Giải Nhân quyền năm 2017 của Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam

11-11-2017

Những cá nhân và tổ chức được giải Nhân Quyền năm nay gồm: ông Nguyễn Hữu Vinh (blogger Anh Ba Sàm), bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh (blogger Mẹ Nấm), Mục sư Y Yích, và Hội Anh Em Dân Chủ, là ba cá nhân và một tổ chức đã được tuyển chọn từ một danh sách 14 người / tổ chức được đề cử.

Thông cáo báo chí của Mạng Lưới Nhân Quyền

Little Saigon, CA. USA – Trong cuộc gặp gỡ giới truyền thông vào ngày 10 tháng 11, Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam cho biết, Giải Nhân quyền Việt Nam năm 2017 được trao cho ông Nguyễn Hữu Vinh, bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, Mục Sư Y Yích và Hội Anh Em Dân Chủ. Họ được tuyển chọn từ danh sách 14 đơn đề cử từ Việt Nam và hải ngoại.

Được thành lập từ năm 2002, Giải Nhân quyền Việt Nam đã được trao hàng năm cho 39 cá nhân và 3 tổ chức, đã có những đóng góp xuất sắc và có nhiều ảnh hưởng đến các phong trào đấu tranh cho công lý và nhân quyền tại Việt Nam. Giải Nhân quyền VN còn là một cơ hội để người Việt ở hải ngoại bày tỏ tình liên đới với những người dấn thân vào cuộc chiến đấu không ngơi nghỉ vì những quyền căn bản cho nhân dân Việt Nam.

Buổi lễ trao giải năm nay sẽ được tổ chức tại hội trường thành phố Westminster, California, Hoa Kỳ vào ngày Chủ Nhật, 10 tháng 12 năm 2017, đúng Ngày Quốc tế Nhân Quyền lần thứ 69, và cũng đánh dấu 20 năm hoạt động của Mạng Lưới Nhân Quyền.

Sau đây là đôi dòng tóm lược về những người nhận giải năm 2017:  

Ông Nguyễn Hữu Vinh

Ông Nguyễn Hữu Vinh. Ảnh: AP

Ông Nguyễn Hữu Vinh, bút danh Anh Ba Sàm, sinh năm 1956, trú quán tại quận Đống Đa, Hà Nội. Blog Ba Sàm được thành lập ngày 9 tháng 9 năm 2007, tự nhận là “Cơ quan ngôn luận của Thông Tấn Xã Vỉa Hè”.

Ba Sàm là một trang blog thông tin nổi tiếng, với mục tiêu khai dân trí, nhằm mục đích mang tri thức đến cho mọi người. Trang Ba Sàm luôn là một trong những địa chỉ có đông đảo độc giả truy cập trong nhiều năm qua. Với slogan “Phá Vòng Nô Lệ”, blog Ba Sàm đã đem đến cho người đọc nhiều kiến thức bổ ích, thú vị, giúp thay đổi nhận thức của nhiều người dân trong nước. Ngoài trang Ba Sàm, ông Nguyễn Hữu Vinh cũng đã cùng các nhân sĩ, trí thức trong nước lập các trang Dân Quyền và Việt Sử Ký.

Từ ngày thành lập đến ngày 20-4-2017, là ngày trang Ba Sàm ngưng hoạt động, trang Ba Sàm đã đăng tải tổng cộng là 12.501 bài viết. Các bài viết nổi tiếng đã được đăng tải trên ba trang mạng nói trên, bị coi là sai trái bao gồm: “Dừng lấy phiếu tín nhiệm là một bước lùi“, “Tín nhiệm hay còn ai tín nhiệm nữa“, “Không còn Đảng, không còn mình – Không còn Đảng, mình vẫn còn“, “Khởi công xây dựng mộ treo thứ hai cho Hồ Chí Minh“, “Ủng hộ Thủ tướng thay đổi thể chế“…

Theo cáo trạng của tòa án nước Cộng hòa XHCN VN, Ông Nguyễn Hữu Vinh đã có hành vi đăng tải các bài viết trên mạng Internet có “nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân về cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại Điều 258 Bộ Luật Hình sự nước CHXHCN Việt Nam“. Đây là một điều luật tai tiếng mà chính quyền Hà Nội hiện nay thường sử dụng để bịt miệng những người đấu tranh, những blogger khi họ thể hiện chính kiến, thể hiện quyền tự do ngôn luận.

Tổ chức theo dõi nhân quyền (Human Right Watch) đã từng có yêu cầu thả ông Vinh, coi việc bắt giữ này là vi phạm nhân quyền, vi phạm quyền tự do ngôn luận. Sau khi ông Vinh bị bắt, đã có 51 người đồng ký tên vào Yêu cầu trả tự do cho ông Nguyễn Hữu Vinh. Yêu cầu này được gửi đích danh cho Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang. Từ năm 2014, Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức đã mở một cuộc điều trần về tình hình nhân quyền tại Việt Nam và về trường hợp của ông Nguyễn Hữu Vinh.

Với những hy sinh cá nhân, đứng lên tranh đấu vì nhân quyền và công bằng xã hội, mặc dù đã bị CSVN đe dọa, mua chuộc nhiều lần nhưng vẫn tiếp tục kiên cường dấn thân. Trong thời gian bị tù, vẫn tỏ ra can đảm và kiên cường với lý tưởng tranh đấu cho nhân quyền và dân chủ, ông Nguyễn Hữu Vinh xứng đáng được trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2017.

Bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh

Blogger Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh. Ảnh: internet

Blogger Mẹ Nấm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh sinh năm 1979 tại Khánh Hòa, Việt Nam. Bà bắt đầu viết blog vào năm 2006 khi bà đến thăm một bệnh viện và chứng kiến nhiều người nghèo trong nắng nóng, tuyệt vọng chờ đợi để điều trị, nhưng bị phớt lờ vì họ thiếu tiền để đút lót các quan chức bệnh viện.

Ngày 3 tháng 9 năm 2009, Mẹ Nấm bị cơ quan an ninh bắt giam 10 ngày và thẩm vấn vì in ấn và phát tán 40 cái áo thun có nội dung phản đối Trung Quốc chiếm giữ Hoàng Sa, Trường Sa và phản đối Dự án khai thác bô xít ở Tây Nguyên vì môi trường.

Ngày 21 tháng 5 năm 2013, Mẹ Nấm cùng với blogger Binh Nhì Nguyễn Tiến Nam công khai phát cho nhiều người bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, do đó bà bị công an Khánh Hòa bắt giữ trong nhiều tiếng đồng hồ.

Trong năm 2014, bà Quỳnh đã thu thập tài liệu về 31 người dân bị tử vong khi bị gọi lên “làm việc” rồi bị tạm giữ tại trụ sở công an. Tài liệu này sau đó đã được bà phổ biến trên mạng.

Ngày 25 tháng 7 năm 2015, Mẹ Nấm và 3 blogger bị bắt giữ và bị đánh tại bãi biển Nha Trang khi tổ chức tuyệt thực vì ‘tù nhân lương tâm’ đòi “Tự do cho Nguyễn Ngọc Già, Bùi Thị Minh Hằng và Trần Huỳnh Duy Thức”.

Ngày 15 tháng 5 năm 2016, Mẹ Nấm biểu tình tại TPHCM phản đối công ty Formosa đã làm cá chết hàng loạt tại miền Trung, và bị bắt về đồn Công an.

Ngày 10 tháng 10 năm 2016, Mẹ Nấm cùng với mẹ của Nguyễn Hữu Quốc Duy đến Trại tạm giam sông Lô tỉnh Khánh Hoà, để đòi được thăm nuôi và đưa video trực tiếp lên Facebook. Nguyễn Hữu Quốc Duy bị kết án ba năm tù giam vì tội “tuyên truyền chống phá Nhà nước” do chia sẻ những thông tin trên facebook. Công an đã ra mời bà vào trại giam và giữ bà lại luôn.

Mẹ Nấm đã viết 400 bài trên Facebook cá nhân (gồm 1.180 trang) và đặc sắc nhất là tập tài liệu “Chấm dứt tình trạng công an giết hại dân thường”.

Bà Quỳnh bị bắt giữ từ tháng 10 năm ngoái. Ngày 29 tháng 6 năm 2017, Toà án nhân dân tỉnh Khánh Hòa xét xử, tuyên phạt Mẹ Nấm 10 năm tù giam với tội danh Tuyên truyền chống nhà nước, mặc dù bà chỉ thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình.

Bà được phu nhân Tổng Thống Hoa Kỳ tuyên dương là “người phụ nữ can đảm”. Bà cũng được nhiều chính khách Hoa Kỳ và Đức quốc quan tâm.

Mạng Lưới Nhân Quyền VN hân hạnh trao giải cho bà Nguyễn Ngọc Như Quỳnh vì bà là một tấm gương hy sinh cho vận mệnh tổ quốc và bền bỉ đấu tranh cho nhân quyền của người dân Việt.

Mục Sư Y Yích

Mục sư Y Yích. Ảnh: MLNQ

Mục sư Y Yích sinh năm 1960, trú tại làng A Luk, tỉnh Gia Lai. Năm 2007, Mục sư Y Yích bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt và bị kết án tù 6 năm, chỉ vì tội cùng với người Thượng biểu tình đòi đất và đòi tự do tôn giáo.

Năm 2011 Mục sư Y Yích ra tù và tiếp tục hoạt động cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Ông đã tổ chức kêu gọi người dân các buôn làng kéo nhau lên các ủy ban huyện và tỉnh để biểu tình, yêu cầu trả lại đất đai bị quân đội và công an tịch thu, ngoài ra còn đòi thả hết tù nhân lương tâm tôn giáo và chính trị ở các trại giam.

Ngày 27/9/2013 ông bị nhà cầm quyền tỉnh Gia Lai bắt lần thứ hai và kết án 12 năm tù giam. Hiện ông bị biệt giam tại trại An Phước, tỉnh Bình Dương. Ông bị bệnh cao huyết áp, đau khớp, viêm gan và sỏi thận, tinh thần và sức khỏe suy yếu, có thể nguy đến tính mạng.

Mục Sư Nguyễn Công Chính, một tù nhân lương tâm, đã được tị nạn chính trị tại Hoa Kỳ hồi tháng 7/2017, nói về Mục sư Y Yích như sau: “Trong những ngày tù chung với MS Y Yích ở trại An Phước, Bình Dương hơn 4 năm, MS Y Yích đã cùng tham gia đấu tranh trong tù để đòi các quyền sống, cũng như bảo vệ anh em tù nhân lương tâm tôn giáo và chính trị tại trại giam An Phước. Hai ông đã cùng một số anh em tuyệt thực chống lại các cuộc tra tấn tinh thần và ngược đãi tù nhân. Trong khi một số các tù nhân lương tâm người thượng thiếu hiểu biết, thường hay nhận tội để được giảm án hoặc được một số quyền lợi như là được gọi điện thoại về nhà hay được gặp thêm giờ, thì Mục sư Y Yích can trường chấp nhận tử vì đạo, tuyệt đối không nhận tội để được về sớm“.

Mục Sư Y Yích đã đấu tranh nhiều năm cho tự do tôn giáo và nhân quyền tại Tây nguyên; đã bị nhà cầm quyền cộng sản kết án tổng cộng 18 năm tù vì sự đấu tranh của ông; với tinh thần bất khuất tiếp tục đấu tranh trong tù, giữ vững đức tin và lập trường chính trị của một tù nhân lương tâm tôn giáo và chính trị: Ông xứng đáng được vinh danh và trao giải Nhân quyền trong năm 2017.

Hội Anh Em Dân Chủ

Hội Anh Em Dân Chủ. Ảnh: internet

Hội Anh Em Dân Chủ Việt Nam (HAEDC – Brotherhood For Democracy) được thành lập ngày 24/04/2013 trên mạng xã hội Facebook, không theo qui định của luật pháp CH XHCN VN. Do đó các hoạt động của HAEDC không chịu sự điều chỉnh của pháp luật Việt Nam hiện hành.

Được sáng lập bởi luật sư Nguyễn Văn Đài và hơn 40 cựu tù nhân lương tâm như kỹ sư Phạm Văn Trội, mục sư Nguyễn Trung Tôn…  HAEDC hiện nay đã có rất nhiều thành viên ghi danh gia nhập. Thành viên của HAEDC ở cả 3 miền Bắc Trung Nam thường xuyên bị bao vây, ngăn chặn di chuyển, sách nhiễu, tấn công, hành hung, thẩm vấn… như thông tin dư luận đều đã biết.

Hiện nay, HAEDC có 12 thành viên đang bị khởi tố tạm giam điều tra, hay đã bị truy tố xét xử theo Điều 79 và 88/BLHS – dù họ chỉ tham gia các hoạt động XHDS, vận động dân sinh, dân quyền, nhân quyền một cách hòa bình, bất bạo động. Ngoài ra, hiện còn nhiều thành viên HAEDC đã đang phải trốn tránh, đào tỵ để tránh bị truy nã, sách nhiễu.

HAEDC đã có những hoạt động chính như:

– Sử dụng internet, blog, các trang mạng xã hội như Facebook; tổ chức các lớp học … để quảng bá các kiến thức về nhân quyền và các hoạt động nhân quyền ở Việt Nam.

– Trợ giúp pháp lý miễn phí; phối hợp cũng với các luật sư nhân quyền để bảo vệ những người hoạt động nhân quyền trong các hoạt động của họ, cũng như bảo vệ những người hoạt động nhân quyền khi họ bị bắt và bị xét xử.

– Phối hợp với các tổ chức xã hội dân sự khác trong việc ký và gửi các kiến nghị, các văn bản về quyền con người tới các cơ quan chính quyền Việt Nam và các tổ chức quốc tế, chính phủ các nước.

Do hoạt động trên một địa bàn rộng, tích cực đa dạng, nên HAEDC được xem là tổ chức Xã hội Dân sự hàng đầu trong nước. Các thành viên HAEDC đều có tham gia hoặc tổ chức hầu như tất cả sự kiện, hoạt động XHDS, biểu tình dân sinh, dân oan, nhân quyền… của phong trào chung trong nước trong nhiều năm qua. Nhiều thành viên của HAEDC bằng những trái tim, khối óc và an ninh/ sinh mang của chı́nh cá nhân/gia đình để đứng lên đấu tranh cho tự do dân chủ, tham gia đấu tranh cho những quyền căn bản nhất; đòi quyền sống cho đồng bào và dân tôc mình.

Để ngăn chặn tiềm năng phát triển, ảnh hưởng của HAEDC lan rộng khắp các tầng lớp ̣ trong xã hội và triệt hạ những họat động tích cực liên quan đến nhân quyền, HAEDC đã phải nhận lãnh sự trù dập, đàn áp khốc liệt và chịu tổn thất nặng nề nhất từ trước đến nay. ̣

Với tầm vóc ảnh hưởng và những hy sinh, đóng góp tích cực trong nhiều năm qua, HAEDC Việt Nam là một tổ chức đấu tranh nhân quyền xứng đáng được trao Giải Nhân Quyền Việt Nam 2017.

Mời xem video buổi họp báo công bố kết quả tại đây:

Kính mời quý vị đến tham dự Ngày Trao Giải Nhân Quyền của Mạng Lưới Nhân Quyền VN vào ngày Chủ Nhật 10 tháng 12 năm 2017, tại Phòng Sinh Hoạt thành phố Westminster (Westminster Civic Center, 8200 Westminster blvd, Westminster, CA 92683)

Trân trọng,

Vietnam Human Rights Network

15621 Beach Blvd, #6, Westminster, CA 92683

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây