Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 16)

Trình Bút

6-1-2018

Mời đọc lại: Lời nói đầuPhần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8Phần 9Phần 10Phần 11Phần 12Phần 13  Phần 14Phần 15

II. Hoang ngôn của cán bộ, sĩ quan công an, quân đội

1- Cán bộ, sĩ quan công an

* Hoang ngôn: “Nhân chứng và người dân trình bày thế nào là quyền của họ… nhưng thực tế người của chúng tôi đưa ra thì không nghe thấy”.

* Tác giả: Trung tá Trần Đức Thịnh – Phó trưởng công an, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk.

* Nguồn: TuanVietNam, ngày 12/03/2010

* Tựa đề: Phát ngôn&Hành động: Người giàu cũng khó, người cao cũng buồn

* Trích đoạn nội dung:

“Hay bạn chỉ muốn về nhà, bỏ những đĩa phim về thế giới mafia vào mà xem để mơ mộng, vì ở đó toàn kẻ xấu nhưng ít nhất chúng còn giải quyết mọi việc theo đúng “luật”, dù đó là luật rừng. Chó ở Buôn Ma Thuột được phép cắn chết người? Trong tuần qua, phát biểu chính thống mà lại như bảo vệ “luật rừng” là của một nhân vật có vị trí quan trọng: trung tá Trần Đức Thịnh – phó trưởng công an, phó thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk, nhân vụ chó cắn chết người ở Buôn Ma Thuột. Tạm không tranh cãi chuyện giàu nghèo, sai đúng trong việc đi mót cà phê trong vườn người khác, chuyện để chó cắn chết người xâm nhập bất hợp pháp…, cái mà ai cũng có tại đây, ngay bây giờ, không chối cãi được là một xác người bị chó cắn nát. Mọi tranh cãi hiện xoay quanh việc: khi nạn nhân bị chó cắn chết, có ai của rẫy cà phê nghe thấy tiếng kêu cứu và can thiệp không? Xin tóm tắt một chút: Các nhân chứng khẳng định khi chó cắn thì có người của trang trại nghe thấy tiếng kêu cứu và đi tới. Trung tá Thịnh khẳng định, người kia ở xa không nghe thấy tiếng kêu và khi đi tới nạn nhân đã chết. Ít nhất trong chuyện này, các nhân chứng là người có mặt khi chó cắn, ông Thịnh là người không có mặt. Làm sao ông có thể khẳng định như thể chính ông có mặt vậy nhỉ? Sau buổi dựng lại hiện trường, các nhân chứng không ký vào biên bản vì trong đó kết luận là không nghe thấy tiếng kêu cứu, trong khi họ thì nghe rất rõ. Ông Thịnh bảo, buổi thực nghiệm đó còn nhiều cơ quan khác cùng tham gia nên khách quan, “nhân chứng và người dân trình bày thế nào là quyền của họ… nhưng thực tế người của chúng tôi đưa ra thì không nghe thấy. Thế nào là khách quan khi thính lực của các cơ quan đi cùng thì được ông tôn trọng, còn thính lực của nhân chứng và người dân thì ông coi là không có giá trị? Các nhân chứng (và cả phóng viên Tuổi Trẻ) khẳng định tiếp, tại buổi dựng lại hiện trường rõ ràng họ nghe thấy tiếng kêu! Ông Thịnh bảo, tại người kia không chú tâm nên không nghe thấy. “Không có nghĩa có kêu là bắt buộc người ta phải nghe”. À, ông Thịnh có phải là người kia đâu mà biết lúc đó người ấy không chú tâm? Vì sao một phó công an Buôn Ma Thuột lại phải làm thay công việc của luật sư bào chữa thế nhỉ? Cảnh sát leo lên cây để thực nghiệm hiện trường vụ chó cắn (Tuổi Trẻ) Lạ lùng là một chuyện đã trở thành biểu tượng của mâu thuẫn giàu nghèo khiến cả nước đều hướng về theo dõi, thế mà đồng chí “trưởng” công an không ra mặt, chỉ để đồng chí “phó” lên trả lời theo kiểu chọc giận dư luận. Lạ nữa, một cơ quan “do dân, vì dân” mà rõ ràng có sự chọn ra “dân” nào để mà “vì”. Cho đến nay, cả công an Buôn Ma Thuột lẫn VKSND đều đồng tình không khởi tố hình sự vụ này. Một cái xác bị bầy chó lột cả da đầu, với đầy đủ nhân chứng hoảng sợ bám trên cây, và sự hiện diện của người giữ chó giờ vẫn còn đang được bàn cãi… Chừng nào mới đủ gọi là hình sự đây các vị? Vụ án rồi cũng sẽ phải có hồi kết, nhưng với những cơ quan thực thi công lý kiểu thách thức dư luận thế này, thử hỏi về lâu dài làm sao chúng ta ngồi đây mà yên tâm cho được với đời sống luật pháp tại địa phương?…”

* Bình luận:

– Đúng là luật rừng. Cảm ơn tác giả và báo đã nói lên những nỗi lòng của người dân.

* Hoang ngôn: Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh”.

* Tác giả: Thiếu tướng Trần Duân – giám đốc CA tỉnh Lai Châu

* Nguồn: Báo điện tử Soha News, ngày 27/02/2014

Tựa đề: Giám đốc Công an tỉnh Lai Châu vẫn xác định cầu sập do quá tải

Trích đoạn nội dung:  “Nhằm tìm ra nguyên nhân dẫn đến vụ sập cầu treo Chu Va 6 khiến 9 người chết, 41 người bị thương tại bản Chu Va 6 (xã Sơn Bình, huyện Tam Đường), chiều ngày 26/2, Công an tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Giao thông Vân tải tiến hành lấy mẫu ốc neo tăng đơ, thép gãy lấy từ cầu Chu Va 6 để đưa đi giám định…

… “Chúng tôi đang phối hợp với các đơn vị chuyên môn của Bộ Giao thông Vận tải để xác định nguyên nhân chính xác nhất dẫn đến sập cầu. Chưa thể khẳng định do làm ẩu, hoặc thi công không đúng. Quá tải và có hiện tượng cộng hưởng khi đoàn người đưa tang cùng đi trên cầu là nguyên nhân ban đầu chúng tôi nhận định. Vì người Mông khi khiêng quan tài thường đi rất nhanh…”

* Các bình luận:

– Cuối cùng là do di nhanh thôi, hay thật(!)

– Người Mông có tục lệ làm đám ma khô, chắc ông tướng này nghĩ rằng làm đám ma khô nên xác đã khô quéo, nhẹ tênh, nên người khiêng nhẹ hẫng, đi rất nhanh đó mà. Ông nên tìm hiểu kỷ chút về đám ma người Mông nhé, đi như ăn cướp để chôn hay sao mà đi nhanh.

– Hết lý do để viện rồi, phải moi cho bằng được một lý đó nào đó, dù nó rất… Ối Giàng ơi! (Ối Trời ơi!).

* Hoang ngôn: “Việc mấy anh công an này làm là sai rồi. Các anh đó hiểu biết chưa được nhiều, các anh thông cảm bỏ qua cho (!?)”.

* Tác giả: Ông Dương Văn Thái – trưởng công an thị trấn Tào Xuyên

* Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 23/11/2010

* Tựa đề: “Xin” dân 7 triệu vì “tội” ăn cháo quên mang giấy tờ

* Trích đoạn nội dung:

“Theo đơn của anh Vương Quốc Khánh (trú tại huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum) gửi đến VTC News, khoảng 4 giờ ngày 7-11, anh đến thị trấn Tào Xuyên, huyện Hoằng Hoá, Thanh Hoá để cắt thuốc Nam tại nhà bà Trương Thị Mạn, 70 tuổi. Khi đến nơi, anh Khánh có rủ anh Phan Đình Ngọc, là con trai bà Mạn đi ra quán cháo gần nhà để ăn sáng.

Khi đang ăn thì có 1 người đàn ông dường như trong trạng thái chuếnh choáng hơi men, tự xưng là công an đến yêu cầu anh Khánh xuất trình giấy tờ tùy thân. Vì đi vội ra cắt thuốc chữa bệnh rồi về, nên anh Khánh không mang theo CMND.

Ngay lập tức, người đàn ông này gọi thêm 5 người khác đến và áp tải 2 người về trụ sở công an thị trấn Tào Xuyên. Theo tường trình của anh Khánh, ngay tại đây, ông Lê Quang Long – Phó công an thị trấn đã cho khám người anh Khánh và lấy đi 4,5 triệu đồng với lí do anh Khánh không mang theo giấy tờ tuỳ thân nhưng không lập biên bản thu tiền.

Chưa hết, cũng theo anh Khánh, bên ngoài trụ sở công an thị trấn Tào Xuyên, ông Dương Công Thịnh là công an viên thị trấn cũng yêu cầu anh Ngọc phải đưa thêm 3 triệu đồng nữa. Nếu không sẽ đưa anh Khánh lên công an huyện tạm giam.

Vì sợ anh Khánh đang bị bệnh, sức khoẻ yếu không chịu nổi bị giam giữ nên anh Ngọc đã xin về nhà lấy tiền và đưa cho công an viên Dương Công Thịnh 3 triệu đồng ngay tại cổng nhà mình. Sau đó, 2 người được tha cho về.

Bà Mạn xác nhận: “Anh Khánh hiện đang bị bệnh u hạch dây trên cổ, tình trạng sức khoẻ rất yếu và đang phải uống thuốc Nam của bà Mạn. Đích thân bà phải đi vay nóng 3 triệu đồng để anh Ngọc đưa cho công an”…

… Trong cuộc làm việc với phóng viên, ông Hoàng Ngọc Liên – Trưởng công an huyện Hoằng Hóa sau một hồi thoái thác trả lời PV, đã cho biết một cách chung chung: “Cám ơn các anh đã có sự phản ánh để giúp chúng tôi trong quá trình xử lí cán bộ. Chúng tôi sẽ xác định làm rõ vấn đề rồi có kết luận sau”.

Quay về trụ sở công an thị trấn Tào Xuyên, ông Dương Văn Thái – Trưởng công an thị trấn Tào Xuyên thừa nhận: “Sự việc ông Lê Quang Long – Phó công an thị trấn và ông Dương Công Thịnh lấy tiền của anh Khánh và anh Ngọc tổng cả 7,5 triệu đồng một cách không giấy tờ gì tại trụ sở công an thị trấn là có thật. Về phía công an huyện đã yêu cầu anh Thịnh trả lại tiền cho anh Ngọc. Công an thị trấn đã yêu cầu anh Long đem tiền xuống nhà bà Mạn, nơi anh Khánh đang cắt thuốc tại đó để trả lại tiền và xin lỗi”.

… Ông Thái cho biết thêm, “Việc mấy anh công an này làm là sai rồi. Các anh đó hiểu biết chưa được nhiều, các anh thông cảm bỏ qua cho (!?)”…”

* Các bình luận:

– Tưởng xa mặt trời thì là ông Trời

– Chắc chắc lúc các ông tới “xin”, anh Khánh cũng đã xin khản cổ, các ông có bỏ qua cho không? Còn hùng hổ nữa là đằng khác.

– Hành động này là ăn giựt rồi. Một lần ăn giựt bằng cả tháng lương, ngu gì không làm.

– Chung chung, bao che, hay xin xỏ khi vỡ lỡ là “nghề của chúng tôi” mà. Bắt tội phạm… dành cho dân.

* Hoang ngôn: “Đại uý Minh tường trình anh bước từ trên xe buýt xuống để ‘đỡ Đức lên chứ không đạp vào mặt anh này’.”

* Tác giả: Trung tướng Nguyễn Đức Nhanh – Giám đốc Công an Hà Nội

* Nguồn: Báo VnExpress, ngày 03/08/2011

Tựa đề: Giám đốc Công an HN: ‘Không có chủ trương trấn áp người biểu tình’

Trích đoạn nội dung:

“Theo Giám đốc Công an Hà Nội kiêm Tổng cục phó Tổng cục An ninh 2 Nguyễn Đức Nhanh tại cuộc họp chiều 2/8, công an thành phố nhận được thư của một số cá nhân đề nghị làm rõ việc có những người “tập trung biểu tình tự phát phản đối Trung Quốc gây hấn ở Biển Đông” bị công an “đàn áp thô bạo”.

Tướng Nhanh cho hay, đến ngày 24/7 đã có 8 cuộc biểu tình tự phát. Người tham gia chủ yếu là học sinh, sinh viên, giới trí thức, văn nghệ sĩ… “Đây là những cuộc biểu tình bày tỏ tinh thần yêu nước…

… Theo ông Nhanh, trong cuộc biểu tình ngày 17/7 tại khu vực phố Điện Biên Phủ – Trần Phú, nhằm tránh “ảnh hưởng giao thông”, công an Hà Nội đã đề nghị đám đông giải tán. Trong số này có anh Nguyễn Chí Đức (35 tuổi, nhân viên một trung tâm dịch vụ viễn thông Hà Nội) “không chấp hành”.

“Anh Đức ngồi bệt xuống đất, khiến 4 Công an quận Hoàn Kiếm phải khiêng lên xe buýt, đưa về đồn công an số 1 Mỹ Đình (Từ Liêm, Hà Nội)”, ông Nhanh nói.

Trả lời báo chí về clip được phát tán trên mạng có hình ảnh người đàn ông mặc thường phục “đạp vào mặt anh Đức” khi anh bị khiêng vào trong xe buýt, Giám đốc Công an Hà Nội cho biết, người này là đại úy Phạm Hải Minh.

Theo lời ông Nhanh, đại uý Minh tường trình anh bước từ trên xe buýt xuống để “đỡ Đức lên chứ không đạp vào mặt anh này”. Tài liệu công an cung cấp trong cuộc họp cho hay, làm việc với cơ quan công an “anh Đức khẳng định không bị đánh và chỉ có sự xô đẩy khi đưa lên xe buýt”. Kết quả khám tại Bệnh viện E – Hà Nội ghi nhận “không phát hiện thương tích hay tổn thương trên người anh Đức”.

Các bình luận:

– Phải, như thế này là “đỡ lên” thôi, chứ không có “đạp xuống”. Hình ảnh rành rành giữa thanh thiên bạch nhật vẫn lươn lẹo, nói không thành có nói có thành không.

Ảnh: internet

Và còn không ít sụ vụ lươn lẹo như thế, chỉ lấy 2 ví dụ đình đám cùng với hoang ngôn:

. Công an Hà Nội: Khiển trách cảnh sát ‘gạt tay trúng má nhà báo’ Ngày 29/9, trả lời báo giới, đại tá Nguyễn Duy Ngọc (Phó giám đốc Công an Hà Nội, Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra) thừa nhận đã xảy ra xô xát giữa cảnh sát hình sự huyện Đông Anh và phóng viên Quang Thế (báo Tuổi trẻ) tác nghiệp tại hiện trường vụ tài xế taxi tử vong ở cầu Nhật Tân. Cho rằng việc điều tra là “khách quan, chính xác”, Công an Hà Nội xác định phóng viên đã không xuất trình được thẻ nhà báo, giấy giới thiệu cần thiết theo yêu cầu của những người bảo vệ hiện trường. Trong quá trình làm nhiệm vụ, cảnh sát tên Hưng “có dùng tay gạt nhà báo Quang Thế trúng vào má, có giơ chân đá, mặc dù không trúng”. Một cảnh sát tên Thuyên “đưa tay gạt vào một máy quay”.

Theo lãnh đạo Công an Hà Nội, anh Quang Thế “không có thương tích” và cũng từ chối yêu cầu trưng cầu giám định sức khỏe.

“Nựng yêu”, “Gạt tay trúng má, gạt tay vào máy quay”, thế thì phải nói luôn: “bước cao chân xém trúng… đít” cho đủ bộ.

Gạt tay…

… giơ chân…

Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 29/9/2016.

. 2 luật sư bào chữa cho Đỗ Đăng Dư bị đánh do làm bắn bụi bẩn 

Chiều 10-11, Đại tá Nguyễn Duy Ngọc – Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT), Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội – đã tổ chức họp báo công bố kết quả điều tra ban đầu vụ việc hành hung 2 luật sư là Trần Thu Nam và Lê Văn Luân bảo vệ cho bị can Đỗ Đăng Dư (bị đánh trong trại tạm giam số 3 của Công an TP Hà Nội dẫn tới tử vong – PV) ngày 3-11 vừa qua. Theo đó, Cơ quan CSĐT đã xác minh, làm rõ 8 đối tượng tham gia vụ việc đánh 2 luật sư…

… Theo khai nhận của nhóm đối tượng, vì xe ô tô phóng nhanh đã làm bắn bụi bẩn lên người các đối tượng. Nhận thấy trên xe ô tô không phải là người ở địa phương nên Nguyễn Gia Tú đã phóng xe máy đuổi theo và thấy anh Nam, anh Luân đi vào ngõ phía sau UBND xã Đông Phương Yên. Các đối tượng còn lại đứng chờ trên trục đường để đợi ô tô ra.

Khoảng 15 giờ 30 cùng ngày, luật sư Nam lái xe chở luật sư Luân từ trong ngõ ra, đi đến đoạn đường thuộc xóm Láng, thôn Lũng Vị, đã bị Cao Văn Huân dùng xe mô tô chặn trước đầu xe. Luật sư Nam vừa dừng xe, Đỗ Văn Nguyên liền mở cửa sau phía bên lái, lôi luật sư Luân xuống. Cao Văn Huân xông đến đấm vào mặt anh Luân.

Tiếp đó, Lưu Công Thắng, Nguyễn Duy Mạnh và Nguyễn Duy Ninh đều xông vào đấm liên tiếp vào mặt luật sư Nam. Khi luật sư Luân bỏ chạy, Đỗ Văn Nguyên đuổi theo, đạp khiến anh Luân ngã xuống ruộng. Thấy luật sư Nam bị thương ở mặt, Đặng Quang Huy đã dìu anh Nam lên xe ô tô, rồi các đối tượng bỏ đi…” (Nguồn: Báo Người Lào Động Online, ngày 10/11/2015)

* Hai sự vụ đã để lại hai thành ngữ hàm tiếu: Gạt tay trúng má và Bụi đường Chương Mỹ

Trường hợp như anh Đỗ Đăng Dư bị chết trong trại tạm giam là không hiếm, trái lại còn có con số kinh hoàng:

. Ba năm có tới 226 người chết trong trại tạm giam, tạm giữ.

“… Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp, từ 2012 – 2014, số người bị bắt, tạm giữ hình sự lên tới trên 200 nghìn người. Tướng Lượng cũng cho biết trong giai đoạn từ tháng 10.2011 – 9.2014 (3 năm) đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát…” (Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 19/03/2015)

Vẫn là các cách lươn lẹo, để nói về các trường hợp chết như tự tử, bệnh tật, để bao che tội ác dùng nhục hình của cán bộ công an. Khi bị truy tới cùng mới thừa nhận và xử một ái nhẹ hều cho kẻ phạm tội tày đình (Công lý ở Việt Nam là một diễn viên – một chứng minh nữa), như:

.  Lật lại vụ Công an đánh chết học sinh

“Ngày 3-3, một nguồn tin xác nhận VKSND tỉnh Khánh Hòa vừa có văn bản đề nghị VKSND Cấp cao tại Đà Nẵng xem xét kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy một phần bản án sơ thẩm ngày 23-3-2016 của TAND huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa. Đó là bản án sơ thẩm xử vụ công an xã Vạn Long, huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa đánh chết em học sinh Tu Ngọc Thạch từng gây bức xúc dư luận năm 2013.

Đề nghị kháng nghị phần tội danh đã có hiệu lực

Theo VKSND tỉnh Khánh Hòa, hành vi của Lê Minh Phát (27 tuổi) và Lê Ngọc Tâm (34 tuổi, đều là cựu công an viên xã Vạn Long) có dấu hiệu cấu thành tội bắt, giữ người trái pháp luật định khung ở điểm b (lợi dụng chức vụ, quyền hạn) khoản 2 Điều 123 BLHS. Nhưng cấp sơ thẩm chỉ mới truy tố, xét xử các bị cáo tội bắt người trái pháp luật theo khoản 1 Điều 123 BLHS. Theo VKS, điều này thể hiện việc điều tra, xử lý ở cấp sơ thẩm chưa đầy đủ, chưa đúng quy định của BLHS, còn bỏ lọt hành vi phạm tội.

Công văn trên của VKSND tỉnh Khánh Hòa dẫn lại nội dung vụ án xác định: Chiều 29-12-2013, xuất phát từ mâu thuẫn trước đó, Lê Tấn Khỏe (sinh ngày 10-4-1999, ngụ xã Vạn Long) dùng vỏ chai thủy tinh ném trúng đầu em Tu Ngọc Thạch (sinh năm 1999, học sinh lớp 9, ngụ xã Vạn Thọ, huyện Vạn Ninh). Sau đó, hai nhóm thiếu niên trên đã giải hòa với nhau.

Mặc dù không có thẩm quyền, không được phân công nhưng hai công an viên xã Vạn Long là Lê Minh Phát, Lê Ngọc Tâm đã vô cớ đuổi bắt em Thạch, còng tay đưa về trụ sở công an xã. Trong quá trình bắt giữ, trên đường đi và tại trụ sở công an xã, Phát nhiều lần đánh em Thạch, làm chấn thương sọ não dẫn đến tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm (lần 2) diễn ra từ ngày 21 đến 23-3-2016, TAND huyện Vạn Ninh phạt Phát bảy năm sáu tháng tù về tội cố ý gây thương tích, một năm tù về tội bắt người trái pháp luật, tổng hợp hình phạt chung là tám năm sáu tháng tù. Tâm bị phạt một năm tù cho hưởng án treo về tội bắt người trái pháp luật…” (Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM Online, ngày 04/03/2017)

Hai vụ việc sau thì chưa gây hậu quả đến nỗi đau thương tận cùng, nhưng cho thấy sự lộng quyền và hoang ngôn như thế nào:

. Tưởng gái mại dâm, công an đánh bầm mông phụ nữ

“Người phụ nữ ấy là bà Nguyễn Thị Khả (57 tuổi, trú tổ 89, phường Chính Gián, quận Thanh Khê, Đà Nẵng).

Bà Khả cho biết bà làm nghề đi nuôi sản phụ chờ sinh. Tối 27/11, sau khi chăm sóc xong cho một sản phụ tại Bệnh viện Phụ sản – nhi Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), bà đứng ở đầu cầu Trần Thị Lý (phường Mỹ An) để chờ quá giang xe về nhà ở quận Thanh Khê.

“Lúc đó là khoảng 21h30, tôi đang đứng đợi xe bỗng dưng bị đánh vào bắp đùi khiến tôi ngã khuỵu xuống đường. Tôi quay lại thấy một người mặc đồng phục công an và một người dân phòng mà không hiểu chuyện gì.Vì bị đánh bất ngờ nên tôi quay lại hỏi tại sao ra tay đánh tôi, anh này nói “bà im đi” rồi tiếp tục vung gậy đánh thêm một cái vào phần mông. Tôi xông tới xem số hiệu trên ngực áo nhưng không thấy, sau đó anh này lên xe bỏ đi” – bà Khả kể…

… Nói về vụ việc này, trung tá Nguyễn Cường, trưởng Công an phường Mỹ An, xác nhận trung úy Phùng Văn Phương (công tác tại công an phường) chính là người đã vung gậy cao su đánh bà Khả tối 27/11…

… Còn nhớ, trước đó, ngày 27/12/2010, đại tá Bùi Hoàng Bào – Giám đốc Công an tỉnh Hậu Giang cho biết đã làm rõ vụ một số cán bộ công an bị tố cáo còng tay đánh 3 chị em trong một gia đình ở xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang).

Nạn nhân là bà Trương Thị Thu Vân ở xã Đông Phước A (ngụ huyện Châu Thành, Hậu Giang) và hai người em ruột Trương Tấn Tài – Trương Tấn Phước (huyện Phụng Hiệp).

Qua xác minh của Công an tỉnh Hậu Giang, đêm 23/12/2010 anh Tài được chị Vân bảo đi đón cháu gái đi chơi về, khi vừa xách vali của cháu để lên xe máy thì có hai người mặc thường phục đến nói rằng anh lừa gạt con gái chở đi bán dâm nên khóa tay còng lại đánh đập.

Em anh Tài là anh Phước chở bà Vân từ huyện Châu Thành sang đón con gái cũng bị nhóm người còng tay đưa về trụ sở Công an xã Long Thạnh lấy lời khai.

Theo anh Tài, khi bị giải đến công an xã, 3 chị em anh vẫn tiếp tục bị nhóm người đánh. “Họ lập biên bản ghi lời khai đến gần nửa đêm thì có người gọi điện cho ai đó nói “chú ơi bắt lầm người rồi”. Một lúc sau có một người đàn ông chừng trên 50 tuổi đến nhìn tôi nói là bắt nhầm thì thôi, thả về rồi cả nhóm lên xe 4 chỗ chạy đi mất”, anh Tài kể.

Trả lời câu hỏi vì sao Công an huyện Châu Thành đánh chị em ông Tài, đại tá Bào nói: “Anh em công an tưởng là tội phạm thật nên dùng võ thuật nghiệp vụ đánh để… tự vệ khi thấy chị em ông Tài phản ứng vì bị bắt oan”. (Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 03/12/2015)

– Có lẽ bị mũ ni che tai, không nghe không thấy án oan sai và chết đầy trong trại tạm giam, tạm giữ nên ông phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp – Nguyễn Đình Quyền, xuất hoang ngôn:Cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh.” (Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 07/11/2013).

“Giỏi nhất thế giới”, cho nên những ông Trịnh Xuân Thanh – phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu chủ tịch Hội đồng quản trị tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam; ông Vũ Đình Duy – cựu TGĐ PV Tex; ông Lê Chung Dũng, phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power, thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam) mới đây dễ dàng trốn thoát đi nước ngoài. Ông Trịnh Xuân Thanh còn dám thách thức, đấu tố ông tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.

À, mà cũng có lý(!) Bắt oan, nhục hình giỏi nhất thế giới đối với dân chúng không quyền lực, không thể phản khán dưới gọng kìm của bạo lực. Còn các ông trên là các đảng viên, đảng viên đã có giáp sắt bọc quanh mình, có bảo bối để có thể làm bậy thoải mái vì bảo bối đứng trên tất cả, đó là kim bài miễn tử: Chỉ thị 15-CT/TW của bộ Chính trị, ban hành ngày 07/07/2007. Đến nỗi ông tướng công an đầy quyền lực phải chào thua: “Tôi cũng xin lý giải thêm vì Ban Nội chính yêu cầu Công an TP giải trình là tại sao án tham nhũng được phát hiện do trinh sát là ít, tôi đã nói thẳng không phải là ít mà là không có. Lý do là vì CATP cũng phải chấp hành chỉ thị 15, hầu hết đối tượng thực hiện hành vi tham nhũng là đảng viên mà công an thì không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên.” (Tướng Phan Anh Minh “bật mí” về cái khó của phòng chống tham nhũng ở TP.HCM – Nguồn: Infonet, ngày 09/03/2016)

Có thể nói một phần Chỉ thị 15-CT/TW của Bộ Chính trị cũng là một hoang ngôn – “Ngày 7/7/2007, Bộ Chính trị ra Chỉ thị 15-CT/TW về sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác điều tra, xử lý các vụ án và công tác bảo vệ Đảng. Tôi chỉ nói tới nội dung trong chỉ thị này có liên quan đến sự “bất lực” trong phát biểu của tướng Minh: Các cơ quan bảo vệ pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu đảng viên vi phạm đều phải báo cáo bằng văn bản với tổ chức đảng, cấp uỷ đảng quản lý trực tiếp đảng viên đó, khi được tổ chức đảng, cấp ủy đảng xem xét đồng ý cho điều tra, khởi tố, bắt…thì cơ quan bảo vệ pháp luật mới được tiến hành các biện pháp tố tụng. Vì thế “công an không được quyền tổ chức trinh sát đảng viên” nằm trong ý nếu không được tổ chức đảng, cấp ủy quản lý trực tiếp đảng viên đó ra văn bản đồng ý.” (Nguồn: REDS.vn, ngày 11/03/2016)

Đảng là trên hết, pháp luật không sử dụng cho đảng viên.

* Hoang ngôn: Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách“.

* Tác giả: Ông Đỗ Hữu Ca – Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng

* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 10/02/2012

* Tựa đề: Những phát ngôn ‘nổi sóng’ từ Tiên Lãng (phần 1)

* Trích đoạn nội dung:

“Trả lời phỏng vấn trên VnMedia ngày 8/1, Giám đốc Công an thành phố Hải Phòng ông Đỗ Hữu Ca nói về vụ cưỡng chế đầm tôn ông Đoàn Văn Vươn, xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng ngày 5/1: “Vụ việc hôm ấy tuy bắt không được đối tượng nhưng mà trấn áp được đối tượng. Phải nói rằng việc hiệp đồng tác chiến cực kỳ hay. Tôi bảo, không có cuộc diễn tập nào thành công bằng cuộc diễn tập lần này. Một là, anh em cơ động dùng thuyền để tiếp cận là chưa có bao giờ trong giáo án, đã phải dùng thuyền nan để chèo vào, bí mật áp sát mục tiêu đấy. Đánh mũi trực diện nghi binh ra làm sao. Rồi là tác chiến vòng ngoài, vòng trong thế nào. Tôi nghĩ là rất hay, có thể viết thành sách. Tôi nói với các đồng chí Thường trực rằng đây không phải kế hoạch tập trận nhưng đúng là phải rút kinh nghiệm, cái này nó rất là hay, có sự kết hợp giữa địa phương, giữa công an, quân đội, biên phòng rất là đẹp, đâm ra không có gì phải phàn nàn về cái chuyện ấy cả”…

Tóm lược vụ án ông Đoàn Văn Vươn:

“… Theo cơ quan công tố, năm 1993, ông Vươn được UBND huyện Tiên Lãng (Hải Phòng) giao 21 ha đất bãi bồi ngoài đê biển quốc gia thuộc xã Quang Vinh để nuôi trồng thủy sản, thời hạn 14 năm. Trong quá trình đắp bờ, ông Vươn được cho là đã lấn chiếm hơn 19ha.

Tháng 4/2009, UBND huyện Tiên Lãng ra quyết định thu hồi hơn 19 ha do đã hết thời hạn sử dụng. Không đồng ý việc này, ông Vươn khởi kiện, song bị bác đơn. Sau đó, huyện ra quyết định cưỡng chế, ấn định ngày thực thi là 5-6/1/2012.

VKSND Hải Phòng cáo buộc, sau khi nhận được thông báo của chính quyền, ông Vươn đã nhiều lần cùng một số anh em trong gia đình gồm Đoàn Văn Quý, Đoàn Văn Sịnh, Đoàn Văn Thoại, Phạm Thái bàn quyết tâm giữ đầm.

Cơ quan điều tra cho rằng ông Vươn cùng các bị can Sịnh, Quý, Thoại, Báu cùng một số người trong gia đình đã làm 5 hàng rào ngăn cản tại các lối vào khu đầm và trải rơm và tưới xăng trên đường…

Với 4 kíp nổ điện cất giữ sau khi rời quân ngũ, ông Vươn bị cáo buộc đã hướng dẫn ông Quý đấu nối dây điện vào bình ắc quy đến hai quả mìn tự tạo chôn ở hai lối vào để kích nổ bình gas. Trên mỗi bình gas có hai nửa bao đá với mục đích khi gas nổ đá sẽ văng vào người tham gia cưỡng chế gây sát thương.

Theo lời khai tại cơ quan điều tra, sáng 5/1/2012, thấy tổ công tác số 3 của đoàn cưỡng chế đến sát hàng rào, ông Quý kích nổ mìn làm bình gas tung lên nhưng không phát nổ. Khi tổ công tác vào thêm chừng 12 m, ông Quý bắn hai phát súng hoa cải. Thấy Thoại cầm súng mang lên tầng 2, ông Quý tiếp tục bắn phát thứ ba. Vụ việc khiến 7 người bị thương, trong đó người nặng nhất bị 23 vết thương…” (Sáng nay ông Đoàn Văn Vươn bị xét xử. Nguồn: Báo VnExpress, ngày 02/04/2013)

* Các bình luận:

– Quyền cao chức trọng, tới đại tá, giám đốc mà không biết sỉ nhục là gì. Thứ nhât công an được lập ra để giư gìn trật tự, an ninh cho dân chứ không phải để chống lại dân, coi dân là kẻ thù, xây dựng tác chiến, xây dựng trận đánh đánh dân,… Thứ hai, toa rập với chính quyền sai trái, làm sai trái theo. Thứ ba, với một lực lượng hùng hậu cả trăm người, trang bị đầy đủ súng ống, phương tiện mà còn bị vài người dân trong gia đình gây cho thương tích, không bắt nổi ai. Vậy mà tự hào, huênh hoang, khoát lát, viết thành sách(?!)

– Ông ta viết thành sách để người ta… xé gói xôi, gói bánh mì, có khi để treo trong… nhà xí dùng tạm.

– Trận đánh dùng súng hiện đại cùng với cả trăm quân đánh với… súng hoa cải và vài người, rất xứng danh anh hùng… rơm (!)

* Hoang ngôn: Tự do cái con c.”

* Tác giả: Trung tá Vũ Văn Hiến – công an quận 3

* Nguồn: VOA, ngày 27/09/2012

* Tựa đề: Thông điệp của chính phủ Việt Nam: ‘Tự do cái con c’

* Trích đoạn nội dung:

“Thứ ba, tự do ngôn luận cũng là một vùng cấm. Mà không phải chỉ có tự do ngôn luận. Nói theo Trung tá công an Vũ Văn Hiến tại phiên tòa xử Điều cày Nguyễn Văn Hải tại tòa án Thành phố Hồ Chí Minh ngày 24 tháng 9 là: “Tự do cái con c. …”

* Các bình luận:

– Vậy ghi như vầy cũng được:

Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

Độc lập – Con c. – Hạnh phúc

– Trung tá rất có “văn hóa”, rất “có dạy” chứ “không” mất dạy.

– Cấm dân nói đúng, để quan nói bậy.

– Cấm là “nghề của đảng và nhà nước”. Như lời truyền miệng truyền tai hoang ngôn của ông thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng (dĩ nhiên lời này thì đâu báo chí nào dám đưa và ông ta chắc chắn cũng không dám viết để đăng):

Nước ta Đảng lãnh đạo, không có phản biện gì cả, phản biện là phản động.

“Các anh muốn phản biện hả? nhà tù còn nhiều chỗ lắm! mà cũng chẳng cần bắt bớ tù đày làm gì, thời buổi này, tai nạn giao thông là chuyện cơm bữa; mà cũng chẳng cần tông xe làm gì, buổi sáng các vị đi uống cà phê, về tới nhà cứng đơ, không làm gì được nữa; các nước người ta đều biết kĩ thuật này, chúng tôi cũng chẳng thua đâu.”

* Hoang ngôn hình ảnh:

* Tác giả: Công an Thanh Hóa

* Nguồn: Báo VnExpress, ngày 24/11/2011

* Tựa đề: Quăng lưới đánh cá bắt người vi phạm giao thông

* Trích đoạn nội dung:

“Thực hiện chỉ thị 04 của UBND thành phố Thanh Hóa về đảm bảo trật tự an toàn giao thông và trấn áp một số loại tội phạm, công an thành phố đã huy động 150 dân phòng kết hợp với các lực lượng cảnh sát chia thành 20 nhóm để chốt chặn tại những điểm nóng. Các nhóm này đều mang theo lưới đánh cá bắt người vi phạm giao thông.

Lưới được sử dụng là loại cước sợi nhỏ được cuộn lại, một đầu quấn với một vật nặng, thường là gạch đá. Tại các chốt chặn, dân phòng đều trong tư thế cầm lưới sẵn sàng quăng. Khi thấy người vi phạm giao thông không dừng lại theo hiệu lệnh, cảnh sát sẽ giơ tay ra hiệu và dân phòng lập tức ào ra quăng lưới vào gầm xe…”

* Các bình luận:

– Sáng kiến “tuyệt vời”, dân đan lưới có thêm việc làm.

– Cảnh sát, dân phòng có nghề mới, bủa lưới bắt người trên cạn. Lỡ mai sau có hết làm cảnh sát, dân phòng cũng có nghề… chài lưới.

– Quăng cho điệu nghệ, cục đá hay vật nặng trúng ngay đầu, phun máu là đẹp(!)

– Chạy đâu cho thoát, hỡi nhũng “người cá”.

* Hoang ngôn: “Không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường”.

* Tác giả:  Ông Lê Thế Tiệm – Thứ trưởng Bộ Công an

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 07/09/2011

* Tựa đề: Xử lý nghiêm CSGT nhận tiền mãi lộ

Trích đoạn nội dung:

Trước đây, nguyên thứ trưởng Bộ Công an Lê Thế Tiệm từng băn khoăn “không hiểu ngoài đường có cái gì mà ai cũng xung phong ra đứng đường.”

* Hoang ngôn:  “Mỗi ca trực anh em cũng chỉ đủ mua thêm cái bánh mỳ”.

* Tác giả:  Ông Trần Đại Quang – Bộ trưởng Bộ Công an

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 03/12/2013

* Tựa đề: ‘Mỗi ca trực của CSGT chỉ đủ mua cái bánh mỳ’

Trích đoạn nội dung:

“Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang cho hay, do thiếu lực lượng tuần tra nên nếu chia bình quân, mỗi cảnh sát giao thông phải phụ trách 70 km quốc lộ.

“Đứng một chỗ không được, cảnh sát phải tuần tra rất căng thẳng. Nhiều khi dự luận hiểu không rõ, tưởng phạt nhiều cảnh sát giao thông được nhưng số tiền này, theo quy định phải nộp về Bộ Tài chính. Mỗi ca trực anh em cũng chỉ đủ mua thêm cái bánh mỳ”, Bộ trưởng Quang nói…”

* Các bình luận:

– Ra đứng “hứng nắng hứng gió” chơi các ông à (!)

– Ông ngồi trên cao, trong phòng lạnh sang trọng nên đâu biết ngoài đường làm gì, có gì. Để “lính” ông tác oai tác oái với dân, dân chịu thôi. À mà “lính” đem tiền về che mắt thì nói sao bây giờ, lấp liếm, giả khùng giả điên.

– Có chi đâu, vì ổ bánh mỳ mà miếng đất chỉ vừa hai bàn chân lại có giá bạc tỷ. Người ta còn so sánh giá đất, biết được mắc nhất không phải ở trung tâm Hà Nội, Sài Gòn, miếng đất của các anh cảnh sát giao thông đứng bé tý ở Dầu Giây, Thanh Hóa mới là đứng đầu đó các ông, các ông cũng rành quá rồi.

– Có những chuyện “nhỏ” và vì chỉ có ổ bánh mỳ nên “đói” lắm, kiếm bậy thêm “ổ bánh mỳ” nữa thôi, như thế này thưa các ông:

. Nhức nhối nạn mãi lộ: Ghê hơn cướp cạn!

“20g ngày 31-7, chúng tôi lên chiếc xe chở gỗ đi từ Đắk Lắk ra Hà Nội. Đến km507 quốc lộ 1A, xã Tùng Lâm, Tĩnh Gia, Thanh Hóa gặp xe tuần tra 36B-1237 đang đậu cạnh cây xăng Tùng Lâm. Hai CSGT thay nhau chặn xe hai chiều để “thu phí”. Bên trong mái hiên có một chiếc bàn, ấm trà, một CSGT còn khá trẻ ngồi cạnh cái cặp căng phồng.

Không có 5 “củ”, cầm lại giấy tờ

Vừa giáp mặt tài xế, một CSGT cầm gậy chỉ lên thùng xe hỏi ngay “chở gì?”. Nghe tài xế nói “gỗ mít”, viên CSGT soi đèn pin kiểm tra. Tiếp đó, một người đàn ông luống tuổi (sau này chúng tôi mới biết tên Nguyễn Văn Đôi) cầm đèn pin leo lên soi rọi kỹ từng hộp gỗ.

Thấy khó “qua ải”, tài xế tên Tình (48 tuổi) kẹp hai “xị” (200.000 đồng) vào sổ đưa cho CSGT tên Hải đang ngồi trong nhà. Anh này mở sổ xem rồi quát: “Mày làm 200 á?”. Đúng lúc đó ông Đôi vào nói: “Gõ chứ mít gì” rồi quay qua tài xế: “Trong tụi mày gọi đây là mít á?”. CSGT Hải lạnh lùng: “Năm củ”. Anh Tình điếng người: “Năm củ là bao nhiêu?”. Giọng Hải rành rọt: “5 triệu ấy, nghe không rõ à?”. Anh Tình than thở: “5 triệu làm gì bọn em có”. Hải hù dọa: “Bây giờ muốn hô 5 hay muốn hô hơn nữa”? Tài xế phân bua: “Ý em muốn sếp bớt tí”. Hải vẫn không tha: “Năm củ là vừa nhất”. Tình mếu máo: “Năm củ thì còn gì tụi em sống, hóa đơn kiểm lâm phạt 20 triệu đồng đây nè”. Hải gằn giọng: “Mày mới chỉ bị hạt kiểm lâm phạt thôi. Mày đã được chi cục phạt chưa? Nếu thích tao đưa mày sang chi cục làm vụ điển hình luôn nhá”.

Tài xế móc hết các túi còn đúng 1,1 triệu đồng. Hải nói: “Thôi được, còn một cách nữa. Đợi tao ăn cơm rồi đưa xe về giao kiểm lâm, coi như hoàn thành nhiệm vụ”.

Anh Tình trở ra xe gom giấy đăng ký xe, bằng lái quay lại chốt CSGT xin “cắm”. Chưa kịp mở miệng, Hải nạt: “Hoàn cảnh cũng đã trình bày rồi, không nói thêm”. Tình nhỏ nhẹ: “Năm chai em chịu, anh cho em gửi lại giấy đăng ký, bằng lái, sáng mai vào sớm chuộc lại đầy đủ”. Hải nói: “Lấy năm chai là quá nhẹ rồi” và hướng dẫn vào gặp ông Đôi. Đôi quay sang Tình: “Cắm là lấy lãi 500.000 đồng/ngày, nhưng ngày mai có chưa?”.

Nói rồi ông Đôi chìa ra một tờ giấy và đọc nội dung vay tiền cho Tình viết. Để tạo lòng tin, Hải cho anh Tình số điện thoại để mỗi lần qua chốt “dễ nói chuyện”. Hải nói: “Ở đây chỉ có mình tao biết thôi, lần sau ra thì cứ làm (luật) bình thường”. Hỏi nếu ca khác thì sao, Hải hạ giọng: “Làm một thôi” (làm 1 triệu thôi). Hỏi trong đội có mấy Hải, anh này nói: “Ba, tao là trẻ nhất”.

21g30, xe chúng tôi tiếp tục đụng chốt CSGT thứ hai của Thanh Hóa đang chặn xe hai chiều tại Hà Trung, Thanh Hóa (còn gọi chốt ngoài). Một viên CSGT không đeo bảng tên đứng cạnh xe tuần tra 36B-1256 giở sổ kiểm tra thấy tờ 100.000 đồng càu nhàu: “Cả xe gỗ làm trăm bạc là cái gì?”. Bực mình vì vừa bị “xắt” quá đau, Tình xổ một tràng: “Anh Hải nhỏ ở đầu trong dặn ra ngoài này làm nhẹ thôi, anh Hải đã lấy năm “củ” rồi”. Tay CSGT trố mắt: “Năm trăm hay năm triệu?”. Tình đáp: “5 triệu, không thiếu một cắc”.Thấy tay CSGT bán tín bán nghi, Tình nói: “Không tin anh gọi cho Hải đi, số điện thoại tứ quý tám đó”. Tay CSGT móc điện thoại gọi: “Mi hốt hết trong đó, để anh em tao kiếm tí chứ mi. Xe gỗ này mày mới làm 5 triệu chứ gì. M… mi, hắn làm bao nhiêu thì hắn làm chứ mi nói hắn ra đây không phải làm, cái loại mi… Bố tiên sư”. Chửi xong, CSGT miễn cưỡng lấy tờ 100.000 rồi cho đi.

“Hãy đợi đấy!”

Sau khi bỏ hàng xuống làng mộc Đông Anh (Hà Nội), chiều 1-8 tài xế Tình gọi điện cho Hải báo “hôm qua nợ tiền “làm luật”, phải cắm lại giấy tờ, hôm nay vào chuộc lại”. Hải nói: “Hôm nay nghỉ ca rồi, cứ gặp cái ông hôm qua ấy”. Tài xế cù nhầy: “Anh có bớt cho em chút xíu không?”, Hải nói: “Sao hôm qua không nói luôn đi để hôm nay lằng nhà lằng nhằng, cả tổ hôm qua đó, để hôm sau gặp nói chuyện sau”.

21g ngày 1-8, chúng tôi cùng Tình trở lại địa điểm hôm trước. Vẫn chiếc xe tuần tra 36B 1237 đậu sát hông nhà, ngoài đường hai CSGT đang chặn xe, bên trong một CSGT ngồi ở bàn. Thấy tài xế Tình và lơ xe xăm xăm bước vào nhà, một CSGT chặn lại: “Vào đây làm gì?”. Tình nói sự tình, một viên CSGT ra vẻ thông cảm: “Gì mà 5 triệu dữ vậy, xe gỗ qua đây làm 4-5 lít (400.000-500.000 đồng) chứ mấy”.

10 phút sau ông Đôi đội mũ cối đi ra. Anh Tình nhăn nhó: “Anh gọi điện cho Hải bớt chút đỉnh chứ lấy 5,5 triệu nhiều quá”. Đôi lầm bầm: “Tôi biết gì mà bớt”. Tình vặn: “Anh có quyền gì mà hôm qua anh leo lên xe tôi kiểm tra?”. Ông Đôi không vừa: “Tụi mày đừng giở trò nha. Tao soi (gỗ trên xe) mày làm gì được tao. Mày thích giở trò không? Tao đập mày ngay bây giờ. Hôm qua mày đồng ý chung cho thằng nào mà bây giờ trách tao?”. Thấy yếu thế, anh Tình móc túi đếm đủ 5,5 triệu đồng đưa cho ông Đôi và đòi lại giấy chế chấp.

Ông Đôi lầm bầm: “Xong rồi thì xé”. Tình quyết tâm: “Không có giấy là không đi”. Lúc này ông Đôi không còn giữ được bình tĩnh: “Mày thích không, tao đánh chết mẹ mày nhá”. Tình nhảy loi choi ra đường, miệng la lớn: “Trời ơi, làm gì mà một ngày lấy lãi tới 500.000 đồng”. Ông Đôi hung tợn: “ĐM, tao đập một cái nát mặt mày bây giờ, cái loại chó nhà mày”. Vừa dứt câu, ông Đôi nhào đến đánh vào lưng, đầu, giật rách áo anh Tình. Nhóm CSGT bình thản đứng nhìn chẳng có động thái gì.

Lên xe, Tình gọi điện méc Hải: “Ông Đôi vừa lấy tiền vừa đánh tụi tui nè”. Hải nói: “Tao đã nói mày rồi, mày còn đi, còn làm ăn, mày tự giác chứ nói gì”. Tình nói: “Tự giác cái gì, ông đòi tôi 5 triệu, tôi hết tiền phải cầm lại giấy tờ, thêm 500.000 đồng lãi nữa”. Hải cự lại: “Mẹ mày. Mày tự nguyện mà còn nói”. Tình nổi nóng: “Ông đòi tôi năm củ, bắt tôi phải thế chấp giấy tờ 5 triệu thành 5,5 triệu mà tự nguyện cái gì”. Hải gằn giọng: “Mày hãy đợi đấy!” rồi tắt máy.

“Không làm một chai ba là chết mi”

Sau chuyến đi “để đời” trên, chúng tôi nhiều lần trở lại Thanh Hóa trên nhiều chuyến xe khác nhau. Đúng như phản ảnh của tài xế, hầu hết các chốt CSGT ở Thanh Hóa đều “ăn dày” hơn các nơi khác. Đặc biệt, cung cách hành xử của CSGT với tài xế cũng không giống ai.

0g ngày 3-8, chúng tôi lên chiếc xe chở sắt cồng kềnh, quá tải từ Hà Nội vào TP.HCM. Đến km305 Hà Trung, Thanh Hóa, xe chúng tôi gặp lại chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256. Mở sổ thấy tờ 50.000 đồng tài xế đưa, tay CSGT (không đeo bảng tên) lạnh lùng: “Không nói nhiều, làm đủ rồi đi, còn không thì đứng đó”.

Tiếp đó, 16g ngày 11-8, chúng tôi theo xe chở gỗ từ Tây nguyên đến Bình Định, ra Hà Nội. Tại km380, quốc lộ 1A, Trường Lâm, Tĩnh Gia, xe chúng tôi bị chốt CSGT thổi vào. CSGT tên Nguyễn Như Sáng đứng cạnh xe tuần tra 36B-1237 hỏi: “Chở gì đây?”. Tài xế đáp: “Gỗ chiêu liêu”. Ông Sáng ra giá: “1,2 triệu”. Tài xế xin bớt mấy đồng ăn cơm, ông Sáng: “Tao tát cho cái bây giờ, đúng 1,2 triệu chứ không bớt được đâu”. Kỳ kèo mãi, ông Sáng mới chịu “cho 100 ăn sáng”. Xong tài xế hỏi: “Chuyến sau có lô gõ làm luật bao nhiêu?’’. Ông Sáng: “Đúng 1,2 triệu, như chiêu liêu”.

Do bị kiểm lâm Thanh Hóa giữ xe gần một ngày, đến 17g20 ngày 12-8 xe chúng tôi đến địa phận Đại Lộc, Hậu Lộc, Thanh Hóa (chốt đầu ngoài). Đến km305, xe chúng tôi bị chốt CSGT đi xe tuần tra 36B-1256 chặn lại. Nghe tài xế nói “gỗ chiêu liêu”, CSGT tên Trần Nhật Quỳnh mở sổ thấy 200.000 đồng nói: “Chiêu liêu mà làm như thế này?”. Tài xế than đầu trong đã chung 1,3 triệu đồng rồi, ra đây 200 là được. Ông Quỳnh tức giận: “Đừng có phét. Lần sau gặp tao ở đầu trong mi không làm 1 chai 3 là chết mi”.Trước đó lúc 22g45 ngày 29-7, chúng tôi theo xe chở trái cây từ miền Trung ra Hà Nội. Đến chốt CSGT tại Tùng Lâm (xe tuần tra 36B-1237), xe chúng tôi bị thổi vào cùng bốn chiếc xe tải khác. Đón tờ giấy từ tay tài xế đưa có kẹp tờ 50.000 đồng, CSGT không đeo bảng tên vặn: “Chưa chở trái cây bao giờ hả?”. Tài xế lí nhí: “Làm bao nhiêu vậy sếp?”. CSGT ngắn gọn: “Một lô”. Tài xế hỏi lại: “Một lô là bao nhiêu vậy sếp?”, CSGT quát: “Làm một trăm”. Những chiếc xe khác bị thổi vào cũng cùng chung số phận… (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 05/09/2011)

* Thành ngữ hàm tiếu: Đi kiếm bánh mỳ; Chung, cống tiền bánh mỳ

* Hoang ngôn: “Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.

* Tác giả: Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên – Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ – đường sắt, Bộ Công An

* Nguồn: Báo Kiến Thức, ngày 22/11/2012

* Tựa đề: CSGT “nhận dăm ba chục” sao gọi là tham nhũng?

* Trích đoạn nội dung:

“Theo kết quả cuộc điều tra xã hội học “Tham nhũng từ góc nhìn của người dân, doanh nghiệp và cán bộ, công chức, viên chức” do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới công bố hôm 20/11 thì CSGT là một trong 4 ngành tham nhũng phổ biến nhất.

Đưa ý kiến của mình về vấn đề này tại cuộc giao lưu trực tuyến do Báo Công an Nhân dân tổ chức sáng 22/11 về nghị định 71/2012/NĐ-CP, Thiếu tướng Nguyễn Văn Tuyên, Cục trưởng Cục CSGT Đường bộ – đường sắt, Bộ Công An không đồng tình với kết luận đó.

Thiếu tướng Tuyên cho rằng, đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng: “Tôi cho rằng ở đây chỉ là những tiêu cực chứ không thể nói là tham nhũng. Bây giờ nghiên cứu thế nào là tham nhũng, thế nào là tiêu cực tôi cho rằng nó chưa rạch ròi. Nhận của lái xe, nhận của người tham gia giao thông dăm ba chục, một vài trăm mà đó là tham nhũng thì theo tôi ý đó là không thỏa đáng”.

Thiếu tướng Tuyên cho rằng: “Tham nhũng phải là những người có chức, có quyền nhưng lợi dụng chức quyền đó bớt xén, móc nối lấy tiền của nhà nước. Tôi cho rằng dùng từ tham nhũng phải ở đối tượng đó và hành vi đó. Từ xưa đến nay chúng ta vẫn nói rằng CSGT tiêu cực thì nên ở mức độ đó nó dễ chấp nhận hơn”…”

* Các bình luận:

– Cứ thấy cục là thấy cục c.

– Ông này không biết cả khái niệm tham nhũng là lợi dụng quyền hành nhũng nhiễu, phiền hà, lấy của tiền của dân. Nhưng có lẽ ông biết chứ, ông giả lả để giảm mức độ nặng về lời nói, giảm tội, chối tội mà thôi.

– Dân công đầu làm được dăm ba chục, dăm ba trăm, lấy sạch mà còn kêu không tham nhũng.

– Cảnh sát giao thông lấy của cả trăm, cả ngàn người dân mỗi ngày, con số có còn mấy chục mấy trăm không?

– Ăn trộm, ăn cướp dăm ba chục cũng gọi là tiêu cực chứ sao là ăn trộm ăn cướp phải không ông?

* Hoang ngôn hình ảnh:

* Tác giả: Bộ Công an, đảng Cộng sản VN

* Nguồn: Ảnh trên internet

* Các bình luận:

– Vậy xưng danh Công an nhân dân làm gì? phải xưng Công an đảng Cộng sản chứ.

– Hèn chi đàn áp dân chúng, kết hợp với đảng cướp đất, cướp nhà, cướp của,… của dân.

– Bảo vệ đảng, đảng cướp tiền của dân nuôi lại.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây