Ông thầy đi học – “Sướng ích gì cho cam”

Lò Văn Củi

15-12-2017

Củi tui ghé quán cà phê của cô Sáu sồn sồn thì ông Ba Hu, anh Bảy Thọt đã ngồi ở đây. Ông Ba Hu là khách “thường trực” nơi này lâu lắm rồi, bởi cô Sáu tuy sồn sồn nhưng còn mặn mà quá xá, xưa còn con gái thì khỏi phải bàn rồi. Quán, ngoài chỗ để tụ tập, nói chuyện trời mây còn là nơi để điểm danh… còn trên cõi “Việt khổ” này hay đã theo âm binh nhị tỳ.

Anh Bảy Thọt hổng phải cà thọt cái giò cái cẳng, chẳng qua ảnh hay cà thọt… cái miệng, hay thọt gậy bánh xe người ta. Hổm Củi tui hỏi sao kêu ông Ba Hu, anh Bảy giải đáp, “Thiệt tình thì ổng là ông Ba Hưu, hưu trí á. Dân miền Nam đọc là Hu với lại để ghép với Hu Đặng. Khi dìa vườn rồi thì ổng hăng say lắm, hăng nói chuyện này, chửi chuyện kia, chửi tưới hột sen cán bộ từ nhỏ tới lớn, chửi hết ráo các ban ngành… Hồi ổng còn quan chức cũng thuộc cỡ bự, cũng hăng say lắm, nhưng hăng say gát tay em út rồi tiếp tới tăng riêng biệt mình ổng với em út, hăng say sáng cắp cặp táp, tối quẩy cặp dìa, làm việc thì ai cũng biết, í à ì ạch chứ hăng cái nỗi gì. Rồi ngoài… lái gió Hu Đặng, thì Ba Hu cũng là một cách, bu lại để chửi và cười haha chứ cũng chẳng giúp ích gì cho bà con”.

Ông giảng viên dạy đại học tới, kêu ổng là ông Thầy, Thầy giáo. Ông Ba Hu nói và hỏi liền:

– Chà, bữa nay ông Thầy giáo tháo giày mang dép ha. Rảnh rỗi uống cà phê giờ này, không đi dạy sao?

Ông Thầy đáp:

– Dạ, bữa nay tháo giày mất dạy.

Anh Bảy Thọt nói:

– Sướng ha ông Thầy.

Ông thầy thở dài:

– Mất dạy nhưng phải đi học, mệt lắm.

Anh Bảy thấy lạ:

– Gì kỳ, đi học sướng thấy mồ.

Ông Thầy giáo đang ôm mớ… bình mực trong người, ông làm một tràng y như đang đứng trên giảng đường:

– Bực mình quá mới ra đây làm một ly xả tress chứ sướng ích gì cho cam. Dạ, xin thưa, nói cái bực mình bộc phát trước nghen. Nguyên cả ngày hôm qua, thức cả đêm cho tới bây giờ chỉ mỗi việc ngồi dán con mắt già rà lại chính tả cho luận án tốp nghiệp, dò từng chữ một, chứ lỡ bị sai sót thì bị cái bà tiến sĩ quở trách nữa. Hôm duyệt luận án đợt một, hội đồng có năm người tiến sĩ thì có bà này chuyên trị… chính tả. Bả chẳng màng nội dung nội diết gì hết, cứ đọc rồi bắt giò sai lỗi từ ngữ mà thôi. Có nhiều từ tui lật từ điển năm lần bảy lượt, đinh ninh lắm, không thể sai nhưng đành chịu thua. Kiểu như vầy: “Viết gì thế này, làm tới giảng viên mà chính tả cũng không thông, tại sao lại viết: Ôi! Trời ơi.., phải viết: Ối! Giời ơi… nhé. Viết cho chuẩn phổ thông chứ…”

Ông Thầy ngưng lại, uống cà phê cái ực. Anh Bảy Thọt cười hì hì:

– Mấy ông bà sửa bản in ở nhà xuất bản cũng phải có bằng tiến sĩ hen.

Ông Thầy ậm ực tiếp:

– Bây giờ tới phần nội dung. Tui mắc cái chứng gì hông biết, tự nhiên ngu quá là ngu, mấy năm trời đi học, kinh qua quá chừng môn, các bài tiểu luận kết khóa cứ lấy bài cũ, xào qua trộn lại được điểm khá tuốt luốt, vậy mà không chịu tiếp tục, đi làm cái đề tài mới lạ cho sáng tạo, cho đỡ nhàm chán, tưởng ngon lành, hóa ra, trong bốn ông bà tiến sĩ còn lại được hai người hiểu, còn hai người là “Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô?” Rồi bốn ông bà… cãi nhau. Hai ông bà ông “Hố Nai” nói cái gì thế này, sao mà lam man thế, sao ở đâu như ngoài hành tinh thế. Hai ông bà hiểu thì cho rằng rất hay, rất xuất sắc, hai ông bà phải cắt nghĩa nhiều để chứng minh. Còn tui thì mắc cả buổi giải trình cặn kẽ. Và hai ông bà “Hố Nai” cười khảy, “Ối Giời! chúng tôi biết chứ, chẳng qua muốn làm rõ vấn đề”. Cuồi cùng cũng qua với đánh giá là… trung bình khá. May còn hai ông bà tiến sĩ đúng nghĩa.

Anh Bảy lắc đầu:

– Có thể tàm tạm thôi. Đúng bây giờ hiếm như thú quý hiếm. Cả hệ thống như vậy mà, tiến sĩ như rươi, toàn xào nấu, toàn chôm chỉa mà nói theo văn vẻ là đạo văn, toàn chung chi, toàn là mua bằng, có thực học bao nhiêu đâu.

Củi tui cũng xen một câu góp chuyện chứ hóng hoài sao:

– Nhưng được đi học cũng vui.

Ông Thầy trợn mắt, còn hậm hực hơn:

– Vui cái nỗi gì. Như đã nói rồi hén, có học được cái giống ôn gì đâu, bài giảng cũng toàn xào nấu, bổn cũ soạn lại cũ rà cũ rích, tàm xàm bá láp chẳng có ích lợi gì hết trọi. Muốn làm cái gì mới thì bị hạnh họe, riết có ai dám làm gì đâu. Đi học đi hành, nhưng không học được còn bị hành. Hành về tiền bạc còn thất kinh nữa.

Ông Ba Hu ngạc nhiên:

– Tiền bạc gì ông Thầy, ngân sách lo hết mà?

Ông Thầy gật đầu:

– Dạ đúng. Tiền ngân sách đóng học phí, có nhận lương. Nhưng có hàng tá tá khoản phát sinh, đúng hơn là người ta tìm cách làm phát sinh. Nè hén: lớp học đông người mà máy quạt đứng im ru, nóng hầm hập như chảo lửa, hỏi ra thì bị cúp điện… mỗi phòng này, mấy phòng kế bên máy lạnh chạy phà phà, vậy là đóng tiền để… mở cầu dao, tiền điện sơ sơ bằng chừng vài chục lần giá thực thôi vì bị vượt trội quá nhiều (!); tương tự là tiền vệ sinh cho lớp sạch sẽ, thoáng đãng, tiền bảo vệ cho lớp khỏi mất… bàn ghế, tiền thuê màn hình, máy chiếu cho hiện đại chứ ai lại cầm tập cầm sách quá ư là lạc hậu, tiền thuê thiết bị âm thanh chứ bắt thầy cô phải hét khản giọng à (?!),…

Rồi tới tiền giáo trình; nhiều hơn hết phải kể là tiền bồi dưỡng cho thầy cô, tiền ăn sáng ăn trưa và chiều lai rai, lai rai vài chai chắc? Còn lâu, ông thầy nào cái bụng không như bà chửa, chứa hàng tá bia, mồi mỡ thì sơn hào hải vị, nhưng như vậy cũng chưa gọi là nhiều nhứt được, bởi còn nữa, còn tiền bồi dưỡng cho thầy cô đi du hí sau mỗi môn dạy, thầy cô thì có gia đình đi kèm; và còn phát sinh hoài hoài kể không hết. Hôm bữa dạy gần mãn phần học thì có ông thầy gợi ý: “Tôi chưa biết Phú Quốc là gì, nghe đồn mê tít nhưng không có điều kiện”. Vậy là đóng tiền để thầy đi, thầy “buồn rầu”: “Tôi được đi chơi sướng nhỉ, thế vợ con lại bơ vơ, mà vợ con thì chưa biết Đà Lạt”. Tiếp tục đóng tiền cho vợ con thầy lên xứ hoa anh đào. Gia đình ông thầy đi một nơi còn đỡ, chia ra các hướng còn tốn thêm biết bao.

Ông Thầy kêu thêm ly đen, ực nửa ly, trút tiếp nỗi lòng:

– Đi học thì sung sướng với một số người, đó là những con ông cháu cha, dư tiền thừa của… tham của dân, lấy tiền ra mà lo mà mua thầy cô, để có cái bằng mà leo cao theo kiểu cha truyền con nối, nói mỹ miều là cán bộ nguồn cán bộ khung,… Tội nghiệp những thằng thầy giáo nghèo như tui, không đủ tiền thì thầy hoạnh họe, bắt bẻ đủ điều, nhứt là ông thầy bà cô hướng dẫn làm tốt nghiệp. Rồi phải về trường năn nỉ ỉ ôi cho dạy thêm tiết để kiếm tiền mà đóng. Tiền lương đưa cho vợ lo cái ăn nữa chứ. Trăm thứ khổ!

Anh Bảy Hỏi:

– Vậy đi học chi cho cực ông Thầy?

Ông Thầy buồn rầu:

– Không đi không được. Lần lữa mãi chờ về hưu cho rồi mà có được đâu. Không đi người ta đuổi, mất dạy thiệt, mà đã theo bao nhiêu năm, còn trẻ thì nghỉ quách chạy xe ôm cho xong. Họ lại đẻ, đẻ dữ lắm, đẻ đủ quy định, như phải thạc sĩ mới được dạy đại học, phải cử nhân mới được dạy trung học,… và nhiều kiểu khác nữa như giấy phép con, mở lớp dạy chứng chỉ cho người biên tập, chứng chỉ sư phạm cho người đi dạy, chứng chỉ hành nghề cho người thiết kế,… Trăm loại để có lớp có dạy, có tiền,… Từ lớp thấp cho tới lớp cao…

Anh Bảy Thọt vô:

– Cứ như thế, như một cái guồng, trên đè dưới, dưới đè dưới hơn, cuối cùng là phụ huynh có con đang đi học hứng chịu nhiều nhứt.

Ông Thầy đồng tình:

– Đúng, tui không phủ nhận đâu. Nhiều ông thầy bà cô đì lại sinh viên. Tui nhiều lúc cũng muốn làm càng, nhưng may lương tâm còn mọc răng, cắn rứt nên chưa là gì tồi tệ lắm.

Củi tui biết ông Thầy này, nên nói:

– Người như ông Thầy bây giờ ở trong sách đỏ.

Ông Ba Hu đập tay cái bốp:

– Mẹ, cả cái ngành giáo dục suy đồi. Suy đồi từ trên xuống dưới.

Anh Bảy Thọt, thọt gậy:

– Ai sanh ra ngành giáo dục này vậy ông Ba?

Ông Ba Hu bỗng giựt người, theo bản năng ông đưa tay vịn cái túi quần, trong đó ông thường cất cái sổ hưu, rồi ông đánh trống lảng:

– Chết cha, có công chuyện, anh em ngồi uống cà phê nghen.

Anh Bảy e hèm:

– Ông Ba kêu thằng lính nào tới chưa?

– Chi mậy?

– Thì trả tiền cà phê, y như xưa đi nhậu kêu lính lác tới trả tiền đó mà.

Ông Ba nói nho nhỏ:

– Tao quên, để tao trả tiền.

Anh Bảy chưa tha:

– Ông Ba quên khôn bà cố luôn, mà bây giờ ông có thằng lính nào đâu. Rồi đụng phải ổ của ông cái ông nín bặt. Ông biết chỗ chửi và biết chỗ nín ghê.

Ông Ba Hu nguýt dài, bỏ đi một nước. Bàn cà phê buồn thiu cũng giải tán.

Củi tui hóng hớt, biên lại mà chắc chắn lỗi chánh tả mắc hà rầm, có quen biết được tiến sĩ nào đâu hà, xin bà con cô bác thông cảm.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Formosa muốn bán chất thải từ nhà máy nhiệt điện
    Đây là chất thải rất độc hai.
    Cách đây mấy năm, các công ty xây dựng của Mỹ mua tấm lót ngoài cho các công trình xây dựng như nhà cửa, vv..
    Tên tiếng Anh của các tấm lót ngoài là “sheetrock” hay còn gọi là Drywall.
    Các công ty của Tàu cọng bán những tấm lót-Drywall cho các công ty xây dựng của Mỹ với giá rẻ.
    Những căn nhà có dùng các tấm sheetrock của Tàu đã gây kinh hoàng cho các gia đình của người Mỹ.
    Các tấm ấy chứa tro bay, phóng xạ, thủy ngân, thạch tín, kim loại nặng, các chất độc hại, vv..từ tro của các nhà máy nhiệt điện dùng than đá (coal).
    Dưới đây là các danh từ chuyên môn (tiếng Anh) nói về các chất độc hại của than đá:
    -Coal ash (tro than đá) is hazardous and toxic to human beings and other living things. Coal ash contains the radioactive elements uranium and thorium. These include fly ash, bottom ash, and flue-gas desulfurization sludge, that contain mercury, uranium, thorium, arsenic, and other heavy metals, along with non-metals such as selenium.
    -Coal ash and other solid combustion byproducts are stored locally and escape in various ways that expose those living near coal plants to radiation and environmental toxics. (trích từ https://en.wikipedia.org/wiki/Coal).
    Các chất ấy đã gây ra ẩm mốc, những bệnh hiểm nghèo, ung thư, ung thư phổi, vv…
    Các công ty xây dựng của Mỹ đã dính vào những cuộc kiện tụng tốn kém. Họ phải bỏ ra một số tiền lớn bồi thường, tháo dỡ và xây dựng lại.
    Các bạn hãy đem tin này cho các nhà thầu xây dựng Việt Nam.
    Ngoài ra, Việt Nam có than đá loại tốt dùng cho các nhà máy nhiệt điện và công nghiệp nhưng tại sao Formosa không dùng mà lại tiêu thụ than đá của Tàu cọng.
    Phải chăng Formosa xử dụng một mánh khóe gian xảo là làm khô các chất thải độc hại rồi để xen lẫn với than. Sau đó nhập vào các nhà máy của họ và đốt đi? Có phải chăng họ biến Việt Nam thành “lò đốt” các chất thải của Trung cọng và của Formosa?
    Chính phủ Việt Nam hãy trả lời các câu hỏi trên.
    Như vậy, tro từ than đá và chất thải độc hại mà nếu đem làm vật liệu xây dựng hay vật dụng thì sẽ gây những hậu quả khôn lường cho sức khỏe của con người. Nếu Việt Nam xuất khẩu chúng thì giới doanh nhân sẽ đối mặt với kiện tụng và phá sản.
    Nếu người ta trộn chất thải trên vào xi măng/đất sét và làm các chậu cây cảnh, gạch xây nhà hay gạch lót nhà, vv…thì người và vật sẽ mang bệnh mà chết.
    Hãy truyền tin này đến giới sản xuất, mua bán, kinh doanh hay bất cứ ai có liên quan đến ngành vật liệu xây dựng hoặc sành sứ.
    Toàn dân Việt Nam hãy cùng nhau ngăn chặn âm mưu độc ác của bọn Formosa, Tàu cọng và tập đoàn cọng sản Việt Nam.

Leave a Reply to Sonnhan Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây