Về lương nhà giáo: Nói đi đôi với làm

FB Chu Mộng Long

1-11-2017

Ảnh minh họa. Nguồn: VTV

Không có quốc gia nào có chế độ lương tệ hại đối với ngành giáo và ngành y như Việt Nam. Đối với ngành giáo, khi đang làm việc thì sống ngoắc ngoải, buộc phải tìm mọi cách, lương thiện thì dạy thêm, bất lương thì móc túi phụ huynh và những trò làm tiền như mua bán, hợp thức hóa bằng cấp. Đến khi nghỉ hưu thì từ ngắc ngoải đến… ngất!

Kẻ không biết động lòng là kẻ không có trái tim! Biết động lòng lên tiếng là tốt. Nhưng nói dễ làm khó. Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng nói: đến năm 2000 giáo viên sống được bằng lương. Nay sắp sang năm 2018, có lẽ do chưa thấy ai chết bằng lương nên lời ông Nguyễn Thiện Nhân để gió cuốn đi. Nay anh Nhạ lại lên tiếng và mọi người lại hy vọng.

Riêng tôi chẳng hy vọng gì. Nếu tôi là Bộ trưởng tôi cũng chào thua. Như tôi từng nói, ngay từ thời ông Nhân, rằng ông lãnh đạo hành chính và chuyên môn, còn tiền lương là do ông khác lãnh đạo. Mà nếu có tác động tích cực vào ông khác, cái ông khác là ông Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính ấy cũng bó tay, vì chỉ cần tăng lên 100 ngàn đồng/người đã có thể… vỡ nợ.

Vậy phải làm gì? Chỉ có cái ông đang điều hành kinh tế vĩ mô là làm được thôi. Tôi muốn nói đến Thủ tướng Chính phủ. Hãy làm bằng quyền năng của mình chứ thông cảm bằng cách xuống xưởng thử ăn một suất cơm của công nhân thì chẳng giải quyết được điều gì.

Một là, điều chỉnh thu nhập (chứ không phải lương nhé) của những ngành có thu nhập trên trời như dầu khí, điện lực, viễn thông…, đánh thuế thu nhập thật cao các ngành nghề có thu nhập quá chênh lệch với mặt bằng thu nhập chung của xã hội, lấy nguồn đó mà điều chỉnh lương cho những ngành cống hiến nhiều nhất cho quốc gia mà không có thu nhập nào thêm.

Hai là, giải tán ngay các hội, các đoàn thể ăn lương hoặc để cho các tổ chức ấy tự làm tự nuôi. Tinh giản tối đa bộ máy quyền lực cồng kềnh ăn hại đái nát để tích lũy ngân sách, lấy nguồn đó điều chỉnh lại lương.

Ba là, tước đoạt tài sản của những quan lại giàu khủng đưa vào ngân khố để cải thiện tiền lương cho người lao động. Tôi dùng từ “tước đoạt” là đúng tinh thần phủ định biện chứng của chủ nghĩa Marx: “Tước đoạt kẻ đã tước đoạt mình”.

Không cần phải điều tra bằng cách truy nguồn gốc tài sản như ông Tổng Thanh tra Chính phủ đang than phiền (hay đúng ra là sợ hãi), tôi chắc rằng, tài sản hàng ngàn tỷ trong tay các quan chỉ có thể là sự tước đoạt tài sản quốc gia và nhân dân mới có được.

Tóm lại, một số ngành lương chết đói vì không do thiếu tiền, mà do bất công và bất hợp lý về sự sử dụng lao động, huy động và chi tiêu ngân sách. Chỉ có làm ba điều như tôi nói trên thì lời nói của ông Nhạ hay thậm chí là Nghị quyết Trung ương mới thành hiện thực!

Chúng tôi cần hành động thiết thực chứ không cần lời nói vuốt ve, an ủi rồi gió lại cuốn trôi!

Bình Luận từ Facebook

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây