Cơ hội giảm án ‘mong manh’ cho Mẹ Nấm?

BBC

28-11-2017

Bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh mong phái đoàn EU có mặt tại phiên phúc thẩm xử con gái mình hôm 30/11. Ảnh: FB Nguyễn Tuyết Lan

Luật sư bào chữa cho blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh nói cơ hội bào chữa thành công cho bà trong phiên phúc thẩm hôm 30/11 “là mong manh” và vai trò của luật sư trong các vụ thế này “thường không thành công.”

Hồi cuối tháng Sáu, blogger Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, tức Mẹ Nấm, bị Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa tuyên án 10 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống phá nhà nước” trong phiên sơ thẩm.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ sau đó kêu gọi Hà Nội trả tự do cho bà Quỳnh ‘ngay lập tức’.

Viết trên mạng xã hội, bà Nguyễn Tuyết Lan, mẹ của bà Quỳnh ngỏ lời mời đại diện phái đoàn EU có mặt tại nơi diễn ra phiên phúc thẩm để “có cái nhìn trực diện hơn về tình hình nhân quyền Việt Nam.”

‘Dứt khoát không nhận tội’

Hôm 27/11, tin cho hay, Luật sư Võ An Đôn, một trong các luật sư đã được cấp phép bào chữa cho bà Quỳnh hôm 30/11 bất ngờ bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên vì “lợi dụng quyền tự do ngôn luận.”

Cũng đang có tranh cãi về phát ngôn của ông Đôn trên mạng xã hội rằng: “Mẹ Nấm tiết lộ cho chúng tôi biết một thông tin quan trọng: luật sư Hà Huy Sơn [người cùng bào chữa cho Mẹ Nấm] vào trại giam thăm Mẹ Nấm, đã chuyển thông điệp từ phía cơ quan an ninh rằng “Nếu tại phiên tòa phúc thẩm, Mẹ Nấm nhận tội và từ chối hai luật sư miền Nam bào chữa, thì sẽ được giảm án rất nhiều” (Hai luật sư miền Nam ở đây là tôi và luật sư Nguyễn Khả Thành).”

Hôm 28/11, trả lời BBC từ Tuy Hòa, Luật sư Nguyễn Khả Thành, một trong ba luật sư còn lại tranh tụng cho Mẹ Nấm trong hôm 30/11 (cùng với các ông Hà Huy Sơn và Nguyễn Hà Luân), bình luận: “Luật sư Sơn không đến nỗi phân biệt vùng miền đâu. Còn những gì bà Quỳnh hay mẹ bà ấy, Luật sư Đôn nói với nhau thì tôi không nghe được nên không bình luận.”

Ông Thành nói thêm: “Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng thường thì các luật sư không thành công khi bảo vệ thân chủ trong các vụ tuyên truyền chống nhà nước.”

“Nhưng các luật sư cũng phải làm theo thủ tục. Chủ yếu là về mặt tâm lý, có luật sư thì bị cáo cũng bớt cô đơn, cảm thấy tự tin, vững vàng hơn.”

“Trong quá trình gặp trong trại giam, luật sư cũng giúp giải tỏa hoang mang, tư vấn một số vấn đề pháp luật cho thân chủ.”

“Với vụ của bà Quỳnh, tôi cũng nói với người nhà là chúng tôi [các luật sư] cố gắng, nhưng hy vọng được giảm án nhiều thì mong manh.”

“Bản án cuối cùng thế nào thì tùy vào Hội đồng Xét xử.”

Luật sư cũng cho biết: “Thường thì bị cáo nhận tội sẽ được giảm án ở một mức độ nào đó.”

“Trong lần tôi gặp gần đây nhất ở trại giam mấy ngày trước, bà Quỳnh vẫn dứt khoát không nhận tội.”

“Cho nên tòa giảm án hay không còn tùy, có thể là vì áp lực của cộng đồng, dư luận. Nhưng đó chỉ là dự báo của tôi.”

Hôm 28/11, từ Brussels, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) phát đi thông cáo ghi: “EU nên công khai vinh danh những người dân Việt Nam dũng cảm như ‘Mẹ Nấm’ và luật sư của bà [ông Võ An Đôn, người vừa bị xóa tên khỏi Đoàn Luật sư tỉnh Phú Yên], những người chấp nhận rủi ro lớn vì tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ.”

“EU nên làm rõ rằng mối quan hệ gần gũi hơn với Việt Nam sẽ phụ thuộc vào việc trả tự do cho tất cả tù nhân chính trị và chấm dứt việc gây phiền nhiễu, hăm dọa những nhà bảo vệ nhân quyền,” HRW nói.

Hồi tháng Sáu, liên quan phiên xử sơ thẩm bà Như Quỳnh, Bộ Ngoại giao Việt Nam nói “mọi hành vi vi phạm pháp luật đều bị xử lý nghiêm theo quy định của Pháp luật Việt Nam”.

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây