Phiếm và biếm: Công bố công trình khoa học

Lò Văn Củi

27-12-2017

Ông Ba Hu đặng kè kè theo bên mình cái cặp táp. Thấy từ xa, mọi người đã chộn rộn đoán già đoán non. Nhiều người chắc như đinh đóng cột, bữa nay ổng có cuộc họp gì đó. Người nói họp hành khỉ mốc gì, chẳng qua ở trong cái cặp chỉ đựng mỗi cái sổ bảo hiểm y tế, ông Ba đi khám bịnh định kỳ. Người nói lâu lâu thấy ổng như vậy, áo quần bảnh bao, cặp táp cặp tiết để nhớ lại một thuở hét ra lửa, nhiều quan bi giờ khánh tướng, tinh tướng làm ổng mũi lòng…

Lạ là anh Bảy Thọt chẳng nói chẳng rằng. Nhưng, “quên đi nhé mấy cưng”, chẳng qua ảnh đợi đúng “Thiên thời Địa lợi” mà thôi. Ông Ba vừa đưa ly cà phê lên tợp một ngụm, chưa kịp nuốt thì anh Bảy “lảnh lót”:

– Ông Ba bữa nay bảnh tỏn, phong độ ghê, dáng dấp của một người tri thức, chắc hẳn bữa nay ông đi hội thảo, công bố công trình khoa học mà ông dày công nghiên cứu từ khi dìa hưu tới giờ.

Ông Ba Hu được nghe lời tâng bốc, cười khoái chí nuốt ngọt sớt ngụm cà phê chứ không như mọi khi hay bị “hóc cái xương ngay cần cổ”, cà phê đọng lại đắng nghét. Anh Năm Ba gác gật gật đầu:

– Ngon hen ông Ba. Chúc mừng, chúc mừng ông Ba!

Ông Ba làm mặt tỉnh:

– Không có, tui…

Ông Hai Xích lô vỗ đùi cái bốp cắt ngang, và ông xổ một tràng tiếng lóng:

– Thôi mà, giấu chi ông ơi, mần cho nó vui nhà vui cửa. Ô kê Sa lem, yét sờ A ra phát, khơ ra sô.

Chú Tám Thinh nhíu mày:

– ‘Ô kê Sa Lem’ thì tui biết, thuốc lá Salem hồi xưa là số dzách nên đi kèm ok, và cho mọi thứ luôn, tương tự là ‘yét sờ’ người ta thêm ‘A ra phát’ là họ của ông có tên gần như Yes là Yasser Arafat, ông là thủ lĩnh một thời của người Plestine, nhưng ‘khơ ra sô’ là gì vậy ông Hai?

Ông Hai cười hề:

– Chú hỏi tui tui hỏi ai? Tui nghe người ta nói thì nói theo, kiểu gần giống nhau, là ngon lành á.

Ông Thầy giáo từ tốn giải thích:

– Là tiếng Liên Xô một thuở, tức tiếng Nga. Hồi trước học sinh cấp II, III ngoài tiếng Anh, tiếng Pháp, một số còn bị bắt buột học tiếng Nga, số này nhiều hơn tiếng Pháp, tương đương tiếng Anh. Phiên âm ‘khơ ra sô’ nghĩa là tốt, viết chữ kh giống như chữ x của mình, đọc là chữ khờ, viết cũng từa tựa tiếng mình: xopo… chữ kế tiếp là chữ sờ, có ba nét giống chữ u, nhiều hơn chữ u của mình một nét, xopo…o (ông Thầy viết chữ u thêm một nét chỗ ba chấm). Ông Bùi Hiền vừa công bố cải cách cải… giống gì đó tiếng Việt phần 2, chắc ổng là phó giáo sư thời Liên Xô nên ảnh hưởng.

Nghe tới ông Bùi Hiền, quán cà phê càng chộn rộn về vụ cải cách chữ này, quên bén chuyện của ông Ba Hu.

Bàn tán thiệt là xôn xao, náo nhiệt. Người nói phổ biến lần một bị “ăn gạch đá” chưa đủ sao ta, giờ lại tiếp tục. Người nói ông phó giáo sư ba xàm ba láp, rảnh quá không biết làm gì. Người nói ông phó giáo sư giấy chứ phó cái nỗi gì. Người nói ông này không biết nhục, sao không sáng tạo cái gì khác, đi làm chuyện ngày trước ông thầy giáo Nguyễn Ngu Í tức là ông nhà văn có những bút danh Trịnh Nguiên, Tân Fong Hiệb, Lưu Nguiễn, Ngư Fi Lô Cố,… đã làm mà không xong, chẳng khác nào ăn cắp. Người nói có lẽ ông này cũng bị tâm thần giống ông Í, ông Í phải vào Dưỡng trí viện Biên Hòa (Bệnh viện tâm thần Trung ương II) nhưng ông Í còn có nhiều tác phẩm giá trị để lại chứ ông Hiền có thấy cái khỉ khô gì đâu.

Sẵn tiện nhiều người bàn rằng sao ở Việt Nam ta bây giờ, tìm tòi cái mới thì không thấy, chỉ thấy xoi mói, bới lông tìm vết rồi đòi sửa đổi những cái người khác sáng tạo là giỏi, mà những sáng tạo này trải qua thời gian đã được trao chuốt, dần dần hoàn thiện, đã được chấp nhận, được tồn tại chẳng hại gì…

Anh Bảy Thọt chốt lại:

– Cơn bão Tembin vừa tan, bà con chưa kịp mừng vì không gây thiệt hại gì nhiều thì lại hứng tiếp cơn bão “Phá giáo sư Bùi Hiền”. Ông này sao mà mê danh mê tiếng dữ vậy không biết.

Ông Thầy giáo thở dài:

– Không đơn giản như tụi mình đang giỡn đâu. Có nhiều căn nhiều cơ hết đó nghen.

Ông Thầy chậm rãi nói rõ:

– Người ta cố tình tạo ra bão hoài hoài thôi.

Nè hen, bữa nay tạo cơn bão… “Tabu”, để bà con ta xúm lại quanh cơn bão này mà quên đi hàng tá chuyện khác: chuyện tham nhũng rần rần; chuyện lạm dụng, chạy chức chuyện quyền nhan nhản; chuyện đấu đá nội bộ, phe cánh khắp nơi; chuyện vật giá, thuế phí tăng liên hồi; chuyện BOT chuyện bò, đề xuất xây cầu vượt cho… bò ở trong phiên họp… Quốc hội á; chuyện Biển Đông bị thâu tóm bởi kẻ bành trướng;… Ôi thôi! Dòm đâu cũng thấy chuyện.

Nè hen, mỗi năm ở khắp các cơ quan ban ngành, từ cấp nhỏ cho tới cấp chót vót đều có đề xuất và được duyệt một số tiền không hề nhỏ để làm đề án nghiên cứu, nghiên cứu ở mọi lĩnh vực. Mà ta có thấy có cái giống ôn nào áp dụng được cho thực tế đâu. Bởi họ đã làm “đúng quy trình”, chia dự án và chia chác tiền bạc. Chẳng hạn một ông sếp một cơ quan, gọi cho một ông có học hàm học vị trên giấy tờ hẳn hoi lên làm việc, làm việc ở đâu? Quán nhậu chứ đâu. Vậy là giao cho về nghiên cứu một dự án, ông nhận dĩ nhiên lo tiền nhậu và lại quả với thỏa thuận bao nhiêu phần trăm đó, mất một khúc tiền dành cho nghiên cứu hén, rồi tới phần ông này tham tiếp và có biết làm cái gì mà làm, nếu biết thì… làm chi cho mệt, kêu vài đứa học trò năm cuối, lấy đề tài làm và làm luận văn tốt nghiệp luôn, quăng cho ít tiền thì đứa sinh viên nào không tít mắt. Cứ như vậy thì được cái giống ôn gì. Biện luận thì ôi thôi trăm ngàn lý do, nhà trường dạy lý luận ầm ầm mà. Không có đề tài được áp dụng thì đề xuất… đi nước ngoài học hỏi, đi… xin người ta hoặc mua lại của người ta. Nhưng mà không có công trình công bố cũng không được, phải có chứ.

Anh Năm Ba gác vỗ đùi:

– Hiểu rồi, hiểu rồi. Người ta chọn những người hám danh, hoặc chọn những người ngây ngô, cho công bố công trình của họ, một là đã có công trình chứ đâu phải ăn không ngồi rồi lấy tiền.

Ông Hai Xích lô nói thêm:

– Chọn mấy ông hám tiền nữa, đắp tiền lên mặt che chữ nhục.

Ông Thầy gật đầu:

– Đúng vậy. Chọn những hạng người đó. Rồi thêm, công trình đưa ra công chúng bị đánh giá không đạt, có cớ lại đề xuất tiền để nghiên cứu tiếp. Trăm đường ăn tiền thuế của dân.

Lắc đầu, ngao ngán, thở dài tràn ngập quán.

Ông Ba Hu lẳng lặng bước ra cửa mà không ai để ý, ông sợ bà con cô bác không biết “tâm” của mình, ông nói và đi thẳng:

– Tui tính tiền hết rồi đó nhen. Bữa nay tui mời.

Cô Tư Sồn nguýt một cái:

– Ông nhắc khéo hả, sợ tui ăn gian tính thêm lần nữa a. Bộ tưởng ai cũng như mấy ông vậy.

Anh Bảy Thọt vỗ tay một cái:

– Đích thị là bữa nay ổng đi công bố công trình gì đó rồi. Có tiền từ “trên trời rơi xuống” nên mới hào phóng chứ dễ gì.

Ông Hai nói:

– Ổng nghiên cứu làm sao đúc cái khiêng cho “khơ ra sô”, để chặn đứng được những cú xóc đòn gánh vô be sườn của thằng Bảy.

Cả quán được dịp cười hỉ xả cho đỡ nhức cái đầu.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Đổi hay không đổi chữ viết thì việt cộng cũng vẫn là vc thôi. Đâu có khác biệt gì.
    Cho nên tôi lại muốn họ đổi chữ viết cho nhanh, không chỉ để tách bạch trong nước và ngoài nước, mà lại có khi trở thành ngòi nổ.

Leave a Reply to Nguyên Thanh Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây