Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 9)

Trình Bút

6-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầuPhần 1Phần 2Phần 3Phần 4Phần 5Phần 6Phần 7Phần 8

Phần 9: Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và xã hội

* Hoang ngôn: “Phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng, những hành vi tham nhũng”.

* Tác giả: Ông Đinh Thế Huynh – Thường trực Ban Bí thư

* Nguồn: Soha News, ngày 12/09/2016

Tựa đề: “Tổng Bí thư đã chỉ đạo xử lý vụ nào là làm đến nơi, đến chốn”

Trích đoạn nội dung:

Hôm nay, Đoàn công tác của T.Ư do Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Đinh Thế Huynh đã có buổi làm việc với lãnh đạo Hà Nội để nắm tình hình, đánh giá kết quả công tác phòng chống tham nhũng trong thời gian qua…

… “Tạo ra sự thống nhất, tự giác, quyết tâm cao trong hành động, và phải xây dựng được một văn hóa, nếp sống văn hóa khinh bỉ những kẻ tham nhũng, những hành vi tham nhũng.

Khi nào tạo được áp lực xã hội mà những kẻ tham nhũng, những hành vi tham nhũng không chịu nổi chứ còn tham nhũng mà chưa bị lên án một cách quyết liệt, áp lực xã hội chưa đủ mạnh thì lúc đó chúng ta chưa thể ngăn chặn và đẩy lùi được”, ông Huynh chỉ rõ“.

* Các bình luận:

– Văn hóa khinh bỉ là văn hóa gì? À, có lẽ là văn hóa chề môi, lè lưỡi, giựt giựt mép, nhếch mép, cười nửa miệng, nhổ nước bọt,…(?!)

– Tham nhũng đi ra đường vỗ ngực xưng danh để người ta thể hiện văn hóa khinh bỉ? Ôi! ông Huynh ơi là ông Huynh…

– Nước ta xây dựng rất nhiều văn hóa, văn hóa giao thông, văn hóa uống bia, nhà nhà văn hóa, khu phố văn hóa,.. xây dựng thêm văn hóa khinh bỉ cũng có lý. Nên xây dựng nhiều nữa để nước ta là nước Việt Nam văn hóa, như văn hóa khinh bỉ đái bậy. Đái bậy dường như là “mốt” của các quan chức.

Cụ khinh bỉ “Toàn dân đoàn kết…”. Nguồn: internet
Bốn quan chức đi xe bảng số xanh. Ảnh: internet

* Hoang ngôn hình ảnh:

BTV Kiều Chinh. Nguồn: VTV

* Tác giả: Bà Kiều Trinh – BTV Đài Truyền hình Việt Nam

* Nguồn: BBC Tiếng Việt, ngày 05/09/2010

* Tựa đề: Tổng Giám đốc VTV bị tố cáo lên Bộ Chính trị

* Trích đoạn nội dung:

“… Văn phòng Luật sư Vì dân (LSVD) nói họ đã nhận tư vấn pháp luật miễn phí cho ông Trần Quốc Khánh, một nhân viên của Đài Truyền hình Việt Nam và viết trong trang hai của văn bản:

“Qua nghiên cứu hồ sơ vụ việc, chúng tôi thấy có đủ căn cứ để khởi tố vụ án và khởi tố bị can đối với ông Vũ Văn Hiến về “tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”…

… Ngoài ra LSVD cũng nhắc tới chuyện bà Kiều Trinh, con gái ông Vũ Văn Hiến tiếp tục lên sóng truyền hình và giữ chức Trưởng phòng Văn hóa – Thể thao – Du lịch của Ban Thời sự VTV1 mặc dù khi còn đi du học ở Thụy sĩ “đã ăn cắp một số váy và hàng hóa… trị giá 400 đô la Mỹ; đã bị cảnh sát bắt giữ thẩm vấn sáu giờ...”

Trong bài báo – Trần Lực: Vợ tôi đều là những người tài giỏi” trên trang Dân Trí, ngày 05/08/2009, phỏng vấn diễn viên Trần Lực, ông ta có “bóng gió” đã khẳng định điều này:

Thời kỳ anh đang nổi tiếng, anh có yêu một cô gái lúc đó cũng khá nổi tiếng là BTV Kiều Trinh. Sau khi Kiều Trinh gặp “sự cố”, người ta thấy anh và chị ấy cũng chia tay nhau. Cuộc hôn nhân ngắn ngủi, dư luận cho rằng, vì anh khắt khe với Kiều Trinh khi cô ấy gặp “sự cố” kia?

Chuyện của tôi và Kiều Trinh đã qua, tôi không muốn nhắc lại. Nhưng, là người đàn ông mà chia tay chỉ vì chuyện đó thì kém quá…” 

* Các bình luận:

– Kẻ cắp lên truyền hình dạy văn hóa, VTV1 “rất văn hóa”.

– Nước ngoài có phim ‘Kẻ cắp gặp bà già’, VTV có ‘kẻ cắp gặp ông già… là cán bộ bự.

* Hoang ngôn: “Sự việc này tôi thấy rất buồn cười mà dùng từ buồn cười còn nhẹ, không biết quảng cáo cho nem rán Việt Nam hay là hãng Nem quần áo, nhưng hãng quần áo họ cũng không ghi như vậy”.

* Tác giả: TS Nguyễn Thanh Sơn – thứ trưởng bộ Ngoại giao

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 02/12/2013

* Tựa đề: Thứ trưởng Ngoại giao: Hoa hậu nhầm tên nước là sỉ nhục

* Trích đoạn nội dung:

“PV: Vừa qua, sau khi sự việc treo nhầm ảnh Lạc Sơn Đại Phật – Trung Quốc chưa lắng xuống, Hoa hậu Trần Thị Quỳnh đại diện cho đất nước đi tham dự cuộc thi Hoa hậu quý bà thế giới 2013 tại Trung Quốc đã đeo băng ghi sai tên nước, cầm cờ ngược, những hình ảnh này gây ảnh hưởng không ít đến quốc gia. Quan điểm của ông ra sao trước sự việc này?

TS Nguyễn Thanh Sơn: Hoa hậu quý bà đeo dải băng in sai tên nước, cầm cờ Tổ quốc ngược, làm gì mà không tạo ra sự phẫn nộ cho xã hội, cứ trách bản thân Hoa hậu nhưng không trách những người tham mưu, cố vấn, phải chuẩn bị trước… 

… Mà tôi cho rằng, hoạt động lớn gặp sai sót toàn rơi vào ngành văn hóa, du lịch. Được biết, Hoa hậu nào cũng được trau dồi kiến thức bài bản, từ lời nói, bước đi trước khi đi dự thi.   

Sự việc này tôi thấy rất buồn cười mà dùng từ buồn cười còn nhẹ, không biết quảng cáo cho nem rán Việt Nam hay là hãng Nem quần áo, nhưng hãng quần áo họ cũng không ghi như vậy. Nhưng đúng là nem rán Việt Nam được ưa chuộng thật, nem Việt Nam cũng là một món ăn đem lại giá trị ẩm thực rất lớn cho văn hóa Việt...”

* Các bình luận:

– Tôi giống như ông, nhưng buồn cười cho… ông. Một ông chức tới thứ trưởng ngoại giao phải có kiến thức uyên thâm, vậy mà… Nếu sai sót, cẩu thả,… thì nói sai sót, cầu thả, đằng này lại so sánh khập khiểng. Nem (rán) hoặc Nem quần áo là tên, là nhãn hiệu đứng độc lập, nếu ghép thì ghép như ông nói nem Việt Nam, quần áo Nem, cớ sao sống sượng ghép Vietnem rồi đọc hiểu là nem Việt, Nem quần áo? Có lẽ ông sáng chế cách ghép mới, và ông có “tâm hồn ăm uống”, “tâm hồn à la mốt” nên nhìn đâu ông cũng thấy thức ăn và thời trang.

–  Ông thứ trưởng cười vô duyên quá. Nem Việt Nam được ưa chuộng, ý ông đồng tình quảng cáo rồi còn gì(?!) Nên chuyển ông qua làm quảng cáo. Nhưng cũng không biết có làm nên cơm cháo gì không, bởi thấy các ông làm ngoại giao mà có quảng bá đất nước con người Việt được cái gì đâu.  

– Sai hà rầm, chỗ nào cũng sai chứ đâu văn hóa, du lịch.

* Hoang ngôn: Chỉ kém về ngoại hình, ngoại ngữ và khả năng ứng xử”.

* Tác giả: ông Dương Xuân Nam – cựu Tổng Biên tập báo Tiền Phong

* Nguồn: Đời sống & Pháp luật ngày 24/10/2014

* Tựa đề: ‘Xấu người, xấu nết, lại dốt’: Người đẹp Việt lấy gì thi hoa hậu?

* Trích đoạn nội dung:

Chỉ kém về ngoại hình, ngoại ngữ và khả năng ứng xử – đó là phát biểu của ông Dương Xuân Nam – Nguyên Tổng biên tập báo Tiền Phong về người đẹp Việt Nam tại cuộc họp Vòng Chung khảo miền Bắc cuộc thi.

Phát biểu của ông Nam khiến không ít người cảm thấy nực cười. Vì thực tế, các thí sinh tranh tài tại các cuộc thi sắc đẹp chỉ dựa trên tiêu chí của những yếu tố cơ bản trên. Vậy nếu bỏ qua các yếu tố đã được ông “điểm mặt” thì người đẹp Việt còn lại những ưu điểm hay thế mạnh nào để có thể cạnh tranh tại các đấu trường sắc đẹp?...”

* Các bình luận:

– Ô! một người được mệnh danh là cha đẻ của cuộc thi hoa hậu ở Việt nam (thời kỳ “mới” thôi nhé, Sài Gòn ngày xưa thi hoa hậu hà rầm rồi) mà phát biểu như vậy thì biểu sao có hoa hậu thế giới người Việt.

– Có mấy thứ tiêu chí mà kém gần hết rồi thì đi thi làm chi? thi cho có tụ  hay theo phong trào chăng? Ừ, học hỏi, học hỏi, học… nữa, học… mãi…, rút kinh… nghiệm.

– À, ý ông ấy nói vẫn còn một số không kém, nên đi thi để kiếm giải… bên lề cho đỡ tủi, an ủi chút đó mà(!) 

* Hoang ngôn: “Cái ấn được làm theo ý của chúng tôi, không thể sao chép nguyên văn của vua Lê Thánh Tông được, vì nếu sao chép nguyên văn thì không khác gì chúng tôi làm giả ấn triện”.

* Tác giả: Ông Phạm Ngọc Thành – Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 05/02/2017

* Tựa đề: Tranh luận về dòng chữ trên ấn khai bút đầu xuân ở Quảng Ninh

* Trích đoạn nội dung: 

Hội Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh vừa phối hợp với UBND TP Hạ Long tổ chức Lễ khai bút, khai ấn đầu Xuân Đinh Dậu 2017 (ngày mùng 6 Tết).  Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, chiếc ấn dùng trong Lễ này có nhiều lỗi chính tả. 

Chuyên gia Hán Nôm, TS Nguyễn Tuấn Cường cho hay mặt ấn có khắc 6 chữ để đóng lên giấy phát cho công chúng đã sai 2 chữ quan trọng.  

Cụ thể cột chữ bên phải khai ấn “Hồng Đức hiệu” (洪德號), viết đúng phải là chữ Hồng (洪) với nghĩa “lớn”, thì lại khắc thành chữ Hồng (紅) với nghĩa “màu đỏ”. Cột chữ bên trái khai bút “Tao Đàn hội” (騷壇會) thì viết chữ Tao (騷) nghĩa là “phong nhã” thành chữ Tao (遭) có nghĩa “gặp gỡ”. Cả hai đều là lỗi sai đồng âm Hán Việt. Lỗi này thường do tra từ điển để viết chữ.    

Theo ông Cường, chữ xung quanh ấn cũng sai, ở thành ấn ghi 6 chữ “Hồng Đức hiệu Tao Đàn hội”. Tuy nhiên, chỉ đúng được chữ Hồng và vẫn tiếp tục sai chữ Tao. 

Về phía Ban tổ chức, ông Phạm Ngọc Thành (Chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Quảng Ninh) lại khẳng định ấn của Hội dùng trong dịp lễ vừa qua “là đúng”

“Cái ấn được làm theo ý của chúng tôi, không thể sao chép nguyên văn của vua Lê Thánh Tông được, vì nếu sao chép nguyên văn thì không khác gì chúng tôi làm giả ấn triện”, ông Thành nói.

Theo ông Thành, phát huy giá trị của tiền nhân thì phải chọn những gì tinh hoa nhất, chứ không phải sao chép nguyên văn. Mục đích của lễ hội nêu trên là phục vụ giới văn nghệ sĩ, chứ không phải phục vụ nhân dân nói chung, “trong lễ có việc đóng ấn trên tờ giấy được khai bút thì mới có ý nghĩa”.

Ông Thành giải thích thêm, chữ “Tao” ở mặt ấn có nghĩa gặp gỡ của những người văn chương đầu năm, còn chữ “Hồng” là cầu mong may mắn đầu năm. “Ở đây các chuyên gia lại hiểu sang một ý khác, nếu khắc Hồng Đức hiệu với nghĩa gốc trên ấn xưa thì lại thành của vua Lê Thánh Tông, làm sao chúng tôi dám làm cái ấn đó”, ông Thành nói…”

* Hình ảnh:

Một số chữ trên thành ấn cũng sai. Ảnh: Minh Cương/ VNE

* Các bình luận:

– Sao chép nửa vời rồi nhận của chúng tôi (?!)

– Theo ý của các ông thì sao các ông không tổ chức khai ấn của các ông, khai ấn Quảng Ninh, dành cho các nghệ sĩ của các ông, đừng dính dáng điều gì khác, mượn “Hồng Đức hiệu”, “Tao Đàn hội” làm gì?

– Vậy sao chép văn bản gốc, (chứng thực bản sao) là làm giả hết à? Sao không sao chép đúng rồi ghi chú, đây là phiên bản? Thậm chí sao chép khác kích thước, người ta đã hiểu đây là bản sao.

– Không phục vụ nhân dân, chỉ phục vụ nghệ sĩ thì muốn làm gì thì làm (?!)  

* Hoang ngôn: “Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu. Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”. 

* Tác giả: Ông Phan Đăng Long – phó trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

* Nguồn: BizLIVE, ngày 25/01/2015

* Tựa đề: “Đừng nghĩ cho bắn pháo hoa thường xuyên là… lãng phí”

* Trích đoạn nội dung:

Trước những ý kiến cho rằng đất nước ta còn nhiều khó khăn, tổ chức bắn pháo hoa thường xuyên là một sự lãng phí, ông Phan Đăng Long nói với BizLIVE: Nếu cứ quan niệm như vậy, thì đất nước sẽ không thể phát triển được… 

… Ông Long nhấn mạnh thêm, từ trước đến nay, thành phố cũng luôn chú trọng, quan tâm đến việc hỗ trợ và chăm lo cho cuộc sống của những người có hoàn cảnh khó khăn, tuy nhiên “khoản nào phải ra khoản đấy”.

“Bắn pháo hoa là phục vụ cho nhu cầu của toàn dân, chứ đâu phải chỉ để phục vụ người giàu. Biết đâu, những người nghèo họ cũng khao khát được xem bắn pháo hoa, những lúc thưởng thức bắn pháo hoa giúp họ quên đi cái nghèo, cái khó”, ông Long nói…

* Các bình luận:

– Vậy thì bắn mỗi ngày đi, dân ta nói mình giàu ngay, không có cái khó cái nghèo hiển hiện liền. Bắn ào ào, đất nước “phát triển” ngay(!)   

– Thưởng lãm pháo hoa nổ bùm bùm trong phút chốc sẽ… quên hết nghèo khó… cả năm. Nên bắn lắm, nên lắm(!)

– Bắn “gạo” lên trời, dân sẽ “no” nức bụng… bằng mắt. 

– Thêm một “sáng kiến” lừa dân độc… ác chứ không có chút độc đáo.

* Hoang ngôn hình ảnh:

Cụm từ “Lễ dâng hương cho học sinh giỏi thủ đô” gây sốc dư luận. Ảnh: Facebook Nguyễn Công Thành.

* Tác giả: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

* Nguồn: nguoiduatin.vn, ngày 01/01/2017

* Tựa đề: ‘Lễ dâng hương cho học sinh giỏi’: Thầy cô sai sao dạy được học sinh?

* Các bình luận:

– Văn hóa mới của sở GD&ĐT Hà Nội.

– Trước khi thi, các bạn học sinh giỏi… phải chết (!)

– “Kính… trò giỏi”, trọng… chữ (viết bậy) (!)

* Hoang ngôn: Trong cả nước đã có rất nhiều tỉnh có quảng trường, tượng đài, Sơn La là chưa có cũng là thiệt thòi cho chúng tôi“. 

* Tác giả: ông Cầm Ngọc Minh – chủ tịch UBND tỉnh Sơn La

* Nguồn: Báo điện tử Soha News, ngày 06/08/2015

* Tựa đề: Chủ tịch tỉnh Sơn La: “Chưa có tượng đài là thiệt thòi cho chúng tôi”

* Trích đoạn nội dung:

Tại buổi phỏng vấn, vị Chủ tịch UBND tỉnh Sơn La cũng tái khẳng định quan điểm của tỉnh, là sẽ cân đối trên tinh thần tiết kiệm nhất về quy mô cũng như kinh phí cho đề án này.

… Trong cả nước đã có rất nhiều tỉnh có quảng trường, tượng đài, Sơn La là chưa có cũng là thiệt thòi cho chúng tôi. Con số 1.400 tỷ mới chỉ là con số khái toán, chưa phải là con số cuối cùng của đề án này…”

* Các bình luận:

– Không xây, chúng tôi không ăn được, thiệt thòi lắm.

– Nơi nơi đua xây tượng đài, đua lập lỷ lục, cũng là đua đục khoét.

– Dân chúng ngắm tượng đài… quên đói, quên nghèo.

– Tỉnh chuyên được cứu đói mà bỏ ra 1.400 tỷ, con số chưa dừng lại, con số này nuôi dân nguyên tỉnh cũng được vài năm.

– Bệnh viện, trường học, cơ sở hạ tầng không xây, máy móc sản xuất không đầu tư, dân vẫn cần cuốc cầm cày mà đua nhau xây tượng đài. Dân khổ dài dài, quan giàu lên trong phút chốc.

– Ăn theo tỉnh Sơn La ông Dương Trung Quốc, đại biểu Quốc hội có lẽ cung nhìn thấy được sự chia chác nên có hoang ngôn: “Không chỉ riêng Sơn La mà tỉnh nào cũng mong muốn xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là tình cảm, nguyện vọng chung. Chúng tôi cũng rất ủng hộ” (Ông Dương Trung Quốc nói gì về việc xây khu tượng đài 1.400 tỷ. Nguồn: Báo điện tử Soha, ngày 05/08/2015)

* Hoang ngôn:Không lấy ý kiến nhân dân, vì dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến?” 

* Tác giả: ông Kim Văn Ngoan Quýnh – phó giám đốc sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc

* Nguồn: Báo Kiến Thức, ngày 01/01/2016

* Tựa đề: Điểm lại những câu nói gây sốc của các bộ trưởng, quan chức 2015

* Trích đoạn nội dung:

“Phó giám đốc sở VH-TT&DL Vĩnh Phúc: Dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến

Xung quanh việc xây dựng Văn Miếu gần 300 tỷ ở TP Vĩnh Yên khiến dư luận băn khoăn, ngày 9/6, trả lời phỏng vấn báo Infonet về nguồn vốn xây dựng công trình văn hóa Văn Miếu là 100% tiền ngân sách của tỉnh, tức lấy từ tiến thuế của người dân, vậy trước khi tiến hành xây dựng sở Văn hóa có tham khảo ý kiến của nhân dân không – Vị phó giám đốc Sở giãi bày: “Không lấy ý kiến nhân dân, vì dân có ai biết đâu mà lấy ý kiến?”

* Các bình luận:

– Dân là dân ngu, dân đen, biết đóng thuế thôi nhé (!)

– Dân ngu lắm, nhưng chỉ cần số lẻ, một phần vài mươi của các ông, dân xây còn đẹp hơn, đúng hơn, to hơn, nhanh hơn các ông quan “đại tài”.

– Dân có ai biết ăn đâu mà lấy ý kiến.  

* Hoang ngôn hình ảnh:

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tĩnh tặng tranh cho Hội người mù. Ảnh: Báo Hà Tĩnh

* Tác giả: Ông Nguyễn Thanh Bình – bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh

* Nguồn: Báo điện tử Soha News, ngày 07/08/2015

* Tựa đề: Vụ tặng tranh cho người mù: Tôi thấy tổn thương vì dư luận 

* Các bình luận:

– Ngắm bức tranh sẽ… “sáng mắt sáng lòng”(!)

– Viết thành câu chuyện, in sách nổi khó quá, thôi tặng tranh “chìm” cho xong, cho dễ.

– Nên tặng thêm một người nữa để… thuyết minh tranh.

– Tặng thầy tu cái lược. 

* Hoang ngôn: “Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn”.

* Tác giả: Ông Hoàng Trung Hải  – bí thư thành ủy Hà Nội

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 24/02/2016

* Tựa đề: ​Thà nghèo nhưng yên bình còn hơn giàu mà không an toàn

* Trích đoạn nội dung:

“Ông Hải nói: “Nếu phát triển môi trường đầu tư, du lịch, nông nghiệp mà không bảo đảm được môi trường xã hội, tội phạm đầy ra, người dân không dám ra đường thì cũng vứt đi”.

Theo ông Hải, với nhiệm vụ tăng cường quốc phòng an ninh và trật tự an toàn xã hội, vai trò của cấp ủy Đảng, của lực lượng vũ trang là rất quan trọng. ‘Thà là sống nghèo nhưng công bằng và yên bình còn hơn là cuộc sống giàu mà bon chen, không an toàn’ – ông Hải nói…”

* Các bình luận:

– Sống theo thời đồ đá đi, chứ phát triển làm chi(?!)

– Vậy giàu là không bình yên? không an toàn? và phải bon chen mới giàu? Các nước giàu thì không an toàn, sao người giàu và hầu hết các quan chức lại gởi con cái qua đó học hành, đẩy con cái vào chỗ chết à?

– “Bần cùng sinh đạo tặc”, không thể phủ nhận thành ngữ đã truyền qua bao đời, nghèo là một trong số những nguyên nhân gây bất ổn, ông làm tới bí thư mà không hiểu sao?

– Vậy nay người ta xây những khu chung cư sang trọng, những khu biệt thự tráng lệ, những khu này chỉ dành cho giới giàu có, đi kèm với nó là dịch vụ bảo đảm an ninh. Họ quảng cáo láo chăng? trong đây phải bất ổn, phải bon chen lắm chăng? Và dân giàu ngu lắm nên mua trong này chăng?

* Hoang ngôn: “Tôi cũng đặt ra mục tiêu kiếm 18,2 triệu USD (383 tỷ đồng) cho VFF và sẽ tìm các nhà tài trợ để đáp ứng được mục tiêu này”.

* Tác giả: ông Lê Hùng Dũng – chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam

* Nguồn: báo Kiến Thức, ngày 16/02/1014

* Tựa đề: Những phát ngôn gây sốc của quan chức năm 2014

* Trích đoạn nội dung:

Ngay sau khi trúng cử chức Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) vào ngày 25/3/2014, ông Lê Hùng Dũng đã tuyên bố: ‘3 giải đấu quốc nội quan trọng nhất của bóng đá Việt Nam trong năm (V-League, cúp quốc gia, giải hạng Nhất) sẽ có 40 tỷ đồng.

Trong khi số tiền dự kiến kiếm được cho bóng đá Việt Nam vào khoảng trên 300 tỷ đồng. Con số này sẽ tăng thêm 15% mỗi năm’.

Ông Dũng nói tiếp: ‘Chúng tôi sẽ chuẩn bị những gì tốt nhất cho đội tuyển bóng đá nữ, cho mục tiêu giành vé dự VCK World Cup 2015 tại Canada. Đầu tư để đội tuyển U19 Việt Nam đạt đến đẳng cấp cao, và giành vé tham dự VCK giải U20 thế giới vào năm sau. Tôi cũng đặt ra mục tiêu kiếm 18,2 triệu USD (383 tỷ đồng) cho VFF và sẽ tìm các nhà tài trợ để đáp ứng được mục tiêu này’.

Con số 383 tỷ mà ông Lê Hùng Dũng đưa ra đã khiến dư luận trong nước và quốc tế phải giật mình. Thậm chí ngay trong ngày hôm đó, Liên đoàn bóng đá Đông Nam Á (AFF) cũng đăng 1 bài báo chi tiết trên trang chủ về mục tiêu kiếm tiền của tân chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng...”

* Các bình luận:

– Ông ta sanh ra ở Trảng Bom, lớn lên ở kho đạn Long Bình.

– Quẩn quanh ở ao làng Đông Nam Á, bóng đá Việt nam còn chưa lên ngôi. Toàn nói chuyện to tát.

– Người ta gọi đi coi Võ Lít – V-Leagua (Giải Bóng đá vô địch quốc gia VN) chứ có đi coi bóng đá đâu.

* Hoang ngôn: Chúng tôi không mất đoàn kết…

* Tác giả: Ông Nguyễn Xuân Gụ – Phó Chủ tịch phụ trách truyền thông của VFF

* Nguồn: Zing, ngày 22/01/2016

* Tựa đề: VFF không mất đoàn kết nhưng thiếu những người phản biện

* Trích đoạn nội dung:

Chiều 22/1, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF) đã tổ chức cuộc gặp gỡ với báo chí tại TP HCM…

… Sau khi tiết lộ nhiều bí mật nội bộ không hay tại hội nghị triển khai công tác năm 2016 của Tổng cục TDTT, ông Gụ vẫn khẳng định: “Chúng tôi không mất đoàn kết, nhưng trong công việc cần có những người phản biện. Khổ nỗi người lãnh đạo nghe phản biện lại không sướng bằng nghe những lời dạ, vâng. Nó giống như diễn viên tuồng vậy, chẳng để làm gì cả. Tôi không phải là người như thế. Những người phản biện như tôi và anh Đức (Đoàn Nguyên Đức – pv) lại không có nhiều.”

Tại hội nghị sáng 14/1, ông Gụ cho biết ông và bầu Đức không biết lương của 2 HLV ngoại, ám chỉ Chủ tịch Lê Hùng Dũng và Phó chủ tịch Trần Quốc Tuấn chi phối hoạt động của VFF; tiết lộ việc VFF khó khăn về kinh phí,… Những thông tin này đã gây nên phản ứng trái chiều, cho thấy trong hàng ngũ lãnh đạo cơ quan điều hành bóng đá lớn nhất Việt Nam có những mâu thuẫn nghiêm trọng.

Mọi chuyện trở nên căng thẳng khi ông Trần Anh Tú, Ủy viên thường trực ban chấp hành VFF, ‘đăng đàn’ đáp trả. Ông Tú tiết lộ việc ông Gụ bảo VFF khó khăn về kinh phí là bởi nhắn tin xin tiền ông Dũng nhưng bị từ chối khéo. Ông cũng cho rằng ông Gụ chưa đóng góp gì kể từ ngày phụ trách truyền thông và những ý kiến vừa qua chẳng khác gì giết chết VFF...”

* Các bình luận:

– Có đâu mà mất.

– Mâu thuẫn nghiêm trọng thôi chứ không mất đoàn kết.

– Lên án, chửi bới cá nhên thôi chứ vẫn “nắm tay, thân mật”lắm à(!)

– Người miền Tây nói, ông này uống gụ (rượu) nhiều quá, nói có mùi gụ. Ông Tú (đợi… tới phiên mình) cũng không thua gì.

* Hoang ngôn: Trước đây tôi đọc thì tôi chưa nghĩ, chưa biết ngọn núi Ngũ Hành. Bây giờ xem phim ‘Tôn Ngộ Không’ thì tôi hình dung cũng có thể trước đây – cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè ở trong ngọn núi Ngũ Hành ở Ngũ Hành Sơn”.

* Tác giả: Ông Võ Văn Thương – Đại biểu HĐND TP Đà nẵng

* Nguồn: Báo Lao Động, ngày 11/07/2015

* Tựa đề: Tôn Ngộ Không bị núi đè ở Đà Nẵng

* Trích đoạn nội dung:

Trước đây tôi đọc thì tôi chưa nghĩ, chưa biết ngọn núi Ngũ Hành. Bây giờ xem phim ‘Tôn Ngộ Không’ thì tôi hình dung cũng có thể trước đây – cách đây hơn 500 năm Tề Thiên Đại Thánh có khi bị đè ở trong ngọn núi Ngũ Hành ở Ngũ Hành Sơn”. Đây không phải là câu nói đùa cho vui bên quán rượu, mà là phát biểu của đại biểu Võ Văn Thương tại buổi chất vấn kỳ họp lần thứ 14 HĐND TP.Đà Nẵng khóa VIII (nhiệm kỳ 2011-2016) vào sáng 9.7. 

Phát biểu của ông rất nhiệt huyết, chân thành, thật thà, cùng với sáng kiến đề xuất truyền thuyết hóa chuyện Tề Thiên Đại Thánh trong truyện của Ngô Thừa Ân bị đè ở Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) để thu hút du khách Trung Quốc… 

… Hồn nhiên hơn, đại biểu Võ Văn Thương quả quyết: ‘Tôi biết tác phẩm Ngô Thừa Ân viết cách đây 500 năm, mà 5 ngọn núi Ngũ Hành Sơn của chúng ta có thể là lâu hơn tác phẩm của Ngô Thừa Ân nữa’.”

* Các bình luận:

–  Không hồn nhiên, không ấu trĩ, đâu phải là đại biểu HĐND, đại biểu Quốc hội.

– Sơ đẳng vậy cũng không biết, núi có từ đời nào đem so với 500 năm.

– Người ta nghe khách Trung Quốc là muốn chạy dài, ông còn thu hút.

– Muốn Việt Nam thuộc tiếp Trung Quốc hay sao?

* Hoang ngôn: Tôi không quan tâm đến thông tin trên báo về việc Lý Nhã Kỳ ‘khoe của’. Tôi chỉ quan tâm đến những việc cô ấy đã làm với vai trò là đại sứ du lịch”.

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Tình – Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế

* Nguồn: Người Đưa Tin, ngày 14/03/2013

* Tựa đề: Mặc kệ chuyện đại sứ du lịch “khoe của” gây sốc

* Trích đoạn nội dung:

“… Tại cuộc họp đã có ý kiến thắc mắc về việc ứng viên Lý Nhã Kỳ thường có phát ngôn gây sốc, “khoe của”… không phù hợp với tư cách đại sứ du lịch, ông Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, trả lời: “Tôi không quan tâm đến thông tin trên báo về việc Lý Nhã Kỳ “khoe của”. Tôi chỉ quan tâm đến những việc cô ấy đã làm với vai trò là đại sứ du lịch”. Về những phát ngôn gây sốc của Lý Nhã Kỳ, ông Tình cho rằng đó là hành động cá nhân, Lý Nhã Kỳ phải tự chịu trách nhiệm còn Cục chỉ đánh giá cô thông qua những hành động cụ thể cô đã làm cho ngành văn hóa, du lịch nước nhà…”

* Các bình luận:

– Nghe cục là nghe có mùi.

– Không quan tâm hẳn là một người vô tâm, chỉ quan tâm lợi lộc của mình, mặc xác tất cả.

– Vậy nói và cần tới đạo đức, tư cách cá nhân để làm gì? Cá nhân làm bậy làm bạ cũng được làm đại sứ du lịch, quảng bá ra cả thế giới?

* Hoang ngôn: “Tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời”.

* Tác giả: Ông Hoàng Tuấn Anh – Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 17/11/2015

* Tựa đề: Ngày chất vấn của những phát ngôn ấn tượng

* Trích đoạn nội dung:

‘Trách nhiệm sẽ được chuyển cho người kế tiếp’ – Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh trả lời chất vấn về trách nhiệm cá nhân trước bất cập của ngành du lịch khiến hội trường ồ lên.

Theo Bộ trưởng Anh, trước đây Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đặt câu hỏi là bao giờ du lịch Việt Nam bằng Thái Lan, Malaysia, Singapore, ‘tôi bỏ ngỏ, để cho nhiệm kỳ tiếp theo trả lời’.

Nói tới ấn tượng của sản phẩm du lịch Việt Nam ra thế giới, ông Anh cho hay: ‘Đi ra quốc tế thì món phở và nón lá của Việt Nam nổi tiếng. Nón lá của chúng ta tại Hội chợ triển lãm Italy là sản phẩm hấp dẫn xếp thứ tư’.

Người đứng đầu ngành văn hóa cũng làm hội trường cười vang trong phần mở đầu khi ông loay hoay bật micro và nói ‘quen mang thẻ’…”

* Các bình luận:

– Đơn giản một câu ngắn gọn thế thôi, xong là khỏe re.

– Cú “đá bóng” vào tương lai “tuyệt kỹ”.

– Có hai món ăn mày quá khứ của cha ông hoài, không biết ngán, không biết chán sao? Còn bao nhiêu món, bao nhiêu thứ sao không biết khai thác?

– Một ông bộ trưởng như vậy, bảo sao cả ngành nó không te tua. 

* Hoang ngôn: “Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn”.

* Tác giả: Ông Phạm Ngọc Dũng – Phó Trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, cục Phòng chống tệ nạn xã hội, bộ Lao động thương binh và xã hội

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 14/06/2013

* Tựa đề: Không phát hiện mại dâm ở Đồ Sơn, Quất Lâm

* Trích đoạn nội dung:

“Tại buổi tọa đàm về công tác phòng chống mại dâm và cai nghiện phục hồi tổ chức ngày 13/6, ông Phạm Ngọc Dũng (Phó trưởng phòng Chính sách phòng chống mại dâm, Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động thương binh và xã hội) cho biết, Cục đã nhiều lần chỉ đạo kiểm tra, đánh giá về tệ nạn mại dâm tại Đồ Sơn và Quất Lâm nhưng kết quả báo cáo của các địa phương đều khẳng định không phát hiện ra, chỉ có một vài trường hợp, không đáng kể.

Theo ông Dũng, muốn khẳng định có mại dâm hay không cần phải có chứng cứ. Quá trình kiểm tra thấy có các tiếp viên nhưng họ thường làm cho các cơ sở dịch vụ và có hợp đồng lao động nên rất khó xử lý. 

‘Vừa rồi, chúng tôi làm việc với Hải Phòng. Từ chính quyền thành phố đến địa phương đều khẳng định không có câu chuyện hoạt động mại dâm tại Đồ Sơn’, ông nói…”  

* Các bình luận:

– Báo cáo dành cho… con nít chưa biết đọc.

– “Quất Lâm quất láng quất luôn”, “Chưa đi chưa biết Đồ Sơn. Đi rồi mới biết mơn mơn gái gù” (gái ú, gái gù), người ta dựng lên những câu này để bôi nhọ chắc(?)

– Gái gú Quất Lâm, Đồ Sơn đâu có cô nào, chỉ chèo kéo giữa thanh thiên bạch nhật còn hơn bán hàng rong thôi.  

– Đi Quất Lâm, Đồ Sơn tìm mua hải sản còn khó hơn tìm cave mà bảo không có mống nào. Thậm chí không cần tìm, các “ẻm” tự tìm tới khoe hàng, giới thiệu. 

– Mấy ông các bộ bịt mắt đi kiểm tra, nhưng có lẽ không bịt bộ hạ đâu, lâng lâng sướng rân, rồi báo cáo nào có gì đâu, nào có chi đâu, để còn đi kiểm tra dài dài (!)

* Hoang ngôn: “Đặt chỉ tiêu xử phạt 500 lượt người bán dâm”

* Tác giả: UBND thành phố Hà Nội

* Nguồn: Báo Thanh Niên, ngày 13/02/2017

* Tựa đề chính: Hà Nội đặt chỉ tiêu xử phạt… 500 lượt người bán dâm

* Trích đoạn nội dung:

“UBND TP Hà Nội vừa ban hành kế hoạch phòng, chống mại dâm trên địa bàn TP Hà Nội năm 2017, đặt mục tiêu xóa 200 vụ án liên quan đến hoạt động mại dâm, xử phạt hành chính 500 lượt người bán dâm vi phạm…” 

* Các bình luận:

– Khuyến khích ít nhất phải có 500 lượt để phạt. Tréo cẳng ngỗng thật, chính sách đề ra luôn luôn cấm tiệt và báo cáo đâu bao giờ có những chuyện xấu.

– Tận kiếm tiền bổ sung ngân sách chứ.

– Không đề ra chỉ tiêu, cán bộ kiểm tra bỏ tiền túi riêng hết sao. 500 cho ngân sách cũng tàm tạm, con số dôi (không ít  đâu) thì chia nhau tư túi.

– Chỉ tiêu, thành thích là trên hết trong mọi lĩnh vực mà. Chỉ tiêu phạt của ngành giao thông, bắt trộm cướp, giựt dọc, ngành chống buôn lậu, ngành trật tự đô thị (lấn chiếm lòng lề đường, xây nhà không phép,…),… Không đủ thì tìm mọi cách cho đủ như tìm mọi lý do để phạt, không có tội biến thành có, và hơn thế nữa là làm lơ, xúi ngầm người ta phạm tội rồi phạt,… Người ta phòng không hết, đằng này lại lấy làm chỉ tiêu. Đạt chỉ tiêu là câu cửa miệng của báo cáo thành tích.

Thành ngữ hàm tiếu: Đạt thành tích xuất sắc (có từ rất lâu chứ không phải từ chỉ tiêu này).

* Hoang ngôn: “Nếu chỉ ví một bức ảnh từ năm 2005 mà đánh giá Chủ tịch UBND tình Hà Giang Nguyễn Trường Tô là sống buông thả thì chưa thỏa đáng”.

* Tác giả: Ông Trần Hải Dương – phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang

* Nguồn: Tin Tức Online, ngày 10/07/2010

* Tựa đề: ‘Kết luận của UBKTTƯ với ông Tô chưa thỏa đáng’

* Trích đoạn nội dung:

Nếu chỉ vì một bức ảnh từ năm 2005 mà đánh giá Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô là sống buông thả thì chưa thỏa đáng. Chứng cứ mà Ủy ban Kiểm tra trung ương đưa ra là chưa rõ ràng, chưa thuyết phục…

Phó chánh văn phòng UBND tỉnh Hà Giang Trần Hải Dương trao đồi với báo chí ngày 9/7, xung quanh việc Ủy ban Kiểm tra trung ương đề nghị các cơ quan có thẩm quyền cách hết các chức vụ trong Đảng, bãi nhiệm đại biểu HĐND, cách chức Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đối với ông Nguyễn Trường Tô vì ‘sống buông thả, quan hệ không lành mạnh’…

* Các bình luận:

– Một trăm tấm ảnh mới thỏa đáng chăng (?) (ảnh khỏa thân nhé)

– Phó chánh văn phòng bợ đỡ sếp dữ thật.

– Như thế này còn chối leo lẻo: 

“Theo nguồn tin của Pháp Luật TP.HCM, vào ngày 22-11-2006, Công an thị xã Hà Giang bắt quả tang Nguyễn Thị Dung đang bán dâm cho khách tại một khách sạn ở phường Minh Khai, thị xã Hà Giang. Sau đó, vụ mua bán dâm này được xử lý hành chính theo quy định. 

Tuy nhiên, kiểm tra máy điện thoại di động thu giữ của Dung, Công an thị xã Hà Giang phát hiện có nhiều cuộc gọi, tin nhắn từ số máy của ông Tô, đặc biệt trong máy còn lưu một số hình ảnh của ông Tô đang khỏa thân nằm trên giường. Dung khai nhận sau khi hai người quan hệ xong, ông Tô đã nằm ngủ trong tình trạng không mặc quần áo và Dung đã dùng điện thoại chụp những bức ảnh này. 

Sau đó vụ việc đã được báo cáo lên lãnh đạo Công an tỉnh Hà Giang và bí thư Tỉnh ủy Hà Giang. Tuy nhiên, vụ việc này đã bị “chìm xuồng” cho đến khi UBKT TW phát hiện.  

Nguồn tin từ UBKT TW cho biết trong bản tự kiểm điểm, chủ tịch Tô đã thừa nhận mình chính là người đàn ông trong bốn bức ảnh lưu trong máy điện thoại của Dung.  

Thực tế, không chỉ liên quan đến vụ việc trên, trong vụ án hiệu trưởng Sầm Đức Xương mua dâm học sinh, hai bị cáo Nguyễn Thúy Hằng (19 tuổi), Nguyễn Thị Thanh Thúy (18 tuổi) đã có đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng. Trong đó, hai bị cáo khẳng định ngoài ông hiệu trưởng Sầm Đức Xương còn có ông Nguyễn Trường Tô và một số cán bộ của tỉnh Hà Giang đã có quan hệ tình dục và trả tiền cho hai bị cáo này…” (Chủ tịch Hà Giang thừa nhận ảnh khỏa thân là của mình – Nguồn: Báo Pháp Luật TPHCM, ngày 07/07/2010)

* Hoang ngôn: “Nhiều người đang đi làm ở các doanh nghiệp địa phương, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang. Bộ sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề”.

* Tác giả: Bà Phạm Thị Hải Chuyền – bộ trưởng bộ Lao động, Thương binh – Xã hội

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ, ngày 19/11/2014

* Tựa đề: “Cất bằng đại học làm công nhân cũng là việc làm”

* Trích đoạn nội dung:

“… Về con số 174.000 sinh viên ra trường không có việc làm, Bộ trưởng cho biết dự báo nhu cầu nguồn nhân lực đã được cập nhật qua từng thời kỳ.

Tuy nhiên, trong những năm này, tình hình kinh tế xã hội gặo nhiều khó khăn, vài trăm ngàn doanh nghiệp phá sản, giải thể. Nếu không có tình trạng này, họ nhất định sẽ có việc làm. Bộ trưởng cũng cho rằng không phải 174.000 người này đang ngồi chơi mà họ vẫn đang tìm việc làm để sống, nói thất nghiệp chỉ là không làm đúng ngành nghề đào tạo. 

Nhiều người đang đi làm ở các doanh nghiệp địa phương, cất bằng đại học làm công nhân thì cũng là việc làm. Đã đi làm, bất cứ việc gì cũng là vinh quang. Bộ sẽ cố gắng làm hết trách nhiệm để họ được làm đúng ngành nghề…”

* Các bình luận:

– Lao động là vinh quang, lang thang thì chết đói, chẳng ai cứu nỗi, nên cất bằng đi làm công nhân thôi.

– 174.000 người ra trường không có việc đúng ngành nghề, tự kiếm việc khác để sinh tồn, vậy là không thất nghiệp(?!) Đi học làm gì cho tốn công tốn của?   

– “Nếu không có tình trạng này, họ nhất định sẽ có việc làm.” Đúng là bà trớt con ông quớt. 

– Nói lòng vòng, không dám nhìn nhận sự thật để tìm ra phương án giải quyết. Ừ, cứ mặc người lao động thôi, mặc dân tự tìm đường lèo lái thôi.

* Hoang ngôn: “Dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là ‘đã có việc làm”. “Người Việt Nam thì không bao giờ ngồi để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm”.

* Tác giả: Bà Nguyễn Thị Hải Vân – cục trưởng cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH)

* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 01/09/2016

* Tựa đề: ‘Ngư dân rời biển đi khuân vác là không thất nghiệp’

* Trích đoạn nội dung:

Là người thay mặt Bộ LĐ-TB-XH đánh giá tình hình và góp ý kiến xây dựng đề án ‘Xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường’ sau vụ việc của Formosa, bà Nguyễn Thị Hải Vân – Cục trưởng Cục Việc làm (Bộ LĐ-TB-XH) cho rằng người dân thất nghiệp không nhiều, thiệt hại vừa phải.  

Dư luận cho rằng phát ngôn trên của bà Cục trưởng Cục Việc làm là vô cảm với nỗi đau, cái khó của người dân các tỉnh miền Trung.  

Khẳng định mình “không vô cảm” khi nói như vậy, Cục trưởng Cục Việc làm lập luận dù ngư dân phải bỏ đi làm phu khuân vác thì tức là “đã có việc làm”.  

“Họ không phải thất nghiệp bởi vì họ vẫn có việc làm, nhưng thu nhập của họ bị giảm đi thì mình cũng phải hỗ trợ cho họ”, bà Vân nói…  

… “Trước sự cố, (tỉ lệ thất nghiệp ở) tỉnh Thừa Thiên-Huế là 3,3%, sau sự cố là 5,5%; Quảng Trị trước sự cố là 2,5% sau sự cố là 7,0%; Quảng Bình ảnh hưởng nhiều nhất thì trước sự cố là 2,1%, sau sự cố là khoảng 16,4%. Đó là những số liệu có thể chưa hoàn toàn chính xác nhưng đấy là con số phản ánh ảnh hưởng của sự cố nhưng thất nghiệp không nhiều”.  

Nhiều tờ báo dẫn lời bà Vân và cho biết tỉ lệ thất nghiệp không cao do người Việt “không bao giờ chịu ngồi yên”.  

“Người Việt Nam thì không bao giờ ngồi để chờ người khác mang lại việc làm và thu nhập cho mình cho nên sau sự cố là họ vẫn đi tìm kiếm việc làm”.  

Cũng theo Cục trưởng Cục Việc làm, khảo sát cho thấy, thu nhập của người dân cũng bị ảnh hưởng vừa phải.   

Dẫn ví dụ bà Vân nói: “Ở Thừa Thiên-Huế, nghề khai thác thủy sản thì chênh lệch trước và sau sự cố khoảng 4,5 triệu; nuôi trồng thủy sản khoảng 6 triệu; diêm nghiệp 6 triệu; chế biến thủy sản khoảng 3 triệu; bán buôn bán lẻ, hậu cần nghề cá khoảng 3 triệu… ”.   

Theo bà Vân,  số liệu trên là do người dân khai báo, rất đáng tin cậy…”

* Các bình luận:

– Thêm một cục c., góp cho danh sách nó phong phú, đa dạng và… đạt chỉ tiêu toàn cục. 

– Ý bà ta là đi ăn xin, bi bới rác tìm đồ phế thải cũng là việc làm.

– Cá chết trắng, ngành dịch vụ chết trắng theo mà nói không nhiều, cái lưỡi không xương, có dám trưng ra tên tuổi người dân khai báo không mà dám nói đáng tin cậy?

– Chạy tội để khỏi đền bù.

– Bà ta không vô cảm, có cảm xúc đâu mà vô với không. 

– Mất kế sinh nhai bấy lâu nay, nhà nước vô cảm, ngư dân phải tự đi kiếm cách cứu mình chứ ngồi đó chờ chết à. Vậy là không thất nghiệp, quá “tuyệt”. 

– Ý bà ấy nên xuất khẩu làm đĩ, làm vợ, làm tôi mọi,… 

* Hoang ngôn: “Nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất”.

* Tác giả: PGS.TS Nguyễn Văn Nam – Cựu Viện trưởng viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương)

* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 06/11/2014

* Tựa đề: ‘Xuất khẩu’ giáo sư, tiến sĩ: Tại sao không?

* Trích đoạn nội dung:

Theo một số liệu thống kê năm 2013 – 2014, cả nước có khoảng 9.000 giáo sư và 24.300 tiến sĩ. Bởi số giáo sư, tiến sĩ Việt Nam “nhiều nhất Đông Nam Á” như chia sẻ của Phó Tổng thư ký liên hiệp Các hội khoa học kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) Phạm Bích San nên có nhiều ý kiến đề xuất rằng nên “xuất khẩu” một phần đội ngũ này ra nước ngoài học tập và làm việc.

PGS.TS Nguyễn Văn Nam, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công thương) cho rằng, hiện Việt Nam đã có đưa nhiều nông dân sang các nước vừa để hỗ trợ nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa vừa nâng cao thu nhập cho bản thân. Tương tự, cũng có nhiều nhà khoa học ra nước ngoài làm việc và mang lại danh tiếng cho Việt Nam. Đặc biệt, đội ngũ giáo sư, tiến sĩ (GS, TS) Việt Nam đang thừa một cách tương đối, có một tỷ lệ lớn được đào tạo không chuẩn, thiên về lý thuyết, chất lượng dưới mức trung bình so với quốc tế.  

Bởi vậy, theo PGS.TS Nguyễn Văn Nam: “Ở Việt Nam cứ nói rất hay, rồng bay phượng múa về chính sách sử dụng nguồn nhân lực nhưng làm lại rất dở vì nó không hề cụ thể, cứ nói nguyên tắc, nguyên lý thế thôi. Nếu xuất khẩu được GS, TS thì cứ xuất, ai có khả năng chuyên môn mà nước ngoài sử dụng được thì nên tạo điều kiện cho họ đi. Đi làm cũng là đi học, để họ ra nước ngoài là giúp họ phát huy năng lực, tạo ra thu nhập tốt hơn, từ đó có tác động trở lại đối với các cơ quan quản lý trong nước, để cơ quan quản lý thấy rằng họ cầm vàng trong tay mà không biết là vàng, từ đó phải thay đổi chính sách...”

* Các bình luận:

– Thừa mứa, đi đụng đầu chứ tương đối cái gì. Xuất khẩu hết cho đỡ chật đất. Có nỗi cái sáng kiến nào ra hồn đâu. Chỉ mang danh, hám danh.

– Nông dân là ngon lành. Giáo sư, tiến sĩ thì phải ngon… ư, hổng dám đâu,… thì phải coi lại. 

– Xuất đi đâu? Nơi đâu họ nhận, ngoài hành tinh chăng?

– Xuất khẩu qua làm công nhân là cái chắc. Giáo sư, tiến sĩ giấy, bằng dỏm, bằng giả, bằng mua đầy ra thì làm được gì, học hỏi được gì, phát huy năng lực khỉ gió gì.

– Vàng này thuộc vàng… dẻo, mấy ông đang cầm cả đống vàng dẻo, thối rùm, thối hoắc luôn.

– Nước thuộc hạng nghèo nhất mà kỷ lục thì cao nhất về bằng cấp. Nhất thế giới luôn chớ chẳng chơi.

– Năm nào cũng cử đoàn đoàn, hết đoàn này đến đoàn khác, hết lĩnh vực này đến lĩnh vực khác ra nước ngoài học hỏi, sao không thay đổi chính sách? Phải nhờ tới xuất khẩu đám mang mớ bằng cấp… giấy lộn? Càng nói càng lòi ra cái ăn hại. 

– Lò ấp giáo sư tiến sĩ.

* Hoang ngôn: “Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”.

* Tác giả: Bà Ngô Thị Thanh Hằng – phó bí thư thành ủy Hà Nội

* Nguồn: Báo Đất Việt, ngày 01/03/2016

* Tựa đề: Tinh giản biên chế: Hà Nội quá chậm chạp, viện lý do

* Trích đoạn nội dung:

Nói riêng về kết quả tinh giản biên chế của Hà Nội là 20 người. Ngoài ra còn có 57 cán bộ chủ chốt các quận, huyện, thị xã thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý đã tình nguyện nghỉ khi không đủ 30 tháng tái cử.

Theo giải thích của Phó bí thư Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, tính tổng con số tinh giản Hà Nội tinh giản được nhiều hơn con số 20. Bà Hằng cũng nêu lên một số khó khăn trong quá trình tinh giản. Cụ thể, theo bà Hằng nếu căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ.  

Thứ trưởng Bộ Nội vụ – Trần Anh Tuấn thẳng thắn cho biết: ‘Hà Nội là một trong số các địa phương có con số tinh giản thấp nhất trong cả nước. Nhiều địa phương khác đã làm rất tốt, trong khi Hà Nội còn quá chậm chạp, không có nhiều chuyển biến’...”

* Các bình luận:

– Là thạc sĩ, tiến sĩ thì khỏe nha, không sợ tinh giản.

– Ô! “vinh dự” cho đất nước ta quá, từ cấp thấp của địa hương đã được sự lãnh đạo “tài tình” của các thạc sĩ, tiến sĩ. Tại sao để họ nghỉ? nên tăng thêm chứ, để mau chóng sánh bằng… Lào, Campuchia chứ(!)

– Hà Nội… không vội được đâu. Mua quan bán chức hết làm sao tinh giản?

– Nói một đàng làm một nẻo. Đây này: “Minh chứng càng tinh giản biên chế, bộ máy càng phình to” Ngày 27/5, Đoàn giám sát của Quốc hội họp phiên thứ hai, nghe Chính phủ báo cáo và giải trình việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2016. Đánh giá về việc thực hiện tinh giản biên chế, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Trưởng đoàn giám sát bày tỏ lo ngại khi biên chế tăng 20.400 người, bằng 0,57% chứ không phải giảm như đã đề ra từ nay đến 2021 giảm 10% (mỗi năm giảm từ 1 – 2%). (Nguồn báo Đất Việt, ngày 28/05/2017).

* Hoang ngôn: “Chúng tôi nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, đến vùng này tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn”.

* Tác giả: Ông Giàng Seo Phử – bộ trưởng chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 13/06/2014

* Tựa đề: Các vị bộ trưởng đang đứng ở đâu?

* Trích đoạn nội dung:

Bộ trưởng Giàng Seo Phử nói thế này: ‘Chúng tôi nghiên cứu đồng bằng sông Cửu Long, đến vùng này tôi thấy tình hình đi làm thuê và bán vé số rất phổ biến nhưng có thu nhập cao, họ đủ trang trải cho một ngày ăn…

Đối với đồng bằng sông Cửu Long những nghề như thế có được công nhận là một nghề không? Tôi gọi là nghề làm thuê, có thu nhập thì được công nhận là vấn đề xóa đói, giảm nghèo có được không? Bán vé số tôi cho là có thu nhập cao, đóng góp cho ngân sách nhà nước rất cao, chúng ta cần phải nghiên cứu tiếp vấn đề này’..”

* Các bình luận:

– Tôi là người bán vé số, tôi nghe, tôi ‘quá xúc động’, không chỉ trào nước mắt mà còn… trào máu họng (!) Không những tôi, nhiều đồng nghiệp tôi cũng vậy, rất là ‘cảm động, cảm kích’ sự quan tâm của ông, đây, đây, em bé không nói nên lời đây, ‘thưa’ ông bộ trưởng: 

Ảnh: internet

– Một trong những nghề bần cùng nhất, người ta thường lấy ra đe dọa con cháu, không học hành có mà đi bán vé số, đi lượm rác, nay nghe “bộ óc vĩ đại” nói “tuyệt vời” quá(!) Hết là nghề bần cùng rồi, được công nhận là nghề thôi. Mừng lắm thay, bà con nên chuyển nghề đi bán vé số. Cả miền Tây là làng nghề bán vé số, thiên hạ tới tham quan làng nghề nhé.

– Thu nhập cao là… trang trải đủ ăn mỗi ngày. Một khái niệm “tuyệt đỉnh” của ông bộ trưởng mình ầy huy chương.

Ông Giàng Seo Phử “huy chương và vé số”. Ảnh: internet

© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây