Học cách chống tham nhũng

FB Luân Lê

1-11-2017

Tôi không thể hiểu tại sao lại có thể vô tư phát biểu với công luận rằng luật pháp không quy định việc truy hồi nguồn gốc tài sản của cán bộ nên không thể xác minh được mà có thể lên tới được chức Cục trưởng cục chống tham nhũng (?).

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng Phạm Trọng Đạt. Ảnh: internet

Chúng ta hẳn cũng còn nhớ chính ông này thừa nhận việc “những kẻ tham nhũng là người có quyền chức, chống lại có khi chúng tôi chết trước” cách nay không lâu. Như vậy có nghĩa rằng, người ta có thể chấp nhận bất lực (vì sợ chết trước) trước tình trạng lộng quyền và tham nhũng hoành hành chính trong bộ máy mà lại ở tầng cao nhất của chính quyền.

Và cũng chính ông Phó tổng thanh tra chính phủ còn thừa nhận rằng trong cơ quan chống tham nhũng có tham nhũng. Đại biểu Quốc hội cũng phải thốt lên: người ngay thẳng, trong sạch lại bị bọn gian tham cô lập và trù dập.

Với một bộ máy như thế và với những con người như thế thì vận hành kiểu gì trong vấn đề quản trị quốc gia ngoài việc tạo ra cơ hội trục lợi cho bọn lưu manh, bất tài và tham lam, suốt ngày phải lo chống lại sự tha hoá của chính nó?

Nếu chống tham nhũng, có hai khuynh hướng để học hỏi ngay châu Á hoặc gần hơn nữa là khu vực Đông Nam Á chúng ta chứ không cần đâu xa.

Đầu tiên, là Hàn Quốc. Khi chưa có dân chủ bằng thể chế đa đảng, đa nguyên chính trị, chính phủ độc tài của ông Park Chung-hee đã thi hành thiết quân luật đến mức khắc nghiệt: bắn bỏ bất cứ ai lấy của công dù chỉ 1 đồng. Và sau gần 20 năm thắt lưng buộc bụng, ông ta đã đưa đất nước này phát triển một cách thần kỳ, ngoài sức tưởng tượng.

Thứ hai, là Singapore. Ông Lý Quang Diệu đưa ra chính sách chống tham nhũng với hai vấn đề: một là trả lương rất cao cho những người đứng đầu một bộ; hai là kê khai và minh bạch mọi tài sản của quan chức và người thân của họ. Nếu không thể chứng minh (giải trình) được về nguồn gốc số tài sản đó được tạo lập từ nguồn tiền nào (ngoài mức lương rất cao đã được chính phủ chi trả) thì được coi là tài sản tham nhũng. Số tài sản ấy phải bị tịch thu và quan chức đó sẽ bị xét xử theo luật định.

Còn ta thì loanh quanh chỉ kiểm tra đảng, thanh tra ngành, liên ngành mà đến nửa năm cũng không xong, và rồi cũng chỉ “kỷ luật là hết sức nghiêm minh”. Và giờ là đến việc bất lực vì không có quy định về truy hồi nguồn gốc tài sản cán bộ.

Vậy thế chẳng phải là cả một hệ thống cồng kềnh với đủ loại nhân lực, cấp bậc, ban bệ mà rồi trở nên vô tác dụng trước tình trạng tham nhũng hoành hành vì thiếu đi quy định (thiết yếu nhất) để chống tham nhũng?

Một chính quyền không có công cụ và cương quyết chống (diệt trừ) tham nhũng thì sẽ chống tham nhũng kiểu gì?

Bình Luận từ Facebook

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Xin bình luận ở đây
Xin nhập tên của bạn ở đây