm họa xâm lăng của Bắc quốc (Tàu); xây dựng nền văn hiến “vốn xưng đã lâu”.

Trong cả ngàn năm qua hai chữ Việt Nam với hàm ý minh triết là phải siêu vượt vươn lên. Dân tộc Việt (với đa thành phần Việt, vì cả Mường, cả Thái, cà Hmông, cả Chăm, Khmer và cả Tây Nguyên nữa đã được giới khoa học chứng minh rằng họ có nét đồng chủng, họ giống nhau nhiều hơn là giống Tàu phương Bắc, lại có nhiều nét đồng văn, chung nhau những môtip thần thoại, tín ngưỡng, cổ tích, chung nhau cả gốc ngôn ngữ (Tạng – Miến – Môn-Khmer v…v…), đã cùng nhau cố kết thành cộng đồng quốc gia có lãnh thổ xác định – Nam quốc sơn hà – có văn hiến, có tinh thần đoàn kết dân tộc và nghệ thuật quân sự đã đánh thắng tất cả các cuộc xâm lăng tàn bạo của nào Tống, Nguyên, Minh, Thanh – những triều đại hùng hậu của Trung Hoa kế tiếp nhau.

Trong suốt cả ngàn năm của thiên niên kỷ thứ II, Dân Việt luôn luôn phải đối mặt, chống chọi lại cái hội chứng “bóng đè”* của những thiên triều Trung Hoa. Lúc nào thật sự Việt, thì vượt lên cả chính mình, cả số phận, cả thử thách thì có những công tích lớn lao kỳ vĩ kể cả trong quân sự, chính trị hay văn hóa. Thời nào, người nào bị khống chế không thoát khỏi hội chứng “bóng đè” thì quẩn quanh, mô phỏng, sao chép mà dân gian đã tự chỉ trích “theo voi ăn bã mía”! Đến nỗi làm suy yếu dân tộc vào cuối thế kỷ 19 và thế kỷ 20, khiến dân tộc mất chủ quyền độc lập vào tay thực dân Pháp.

Không được thóa mạ lịch sử. Nhưng ngẫm nghĩ từ những bài học lịch sử là rất nên. Mà đó cũng là phong cách làm sử, chép sử của cha ông ta thời trước. Sử chính là để nghiệm xưa răn nay. Bài học hội chứng “bóng đè” là bài học lịch sử lớn nhất quan trọng của ngàn năm qua, kéo dài tới tận ngưỡng cửa của ngàn năm mới.

Rõ ràng, lúc nào chúng ta không vượt lên, thoát khỏi hội chứng “bóng đè” hoặc là Trung Hoa hoặc là một tư trào văn hóa ngoại lai nào khác thì quên mất “chỉn bụt là ta”, quay ra không thờ Bụt trong nhà mà đi “thờ Thích Ca ngoài đường”. Sự quẩn quanh, trì trệ diễn ra, cứ lối “gà què ăn quẹn cối xay”, quên mất bài học của Đông Á: “Bậc nhân chủ (người cầm quyền) phải lấy lòng, lấy ý thiên hạ (nhân dân) làm ý làm lòng của mình”; chỉ vọng ngoại, nhăm nhăm giáo điều sao chép, không đếm xỉa đến quy luật của lòng người, của phát triển lịch sử và của thời đại.

Ở thiên niên kỷ trước có thể “giẫm chân ắc-ê” tại chỗ hàng mấy trăm năm. Vào thời đại mới, chỉ xem cuối thế kỷ trước những dân tộc quanh ta, ai vượt qua cái hội chứng “bóng đè” của những đế chế văn hóa mới đều thăng hoa vượt lên. Hàn Quốc là rất rõ, chỉ từ 1960 khi cùng một “ni vô” như Việt, sau bốn thập kỷ họ đã bỏ xa ta mấy chục lần. Họ không có cái minh triết “Việt”, nhưng họ biết vượt qua chính mình, siêu việt vào thời đại mới. Ta cứ khư khư ôm lấy không phải cái “hủ nho” cũ mà một thứ “hủ mới”. Đến nỗi Hồ Chí Minh trước khi mất phải dặn lại: “Phải coi như cuộc chiến tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi”.

Cái ý nghĩa minh triết của hai chữ Việt Nam cần phải suy ngẫm kỹ mà hành động khi ta đang bước vào thập niên thứ hai của Thiên niên kỷ mới, “millennium” thứ III. Việt vẫn là siêu việt lên, vẫn là phải vượt qua chính mình, vượt qua những “hư hỏng cũ kỹ” để theo thiên hạ. Những hư hỏng cũ kỹ nay có thể nhận ra đó là sự duy trì một mô hình kinh tế, chính trị xã hội hàm chứa những nhân tố lạc hậu, phản tiến hóa. Chính cái mô hình ấy vừa là tác nhân (có cái công năng như một động lực tiêu cực, cái khả năng “cài số lùi” trên mọi bình diện của xã hội) vừa là môi trường, vừa là phương thức tạo nên những lực cản (mà ai cũng thấy, trừ một lũ đà điểu!) tạo ra sự rối loạn, nhiều rối loạn (trouble) đã phát triển thành khủng hoảng xã hội, không chỉ hiện ra như những dấu hiệu, mà thật sự có nhiều điều đã trở nên bệnh hoạn.

Một đất nước, một xã hội chứa nhiều mầm bệnh quả thật là nguy hiểm. Phải trả lời câu hỏi nghiêm túc cái gì, điều gì đã khiến Dân tộc Việt chưa siêu việt được vào thời kỳ hiện đại như nhiều quốc gia dân tộc quanh ta. Nhóm lãnh đạo đất nước, giới trí thức và giới trẻ tinh hoa phải thật sự “cùng nhau, với nhau” dân chủ, trách nhiệm, với ý thức bình đẳng trước vận nước, tranh luận để tìm ra câu trả lời, để kiến tạo “những cái mới mẻ, tốt tươi” như cụ Hồ từng mong ước trước khi mất. Sách Luận ngữ xưa có câu “con chim trước khi chết tiếng kêu bi thương, con người trước khi mất nói điều thiện” (Điểu chi tương tử kỳ minh dã ai; nhân chi tương tử kỳ ngôn dã thiện). Lời nói ấy trong Di chúc của cụ Hồ thật là quý giá.

Chữ Nam xưa được dùng chủ yếu để chỉ vị trí không gian của Dân tộc Việt. Lại cũng có ý thường hằng nhắc nhở nhau khẳng định “cái khác”, “sự khác, phải khác” với Bắc phương, Bắc quốc, không để bị thôn tính, phải tự chủ, tự cường.

Chữ Nam trong thời hiện đại đã có thêm một hàm nghĩa là khu vực địa cầu mà đa số dân tộc còn chậm tiến, chưa phát triển, phát triển chậm … Người ta dùng trong những thuật ngữ chính trị – kinh tế, ngoại giao như “Đối thoại Bắc – Nam” (Bắc là khu vực các nước phát triển, giàu mạnh), “đối thoại Nam – Nam” v.v… Cho nên Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Sing dù vị trí ở phương Nam họ đã vươn lên nhập vào nhóm Bắc.

Nếu những nước có vị trí và thân phận Nam chỉ trong vòng khoảng 1/2 thế kỷ họ lợi dụng được tình thế hiện đại, hậu hiện đại, toàn cầu hóa … mà vượt khỏi thân phận “nam”. Còn Việt ta thì sao? Không thể nào khác. Từ đầu thế kỷ XX, Đông Kinh Nghĩa Thục cảm nhận được vấn đề này, trong “Văn minh tân học sách” đã khẳng định “Chỉ có thể nhanh lên mà thôi!”. Thế thì chúng ta hôm nay lầm lỗi biết bao khi chỉ đổi mới cầm chừng như kiểu cuộc chia tay của vợ chồng người chinh phụ: “Bước đi một bước giây giây lại dừng”!

Cái mới mẻ tốt tươi mà cụ Hồ dự báo là gì vậy?

Thưa đã rõ:

– Một nền kinh tế thị trường thật sự của người Dân, chứ không phải là của một nhóm áp – phe.

– Một xã hội dân sự mà quyền sở hữu, quyền kinh tế, quyền chính trị thật sự là của Dân của Nước, chứ không phải chỉ là của những “nhóm lợi ích”.

– Một nhà nước pháp quyền thật sự của Dân, do Dân, vì Dân, chứ không thể chỉ là pháp quyền của bộ máy nhà nước (nên phân biệt rõ khái niệm nhà nước là cả quốc gia dân tộc, với quan niệm nhà nước chỉ là bộ máy, hệ thống cai trị) thậm chí là của Đảng cầm quyền.

– Một nền văn hóa giáo dục luôn “làm nảy nở mọi năng lực sẵn có của con người” (cụ Hồ dùng chữ của các em); và bảo đảm được rằng “ai cũng được học hành”, để làm cho “Dân tộc Việt Nam ta trở thành dân tộc thông thái” (lời cụ Hồ nói với nhân dân Hải Phòng khi từ Pháp trở về năm 1946 – Tài liệu Việt Nam chống nạn thất học – Viện Khoa học Giáo dục). Việt Nam không vươn lên thông thái thì trong mọi mối quan hệ với thiên hạ, ta sẽ luôn luôn ở “kèo dưới mà thôi”.

Tôi gởi những tâm tình này với lời chào trước ngưỡng cửa của Mùa xuân mới.

____

* Tôi mượn chữ tên một tiểu thuyết hiện nay

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. Thị trường là nơi gặp gở giửa người mua và người bán. Nếu thuận mua và vừa bán là thị trường hoạt động, giá cả lạm phát và thị trường khủng hoảng thì chính quyền sẽ can thiệp để đưa hoạt động trở lại bình thường. Thực tế cho thấy không phải chỉ có giá cả là quyết định cho toàn bộ sinh hoạt thị trường và lúc nào chính quyền cũng can thiệp đúng lúc và hữu hiệu, vì thị trường không chỉ là vấn đề kinh tế mà là một thực tại xã hội sinh động, đa dạng và diễn biến phức tạp. Thị trường là một mạng lưới, một cơ chế và một loại mô hình dựa trên kiến thức mới mà các thành viên (tác nhân) hoạt động trên thị trường này tác động vào nhau tùy theo chức năng của mình. Do đó, cần phân biệt là ai tham dự và đóng vai trò gì (Doanh nghiệp và người tiêu dùng là chính). Thị trường không phải là của dân, chính quyền hay các nhóm lợi ích. Kháí niệm cho là dân có toàn quyền sở hữu đối với hoạt động của nền kinh tế thị trưòng là không phù hợp.

    Nhà nước pháp quyền là một khái niệm nêu cao tinh thần tôn trọng pháp luật của người dân và chính quyền. Tất cả phải chịu ràng buộc với các luật lệ khi vi phạm. Khái niệm này không nêu lên quyền sở hữu hay sử dụng của riêng ai, mà bất cứ ai, người dân hay chính quyền, đều có tố quyền khi quyền lợi luật định của họ bị vi phạm. Đặt khái niệm pháp quyền là thuộc quyền sở hữu chì dành riêng cho người dân sừ dụng là sai lầm. Khái niệm nhà nước pháp quyền xuất phát từ Đức, khái niệm chính quyền là của dân, do dân và vì dân là của Mỹ. Cả hai có hai nguồn gốc khác nhau và nội dung khác nhau, nên không thể kết hợp chung và áp dụng cho Việt Nam trong khi Việt Nam theo chế độ độc tài. Kêu gọi này là không minh triết và khả thi cho Việt nam hiện nay.

    Bác Hồ không phải là một tấm gương về văn hoá giáo dục để dân chúng noi theo (Ngục Trung Nhật Ký và Trần Dân Tiên là hai phản chứng). Di chúc Bác Hồ là vấn đề chính trị, nó bị cạo sừa cho mục tiêu đấu tranh, nên không thể để hậu thế noi theo. Với bao sự thật lịch sử đã phơi bày mà tác giả còn đề cao Bác và noi theo di chúc là một can đảm đáng khâm phục.

  2. Nói chung, quý bác N.K.Mai / T. Lai đang ‘yêu nước’ theo kiểu của quý bác, các bác căm thù bọn bán nước thì ‘dân đen’ như Marx ghẻ tôn trọng, ủng hộ, chuyện không có gì phải bàn . Nhưng còn bài này thì , tuy ‘bênh phe’ rất có ‘hào khí dân tộc’…,nhưng một số nội dung ‘minh triết’ khéo là…tệ quá, nên rất cần phải bàn…Hì hì !.

    ( trích) “…hội chứng “bóng đè” hoặc là Trung Hoa hoặc là một tư trào văn hóa ngoại lai nào khác …. cứ khư khư ôm lấy không phải cái “hủ nho” cũ mà một thứ “hủ mới”. Đến nỗi Hồ Chí Minh trước khi mất phải dặn lại: “Phải coi như cuộc chiến tranh chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ tốt tươi..”.(hết )
    ———–

    Đoạn ‘minh triết’ này của cụ Nguyễn khắc Mai, không biết vô tình hay hữu ý mà …nội dung dẫm đạp nhau nháo nhào thế ?
    Ừ thì…xưa kia, các triều đại phong kiến VN ‘nhập khẩu’ toàn bộ ‘Tống nho’ từ Tàu chệt về dùng, xem như ‘của quý’ ! Rồi sau Việt cộng ‘bài phong đả thực’ để Hồ có cớ ,nhập ‘Mac-Lê –Mao’ cũng từ Tàu chệt về, dán nhãn “ CM giải phóng dân tộc” giết dân trong CCRĐ để ’làm Kách mệnh” ! Vậy thì chính Hồ là kẻ ‘bỏ hủ này’ để ‘ôm hủ khác’, đều là sản phẩm của Tàu chệt ! Cho đến hiện nay, “đảng cu3a Trọng” đang bị hội chứng “Bóng…Tập đè” , cũng nhập cảng đầy đủ “Đả hổ diệt ruồi” từ Tàu chệt , về dán cái nhãn ‘Chuột-Bình; Lò-Củi ’ ma zê in VN. Việt cộng bị ‘bóng Tàu đè’ suốt, từ lúc mới ra đời – Có hủ nào của Tàu là mang về VN dán nhãn…!
    OK, điều này bác nói… gần đúng

    Tuy thế, sản phẩm ‘Tàu chệt Ma zê in VN’ của Hồ , thì theo nội dụng từ các bài viết của các cụ T.Lai / NK Mai …vv, đều thấy ‘không vấn đề” ?! Tức “người tiêu dùng” thế hệ trước , đã từng xài qua ‘sản phẩm ngoại lai’ ấy của Hồ, đã thống nhất cho rằng, nó có ‘chất lượng tốt nhất’ ? Trong khi, các ‘phiên bản XHCN ngoại lai’ nhập về sau này, tuy cùng là sản phẩm Ma-Le – nhưng ‘tên gọi thương hiệu’ khác đi một chút – thì ‘chất lượng’ kém hơn ,tạm gọi là sản phẩm loại hai. Loại này“người tiêu dùng” thế hệ trước như các cụ cho rằng chúng …hổng ngon miệng .Đến như ‘XHCN của Trọng Lú” ngày nay , thì các cụ cho rằng đó là…” phế phẩm “ ?

    Nói gần đúng là vì :

    Thứ nhất: Cái “hủ…Hồ’ ra đời là từ cái ‘ hủ Mac-Lê ngoại lai’ , chính Hồ thú nhận : Hồ không có ‘minh triết’ gì hết, hai ông kia mới minh triết , mới luôn luôn đúng ! Các cụ chê trách, phê phán một ‘Trọng Lú’ mà ca tụng một ‘Hồ không lú” như thế , tức đã ‘nỡ quên’ cái logic nhỏ xíu : “ Không có Ma-Le vô sản thì không có Mao vô sản, không có Mao vô sản thì không có Hồ vô sản, không có Hồ vô sản thì không có Trọng …mê sản! Và không có Trọng…mê sản, thì không có những bầy đoàn Tư sản đỏ, Trọc phú đỏ khắp toàn quốc hôm nay ! “ Hình thức có khác một tí , song bản chất “Cướp trắng Quyền lực, Tài lợi” để trở thành độc tôn , thì không đổi – Kể từ lúc Mác hô hào ‘vô sản toàn thế giới đoàn kết lại “ ! Toàn bộ ‘công thức’ và mục tiêu đều như nhau. Nên khi Chê Trọng, đòi bỏ Ma-Le …mà đi ôm chặt cái‘hủ Hồ” thì ‘Danh hổng chính Ngôn mới hổng thuận”, vì thế mà nội dung bị….nháo nhào là phải rồi!-

    Thứ hai : Mấy cụ trách ‘đảng ta’ phê phán phong kiến ,rồi ‘bỏ hủ nho’ nhưng lại ôm ‘hủ mới’ chắc là nói cái hủ ‘Mac-Lê’ ngoại lai ? Ha! Nhưng khi trách người như thế mà chính các cụ lại ‘bỏ hủ Mac-Lê’ xong rồi ôm lấy cái ‘hủ …Hồ” thì e rằng cũng trớt quớt ? Xem ra, các cụ tìm đến Hồ, chọn ‘dẫn chứng lời Hồ’ vì thâm tâm các cụ vẫn còn thấy sản phẩm ấy nó …ngon miệng ?! Bọn ‘Hủ nho’ mỗi chút mỗi ‘Tử viết…Tử viết…” thì các cụ cũng mỗi chút mỗi “Hồ nói…Hồ viết …” có vẻ ‘thành thạo’ chẳng khác nào đám hủ nho xưa ? “Danh” của Hồ có chính đâu….mà dẫn chứng để mong cho nó “Ngôn thuận” ? – Bởi vậy mới nói là càng thêm nháo nhào …

    Và xin đừng nói “ Hồ thì đúng mà bọn đi sau làm sai….Hồ thực ra là thế này…Hồ không phải thế kia”…vv, chỉ làm nó thêm bát nháo – Bởi, nay Hồ đi gặp cụ Mác- cụ Lê đã lâu rồi, các bác có thể nói giùm cho Hồ, có thể ‘bỏ chữ’ vào miệng Hồ…thoải mái, nhưng chắc các bác cũng tự biết “Mình không thể hiểu Hồ bằng chính Hồ”, phỏng ạ ?!

    Câu “Chính phủ của dân, do dân, vì dân” là ‘minh triết ngoại lai’ từ ông Abraham Lincoln là Tổng thống Mỹ thứ 16. Có vài thứ “ngoại lai’ khôn ngoan ,đúng đắn và nhân bản nên áp dụng . Còn nếu cứ “đung đưa” , quanh quẩn mãi mà không ‘nhất quán cái nhìn’ đối với cái ‘ngoại lai’ tai hại của ‘hủ Hồ’, thì cũng là vô tình góp phần làm u mê dân tộc mà thôi !
    ——–
    (Phần’ bênh phe, nếu rãnh sẽ xin phản biện sau )

Leave a Reply to Marx ghẻ Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây