Bão sắp về…

Trung Nguyễn

12-11-2017

Luật bảo hiểm xã hội 2014 sẽ điều chỉnh giảm lương hưu của người lao động, bắt đầu từ năm 2018, để tiến tới cân đối quỹ. Vậy là những người lao động sẽ về hưu từ năm sau sẽ chỉ biết … thở dài hoặc cố gắng đi làm tiếp để đóng bảo hiểm tiếp, hy vọng khi về hưu sẽ có lương hưu cao hơn. Còn với những ai không đủ sức khỏe để đi làm tiếp, thì có lẽ phải sống những ngày cuối đời trong túng thiếu, bệnh tật.

Còn ở phía chủ doanh nghiệp cũng… thở dài vì khoản tiền đóng bảo hiểm xã hội cho nhân viên, công nhân của mình cũng tăng lên vì theo luật mới, các khoản chi cho người lao động có tính chất đều đặn cũng phải đóng bảo hiểm. Điều này kéo theo biên lợi nhuận của doanh nghiệp sẽ suy giảm. Chủ doanh nghiệp sẽ không mở rộng sản xuất hoặc tìm cách sa thải bớt nhân viên để giảm quỹ lương. Nguy cơ tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, kéo theo tỷ lệ tội phạm cao.

Đã có nhiều bài báo phân tích về các khía cạnh xã hội, kinh tế của việc giảm lương hưu. Tôi nhìn vấn đề này dưới góc độ chính trị.

Đừng mong thoát ly chính trị

Do tuyên truyền của giới lãnh đạo cộng sản sau hàng chục năm, đa số người dân Việt Nam hiện nay dị ứng với từ “chính trị”. Cứ nghe ai nói về “tự do”, “dân chủ”, “nhân quyền”, “đa nguyên đa đảng” là giãy nảy lên và tuyên bố xanh rờn: “Tôi không làm chính trị”. Có lẽ đó cũng là một trong những lý do mà rất nhiều người muốn làm chính trị nhưng chỉ tuyên bố tôi làm chuyện xã hội dân sự.

Cái giá phải trả cho việc dị ứng và sợ hãi chính trị là đại đa số người dân, trừ một thiểu số nắm quyền lực chính trị, sẽ bắt đầu phải tìm cách xoay sở khi lương hưu bị giảm nhưng số tiền đóng bảo hiểm lại tăng, chưa kể các loại thuế phí cũng tăng như thuế giá trị gia tăng. Cùng với đó là lạm phát kéo dài, khiến khoản tiền lương đã ít lại càng thêm ít.

Có thể hiểu chính trị là quá trình làm ra luật có tác dụng cưỡng chế đến toàn dân. Nghĩa là bất kỳ ai cũng bị ảnh hưởng bởi chính trị vì ai cũng bị chi phối bởi luật pháp.

Trong bộ luật hình sự do lãnh đạo đảng cộng sản ban hành không hề có điều nào cấm làm chính trị hay cấm có ý kiến chính trị trái với chính sách của đảng cộng sản. Thực sự đảng cộng sản làm tuyên truyền rất hiệu quả vì đã khiến người dân sợ hãi, im tiếng không dám phản đối những chính sách sai trái, bất hợp lý, ngược lòng dân, trái với lợi ích quốc gia.

Bên cạnh đó, cũng còn nhiều người dân khinh bỉ nhìn những người đấu tranh dân chủ bị tù tội như những người điên, hay hám tiền bạc của thực dân đế quốc. Cuối cùng thì bản thân những người dân đó cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của những chính sách tồi tệ của đảng cầm quyền.

Giới lãnh đạo cộng sản đại diện cho giai cấp nào?

Trong Hiến pháp cũng như trong cương lĩnh, đảng cộng sản Việt Nam luôn tự xưng là đại diện trung thành của giai cấp công nhân và nhân dân lao động. Vậy thì với luật pháp cho phép đồng lương hưu chết đói và lương tối thiểu cũng chết đói nốt, thì nói đảng cầm quyền đại diện cho nhân dân lao động có khiên cưỡng quá không?

Chính phó thủ tướng Vương Đình Huệ, trong buổi làm việc với Tổng Liên đoàn Lao động ngày 17/10/2017, đã nói thẳng là lương tối thiểu không đủ sống tối thiểu.

Luật bảo hiểm xã hội 2014 chuẩn bị có hiệu lực, cũng phân biệt ra hai hạng công dân. Công dân làm cho công ty tư nhân thì nhận lương hưu trên cơ sở trung bình lương đóng bảo hiểm xã hội trong cả quá trình đóng. Còn công dân làm cho nhà nước thì nhận lương hưu trên cơ sở trung bình của năm năm cuối. Nghĩa là tỷ lệ nhận lương hưu so với lương đi làm của người nhà nước sẽ cao hơn người dân thường.

Cũng có nghĩa là nguyên tắc mọi công dân bình đẳng trước pháp luật, quy định trong điều 16 hiến pháp của đảng cộng sản, bị vi phạm nghiêm trọng.

Bức bối hơn, chính ông Nguyễn Xuân Phúc khi còn là Phó Thủ tướng đã nói: “Trong bộ máy có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về”.

Cũng có nghĩa là đại đa số nhân dân lao động phải làm việc cật lực đóng thuế để nuôi một thiểu số cai trị bất tài cho đến chết.

Giới lãnh đạo cộng sản luôn tuyên bố kiên định với chủ nghĩa Mác Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để thực hiện công bằng xã hội. Tuy nhiên, nhìn vào pháp luật và thực tế bất công như vậy, có thể thấy chủ nghĩa Mác Lênin hay tư tưởng Hồ Chí Minh là viển vông, không áp dụng được vào thực tế, không cụ thể được thành pháp luật chuẩn mực.

Chính quyền không hiệu quả

Theo báo cáo của Kiểm toán nhà nước tháng 2/2017, phần lớn quỹ bảo hiểm xã hội là cho nhà nước vay, hàng ngàn tỷ đã mất vì tham nhũng như trong vụ ALC II. Trong khi đó, bản thân chính phủ và quốc hội thì liên tục kêu ca thu không đủ bù chi, phải đi vay nợ để chi thường xuyên, để trả lương cho công chức chứ không còn tiền để chi cho đầu tư phát triển.

Do đó, người lao động chẳng có lý do gì để tin rằng đến lúc mình về hưu thì quỹ bảo hiểm xã hội vẫn chưa vỡ. Đó cũng là nguyên nhân lớn nhất khiến họ tìm cách hạ số tiền phải đóng bảo hiểm hoặc tìm cách lấy ngay một cục khi nghỉ việc. Làn sóng xin nghỉ việc tăng đột biến trong năm 2017 đã nói lên điều đó.

Việc quản trị quốc gia nói chung và quản lý quỹ bảo hiểm xã hội nói riêng đầy tiêu cực và kém hiệu quả như vậy, nên chuyện sụp đổ tài khóa quốc gia, biến động an sinh xã hội, gây bất ổn khôn lường cho những năm sắp tới, là có thể thấy trước.

Hãy góp gió thành bão

Cơn bão chính trị đang ló dạng phía chân trời. Bão chưa hẳn đã xấu. Bão có thể cuốn phăng đi những gì bất công và thiết lập lại trật tự công bằng xã hội, xây dựng một chính quyền hiệu quả, đem lại quyền làm chủ đích thực cho người dân trên nền tảng một bản hiến pháp chuẩn mực.

Tuy nhiên, muốn như vậy, người dân Việt Nam cần xóa tan định kiến sợ chính trị mà trở thành những người Việt đoàn kết với nhau để “góp gió thành bão”.

© Copyright Tiếng Dân

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây