Hoang Ngôn “để lại cho đời” (phần 4)

Trình Bút

1-12-2017

Mời đọc lại: Lời nói đầu  —  Phần 1  —  Phần 2Phần 3

4. Lĩnh vực điện, thủy điện, thủy lợi, cấp thoát nước

* Hoang ngôn: “Ông Ngọc Hoàng mới trả lời được”

* Tác giả: Ông Đào Văn Hưng – chủ tịch HĐQT tập đoàn Điện lực Việt Nam

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 07/07/2010

* Tựa đề: Mất điện nữa hay không, phụ thuộc vào ông ‘ông trời’

* Trích đoạn nội dung:

“… – Vậy trong tháng 7, liệu có xảy ra tình trạng người dân bị cắt điện nữa không, thưa ông?

Tôi nghĩ đây là một câu hỏi khó, mà phải là ông Ngọc Hoàng mới trả lời được. Trong trường hợp nắng như miền Trung dẫn đến không còn một hồ nào còn nước thì trời đã hại mình và mình cũng phải chấp nhận“.

* Các bình luận:

– Bà con chuẩn bị quyên tiền làm cái thang để ông chủ tịch bắt lên hỏi ông Trời. 

– Vậy là ông chủ tịch cũng kêu Trời (!)

– Hỏi ông Hưng, ông Hưng hỏi ông Trời, mà ông Trời thì… ở trên trời. Bà con chỉ còn biết kêu Trời ơi! Hưng ơi!

* Hoang ngôn: “Giá điện tăng, mọi người đều được lợi”

* Tác giả: Ông Đỗ Thắng Hải – thứ trưởng bộ Công Thương

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 02/02/2015

* Tựa đề: Thứ trưởng Bộ Công Thương: ‘Giá điện tăng, mọi người đều được lợi’

Trích đoạn nội dung:

“… Nói rõ hơn về việc điều chỉnh tăng giá sẽ “mang lại lợi ích cho mọi người”, Thứ trưởng phân tích: “Giá bán lẻ là một trong những điều khoản thu hút vốn của các nhà đầu tư. Một khi có nhiều doanh nghiệp cùng tham gia sản xuất và bán điện thì chi phí sẽ hạ. Khi đó người dân sẽ được hưởng một mức giá cạnh tranh nhất”.

Ngoài việc có thêm tiền để cân bằng các khoản lỗ, EVN và một số doanh nghiệp trong nước không chịu nhiều áp lực về nguồn vốn đầu tư. Bên cạnh đó, với giá bán như hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất khối FDI đang được hưởng ưu đãi nhiều nhất và chính Nhà nước phải hỗ trợ để bù giá, ngoài những khoản lỗ của ngành điện hiện có. “Đó chính là sự hưởng lợi của các bên khi tăng giá bán lẻ điện năng”, đại diện Bộ Công Thương khẳng định…”

* Các bình luận:

– Đúng, người dân được “lợi”, nhưng… “răng” không còn. 

– Theo phép suy ra, giá điện tăng kéo theo vật giá tăng, vật giá tăng thì ăn ít lại, ăn ít thì không béo phì, hưởng lợi sức khỏe. Mà không chừng méo mỏ, tóp bao tử thành siêu mẫu luôn. 

– Vậy các ông lấy dân ra làm mồi nhử để thu hút đầu tư? đầu tư chưa thấy đâu đã thấy dân chết toi, hưởng lợi với lộc.

* Hoang ngôn hình ảnh:

Ảnh: báo Tuổi Trẻ

* Tác Giả: Điện lực Ang Giang

* Nguồn: Tuổi Trẻ TV, ngày 01/12/2014

* Tựa đề: Gió nhẹ cũng làm 4 trụ điện… gãy nhiều khúc

* Trích đoạn nội dung:

Chỉ một cơn gió nhẹ mà 4 trụ điện tự nhiên bật gốc lên lòi ra các sợi dây thép… nhỏ ở bên trong. Khiến dân trong khu vực thành phố phải rùng mình vì cột điện“.

* Hoang ngôn hình ảnh:

Cây cột điện lâu năm đổ xuống bị gãy thành nhiều đoạn. Ảnh: báo DT

* Tác Giả: Điện lực Cần Thơ

* Nguồn: Báo Dân Trí, ngày 06/12/2014

* Tựa đề: Phát hoảng vì 3 cột điện “tự nhiên” đổ xuống đường

* Trích đoạn nội dung:

Trưa ngày 5/12, 3 cây cột điện ở đầu tuyến lộ Vòng Cung (hay tỉnh lộ 923, gần chợ An Bình) thuộc phường An Bình, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ bất ngờ đổ xuống đường, dù lúc đó trời không giông bão….

… Ông H. cho biết thêm, trong 3 cây cột điện đổ xuống có 1 cây bị gãy 2 -3 đoạn. 2 cây còn lại ngành điện mới “hạ thổ” không lâu nhưng cũng bị bứng gốc lên. Theo ông H. quan sát, do vị trí của 3 cây cột điện ở thế căng dây hình chữ L nhưng không có dây cáp chằng kéo nên lực căng dây qua lộ đã kéo đổ 3 cây cột điện...”

* Hoang ngôn hình ảnh:

Hiện trường nơi xảy ra trụ điện bị gãy khiến hai công nhân thương vong. Ảnh: V.P/ Dân Việt

* Tác Giả: Điện lực Ninh Thuận

* Nguồn: Báo Dân Việt, ngày 27/04/2017

* Tựa đề: Trụ điện “đứt đôi” khi hai công nhân trèo lên sửa chữa, 1 người tử vong

* Trích đoạn nội dung:

“Hai công nhân trèo lên trụ điện thi công thì trụ điện bất ngờ gãy đổ khiến một người chết, người trọng thương…

Tại hiện trường, trụ điện trung thế bị gãy lìa phần gốc, trơ vài cọng sắt nhỏ…”

* Các bình luận:

– Rút ruột sạch bong, rút hút tới tận xương tủy của dân.

– Thi đua nhau… ăn, nơi này ăn, nơi kia ăn thì nơi nọ, nơi ấy chẳng chịu thua.

– Mạng sống không còn ra gì đối với những con người tham lam này. Không còn sợ tai họa là gì, ngay cả gia đình họ, chí ít một lần qua những nơi đây chứ.

* Hoang ngôn: “Ban đầu nhận định bằng mắt thường chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi, tại sao lại có chuyện như thế được? Bởi lẽ, khi thiết kế lắp đặt, xây dựng, cột truyền tải phải chịu đựng được lực tác động nhất định từ bên ngoài. Nếu lực tác động bình thường sẽ khó làm đổ cột. Tuy nhiên, qua kiểm tra các thông số thiết kế, xây dựng đều đáp ứng quy chuẩn đề ra”.

* Tác giả: ông Nguyễn Tuấn Tùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1

* Nguồn: Giáo Dục VN, ngày 23/04/2016

* Tựa đề: Cột đường dây 500KV bị đỏ, lộ đế mỏng manh, chân thép bé như chiếc đũa

* Trích đoạn nội dung:

Cột đường dây truyền tải 500 KV, Quảng Ninh – Hiệp Hòa vừa bị đổ sáng 22/4 tại Bắc Giang… …

… Sự việc khiến dư luận hoài nghi về chất lượng thi công công trình. Nhiều người đặt câu hỏi, với mấy cọc thép vừa bé vừa ngắn gắn ở chân cột thì làm sao đủ sức chống đỡ khối thép khổng lồ?

Về việc này sáng 23/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia cho biết:”Ban đầu nhận định bằng mắt thường chúng tôi cũng đặt ra câu hỏi, tại sao lại có chuyện như thế được?

Bởi lẽ, khi thiết kế lắp đặt, xây dựng, cột truyền tải phải chịu đựng được lực tác động nhất định từ bên ngoài. Nếu lực tác động bình thường sẽ khó làm đổ cột.

Tuy nhiên, qua kiểm tra các thông số thiết kế, xây dựng đều đáp ứng quy chuẩn đề ra”, ông Nguyễn Tuấn Tùng – Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 cho biết.

* Hình ảnh:

Những “cánh tay” khổng lồ cũng bị bẻ gục. Ảnh: Anh Minh/ GDVN

* Các bình luận:

– Nhìn bằng mắt thường thì bé tí, kiển tra giấy tờ thì nó to lên, đúng chuần hết bởi kiểm tra bằng… kính lúp.

– Dân thấy nhỏ khó chống đỡ, quan thấy nhỏ nhưng có… võ.

– Công trình liên tỉnh, chia chác nhiều quá.

– Công trình cấp quốc gia mà vậy, thử hỏi cấp thấp hơn thì kiểm tra như thế nào. Mà cấp nào cũng ăn, ăn từ trên xuống dưới, cấp to có khi ăn càng lớn hơn. Cho nên, không chỉ vài vụ, mà như vầy:

Hàng vạn cột điện ‘có vấn đề’: Đừng đổ lỗi cho… ông trời!

“Theo thống kê của Điện lực Nam Định, đã có 1.900 cột điện trung áp bị nghiêng, gãy đổ và 2 km dây điện bị đứt, 5 trạm biến áp gặp sự cố. Toàn tỉnh cũng có 18.000 cột điện hạ áp bị nghiêng, gãy, đổ (13.000 cột điện bị gãy đổ, 5.000 cột điện bị nghiêng) và 100 km dây bị đứt. Ước tính thiệt hại của ngành điện lên tới 100 tỉ đồng. Trong đó, H.Trực Ninh bị hư hại nhiều nhất về cột điện trung áp, hư hại cột điện hạ áp nhiều nhất là ở H.Giao Thủy, H.Ý Yên...” (Hàng ngàn cột điện ‘có vấn đề’: Đừng đổ lỗi cho… ông trời!  – Nguồn: Báo Thanh Niên Online, ngày 30/07/2016)

* Hoang ngôn: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!”

* Tác giả: Ông Trần Văn Hải – trưởng Ban quản lý dự án thủy điện 3, chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2 

* Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 25/09/2012

* Tựa đề: “Dân nên chia sẻ và hi sinh cho thủy điện!”

Trích đoạn nội dung:

Sáng 24-9, khu vực thủy điện Sông Tranh 2 tiếp tục có động đất… 

… Chưa đến mức bồi thường

– Như ông vừa nói, động đất kích thích là do tích nước thủy điện Sông Tranh 2 gây nên, vậy chủ đầu tư dự án đã có phương án hỗ trợ thiệt hại gì cho người dân có nhà bị hư hỏng chưa?

– Chúng tôi luôn sẵn sàng chia sẻ với người dân và mong người dân cũng phải chia sẻ cho chúng tôi. Hiện chủ đầu tư đang phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My thống kê các thiệt hại của người dân trong vùng do các trận động đất vừa qua gây nên. Chủ đầu tư chỉ mới sửa được một cột nhà dân bị nứt. Riêng những vết nứt của các nhà khác phải đánh giá một cách thận trọng, nứt do động đất hay nứt thông thường. Hầu hết các nhà nứt do người dân xây tường mỏng, nền mỏng hoặc quá nông. Như các anh thấy, Trường mẫu giáo Hoa Phượng chỗ bị nứt nếu không có động đất nó vẫn nứt vì người ta xây không có dầm. Còn hư hại nặng, nhà dân mất an toàn thì đến giờ chúng tôi chưa thấy…

… Đã có 119 nhà dân bị hư hỏng.

Trái với khẳng định chưa có thiệt hại của Ban quản lý dự án thủy điện 3, trưởng Ban phòng chống lụt bão huyện Bắc Trà My Huỳnh Ngọc Thiệu cho biết dù chỉ mới thống kê thiệt hại tại các xã Trà Sơn, Trà Đốc, Trà Tân và thị trấn Trà My nhưng đã có 119 nhà dân bị hư hỏng, xuống cấp, nứt nẻ do các trận rung chấn...”

* Hoang ngôn: “Người dân quá kém hiểu biết, mới chỉ nghe động đất đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy”.

* Tác giả: TS Ngô Thị Lư – viện Vật lý địa cầu

* Nguồn: Báo Đất Việt Online, ngày 17/09/2012

Đề tựa: Bất bình trước phát ngôn “Người dân kém hiểu biết”

Nội dung trích đoạn:

“… Tại Quảng Nam, ông Đặng Phong, Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết, trận động đất xảy ra người dân đều cảm nhận được và kéo dài khoảng hơn 5 giây. Hiện Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.

… Trước đó hơn một tuần, khu vực quanh thủy điện sông Tranh 2 liên tục xảy ra các trận động đất với những dư chấn khiến nhà dân bị nứt, dân chúng hoảng loạn. Trước sự việc này, TS Ngô Thị Lư, Viện Vật lý địa cầu đã cho rằng, “do người dân quá kém hiểu biết, mới chỉ nghe động đất đã dắt trâu bò, gói ghém đồ đạc bỏ chạy”. Phát ngôn này của TS Lư không chỉ tạo một làn sóng cả cộng đồng mà cả các nhà khoa học cũng bày tỏ sự bất bình…” 

* Các bình luận:

– Dân sợ động đất, quan… không động lòng, quan còn… động phòng với đập.

– Chắc chờ sập nhà, chết người mới bồi thường.

– Dân chia se hết đi, hy sinh đi, để các ông hưởng thụ và làm giàu.

– Tại dân hết, dân xây nhà tệ, dân ngu quá. Nghe có động đất phải… chống lại chớ sao chạy, phải… đấp vá đất đứt gãy chớ (!)

– Tiến sĩ Lư… hương khói (nhang khói).

* Hoang ngôn: “Công ty Thủy lợi bắc Nghệ An đã vận hành đúng quy trình xả lũ và đây là phương án tối ưu.”[1]; “Đúng là chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ.”[2]

* Tác giả: Ông Hoàng Văn Thắng –  Thứ trưởng, tổng cụ trưởng Tổng cục Thủy Lợi [1]; Ông Nguyễn Văn Đệ – phó giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nghệ An [2]  

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 04/10/2013

* Tựa đề: ‘Chúng tôi không lường hết hậu quả khi xả lũ’

*Hình ảnh:

Lực lượng chức năng tiếp cận khu vực ngập lụt ở thị xã Hoàng Mai sau khi hồ Vực Mấu xả lũ. Ảnh: HB-VH/ VNE

* Trích đoạn nội dung:

“… – Thực tế, việc xả lũ đã khiến ít nhất 20.000 ngôi nhà tại thị xã Hoàng Mai bị ngập, ước tính thiệt hại 800 tỷ đồng. Tại cuộc họp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hoàng Văn Thắng ngày 2/10 và các đơn vị liên quan tại Nghệ An, quy trình xả lũ này được nhận xét như thế nào?

– Sau khi nghe toàn bộ báo cáo của đơn vị vận hành hồ Vực Mấu, cùng với báo cáo thực tế của Sở Nông nghiệp, báo cáo của ủy ban thị xã, Thứ trưởng Hoàng Văn Thắng kết luận Công ty Thủy lợi bắc Nghệ An đã vận hành đúng quy trình xả lũ và đây là phương án tối ưu.

– Sở Nông nghiệp Nghệ An có trách nhiệm gì trong việc xả lũ gây ngập nhà dân?

– Sở và các đơn vị liên quan đã làm đúng và đã cố gắng hết sức. Trước hết dù thiệt hại lớn hay nhỏ thì Sở đều chịu trách nhiệm trước dân. Chúng tôi cũng tự nhận thấy chưa linh hoạt và bị động trong việc xả lũ cùng lúc 5 cửa tràn.

– Hồ Vực Mấu đã bao nhiêu lần xả lúc cùng lúc 5 cửa tràn? – Từ khi đi vào vận hành năm 1982, đây mới là lần đầu tiên xả lũ cùng lúc 5 cửa. Đây là phương án bất khả kháng.

– Đơn vị có trách nhiệm và Sở đã lường trước thế nào về hậu quả khi ra quyết định xả cùng lúc 5 cửa?

– Đúng là chúng tôi chỉ mới tính được độ an toàn của đập, cũng không thể lường hết được hậu quả sau khi xả lũ…”

* Các bình luận:

– Quá vô trách nhiệm và ngu dốt. Chỉ tính được an toàn cho đập, không tính được các khả năng khác có thể xảy ra như: tác động của thiên nhiên tới đập; dự báo sự cố ảnh hưởng đến môi trường, ảnh hưởng đến đời sống của người dân;… vậy mà vẫn lao đầu vào thực hiện. Để rồi dễ dàng phủi tay chạy tội với cụm từ tỏ ra ăn năn, nhưng cuốn vèo theo dòng nức lũ: “không lường hết được hậu quả”. 

– Sống chung với lũ thôi dân ơi. Thiệt hại có bao nhiêu, gần hết gia sản thôi, chưa chết người mà, mà có chết người cũng có sao, làm gì được nhau.

– Xưa nay lũ do ông trời đã khổ, giờ thêm lũ do một… lũ quan tham và vô cảm gây ra thì dân biết sống làm sao?

– Lại đúng quy trình? quy trình thì… bí mật như bí mật quốc gia. Quy trình giết hại dân, tàn phá thiên nhiên, tàn phá đất nước.

* Thành ngữ hàm tiếu: Đúng quy trình – thành ngữ này xuất xứ chưa rõ, nhưng được sử dụng rất nhiều mỗi khi các quan chức cần đến, nó nhưng lá bùa miễn tử. Và trở về sau, khi gặp hoang ngôn có cụm từ này xin không nhắc lại các bình luận hiển nhiên: “Lại đúng quy trình; tiếp tục ca điệp khúc quy trình;…”, coi như mặc nhiên.

* Hoang ngôn: “Nhà máy thủy điện mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn, là tại trời”. 

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Thông – phó giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô

* Nguồn: Báo Người Lao Động Online, ngày 16/10/2016

* Tựa đề: Thủy điện Hố Hô mở hết cửa xả lũ là tại trời

* Trích đoạn nội dung:

“… Ông Nguyễn Văn Thông, Phó giám đốc nhà máy thủy điện Hố Hô, cho biết: “Vào khoảng 18 giờ 30 phút ngày 14-10, mưa lớn khiến bờ phải của nhà máy bị sạt trượt, an toàn của nhà máy cũng như các công nhân đang làm việc bị đe dọa nên chúng tôi quyết định dừng vận hành nhà máy, mở cửa xả tràn với mức 1.800m3/s. Lúc quyết định xả tràn vào 18 giờ 30 phút ngày 14-10, chúng tôi có gọi điện cho Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh, huyện và các xã vùng hạ du”.   

Theo ông Thông, việc nhà máy thủy điện mở hết các cửa xả tràn là bất khả kháng, do trời mưa quá lớn, là tại trời…   

… Trước đó, liên quan đến việc thủy điện Hố Hô xả lũ gây ngập lụt lớn, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch UBND huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc xả lũ của nhà máy thủy điện Hố Hô là chưa đảm bảo quy trình. Ngoài ra, thời điểm xả lũ lại vào buổi tối, thời gian quá gấp, nước lên quá nhanh nên người dân không kịp di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Trước đó, vào sáng ngày 15-10, phát biểu sau khi đi kiểm tra thực tế tình hình mưa lũ ở huyện Hương Khê, ông Đặng Quốc Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, cho rằng việc thủy điện Hố Hô xả lũ bất ngờ từ 500m3/s – 1.800m3/s đã khiến người dân trở tay không kịp.

* Hình ảnh:

Thủy điện Hố Hô xả lũ vào ngày 16-10. Ảnh: Báo NLĐ

* Hoang ngôn: “Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong chỉ đạo xử lý tình huống công trường tại trận mưa vừa qua là chấp nhận được.

* Tác giả: Ông Đỗ Đức Quân – tổng cục phó Tổng cục Năng lượng

* Nguồn: Báo điện tử VnExpress, ngày 18/10/2016

* Đề tựa: Tổng cục phó Năng lượng: Thủy điện Hố Hô xả lũ ‘chấp nhận được’

* Trích đoạn nội dung:

“… ‘Việc nhà máy thủy điện Hố Hô mở hoàn toàn cửa van xả lũ trong chỉ đạo xử lý tình huống công trường tại trận mưa vừa qua là chấp nhận được. Bởi nếu không làm vậy, sẽ gây nguy hiểm, mất an toàn hồ đập. Trường hợp xảy ra vỡ đập thì hậu quả thật khôn lường’, ông Quân nói… 

… Tại buổi làm việc với UBND huyện Hương Khê chiều cùng ngày, sau khi nghe Bộ Công Thương và lãnh đạo nhà máy thủy điện Hố Hô báo cáo, ông Lê Ngọc Huấn, Chủ tịch huyện Hương Khê cho rằng, trong việc xả lũ vừa qua, nhà máy thủy điện cảnh báo không rõ ràng. “Vai đập xuất hiện vết xả trượt không liên quan đến an toàn của nhà máy, nó không đến nỗi nguy cấp”, ông Huấn nói.   

“Tôi đề nghị Bộ trưởng xem lại hiệu quả của nhà máy thủy điện Hố Hô. Nếu công trình đa mục tiêu thì người dân được hưởng lợi, còn nhà máy này trước mắt chưa mang lại hiệu quả cho nhân dân”, ông Huấn nói tiếp.  

Bí thư Huyện ủy Hương Khê Đinh Hữu Tân cho rằng, quy trình điều tiết lũ của thủy điện là chưa an toàn. Khi lũ chưa về thì phải xả trước, để tới khi lũ về nhanh thì xả vừa phải, sẽ điều tiết được lượng nước…”

* Các bình luận:

– Lúc thiết kế, thi công, có coi ông Trời ra gì. Đâu cần hỏi ổng, coi thường những gì ổng tạo ra, thoải mái san phẳng rừng, chỉ cần đấp, ngăn chặn thôi,… sao giờ kêu tới tên ổng?

– Có ông Trời và dân chịu hết, việc gì bận tâm(!)

– Xả lũ lên đầu dân, gây thiệt hại tàn khốc là… chấp nhận được bởi lương tâm các ông đã cho chìm và trôi đi trong dòng lũ.

– Không an toàn, không lợi lộc gì cho dân vẫn xây, miễn sao có lợi riêng.

– Không sao cả, sẽ có… dân cả nước ủng hộ, việc gì khó… có dân, lo gì(!)

– Phạt ngay… ông Trời. Vả lại, phải nghênh chiến với ổng chớ sao chịu thua. Ngày oánh Mỹ khó khăn trăm bề mà miền Bắc đã như vầy mà:

Ngày xưa hạn hán cầu trời,

Ngày nay hạn hán thì người trị ngay.

Tri đêm rồi lại trị ngày,

Cho tên giặc hạn biết tay của người.

Vừa làm vừa thách cả Trời,

Có muốn tắm mát thì mời xuống đây.

Nước kia ở dưới đất nầy,

Đào sâu vét kỹ nước đầy mương ao.

Thách trời cứ hạn nữa nào,

Đồng ta đủ nước hoa màu vẫn xanh.

Chiều chiều nghe tiếng phát thanh,

Người chăm thủy lợi Trời đành chịu thua.

(Trời đành chịu thua – SGK lớp 4, những năm 1970)

* Hoang ngôn: “Sẽ còn vỡ vài lần nữa”

* Tác giả: Ông Nguyễn Văn Phong – Phó trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội

* Nguồn: BizLIVE.vn, ngày 19/08/2015

* Tựa đề: Sự cố đường ống nước sông Đà: “Sẽ còn vỡ vài lần nữa”

* Hình ảnh:

Ảnh minh họa. Nguồn: BizLive/ internet

* Trích đoạn nội dung:

… 13 lần xảy ra sự cố vỡ đường ống nước…

Ông Nguyễn Văn Phong, Phó trưởng Ban tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết: “đây không phải là lần đầu xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà nữa, chắc cũng không phải lần cuối cùng, sẽ còn vỡ vài lần nữa. Đề nghị các cơ quan báo chí thông tin định hướng để người dân hiểu và nắm rõ về sự cố mất nước này”.

* Các bình luận:

– Đã lần thứ 13 mà còn nói “đây không phải lần đầu xảy ra sự cố”.

– Ồ, đã 13 lần rồi nên vài lần nữa cũng chả sao, nên ông phát biểu nhẹ như lông hồng.

– Vài lần là 1, 2 lần, cùng lắm là 3 lần thôi nhé. Nhưng thật sự thì không “vài lần nữa”, mà:

Cập nhật:  Đường ống nước sông Đà lại vỡ lần thứ 21 (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 19/06/2017)

* Hoang ngôn: “177 triệu m3 đã bị thất thoát.”

* Tác giả: Báo cáo của Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco)

* Nguồn: Báo điện tử Một Thế Giới, ngày 11/02/2017

* Tựa đề: TP.HCM thất thoát nước sạch 940 tỉ và người dân phải trả giá là điều khó chấp nhận

* Hình ảnh:

Ống nước bị vỡ. Ảnh: MTG

Trích đoạn nội dung:

Sáng 11.2, Bí thư thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đã có cuộc làm việc với Tổng Công ty Cấp nước Sài Gòn TNHH MTV (Sawaco). Theo báo cáo của Sawaco được báo Người lao động trích dẫn, năm 2016, TP.HCM phát hơn 626 triệu m3 nước sạch nhưng lượng nước có thu tiền và sử dụng cho các hoạt động hữu ích chỉ hơn 449 triệu m3. Nghĩa là có khoảng 177 triệu m3 đã bị thất thoát.

 Sawaco cho hay tỉ lệ nước thất thoát thất thu bình quân năm 2016 của toàn đơn vị hiện là 28,31%, tương đương khoảng 177 triệu m3. Nếu tính theo giá nước thấp nhất là 5.300 đồng/m3 thì tổng số tiền thất thoát nước sạch trong năm 2016 đã lên đến gần 940 tỉ đồng…”

* Các bình luận:

– Quản lý yếu kém, tham nhũng, thi công ẩu tả hư hỏng,… để thất thoát rồi đổ hết lên người dân gánh chịu.

– Chỉ xấp sỉ 30% chớ mấy, còn ít mà, lên 50. 70% đi, có dân gánh chịu hết. Tăng giá, tăng giá và tăng thôi. Các ngành độc quyền mà.

– Thất thoát vài phần trăm đã xót ruột, trên thế giời 10% người ta la làng, Sawaco để thất thoát tài tình để thất thoát gấp mấy lần.

* Hoang ngôn: “Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm.

* Tác giả: Ông Phạm Quang Nghị – Bí thư TU Hà Nội

* Nguồn: VietNamNet, ngày 02/11/2008, nhưng bài đã bị gỡ bỏ, hiện vẫn còn lưu “dấu vết” trên trang Báo Mới.

* Tựa đề: Bí thư Hà Nội: ‘Thiên tai thì không tính trước được’

* Hình ảnh:

Ảnh: VietNamNet

Xe từ các tỉnh về Bến xe Giáp Bát do ngập lụt nên đổ hết khách xuống đầu đường Giải Phóng

Hành khách buộc phải đi thuyền, xe kéo, xe ngựa, xe tải hoặc đi bộ… lũ lượt kéo nhau lội qua đoạn đường ngập lụt.

* Trích đoạn nội dung:

“… Dân còn ỷ lại Nhà nước

Sau thiệt hại từ trận mưa lũ này, thành phố đã rút ra những kinh nghiệm gì?

– Trận mưa lũ này là thông số để chúng tôi có căn cứ dự phòng cho các cảnh báo thiên tai trong tương lai. Lấy mốc giới này để tính các chỉ tiêu như xử lý nước, lụt, đê điều….

Kinh nghiệm tốt nhất vẫn là huy động chính sức dân và huy động tại chỗ. Do đang đi kiểm tra dưới cơ sở nên tôi thấy nhân dân ta bây giờ so với ngày xưa ỷ lại Nhà nước lắm. Cứ chờ trên về, chờ cung cấp cái này, hỗ trợ cái kia chứ không đem hết sức ra tự làm…”

* Các bình luận:

– Xảo trá vẫn thói xảo trá, nhà nước có làm gì ra hồn đâu mà dân ỷ lại.

– Huy dộng sức dân là tốt nhất rồi chửi dân ỷ lại.

– Trăm đường cũng lỗi tại dân tất cả.

– Cứ để đảng và Nhà nước lo mà, sao bây giờ trách dân?

– Không tính được thì đã rõ, nhưng cũng chả dự báo được gì. Có lẽ vẫn mãi là, báo mưa thì nắng, báo nằng thì mưa.

* Hoang ngôn: “Đừng hỏi chi tiết quá!”

* Tác giả: Ông Nguyễn Thế Thảo – chủ tịch UBND TP Hà Nội

* Nguồn: Webtretho, ngày 07/11/2008

* Tực đề: “Lụt” phát ngôn hay “lụt” trách nhiệm?

Trích đoạn nội dung:

“Đừng hỏi tôi chi tiết quá!” cũng là một “phát ngôn ấn tượng” nữa của quan chức, và ở đây là ông Nguyễn Thế Thảo, Chủ tịch UBND TP Hà Nội. Đó là câu trả lời cho câu hỏi: “Thưa ông giai đoạn I (trị giá 100 triệu USD) của dự án thoát nước chúng ta đã triển khai được những hạng mục gì?”.  Câu hỏi tiếp: “Ông có nói, tất cả dự án thoát nước Hà Nội vay vốn nước ngoài, vậy ông đánh giá như thế nào về hiệu quả sử dụng vốn vay cho các dự án quan trọng này?”. Ông Thảo trả lời vẻn vẹn: “Hai vấn đề này không liên quan tới nhau”

* Các bình luận:

– Ông là người của “vĩ mô”, những vụn vặt để ý làm gì, chỉ có… 100 triệu đô Mỹ chớ mấy.

– Không để ý tới chi tiết, có lẽ vậy nên khi hỏi tấm hình này:

Trận đại hồng thủy năm 2008 biến thủ đô Hà Nội thành sông. (Ảnh: Telegraph)

Lụt ở đâu? chắc ông Thảo sẽ nói rằng ở đâu đó trên trái đất này chứ chẳng phải ngay thủ đô. Và chắc rằng ông cũng không biết thảm cảnh:

. Em Vân Anh và 21 người xa Hà Nội vì ngập lụt

“Chúng tôi khuyên nên ở nhà, nhưng Vân Anh vẫn nhất định đi. Cháu bảo con là cán bộ lớp, nghỉ thì cô mắng chết”, ông Nguyễn Hải, bố của em Vân Anh (học sinh lớp 7A THCS Bế Văn Đàn) nhớ lại ngày mưa buồn 1/11 ở Hà Nội, khi con gái mình bị tụt chân, rơi cả người và xe đạp xuống miệng cống thoát nước ở hồ Nam Đồng.

Vì khó có thể đưa xe tang vượt qua những đoạn đường lụt lội để xuống nghĩa trang Văn Điển trong những ngày qua nên phải sau 4 ngày, từ khi gia đình có sự giúp đỡ của nhiều người lặn lội tìm được xác em, gia đình Vân Anh mời có thể đưa em về nơi an nghỉ cuối cùng vào chiều ngày 6/11.

Theo UBND TP Hà Nội, tính đến 5/10, trận ngập lụt đã cướp đi mạng sống của 21 người”.

* Hoang ngôn: “TP.HCM sẽ cố gắng xóa 40% số điểm ngập nước trong năm 2010, tiến tới xóa 100% điểm ngập trong năm tới”.

* Tác giả: Ông Đỗ Tấn Long – Trưởng Phòng Quản lý thoát nước – Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM

* Nguồn: Báo Thanh Niên Online, ngày 04/03/2010

* Tựa đề: TP.HCM: Xóa 40% số điểm ngập nước trong năm 2010

* Trích đoạn nội dung:

Theo số liệu của Trung tâm Điều hành chống ngập nước TP.HCM, hiện toàn TP có khoảng 163 điểm thường xuyên bị ngập nước kéo dài rải khắp 24/24 quận huyện. Trong đó có 96 điểm là ngập thường xuyên và 67 điểm ngập do triều cường.

Trong năm 2010, Trung tâm sẽ cố gắng xóa 40% số điểm ngập nước của TP, tiến tới xóa 100% số điểm ngập nước trong năm 2011…”

* Các bình luận:

– Khó tin, gây 100% điểm ngập thì có.

– Năm nay xóa được nhiều điểm ngập, năm tới hy vọng xóa hết chỉ còn một điểm ngập… ngập toàn thành phố.

– Xóa chỗ này, ngập chỗ khác. Rồi các ông sẽ đổ, do nước… chảy chỗ trũng thôi.

– Để rồi coi. Những “trạng” nói một đàng làm một nẻo.

Và đúng như dự đoán của dân chúng. Tới năm 2015 thì:

. TPHCM: Xóa ngập, tái ngập và phát sinh ngập

Những ngày gần đây, trên địa bàn TP.HCM xuất hiện mưa đầu mùa khiến hàng loạt tuyến đường bị ngập nặng, nhiều khu vực nước ngập sâu hơn 0,5m. Các tuyến đường như An Dương Vương (quận 6); Kinh Dương Vương, Hồ Ngọc Lãm (quận Bình Tân); Nguyễn Hữu Cảnh (Bình Thạnh); Nguyễn Văn Quá, Song Hành (quận 12), bị ngập sâu gây bất tiện cho người dân.  Theo Trung tâm Điều hành Chương trình chống ngập TP.HCM, trên địa bàn thành phố hiện tại còn 68 điểm ngập úng do mưa. Trong đó có 29 điểm ngập phát sinh….

Trong năm 2015, Trung tâm Chống ngập sẽ tập trung giải quyết 51 điểm ngập úng, những điểm còn lại sẽ xử lý trong năm 2016“.

* Hình ảnh:

Cơn mưa hôm 15.6 khiến đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân) bị ngập sâu. Ảnh: báo DV

Tới năm 2017 thì:

. TPHCM sẽ xóa 12 điểm ngập trước ngày 15-6

Lãnh đạo UBND TP.HCM vừa yêu cầu các đơn vị có liên quan phải xử lý dứt điểm 12 điểm ngập nước trước ngày 15-6 tới. Cụ thể, để giải quyết 35 điểm ngập nước còn tồn tại, UBND TP.HCM đã yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý dứt điểm 12 điểm ngập trên các tuyến đường Lương Văn Can, Mai Xuân Thưởng, Hậu Giang, Lê Quang Sung, Cao Văn Lầu, Hồng Bàng, Ba Vân, Gò Dưa, Tân Hương, Trương Vĩnh Ký, An Dương Vương (quận 8), Gò Dầu trước ngày 15-6-2017; đến năm 2019 cơ bản giải quyết hoàn thành 31 điểm ngập…” (Nguồn: Báo Tuổi Trẻ Online, ngày 24/02/1017)

Hứa vẫn là hứa, từ một năm, nay đã tới 2019. Có lẽ sau đó hứa tiếp.

© Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây