Giá trị của sự phê phán

FB Luân Lê

6-11-2017

Tôi thấy giật mình với một số doanh nhân xã hội chủ nghĩa hết mực ca ngợi và còn thích thú triết lý của ông Ma bên Tàu về việc những người thành công họ không than phiền. Rồi có vị còn lấy làm tâm đắc về điều này.

Thoạt nghe qua thì có vẻ cũng hợp lý đấy, nhưng nó chỉ thích hợp cho phạm vi rất hẹp cho cá thể hoặc có cơ sở trong một xã hội (tự do) đã đạt tới những giá trị phổ quát cho con người phát triển. Còn ngược lại, đó chỉ là lập luận để đánh tráo khái niệm và né tránh những nguyên nhân khách quan của một mô hình xã hội bất ổn luôn có xu hướng tước bỏ lợi ích của những người khác và trao nó cho một số ít kẻ có liên quan.

Nhưng, nhìn về khía cạnh giá trị tư tưởng thì than phiền hay nhìn thấy được những bất ổn, lên tiếng, phê phán và chỉ trích xã hội, con người và chính quyền của một đất nước sẽ tạo ra những nhà lãnh đạo, chính trị gia và nhà triết học lớn cho quốc gia, hoặc lớn hơn nữa là cho cả thế giới ngoài kia học hỏi.

Hãy nhìn vào Mark Zuckerberg, cách đây vài ngày khi đứng trước các sinh viên tốt nghiệp trường Harvard khoá 2017 cũng “phàn nàn” về một xã hội mà con người thiếu đi mục đích, tạo ra những khoảng cách lớn về giàu nghèo, sự bất bình đẳng giữa những con người với con người. Và nhờ đó mà Mark mới muốn kiến tạo nên một xã hội (thế giới) mà ở đó những mục đích được định hình và ai cũng sẽ trở nên là người vĩ đại, là một “công dân toàn cầu”.

Ngay cả nhà khoa học lẫy lừng Einstein còn luôn tỏ ra bất an và luôn phàn nàn cũng như than phiền về thế giới chật hẹp, hỗn độn, con người tham lam, độc ác và vì thế ông đã viết cuốn sách “Thế giới như tôi thấy” là để làm cho thế giới này tốt đẹp hơn lên.

Hay nói trực tiếp về triệu phú Alan Phan gốc Việt đã mất gần đây, người thành đạt trên đất Mỹ nhưng thật đau khổ khi ông muốn về gây dựng tại đất nước mình thì thất bại thảm hại vì giới trẻ lười biếng (ông gọi là thế hệ trẻ già nua), môi trường đầu tư ngột ngạt, xã hội nhiễu nhương, pháp lý bất ổn. Và ông “phàn nàn”, “than phiền” về thực trạng con người, quốc gia này với trách nhiệm của một người thành công thực sự trên đất người nhưng đau đáu hướng về quê hương.

Còn mấy doanh nhân xã nghĩa thì thường được hậu thuẫn bởi quyền lực, bởi sự liên quan (lợi ích thân hữu) để có cơ hội mà tích tụ tài sản. Nhìn vào phần nổi của xã hội xem bao nhiêu doanh nhân xã nghĩa đã từng được tung hô là hình mẫu thành đạt đã phải vào tù hoặc thân bại danh liệt vì nhiều tai tiếng?

Hơn nữa, tại sao trên đất nước này không mấy ai đi nói về triết lý kinh doanh hoặc nói về đạo đức làm ăn trước bàn dân thiên hạ? Vì họ không có triết lý hay đạo đức nào để nói với các bạn cả. Họ chỉ có thủ thuật và những mối quan hệ ngầm để lớn mạnh lên. Và mỗi khi nghe những triết lý của những doanh nhân ngoại quốc thì họ xuýt xoa, tấm tắc ngợi khen là bởi vì chúng ta không có môi trường và triết lý kinh doanh. Và những thứ ở quốc gia tự do cạnh tranh khác thì những triết lý, kinh nghiệm của những doanh nhân thành đạt đó là có giá trị và có thể sử dụng được. Còn chúng ta có ai mà đem áp dụng vào được trong một môi trường mà làm ăn bất chấp để đạt lợi ích và chính trị chi phối hay không?

Việc phải lên tiếng, phải than phiền, phải phàn nàn trước những bất ổn của xã hội sẽ tạo nên sự trong sạch về môi trường, về cách làm ăn, về cách tồn tại một cách đường hoàng, tử tế cho tất cả mọi người trong xã hội.

Nếu không ai than phiền về một xã hội đầy rẫy dối trá, bất công thì xã hội ấy sớm muộn cũng suy vong dưới tay bọn tư bản hoang dã giàu lên nhờ làm ăn dựa vào quyền lực ám muội. Nó đã từng là lý do đẩy thế giới vào cuộc cách mạng tư sản để loại bỏ những bàn tay sát thủ kinh tế nguy hại tàn phá xã hội vào thế kỷ 18 và thế kỷ 19.

Chính nhờ những nhà tư tưởng, kinh tế, triết học và chính trị gia có tầm nhìn và dám phê phán xã hội, chính quyền một cách trực diện thì mới tạo ra một xã hội công bằng, văn minh cho người dân thụ hưởng.

Đương nhiên, những kẻ có thể sở hữu “nô lệ” thì luôn bảo vệ và khen ngợi sự tốt đẹp dành cho thứ nó được hưởng lợi, chứ nó không khi nào dám nói về phần ngược lại của vấn đề mà do chính nó là nguồn cơn khởi tạo ra những bất ổn, tha hoá cho xã hội đang dung chứa nó.

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

  1. Tớ đề nghị 1 số triết lý kinh doanh phù hợp với hoàn cảnh nước mình

    “Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại chúng ta, thời đại của giai cấp tư sản, là đã đơn giản hoá những đối kháng giai cấp. Xã hội ngày càng chia thành hai phe lớn thù địch với nhau, hai giai cấp lớn hoàn toàn đối lập nhau: giai cấp tư sản và giai cấp vô sản.

    Giai cấp tư sản đã đóng một vai trò hết sức cách mạng trong lịch sử.

    Những vũ khí mà giai cấp tư sản đã dùng để đánh đổ chế độ phong kiến thì ngày nay quay lạị đập vào ngay chính giai cấp tư sản.

    Những giai cấp tư sản không những đã rèn những vũ khí đã giết mình; nó còn tạo ra những người sử dụng vũ khí ấy chống lại nó, đó là những công nhân hiện đại, những người vô sản.

    Cuộc đấu tranh của giai cấp vô sản chống lại giai cấp tư sản, dù về mặt nội dung, không phải là một cuộc đấu tranh dân tộc, nhưng lúc đầu lại mang hình thức đấu tranh dân tộc. Đương nhiên là trước hết, giai cấp vô sản mỗi nước phải thanh toán xong giai cấp tư sản nước mình đã.

    Sự sụp đổ của giai cấp tư sản và thắng lợi của giai cấp vô sản đều là tất yếu

    Những người cộng sản coi là điều đáng khinh bỉ nếu giấu giếm những quan điểm và ý định của mình. Họ công khai tuyên bố rằng mục đích của họ chỉ có thể đạt được bằng cách dùng bạo lực lật đổ toàn bộ trật tự xã hội hiện hành. Mặc cho các giai cấp thống trị run sợ trước một cuộc Cách mạng cộng sản chủ nghĩa! Trong cuộc cách mạng ấy, những người vô sản chẳng mất gì hết, ngoài những xiềng xích trói buộc họ. Họ sẽ giành được cả thế giới.

    Vô sản tất cả Việt Nam, đoàn kết lại!”

    Chỉ cần Đảng cải tạo chúng nó thêm 1 lần nữa để xem đứa nào thành công hay thất bại => than phiền hay không .

Leave a Reply to montaukmosquito Hủy trả lời

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây