12.000 tỷ với 9.000 tiến sỹ trong thời đại toàn cầu hóa

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức

2-12-2017

Gắn mác Tiến sĩ, Thạc sĩ để lấy “oai” với thiên hạ. Nguồn: báo TT

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 đã đồng ý duy trì một phần kinh phí để đào tạo tiến sĩ tiếp đề án 911 (đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ cho các trường đại học, cao đẳng giai đoạn 2010-2020 với khoảng 10.000 tiến sĩ tại các trường đại học có uy tín trên thế giới, khoảng 3.000 tiến sĩ theo hình thức phối hợp, liên kết trong ngoài nước, 10.000 tiến sĩ trong nước).

Theo Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ (lược trích Vietnamnet), mục tiêu đề án 8 năm giai đoạn 2018-2025 là sử dụng 12.000 tỷ đồng để đào tạo thêm 9.000 tiến sĩ, trong đó có 5000 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài. Cơ chế khác trước đây: Đào tạo tiến sĩ phải gắn với sử dụng. Cơ sở nào có nhu cầu sử dụng tiến sĩ thì mới được đào tạo. Nhà nước hỗ trợ, nếu người đi học đáp ứng các tiêu chuẩn, yêu cầu, sẽ được cấp học bổng toàn phần hoặc một phần, mở rộng cho mọi đối tượng không phân biệt công lập hay tư thục.

*Mối quan hệ giữa học vị tiến sỹ và nghề nghiệp họ

Tiến sĩ nước nào thì cũng chỉ là một học vị, tức kết qủa đào tạo tác động qua lại giữa nhà trường và nghiên cứu sinh ngoại trừ “tiến sỹ danh dự“ do luật về giáo dục và đào tạo nước đó điều chỉnh. Số lượng tiến sỹ ra trường tại 1 thời điểm nào đó là kết quả quan hệ giữa “cung“ (do nhà trường cấp học vị đó) và “cầu“ (do nhu cầu người học muốn có học vị đó), được hiểu là “điểm cân bằng cung cầu“ tại thời điểm đó.

Ra trường, họ có quyền hiến định được tự do mưu sinh, chọn lựa nghề nghiệp và chỗ làm, không thể buộc họ phải hành nghề được đào tạo ban đầu (giảng dạy tại các trường đại học hoặc làm việc ở công sở tổ chức doanh nghiệp trong hay ngoài nước đều do mối tương quan giữa lợi ích của cả bên thuê việc lẫn bên nhận việc quyết định). Đến như nghề điều dưỡng ở Đức hiện thiếu nhân lực trầm trọng tuyển sinh từ Việt Nam sang học để sau đó ở lại làm việc cũng chỉ có thể ký được hợp đồng lao động ba, bốn năm, còn sau đó làm tiếp hay đổi nghề là quyền của họ, thậm chí đang học họ bỏ dở hay cưới vợ chồng Đức rồi đoàn tụ tìm việc khác cũng đành phải chấp nhận, vì đó là quyền hôn nhân và gia đình được hiến pháp bảo đảm. Do đó số lượng tiến sỹ làm việc ở các trường viện tại một thời điểm là kết qủa, điểm cân bằng giữa “cung“ (số tiến sỹ tìm được việc trên thị trường lao động) và “cầu“ (số lượng tiến sỹ do “chủ thuê việc“, đặc biệt viện, trường đại học thuê tại thời điểm đó).

Như vậy số lượng tiến sỹ làm việc đúng chuyên môn (chủ yếu trong viện, trường, cơ quan quản lý liên quan) là kết qủa hai mối quan hệ, điểm cân bằng cung cầu học vị tiến sỹ trên 2 thị trường đào tạo và lao động bậc cao tác động lẫn nhau (về mặt toán học có thể biễu diễn bằng đồ thị nguyên lý trên).

*Phân biệt quan hệ cung cầu theo mô hình kinh tế

Trong mô hình kinh tế quản lý tập trung nước ta theo đuổi trước đây, về mặt thể chế cả đào tạo lẫn sử dụng tiến sỹ đều được nhà nước kế hoạch hoá, dù học trong hay ngoài nước cũng phải chấp hành, nghĩa là nhà nước quyết định mối quan hệ cung cầu tiến sỹ trên cả thị trường đào tạo lẫn lao động. Đề án 911 và mục tiêu 12 nghìn tỷ đào tạo 9000 tiến sỹ trong 8 năm không có gì phải phản biện nếu lấy mô hình thể chế trên cả về lý do lẫn cơ chế đã nêu làm căn cứ thước đo.

Với mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nước ta trong thời đại toàn cầu hoá, hội nhập và di dân như vũ bão ngày nay, đề án 911 cho kết quả thực tế, dù chỉ tiêu kế hoạch đã xác định thì trong 5 năm triển khai (2012 – 2016) cũng chỉ đạt được khiêm tốn 800 tiến sỹ tốt nghiệp nước ngoài về nước. Sắp tới có 900 nghiên cứu sinh trúng tuyển nhưng cũng chỉ khoảng 400 người đang làm thủ tục cho niên khoá 2018 (trích PLO), còn sau khi hoàn thành tỷ lệ bao nhiêu trở về chưa thể khẳng định. Nếu lấy kết quả, thực tế trên làm căn cứ thước đo, thì để đạt được mục tiêu đề án đã định, cần tham khảo thực tế thế giới đang làm để có chính sách thích ứng, nếu không khó tránh khỏi bất khả thi. Có thể dẫn liệu từ nước Đức:

*Cầu học vị tiến sỹ ở Đức hình thành như thế nào?

“Cầu“ trong kinh tế học được hiểu “có khả năng thanh toán“ tức đo bằng số tiền chi cho nhu cầu đó. Để có bằng cấp đào tạo phải có qũy tài chính trang trải cuộc sống khi đi học, và học phí (ở Đức hầu như được miễn), do mình có hoặc được tài trợ, tức học bổng. Tổng hợp qũy đó cho cả nước trong một khoảng thời gian chính là “cầu“ về học vị tiến sỹ trong thời gian đó. Khác ta cấp học bổng tiến sỹ chỉ xuất phát từ  đề án 911 (nghĩa là không mang tính chế tài đối với nhà nước, tuỳ thuộc nhận thức và quyết định của cơ quan hành chính), học bổng ở họ được điều chỉnh bởi Luật hỗ trợ đào tạo giáo dục BAföG, gồm 68 Điều, dài trên 15.000 chữ, ban hành từ năm 1971, sửa đổi lần gần nhất mới đây ngày 29.3.2017, mang tính chế tài cơ quan hành chính nhà nước, vi phạm bị khiếu nại, viện đến toà án phán quyết, và thi hành án, tức hoàn toàn tự động không phụ thuộc người hành xử. Với Luật BAföG, học bổng được coi là quyền hưởng trợ cấp xã hội (tức nhà nước phải cấp, chứ không phải xin cho) với mục đích bảo đảm tài chính cho bất kỳ học sinh sinh viên nghiên cứu sinh nào dù gia đình hay bản thân thu nhập không có hoặc thấp, đều có quyền được đào tạo; đủ cho họ trang trải được chi phí cuộc sống cá nhân và người họ phải chu cấp, được hưởng tiêu chuẩn bảo hiểm xã hội (sức khoẻ, tai nạn, hưu trí sau này). Mức học bổng được lượng hoá, người đệ đơn có thể tự tính được, tùy thuộc vô số yếu tố: ngành nghề, trường, hệ, cấp học, thời gian đào tạo, khả năng tốt nghiệp, độ tuổi đối với từng cấp đào tạo, hoàn cảnh cá nhân gia đình (con nhỏ, thai sản, bệnh tật) trừ đi thu nhập cá nhân (làm thêm) và phần gia đình có khả năng chu cấp, tài sản có thể bán hiện có…). Học bổng mức tối đa đối với nghiên cứu sinh niên học 2017 là 735 Euro/tháng, 1 nửa dưới dạng cho vay không lãi trả sau khi ra trường có việc làm với mức thu nhập vượt mức sống tối thiểu. Với Luật BAföG, nhu cầu có khả năng thanh toán về học vị tiến sỹ ở họ hầu như được bảo đảm cho bất kỳ ai đủ chuẩn kiến thức đều có thể làm luận án tiến sỹ (nghĩa là cầu không bị giới hạn), khác với ta đề án 911 ấn định số lượng tiến sỹ tức giới hạn trên (kinh tế học gọi đó là thị trường không đầy đủ hay không hoàn thiện).

*Kích “cầu“ tiến sỹ

Học bổng ở Đức không chỉ do nhà nước cấp mà còn có tới 2.300 tổ chức cơ quan doanh nghiệp cấp (tạm gọi “cơ quan tài trợ“) cho những người tài năng (tạm gọi học bổng ưu tiên), với tỷ lệ dành cho nghiên cứu sinh chiếm trên 20% cấp theo đề tài hoặc lĩnh vực. Nhờ vậy, học vị tiến sỹ họ được kích cầu không giới hạn. Bất kỳ ai tài năng đều có thể đệ đơn xin cấp kể cả người nước ngoài nếu cơ quan tài trợ chủ trương. Tên cơ quan tài trợ có thể tìm kiếm trên mạng và liên hệ với họ, sẽ có tới 10 đến 20 nơi chào học bổng thích hợp cho một đề tài hay một lĩnh vực mình muốn. Mức học bổng toàn phần thường 1.300 Euro/tháng, ngoài ra còn học bổng bán phần cho từng công đoạn chẳng hạn cho giai đoạn khảo sát tìm đề tài, giai đoạn in ấn, tham gia chuyên đề, đi lại… Ví dụ Quỹ học bổng của Hiệp hội công nghiệp hoá chất (Verband der Chemischen Industrie) hiện đang mời nghiên cứu sinh với mức học bổng 1600 Euro/tháng trong 2 năm (có thể gia hạn), điều kiện ứng viên phải tốt nghiệp đại học hoá thời gian học 5 năm, kết quả xuất sắc, dành cho tất cả công dân EU. Hay đại học tổng hợp Universität zu Lübeck cấp cho nghiên cứu sinh học bổng đi lại tham gia hội thảo, chuyên đề mức 500 Euro/tháng trong vòng 6 -18 tháng, điều kiện đã học đại học y, kết qủa xuất sắc. Hoặc Qũy học bổng Gerda Henkel Stiftung chào học bổng tiến sỹ cấp cho 2 đề tài “An ninh, xã hội và nhà nước“ hay “Hồi giáo, nhà nước dân tộc hiện đại và phong trào liên quốc gia“ mức  1400 Euro/tháng, trợ cấp con 500 Euro/2 con/tháng, phụ phí làm việc ở nước ngoài 350 Euro/tháng, điều kiện tốt nghiệp đại học điểm xuất sắc thấp nhất 1,5 điểm (điểm xuất sắc tuyệt đối 1,0), tuổi dưới 28. Còn nữa, kể cả sau khi tốt nghiệp tiến sỹ, sẽ được cấp học bổng qúa độ trong thời gian tìm việc tranh thủ nghiên cứu khoa học, như trường Đại học Tổng hợp Posdam cấp học bổng cho phụ nữ thoả mãn điều kiện trên, mức 1.300 Euro/tháng, trợ cấp con 160 Euro/tháng trong vòng 6 tháng, với điều kiện bảo vệ luận án xuất sắc.

Kết quả, do học bổng vừa từ luật BAföG vừa từ ưu tiên, điểm cân bằng cung cầu học vị tiến sỹ Đức luôn được đẩy lên. Hiện tiến sỹ ở Đức chiếm chừng 1,3 % dâ n số (tức 1000 người dân có 13 tiến sỹ), ở Mỹ chừng 1,5 %. Tính từng năm, theo số liệu thống kê gần nhất, năm 2013 Đức cấp 27.707 bằng tiến sỹ (so với năm 2010 cấp 25.500), vượt xa cả tổng số 10 năm đào tạo tiến sỹ theo đề án 911 ở ta, trong khi dân số 2 nước ngang ngửa nhau, phản ảnh trình độ lao động bậc cao tiến sỹ ở họ gấp 10 lần ta.

*Vấn nạn tiến sỹ “giấy“, “giả“, “mượn“, “không bảo đảm quy chuẩn“

Thị trường nghĩa là có người mua khắc có người bán, tranh nhau mua thì đổ xô bán. Đó là quy luật cầu tăng kéo theo cung (và ngược lại). Lúc đó có thể xảy ra cung tăng giá/đơn vị, chất lượng giữ nguyên (tức đắt đỏ), hoặc giá giữ nguyên, chất lượng giảm để tăng số lượng. Đến thuốc men gắn với sinh mệnh còn xảy ra thật, giả, độc hại, thì học vị tiến sỹ bất kỳ nước nào cũng không thể tránh được tuyệt đối giả (mua chứng chỉ), giấy (bằng thật chất lượng kém), mượn (tức đạo văn, như ông Karl-Theodor zu Guttenberg từng làm Bộ trưởng Kinh tế Liên bang Đức  năm 38 tuổi, tiếp đó làm Bộ trưởng Quốc phòng tới tháng 2.2011 đành từ chức sau khi bị dư  luận phát hiện luận án tiến sỹ có dấu hiệu đạo văn, được cơ quan giám định kết luận). Hiện không chỉ nhiều bằng cấp nước ta không được nước ngoài thừa nhận, mà bằng ở chính nước họ cũng không ngoại trừ do không đạt quy chuẩn nước họ giống như hàng kém chất lượng vậy. Các cơ quan tuyển dụng nhân lực vì lợi ích chính mình họ có quyền công khai không thừa nhận bằng gì nơi nào cấp nếu được cơ quan thẩm quyền giám định.

*Kết luận: Để rút ngắn khoảng cách cả về số lượng lẫn chất lượng học vị tiến sỹ giữa ta với Âu Mỹ, muốn bảo đảm cho mọi chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước ta được thực thi không thể không xuất phát từ nguyên  lý, quy luật, điểm cân bằng “cung cầu“, nguyên tắc kích cầu, giám định chất lượng như thực tế Đức đã cho thấy trực quan.

*Tham khảo cung cầu học bổng từ  người Việt ở Đức

Trường hợp Kim Hoàn sinh ngày 17.10.1994 được báo chí Đức coi là điển hình về hiện tượng kỳ lạ học sinh Việt đứng đầu các sắc tộc ngoại quốc và vượt xa cả học sinh Đức. Sau khi giành một lúc 2 bằng  tốt nghiệp phổ thông trường chuyên 2 quốc gia Đức và Pháp năm 2013 với điểm thi giỏi tuyệt đối, Kim Hoàn chọn Đại học Kinh tế và Luật Berlin (Hochschule für Wirtschaft und Recht), ngành Quản trị Kinh tế Thế giới, hệ Đại học vừa học vừa làm (Dual). Kết thúc, Kim Hoàn thi tốt nghiệp đạt điểm giỏi 1,2, đứng thứ 2 toàn lớp và đứng thứ 3 toàn khoá trong tổng số 605 sinh viên, học thêm tại Đại học Baruch College – The City University of New York, Mỹ, đạt điểm giỏi tuyệt đối 1,0. Trong quá trình học, Kim Hoàn làm việc cho tập đoàn tin học IT toàn cầu đứng hàng đầu về sản xuất máy tính, phần mềm, dịch vụ và tư vấn kinh tế IBM (International Business Machines Corporation) khắp mọi chi nhánh ở Đức và cả ở Singapore; sang Sydney Úc làm việc để tích lũy kiến thức thực tế về thương nghiệp bán lẻ, văn hoá kinh doanh tại hãng kinh doanh đồ gỗ Matt Blatt Furniture.

Cách 3 tháng trước, Kim Hoàn nhập học trường  Europe Business School, London, Anh, (ESCP), hệ cao học, chuyên ngành quản trị kinh doanh, khoá 2017 – 2019, với suất học bổng ưu tiên do Qũy học bổng Studienstiftung des deutschenVolkes cấp liên tục từ 02/2014 – 08/2019. Để bổ trợ cho chuyên ngành quản trị kinh doanh trong chương trình cao học tại ESCP và đại học Dual đã tốt nghiệp trước đây, Kim Hoàn quyết tâm giành thêm một bằng thạc sĩ nữa chuyên sâu về tài chính tại các trường Đại học tầm cỡ thế giới như Massachusetts Institute of Technology Mỹ (MIT) đã từng cho ra lò tới 650 nhà sáng lập các hãng, thời gian dự kiến vào giữa khoá học, từ 01.07.2018 – 30.09.2018.

Để bảo đảm tài chính cho khoá học thêm đó, Kim Hoàn đệ đơn xin suất học bổng ưu tiên dành cho du học sinh Đức khá giỏi do Cơ quan Trao đổi Đại học Đức (DAAD) xét chọn thông qua một ủy ban độc lập (không phụ thuộc chính quyền) xét duyệt dựa trên thẩm định khắt khe của các trường đại học liên quan. Thẩm định căn cứ theo 4 tiêu chí, năng lực chuyên môn (gồm điểm tốt nghiệp phổ thông, đại học, các kỳ sát hạch và thành tích làm việc thực tế…) và năng lực cá nhân (hoạt động xã hội, trải nghiệm ở các nước, hoạt động ngoại khoá…); chương trình dự định học (mục đích đào tạo, kế hoạch thực hiện…) và khả năng thực hiện (mối quan hệ với nơi định học, những kiến thức nền tảng đã có để học tiếp, thời gian lưu trú để học…), cho thang điểm từ số không (thấp nhất) đến điểm mười xuất sắc. Cả 4 tiêu chí Kim Hoàn đều giành được điểm10 tuyệt đối từ cơ quan thẩm định.

Ở ta học bổng dành cho 9000 tiến thuộc dạng ưu tiên, liệu có bảo đảm được thẩm định khắt khe như ở Đức nói trên, và dưạ theo những tiêu chí định lượng nào, cơ quan nào có thẩm quyền và chịu trách nhiệm pháp lý đối với thẩm quyền đó?

Nguyễn Anh Tuấn lại là một điển hình khác cho thấy ý nghĩa thực sự đối với bằng cấp. Làm luận án tiến sỹ khi đang là sinh viên kỳ cuối ngành y đại học tổng hợp Universität Leipzig, ra trường 6 tháng sau bảo vệ luận án vào năm 2007 trong lúc đang làm việc tại Viện tim mạch Leipzig. Năm tiếp theo, được đại học Universität Leipzig mời làm luận án tiến sỹ khoa học (Dr. Habil) với mức học bổng cấp trong năm đầu 1000 Euro/tháng để làm đề cương về đề tài bệnh tiểu đường do một tập đoàn dược Đức cấp kinh phí 4 triệu Euro. Sau một năm đề cương đặt ra mức kinh phí lên tới 8 triệu Euro, tức gấp đôi dự toán. Hãng dược vẫn nhất mực ràng buộc đề tài trong giới hạn kinh phí đã ấn định, buộc Nguyễn Anh Tuấn quyết định bỏ để tài, bởi rủi ro cho công trình khoa học chất lượng không bảo đảm chắc chắn, cho dù có đạt được học vị Dr. Habil vốn ở Đức được coi là “tấm vé“ vào cửa học hàm giáo sư.

Khác với các cấp thạc sỹ trở xuống mang nghĩa thuần tuý đào tạo, học vị tiến sỹ còn đồng nghĩa với lao động nghiên cứu (tức làm) tạo ra sản phẩm trí tuệ có khả năng áp dụng. Với chỉ tiêu 9000 tiến sỹ ra trường ở ta, liệu tự họ đã nhắm tới sản phẩm đó, hay chỉ với mỗi mục đích bằng cấp? Và liệu công trình khoa học đó xã hội có nhu cầu, như đề tài hãng dược Đức đặt ra ở trên ? (vừa qua không hiếm đề tài tiến sỹ ở ta bị dư luận hoài nghi thậm chí “dè bửu“).

____

Ghi chú: Phần chính bài đã đăng trên VietNamNet, với tựa đề: “Đào tạo, thu hút 9.000 tiến sĩ: Bài học ‘kích cầu’ của Đức“.

Bình Luận từ Facebook

2 BÌNH LUẬN

  1. “cần tham khảo thực tế thế giới đang làm để có chính sách thích ứng”

    Dạ thưa ông Tiến Sĩ Cộng Hòa Liên Bang Đức, Việt Nam không phải là thế giới . Những ví dụ ông dẫn ra toàn là những nước tư bẩn & chúng đang giãy chết . Bộ ông muốn chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta cũng phải giãy chết như chúng nó ?

    “trong đó có 5000 tiến sĩ đào tạo ở nước ngoài”

    Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng dạy “muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, chúng ta cần con người mới xã hội chủ nghĩa”. Nếu đưa hết qua tư bẩn giáo dục, phần “xã hội chủ nghĩa” còn lại trong họ là bao nhiêu ? OK, thì cứ cho là ta đã đào tạo được cái gốc, tiến sĩ tức là lựa chọn phần tinh của sinh viên để gửi đi, với những bả vật chất -mặt trái của kinh tế thị trường- vốn đã làm cho 1 bộ phận không nhỏ cán bộ ta thoái hóa, Đảng có tính toán tỷ lệ nghiên cứu sinh cũng ăn phải những bả đó và trở thành công dân tư bẩn ? Mất cả chì lẫn chài!

    Đề nghị của tớ, chúng ta đã có những thỏa thuận đào tạo cán bộ với Trung Quốc, nên đưa số nghiên cứu sinh trong dự án qua Trung Quốc . 1- Cơ bản xã hội chủ nghĩa của họ được củng cố . Bên đây biên giới là nhà, bên kia biên giới cũng là quê hương . Họ có nhận công việc ở bên kia cũng là xây dựng Tổ quốc Liên Bang Xã Hội Chủ nghĩa . 2- Chúng ta sẽ có những tiến sĩ như Tiến Sĩ Bùi Hiền, Tiến Sĩ Nguyễn Quang A … và sẽ có những đóng góp thiết thực hơn loại tiến sĩ “Tư bẩn nó làm thế lày …”

    Về nạn bằng “giả”, “dởm” … thì tớ cũng đã nói gòi . Khoa học chân chính nhất ở Việt Nam là chủ nghĩa Mác-Lê + tư tưởng Hồ Chí Minh, nhưng cần nhất là ngành xây dựng Đảng . Nếu tập trung nghiên cứu sinh vào 2 ngành này sẽ loại được tệ nạn bằng giả/dởm, vì trường giả/dởm chưa/không có những ngành này . Tương lai thì chưa biết, có cầu sẽ có tiêu, lộn, cung . Nhưng tại thời điểm ngay bây giờ -hy vọng tớ chưa lạc hậu- chúng ta vẫn có thể bảo đảm chất lượng cho 2 ngành trên . Trung Quốc cũng có dư khả năng đào tạo tiến sĩ giúp ta trong lãnh vực này . Chưa kể chúng ta đã xác định những chiến sĩ trong mặt trận tư tưởng, đánh tan những luận điệu sai trái là “hiền tài” & “vốn quý” của đất nước, cần tập trung đầu tư để phát triển . Còn những ngành khác, chúng ta không đảm bảo được họ có ăn phải bả kinh tế thị trường mà ở lại làm việc, trở thành “vốn quỷ”.

    Đúng là tiền thuế của dân, Đảng muốn làm gì chả được -khẩu hiệu “Đóng thuế là bảo vệ & xây dựng Đảng”- nhưng để maximize “giá trị thặng dư” cần xác định rõ mục đích, nhu cầu & biện pháp tối ưu, nhất là biện pháp tối ưu -Trung Quốc- lại sẵn sàng & tiện lợi. Tiền chênh lệch, aka “giá trị thặng dư” sẽ tạo ra thêm nhiều biệt phủ . Và theo lời đại tá Nguyễn Đăng Quang, mất niềm tin là mất tất cả, kể cả những biệt phủ . Đừng làm mất niềm tin thì biệt phủ sẽ còn . Không phung phí tinh túy & niềm tin quốc gia vào chế độ chỉ còn cách đưa hết sang Trung Quốc đào tạo .

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây