Hoang Ngôn “để lại cho đời”

LTS: Kể từ hôm nay, trang Tiếng Dân xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả một bộ sưu tập mới ra lò, có tựa đề: Hoang ngôn “để lại cho đời”, của tác giả Trình Bút. Nội dung: tập hợp những câu nói “để đời” của các cán bộ lãnh đạo đảng và nhà nước, từ địa phương cho tới trung ương, những câu nói của các bậc “hiền triết”, “cao minh”, của những người có học hàm, học vị, có chức tước, quyền hành rất lớn trong thể chế này, mà tác giả đặt cho cụm từ “Hoang Ngôn”.

Những câu nói của các lãnh đạo đảng và nhà nước đã để lại cho người đọc nhiều trạng thái cảm xúc như: vui, buồn, tức giận, thậm chí còn có tác dụng xả stress, đã làm nên bộ mặt xã hội Việt Nam hôm nay. Những câu nói này đã được tác giả Trình Bút sưu tầm, kèm theo những hình ảnh, những lời bình luận, và cả những nguồn trích dẫn các câu nói đó để độc giả tiện việc tra cứu. Từ đó, giúp người đọc tìm hiểu nguyên nhân nào đã tạo ra những lãnh đạo như thế trên đất nước chúng ta hôm nay, cũng như nghĩ đến các giải pháp, giúp giải quyết vấn đề, để người dân Việt Nam trong tương lai có được những người lãnh đạo có tầm, có tâm, bớt đi những lãnh đạo với những câu nói “hoang ngôn”.

Bộ sưu tập này dài khoảng 400 trang, với khoảng 141.000 từ. Dưới đây là “Lời nói đầu” của bộ sưu tập Hoang ngôn “để lại cho đời” của tác giả Trình Bút. Kính mời quý độc giả đón đọc hôm nay và trong những ngày tới.

____

Lời nói đầu

Trình Bút

27-11-2017

Hoang ngôn? Thưa, đặt dấu hỏi như vậy bởi từ này chưa thấy có trong từ điển. Tác giả vừa mới “cho ra lò”, xin được giải nghĩa như sau:

Hoang ngôn được ghép, rút gọn từ hai từ: “hoang” của hoang dại, hoang dã, hoang đàng, hoang đường, hoang (quan) liêu và “ngôn” là ngôn ngữ, ngôn từ. Như vậy “hoang ngôn” là ngôn ngữ, ngôn từ hoang dại, hoang dã, hoang đàng, hoang đường, hoang liêu. Nếu hiểu nôm na thì “hoang ngôn” là những câu viết, lời nói rừng rú, khỉ khọt, hang hóc, điên dại, ngu si, viễn vông…

Ngôn ngữ ở đây có các dạng: ngôn ngữ viết; ngôn ngữ nói, tức lời nói hoặc phát ngôn, xướng ngôn; và ngôn ngữ hình thể, hình ảnh. Ngôn ngữ hình thể, hình ảnh là biểu hiện của hành động, hành vi.

‘Để lại cho đời’, là thành ngữ khẳng định điều tốt đẹp của một hiện tượng, sự việc,… nào đó. Thành ngữ bổ nghĩa cho các trạng thái có hữu hình và vô hình. Ví dụ về hữu hình: “Công trình A, công trình kiến trúc tuyệt đẹp để lại cho đời“. Ví dụ về vô hình: “Đờn ca tài tử cải lương là di sản văn hóa để lại cho đời“. Trạng thái vô hình có ngôn từ trong đó, ví dụ một câu nói của một triết gia về chân lý, về một hiện tượng,… lưu danh sử sách, để lại cho đời.

Từ ngàn xưa ông cha ta đã lưu truyền câu ca dao sau đây, cho tới bây giờ chưa hề mai một:

Trăm năm bia đá cũng mòn

Ngàn năm bia miệng thì còn trơ trơ

Chứ không thể là muốn nói gì thì nói, vì ‘lời nói gió bay’. Thành ngữ ‘lời nói gió bay’ thường để chỉ những kẻ nói càn, dối lừa, hứa suông.

Bởi vậy với ngôn từ, ‘để lại cho đời’ thường là của các bậc hiền triết, cao minh, tài đức, trí thức; người có chức tước trong chính quyền… để lại giúp ích cho đời.

Ấy vậy mà, trong chế độ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (từ đây xin gọi tắt là Việt Nam), đặc biệt là những năm gần đây, có quá nhiều hoang ngôn của các nhà “hiền triết”, “cao minh”; của những cán bộ từ cấp thấp (chỉ sưu tầm một số ít từ cấp trường học, cấp quận, huyện, chứ không là cấp phường, xã, thôn, xóm, nếu kể luôn các cấp này thì không chỉ mỗi ngày một hoang ngôn, còn hơn thế nữa thì không đủ giấy để biên lại) cho tới cấp cao, tức những người có chức tước, quyền thế rất lớn trong chính quyền; của những “trí thức” với học hàm, học vị đầy mình; và của những người của công chúng. Những con người chính yếu làm nên bộ mặt xã hội.

Hiền triết, cao minh và tri thức được đặt trong ngoặc kép có hàm ý mỉa mai, cho nên vế khẳng định của hoang ngôn ở đề tựa cũng đặt trong ngoặc kép là vậy – “để lại cho đời”.

Tác giả sưu tầm, tổng hợp lại các hoang ngôn này, biên chép lại các bình luận để thấy rõ được thực trạng của nước nhà và tìm hiểu nguyên nhân gây nên.

Ngày nay, thông tin được truyền rất nhanh nhờ internet, đặc biệt lan truyền tức thì trên các trang mạng xã hội. Tác giả sưu tầm chủ yếu từ các trang này, xin trích dẫn một nguồn mà các trang đã dẫn. Cùng với đó, cũng dẫn luôn tiêu đề các bài báo để tiện việc tra dữ liệu nếu ai cần hoặc cần xác minh cho tiện.

Song song với trích dẫn hoang ngôn, xin trích kèm một đoạn văn liên quan để giữ đúng với ngữ cảnh, chứ không cắt cúp, cắt xén, áp đặt sai ngữ cảnh.

Về các bình luận, sau khi đọc hoang ngôn, những người đọc có các trạng thái cảm xúc: Trạng thái quá vui, bật cười khanh khách, cười lớn; trạng thái đau buồn, chua xót; trạng thái bất ngờ; trạng thái khó hiểu không hiểu. Cho nên có rất nhiều bình luận: “Cười như chưa bao giờ được cười”, “Cười không nhặt được mồm”, “Cười đau ruột”, “Hài hước quá”, “Hài vãi”, “Khỏi đi xem hài, coi hài”,…; “Cười ra nước mắt”, “Cười mà thắt ruột”,…; “Khó tin”, “Không thể tin”, “Không thể hiểu nồi”, “Cạn lời, hết lời”, “Lắc đầu luôn”, một loạt các loại bó, “Bó: tay, chân, đầu, toàn thân, chiếu…”, “Ngu kinh hồn”, “Đã ngu còn tỏ ra nguy hiểm”, “Đừng nói ra đâu ai biết mình ngu”, “Không nói người ta đâu có nghĩ là câm”, “Con nít lên ba”, “Trẻ trâu”, “Ngu lâu khó đào tạo”, so sánh ngu như các loài vật, “Điên thật rồi”, “Thần kinh”, “Tâm thần”, “Quên uống thuốc” (thuốc an thần), “Uống lộn thuốc”, “Về uống thuốc đi”, “Sổng trại”, “Người nhà của ai ra đón về, đưa vô bệnh viện, sao để lang thang ngoài đường”, “Ngáo đá” (ma túy), “Hết thuốc chữa”, “Trơ trẽn”, “Ngụy biện trơ trẽn”, “Đâu phải nói tiếng người”, “Nói như vẹm”, “Chuyện lạ”, “Chuyện lạ có thật”, “Chuyện lạ chỉ có ở Việt Nam”, “Có gì lạ đâu, chuyện thường ngày ở Việt Nam“…

Ảnh minh họa của họa sĩ Yue Minjun, Canada. Nguồn: John Mitchell

Ngày trước, có thành ngữ ‘Chuyện thường ngày ở huyện’, nay không còn dừng lại đây mà đã tràn lên tỉnh, trung ương, nên thành ‘Chuyện thường ngày ở Việt Nam’

Do quá nhiều các bình luận kiểu này, xin không biên chép lại nữa.

Và các cán bộ dường như rất muốn chứng tỏ ta đây cũng rất là văn vẻ, phát ngôn luôn tuôn ra lời lẽ văn chương. Lời lẽ văn chương này được đánh giá là văn chương ba xu. Nhiều lời lẽ văn chương ba xu được dân chúng lấy làm thành ngữ, nhưng là thành ngữ mang nghĩa bỡn cợt, mỉa mai. Xin được đặt tên ‘thành ngữ hàm tiếu’.

Mục lục

Lời nói đầu

Mục I. HOANG NGÔN CỦA NHỮNG CÁN BỘ CHÍNH QUYỀN, CÁC BAN NGÀNH

Phần 1: Lĩnh vực cầu đường

Phần 2: Lĩnh vực giao thông

Phần 3: Lĩnh vực thuế, phí, vật giá

Phần 4: Lĩnh vực điện, thủy điện, thủy lợi, cấp thoát nước

Phần 5: Lĩnh vực môi trường

Phần 6: Lĩnh vực vệ sinh, an toàn thực phẩm

Phần 7: Lĩnh vực y tế

Phần 8: Lĩnh vực giáo dục

Phần 9: Lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và xã hội

Phần 10: Lĩnh vực kinh tế, thương mại, dự án đầu tư

Phần 11: Lĩnh vực khoa học, kỹ thuật

Phần 12: Lĩnh vực thông tin, truyền thông, tuyên truyền

Phần 13: Lĩnh vực bầu cử, quan quyền, dân quyền

Phần 14: Vấn nạn tham nhũng

Phần 15: Lĩnh vực tòa án, pháp lý

Mục II: HOANG NGÔN CỦA CÁN BỘ, SĨ QUAN CÔNG AN, QUÂN ĐỘI

Phần 16: 1- Cán bộ, sĩ quan công an

Phần 17: 2- Cán bộ sĩ quan quân đội

Mục III. HOANG NGÔN CỦA CÁC “BẬC CAO MINH, HIỀN TRIẾT, TRÍ THỨC” và “NGƯỜI CỦA CÔNG CHÚNG”

Phần 18: 1- Các bậc “cao minh”, “hiền triết”, “trí thức”

Phần 19: 2- “Người của công chúng”

Mục IV. HOANG NGÔN CỦA CÁN BỘ CẤP CAO (phần 20)

Mục V. HOANG NGÔN TIẾP NỐI HOANG NGÔN (phần 21)

Mục VI. NGƯỢC DÒNG THỜI GIAN

Phần 22: 1- Hoang ngôn dối trá, lừa mị

Phần 23: 2- Hoang ngôn về lĩnh vực kinh tế

Phần 24: 3- Hoang ngôn bạo lực

Mục VII: ĐOẠN KẾT

©Copyright Tiếng Dân và Trình Bút

Bình Luận từ Facebook

3 BÌNH LUẬN

  1. VN có nhà “từ điển học” Nguyễn Lân, có quốc sư Vũ Khiêu, nay thêm Bui Hiền “phó gs tiến sĩ cải tiến chữ quốc ngữ” thì bia đá e rằng không có đủ để ghi lại những hoang ngôn của thời đại HCM !

  2. Giời ạ, nội cách đặt vấn đề đã thấy đủ thứ vấn đề ở Việt Nam . Vấn đề thứ I, quá nhiều hoang ngôn tới nỗi đi tìm những câu phát biểu “tạm” lọt lỗ tai mới là điều khó, khó lắm luôn . Có thể lấy bất cứ 1 bài viết của 1 số nhân vật quen thuộc làm ví dụ; hoang ngôn như gạo được xay xát kỹ lưỡng, trắng phau phau không lẫn 1 lời tỉnh táo nào . Và càng “hiền triết, trí thức” hoang ngôn càng nhiều . Lấy ví dụ Bác Hồ kính yêu của chúng ta là bậc đại hiền triết, đại trí thức, lấy bản di chúc của Bác Hồ ra đọc, chỉ có dấu chấm, dấu phẩy & khoảng không gian bé tẹo giữa những con chữ là phi-hoang ngôn .

    Tới nước này, tớ nghĩ họ -“hiền triết, trí thức”- đang thi xem ai viết được nhiều hoang ngôn nhất . Và cuộc thi này tương đối cut-throat vì không ai chịu nhường ai .

    Tuy vậy, thôi thì tớ cũng hưởng ứng

    Nhà giáo dục lão thành đáng kính Phạm Toàn

    “nhưng dưới con mắt trong sáng và sự trải nghiệm tỉnh táo cùng sự cảm nhận tinh tế của một cá nhân, tôi có mấy tổng kết riêng như sau.

    Nước ta tự khi tái lập quốc năm 1945 tới nay đã trải qua một giai đoạn dài Đức Trị.

    Đất nước được duy trì “êm ả” trong một niềm tin sắt son. Đặc biệt là niềm tin vào Cụ Hồ.

    Cụ Hồ bảo làm gì, thì cái đó là đúng. Tuyệt đối đúng.”

    Link

    http://vanviet.info/van-de-hom-nay/di-ba-loi-voi-vng-nhung-than-trong-ve-sch-tieng-viet-1-cng-nghe-gio-duc/

    Với những “lời” kiểu này đời nào dám nhận ? Oh, đời xã hội chủ nghĩa . My bad!

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây